Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 14 / Bill Clinton trong Nhà Trắng

Bill Clinton trong Nhà Trắng

- Nguyễn Lộc — published 01/12/2010 00:40, cập nhật lần cuối 01/01/2011 19:11

Nghĩ về bốn năm sắp tới với


Bill Clinton trong Nhà Trắng


Nguyễn Lộc

 

Mùa bầu cử 1992 vừa rồi đã thu hút được những quan tâm đặc biệt và sự tham dự khá ngoạn mục của cộng đồng người Việt ở Mỹ. Tại Orange County, vốn là chỗ dựa vững chắc của đảng Cộng Hoà, một “Uỷ ban người Mỹ gốc Việt ủng hộ Clinton” ra đời và hoạt động khá rầm rộ, song song với “Uỷ ban người Mỹ gốc Việt ủng hộ Bush-Quayle”.

Bây giờ, mọi việc đã ngã ngũ... Một lô những câu hỏi tất nhiên được đặt ra cùng với những lo âu, thắc mắc, và có cả những hy vọng hoặc kỳ vọng nữa về bốn năm sắp tới.

Có lẽ một điều ai cũng có thể đồng ý: vấn đề phục hồi kinh tế phải là mục tiêu hàng đầu của chính phủ Clinton - Gore. Trong đó, đối với cộng đồng người Việt, một số vấn đề lại được đặc biệt quan tâm hơn.

Thứ nhất, không ít bà con, đặc biệt là thành phần trẻ, đồng thời cũng là trụ cột về kinh tế của nhiều gia đình, kiếm sống trong khu vực hi-tech (kỹ thuật cao cấp) của Mỹ, một khu vực có liên hệ khá gần đến công nghiệp quốc phòng. Xuyên suốt mùa tranh cử, Clinton đã nhắc đi nhắc lại yêu cầu thích nghi nền kinh tế của thời chiến tranh lạnh với hoàn cảnh hậu chiến ngày nay. Người ta dự đoán sẽ có nhiều thay đổi trong lãnh vực kinh tế trực tiếp hoặc gián tiếp có liên hệ với quốc phòng. Do đó không ít người đang chờ đợi, lo âu...

Thứ hai, là vấn đề quyền sống. Nói gần, đó là vấn đề phúc lợi xã hội, một quan tâm không nhỏ của cộng đồng. Từ trợ cấp người già, trợ cấp gia đình có con nhỏ, trợ cấp huấn nghệ, cho đến trợ cấp an sinh xã hội nói chung, v.v..., rồi những gì sẽ xẩy ra? Tuỳ thuộc vào các ưu tiên khác, các loại trợ cấp này có thể bị ảnh hưởng, kể cả cắt giảm. Nhìn xa một chút, đó là chính sách thu nhận người nhập cư. Ngày 12.11.92 vừa qua, tổng thống đắc cử Clinton đã tuyên bố về vấn đề người tị nạn vượt biển từ Haiti sang Mỹ: khác với chính phủ Bush, ông chủ trương sẽ không tống xuất vô điều kiện những người này và hứa sẽ cứu xét việc họ xin tị nạn ở Mỹ. Tất nhiên, bà con người Việt sẽ dễ liên hệ chủ trương này với số phận của mấy chục ngàn đồng bào còn kẹt trong các trại tị nạn ở Hồng Kông, Philipin, Inđônêxia, Thái Lan... Nhìn xa thêm chút nữa – mà cũng rất gần với trái tim nhiều người –, là vấn đề nhân quyền, vấn đề dân chủ ở Việt Nam. Đối với một số người, gắn liền với các vấn đề này là việc gỡ bỏ lệnh cấm vận và tái lập bang giao Mỹ-Việt.

Quan tâm và mong đợi thì rất nhiều. Tìm ra các câu trả lời thoả đáng thì còn quá khó, nhất là ngay trong lúc này ông Clinton và ê-kíp chuyên viên, chính khách quanh ông ta vẫn còn đang bận rộn thu xếp, hoạch định... đường hướng, chính sách, và nhân sự cho chính phủ mới. Làm dự báo lại cũng không dễ vì không có dữ kiện, do đó chỉ xin được nói lên một số hi vọng và nhận xét riêng, dựa theo các thăm dò, suy nghĩ, khuyến cáo của các ký giả và nhà bình luận ở Mỹ. Một lời cảnh giác được nhắc đến ngay từ khi các mùa tranh cử vừa bắt đầu là sự khác biệt hiển nhiên giữa vị thế một ứng cử viên và của vị nguyên thủ quốc gia tại chức. Nhà hành pháp tương lai sẽ phải đương đầu với một thế giới đầy phức tạp, trong đó các tương quan nhiều chiều sẽ khắc chế những quyết định từng được ứng cử viên hứa hẹn khá thoải mái trước cử tri...


Một vài vấn đề lớn của Mỹ và khả năng đáp ứng của Clinton

Tổng thống đắc cử Clinton đã đáp ứng lại một loạt vấn đề: kinh tế suy thoái, mất cân đối trong các mối giao thương quốc tế, mức sống người dân Mỹ xuống cấp, niềm lạc quan về tương lai trong người dân Mỹ bình thường suy giảm trầm trọng... bằng cách công bố việc sẽ thành lập một Hội đồng An ninh kinh tế (Economic Security Council). Chỉ qua các phản ứng sơ khởi chung quanh cái HĐANKT này không thôi ta đủ thấy mức độ phức tạp của vấn đề.

Ngay từ đầu, đã có một số phản ứng không thuận lợi trước cái danh xưng hàm ý Mỹ sẽ dính líu vào một cuộc “chiến tranh kinh tế” này. Cũng có người lại cho rằng danh xưng đó thể hiện một đường lối mới, kết hợp chặt chẽ ngoại giao với một chính sách toàn cầu. Nhóm khác, chủ trương cần thiết có một cơ chế để điều hợp các cơ quan chức năng cùng liên quan đến chính sách kinh tế, giao thương, tài chính và ngân sách trong chính phủ, thì thấy HĐANKT trong vai trò này. Còn những người vốn vận động cho một chính sách quốc gia về kinh tế – hoặc ít ra cũng là một tụ điểm để vạch ra các phương hướng chiến lược kinh tế – lại coi đây là một dấu hiệu tốt, đúng hướng để giải quyết vấn đề kinh tế một cách tập trung hơn. (1)

Trước mắt, việc hà hơi tiếp sức cho nền kinh tế sẽ là ưu tiên số một. Đi vào thực tế, hiện vẫn có nhiều trường phái khác nhau trong vòng thân cận của tổng thống đắc cử Clinton. Và phe nào cũng cố thuyết phục, lôi kéo người lãnh đạo quốc gia về phía mình. Vấn nạn ở đây là nghệ thuật đi dây thăng bằng giữa phát triển (growth) và thiếu hụt ngân sách (deficit). Tuỳ theo trường phái nào sẽ thắng, các ưu tiên dành cho các chương trình khác sẽ bị thay đổi theo. Một số hứa hẹn về các chương trình bao cấp cho nông nghiệp và an sinh xã hội có thể bị ảnh hưởng nặng (Fortune 30.11.92). Nhìn xa hơn, đối với quốc nội, với chiến tranh lạnh chấm dứt, nhiều người tin rằng chính phủ sắp tới đây của Hoa Kỳ – bất kể Dân chủ hay Cộng hoà – sẽ phải đặt vấn đề tích cực chuyển hoá nền kinh tế có định hướng quốc phòng của Mỹ sang một nền kinh tế dân sự, hoặc ít ra, nói theo kiểu ông Clinton, cũng là một nền kinh tế lưỡng dụng (dual use). Đây là một việc gần như vá trời (2). Riêng với tiểu bang California, nơi sinh sống của một cộng đồng người Việt có thể nói là lớn nhất thế giới, bên ngoài Việt Nam, đó lại là việc sống chết. Sau màn phô diễn sức mạnh kỹ thuật và phương tiện chiến tranh hiện đại của Mỹ ở vùng Vịnh, khuynh hướng duy trì nền công nghiệp chiến tranh đã có lúc tạm thời tìm lại thế thượng phong. Nhưng sau đó, khi các sự thật về mức hiệu dụng của các vũ khí hi-tech được khảo sát và phô bày, phe quốc phòng yếu thế, và yêu cầu dân sự hoá nền công nghiệp California càng trở nên cấp bách thêm.

Đối với một số người lăn lộn lâu ngày trong guồng máy công nghiệp quốc phòng Mỹ, cuộc chuyển đổi này mang dáng dấp của một thay đổi từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường (!). Do đó, trở ngại không chỉ thuần về mặt định hướng, tổ chức, điều hành; yếu tố “văn hoá” và con người là rất lớn.

Sự thành bại của các sách lược khôi phục kinh tế, tạo ra công ăn việc làm, cân bằng ngân sách, giải quyết vấn đề phí tổn và bảo hiểm y tế tăng vọt mỗi ngày, trong khi số người thất nghiệp không giảm xuống, ... rồi sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến mọi người. Dù vậy, nói chung, qua sự thắng cử của Clinton, dư luận chấp nhận một trận thử lửa, để may ra tìm được lối thoát ra khỏi sự bế tắc trầm trọng, vượt quá đặc tính khủng hoảng định kỳ của nền kinh tế tư bản. Người ta cũng hi vọng rằng Hành pháp và Luật Pháp Mỹ, trong ba bốn năm tới có thể làm việc với nhau êm thấm hơn, nhằm giải quyết các khó khăn chung. Vấn đề thất nghiệp có trầm trọng thêm hay không sẽ tuỳ thuộc vào khả năng xoay ra tiền để tài trợ các chương trình dân sự cấp quốc gia (cụ thể như đề án chi tiêu nhiều tỉ bạc vào công trình tu bổ cầu đường, đường xe lửa cao tốc) để tạo ra công ăn việc làm, tạo sức bật cho kinh tế.

Trong bối cảnh của một nền kinh tế toàn cầu hiện đại, chính sách perestroika kiểu Mỹ này, nếu được xúc tiến và bắt đầu chuyển động, sẽ có tác động lan truyền rất nhanh và rất có khả năng thay đổi diện mạo kinh tế thế giới. Riêng đối với người Mỹ, các nguyên tắc cơ bản về ngoại giao do đó cũng phải được rà soát lại... Trong chiều hướng đó, ngay chính quan điểm về an ninh quốc gia của Mỹ, vốn được định nghĩa dựa trên quan điểm bình quân lực lượng về quân sự, rồi cũng sẽ phải được cập nhật một cách tương xứng. Có lẽ Mỹ sẽ phải ít nhiều mô phỏng cách định nghĩa của Nhật về nền an ninh quốc gia. Điều này rồi có dẫn tới những ma xát lớn, hay một đường hướng hợp tác mới giữa hai lực lượng kinh tế khổng lồ của thế giới, sẽ tuỳ thuộc rất nhiều vào chính sách của Bill Clinton trong bốn năm tới ở Nhà Trắng. Vấn đề sẽ phức tạp gấp bội khi ta đem các lực lượng kinh tế khu vực Bắc Mỹ, châu Âu, và vùng Thái Bình Dương vào trong phương trình.

Đối mặt với vấn đề to lớn này, đứng trên bình diện ngoại giao, có lẽ chính quyền Clinton sẽ không thể bỏ qua những bài học sau đây, như Daniel Yankelovitch đã liệt kê trong bài viết đăng trên tạp chí Foreign Affairs, số mùa Thu 92 (3): Là một siêu cường, Mỹ sẽ phải gánh vác một cách tương xứng trọng trách của một siêu cường. Nước Mỹ không thể thoái thác những trách nhiệm của mình trong các bang giao quốc tế. Đồng thời, trong thế giới còn đầy hiểm trở như hiện nay, Mỹ cũng không thể có cách hành xử kiểu người hùng đơn thương độc mã, bất kể bè bạn, đồng minh của mình.

– Cắt đứt quan hệ với các nước khác, chỉ vì Mỹ không ưa hoặc không đồng tình với chính sách của các nước ấy là hành động thiếu thực tế.

– Việc thúc đẩy dân chủ và kinh tế thị trường ở các nước khác vẫn còn phù hợp với quyền lợi thực tế và lý tưởng của Mỹ.

– Trong một thế giới bất ổn và khó lường trước, Mỹ vẫn cần phải vững mạnh về mặt quân sự.

Ngay trong vấn đề quảng bá và hỗ trợ dân chủ, chính phủ mới cũng phải ý thức rằng ưu tiên cao vẫn phải dành cho các quyền lợi về kinh tế của Hoa Kỳ; và do đó, đường lối ngoại giao cũng sẽ phải từ bỏ lối mòn ý thức hệ biểu hiện qua các dính líu mang tính chất chống cộng hoặc thân dân chủ (pro-democracy). Điều này có một ý nghĩa thật đặc biệt đối với liên danh Clinton - Gore và ê-kíp, vì đây là thế hệ lãnh đạo cao cấp đầu tiên ở tuổi 40 của Mỹ. Họ thay thế những người lính già sau cùng (?) trở về từ Thế chiến thứ hai và một thời mải mê theo đuổi cuộc chiến tranh lạnh sau đó.

Về ngoại giao, đã đành rằng rất có khả năng một số đổi thay có tính chất bao trùm và cấp tiến sẽ tác động sâu rộng đến nhiều lãnh vực khác, sự nhất quán và liên tục của đường lối ngoại giao của một nước – thay vì một chính phủ – đòi hỏi chính phủ mới phải thận trọng trong việc kế tục hoặc thay đổi, chuyển hướng những gì đã được giao kết, thoả thuận với các quốc gia hoặc tổ chức trên thế giới. Tổng thống đắc cử Clinton, trong một thông điệp ngắn phổ biến ngày 4.11.92 cũng đã làm rõ điều này.


Clinton và lộ trình dẫn tới quan hệ bình thường Việt-Mỹ

Có một vấn đề thật ra rất thứ yếu trong bản danh sách dài những việc cần quan tâm của tổng thống đắc cử Clinton, nhưng nó lại thiết thân với phần đông người Việt chúng ta: ông Clinton sẽ hành xử ra sao đối với các bước còn lại của lộ trình (road map) dẫn tới một quan hệ bình thường giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ?

Gần đây thôi, sau khi chính quyền Mỹ công bố số tài liệu hình ảnh và những thoả thuận mới của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề lính Mỹ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam, tuyên bố lạc quan về triển vọng bình thường hoá quan hệ Mỹ-Việt của ông Bush tổng thống đã mang lại cho một số người Mỹ, kể cả nhiều người Mỹ gốc Việt, hi vọng nhìn thấy một trang sử được lật qua. Nhưng nó cũng làm một số người Mỹ gốc Việt ủng hộ ông bất bình. Thậm chí có người còn doạ thôi ủng hộ ông Bush – ứng cử viên (Los Angeles Times 23.10.92)!

Đúng là dư luận và tin tức cho thấy giới doanh thương Mỹ và ngay cả chính quyền Hà Nội, tin rằng chính ông Bush mới có nhiều lợi thế và khả năng xúc tiến nhanh các bước kế tiếp của lộ trình (chấm dứt cấm vận và lập lại bang giao) hơn tổng thống Clinton. Kèm theo đó, ứng cử viên Clinton lại tiếp tục đưa ra điều kiện nhân quyền trong quan hệ với các nước, cụ thể là Trung Quốc, Cuba và Việt Nam.

Nhưng tác dụng của việc đặt điều kiện cho quan hệ ngoại giao Mỹ-Việt thật ra chẳng là bao. Trong ê-kíp của Clinton không thiếu những người chủ trương tách biệt ngoại giao giữa hai nước ra khỏi vấn đề ủng hộ hoặc đồng tình với thể chế của quốc gia có quan hệ với Mỹ. Và ngay chính Clinton, để dọn đường cho khi vào hành động không lâm vào cảnh “há miệng mắc quai”, đã nói nước đôi trong nhiều trường hợp. Tạp chí Far Easter Economic Review ngày 11.11.92 đã dẫn ra một thí dụ khá tiêu biểu:

Một mặt, biểu đồng tình với các dân biểu đảng Dân chủ, Clinton cho rằng ông Bush cần phải cột vấn đề nhân quyền vào việc Hoa Kỳ cho Trung Quốc hưởng quyền lợi của chế độ tối huệ quốc (most favoured nation); Mặt khác, trong một diễn văn hồi tháng 10.92, dù vẫn tiếp tục lên án chính sách đàn áp chính trị của Bắc Kinh, ông Clinton lại nói thêm: “Tôi không muốn cô lập Trung Quốc. Có rất nhiều điều đáng thán phục trong các tiến bộ phi thường ở nước này...”

Vấn đề nhân quyền và dân chủ vẫn là lá bài Mỹ còn dùng được trong khi mặc cả với các chế độ toàn trị trên thế giới, bất kể bạn, thù, hoặc nay-thù-mai-bạn. (Trớ trêu hơn nữa là chính các chính phủ bị công kích, chứ không ai khác, đã cung cấp cơ hội cho Mỹ dùng lá bài này với họ)...

Nhưng đạo lý không nhất thiết là yếu tính nội tại của nền ngoại giao Hoa Kỳ từ khi lập quốc. Ưu tiên vẫn phải dành cho quyền lợi kinh tế, đôi khi có tầm quan trọng chiến lược!

Mà trên bình diện này, trong vấn đề Việt Nam, Mỹ không thể không quan tâm đến tin chính phủ Nhật gần đây đã chính thức tái lập viện trợ cho Việt Nam, mở rộng hơn nữa con đường cho giới kỹ nghệ và tài chính Nhật vào Việt Nam. Tiếp tục cấm vận, Mỹ đâm ra lẻ loi hơn trong một nỗ lực mang nhiều tâm lý thù hằn hơn là luận lý của mình đối với đối thủ cũ, như ký giả William Branigin đã phân tích (4). Nếu đặt một nước Việt Nam với 70 triệu dân trong bối cảnh một Khu vực mậu dịch tự do của châu Á (Asian Free Trade Area), như một vài chính phủ trong khu vực đang đề xướng, và trong đó lại vắng mặt Hoa Kỳ, thì những người làm chiến lược kinh tế toàn cầu ở Nhà Trắng trong giai đoạn sắp tới sẽ phải nhìn vấn đề quan hệ với Việt Nam dưới một góc cạnh rất khác.

Ông Bush đã để lại cho Clinton một trật tự thế giới mới khá là nhốn nháo, trong đó uy thế siêu cường kinh tế của Mỹ gần như tan vỡ. Nếu tổng thống đắc cử Clinton chịu lắng nghe những cố vấn kinh tế của ông ta và dư luận thế giới, ông sẽ chấp nhận quan điểm theo đó nền kinh tế nội địa Hoa Kỳ chỉ có thể phát triển cùng với một nền kinh tế thế giới lành mạnh, trong đó Mỹ nắm giữ một vai trò quan trọng và tích cực (5).

Tóm lại, vấn đề Việt Nam cũng sẽ được giải quyết dựa trên một phương trình kinh tế, hoặc thời thượng hơn, dựa trên sách lược An ninh kinh tế quốc gia của Mỹ. Sự quan trọng (hoặc không quan trọng) của Việt Nam, đặt trong bối cảnh khu vực vùng ven Thái Bình Dương (Pacific rim), sẽ được cân đo theo tầm nhìn như thế. Dọc đường, lá cờ dân chủ và nhân quyền có thi thoảng được bộ ngoại giao Mỹ phe phẩy hay xếp xó cũng chỉ là vấn đề chiến thuật mà thôi.

Nói cho cùng, đó cũng chẳng có gì đáng trách hay ngạc nhiên. Bởi lẽ, dân chủ hoá một xã hội là một quá trình dài lâu, không phải là một nhãn hiệu, do một cường quốc gán vào hay gỡ ra tuỳ tiện. Đồng thời, mối bận tâm và trách nhiệm dành lấy quyền sống và điều kiện sống không nằm ở đâu khác hơn là ngay trong tâm và lực của mấy chục triệu con người Việt Nam đang sống, phấn đấu, và hi vọng ngay trên chính quê hương họ. Trong một thế giới bình thường, các mối quan hệ bình thường với các nước sẽ giúp mở nhiều cánh cửa cho người dân Việt Nam, để họ nhìn ra và với tới thời đại của mình.

 

Nguyễn Lộc

Tháng 11.1992

 

(1) Bảy tổ chức công nghiệp công nghệ (technology industries), trong thư đề ngày 5.10.92 gửi các ứng cử viên tổng thống Bush và Clinton, đã khẳng định: “Chúng tôi tin rằng Hoa Kỳ cần có một kế hoạch chiến lược quốc gia – một chính sách về lãnh đạo công nghệ (technology leadership) – để thúc đẩy khả năng cạnh tranh của các ngành công nghiệp công nghệ của (Hoa Kỳ) trên toàn thế giới”. (Electronic Engineering Times 19.10.92)

(2) Đây là một vấn đề được bàn cãi khá dài lâu trong nhiều giới ở Mỹ. Xem Dismantling the Cold War Economy của Ann Markusen và Joel Yudken, Basic Books xuất bản tháng 4.1992. Một trích đoạn của sách này được đăng trong Technology Review, 4.1992 với nhan đề “Building A New Economic Order”.

(3) Số Foreign Affairs, Fall 1992, có một số bài viết đặc biệt nhằm vào chính sách ngoạì giao Mỹ sau chiến tranh lạnh và sau bầu cử:

– Daniel Yankelovitch, Foreign Policy after the Election;

– Theodore C. Sorensen, The Post-Cold War President;

– Zbigniew Brzezinski, The Cold War and its Aftermath;

– E. Eckes, Trading American Interests.

(4) Willlam Branigin, U.S. Seen as Being Under Pressure to Lift Embargo on Vietnam, Washington Post Foreign Service, Nov. 8, 1992.

(5) Walter Russel Mead, Bush’s Illusionary Legacy, Los Angeles Times, Opinion Section, Nov. 15, 1992.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss