Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 14 / Havel : chờ đợi và gieo hạt

Havel : chờ đợi và gieo hạt

- Nguyễn Trọng Nghĩa — published 01/01/2011 22:00, cập nhật lần cuối 18/12/2011 22:11


Havel : chờ đợi và gieo hạt

 

Trong suốt bốn mươi năm, trước khi cuộc “cách mạng nhung” thành công, theo Vaclav Havel, phần lớn dân Tiệp Khắc đã chờ đợi tự do với niềm tuyệt vọng, cũng giống như Estragon và Vladimir, hai nhân vật của vở kịch “Trong khi chờ Godot” (En attendant Godot) của Samuel Beckett.

“Bị bao vây, kềm kẹp, thuộc địa hoá từ bên trong bởi hệ thống toàn trị, những cá nhân mất hết hy vọng tìm ra lối thoát, ý chí hành động và ngay cả cảm tưởng có thể hành động” (1). Cái khủng khiếp nhất của chủ nghĩa toàn trị (totalitarisme) là nó biến mọi người, bằng cách tạo ra sợ hãi và nghi kỵ, thành những ốc đảo, những nguyên tử cô lập và, do đó, không thể nào hành động được trên bình diện chính trị. Thật vậy, làm sao có thể hành động được khi người ta sợ hãi và nhất là không tin nhau?

Bất lực, con người trở nên tuyệt vọng và chỉ còn biết chờ đợi cứu tinh, một thứ Godot (God / thượng đế?) thực ra chỉ là ảo tưởng, một miếng giẻ dùng để vá một tâm hồn rách, nhưng chính nó cũng đầy những lỗ.

“Godot sẽ không đến, chỉ vì không hiện hữu”.

Sự chờ đợi của những người tạm gọi là “ly khai”, trái lại, được thúc đẩy bởi niềm tin là phải đề kháng bằng cách nói lên sự thật, vì đó là vấn đề nguyên tắc, chứ không cần tính toán để biết sự dấn thân đó một ngày kia sẽ đơm hoa kết trái hay sẽ hoài công thôi, sự thật đó sẽ thắng lợi hay, thêm một lần nữa, sẽ bị bóp ngạt: “lại nói lên sự thật tự nó đã có ý nghĩa rồi, dù đó chỉ là ý nghĩa của một lỗ hổng phá ra trong bức tường của sự láo khoét toàn diện”. Sự chờ đợi nói trên còn được “ gợi hứng bởi sự tin chắc là hạt giống đã gieo một ngày kia sẽ nảy mầm và bén rễ. Không ai biết được là lúc nào. Có thể là cho các thế hệ tương lai”.

“Thái độ này đã dạy chúng tôi biết kiên nhẫn” “biết chờ đợi: chờ đợi như là sự kiên nhẫn. Chờ đợi như là trạng thái hy vọng chứ không phải như là biểu hiện của sự tuyệt vọng” .

Chờ đợi hạt giống nảy mầm hoàn toàn khác với “ chờ đợi Godot” vì chờ đợi Godot có nghĩa là chờ đợi cây huệ mà mình chẳng bao giờ trồng sẽ nở hoa.

Để tránh ngộ nhận, Vaclav Havel cũng nói rõ thêm rằng: ranh giới giữa những người chờ đợi Godot và những người ly khai thực ra không rõ rệt, mọi người đều có lúc chờ đợi và có lúc ly khai, kiên nhẫn gieo hạt. Qua khẳng định đó, thêm một lần nữa, ta thấy tính cách hiền giả (sage) của Havel: ông không muốn biến những người ly khai và ngay chính ông ta thành những bậc anh hùng hay những con người thép bao giờ cũng kiên định trước bạo lực, cường quyền và không hề biết đến tuyệt vọng.

Dù đã quen nhẫn nại chờ đợi và nhờ thế thấu rõ ý nghĩa sâu xa của nó, Havel thú nhận là trong ba năm qua, với tư cách là tổng thống Tiệp Khắc, ông đã trở nên nôn nóng đến gần như tuyệt vọng.

“Tôi đã tự dằn vặt mình khi nghĩ rằng những biến đổi đã đến quá chậm, rằng nước tôi vẫn chưa có một hiến pháp mới thực sự dân chủ, rằng dân Tiệp và dân Xlô-va-ki đã không thể thoả thuận sống chung với nhau trong cùng một nước, rằng chúng tôi đã tiến không đủ nhanh đến gần thế giới dân chủ Phương Tây và những cơ cấu của nó, rằng chúng tôi đã loại bỏ quá chậm những tàn dư của chế độ cũ và của tất cả sự tàn phá của nó về tinh thần”.

Tháng sáu vừa rồi, Vaclav Havel đã từ chức tổng thống nên ông có dịp lùi lại để nghiền ngẫm về ba mươi tháng cầm quyền của mình.

Theo Havel, sở dĩ có sự nóng vội đó là vì ông chưa chịu thừa nhận rằng “ chính trị là một quá trình không có kết thúc; như Lịch sử nó chẳng bao giờ cho phép ta nói: một cái gì đó đã xong, đã hoàn thành, đã chấm dứt”. Đây là một nhận định rất quan trọng. Bởi vì chính trị cũng như Lịch sử là một quá trình không có kết thúc, nên không cuộc đấu tranh nào sẽ là “ cuộc đấu tranh cuối cùng” (lutte finale) cả! Chính vì tin ở một cuộc đấu tranh cuối cùng, mà hàng triệu con người, lắm khi vô cùng lý tưởng và hào hiệp, đã chấp nhận hy sinh ngay cả mạng sống của mình nhằm xây dựng một thiên đường trần thế vĩnh cửu cho nhân loại. Bi đát hơn: chính vì nhân danh cuộc đấu tranh cuối cùng, mà một số nhà lãnh đạo đã gây ra biết bao tang tóc điêu linh! Havel can đảm thừa nhận: sai lầm lớn nhất của ông – và có lẽ của hầu hết các nhà lãnh đạo tối cao – là đã tin rằng mình làm chủ tuyệt đối thực tại và có thể hoàn thiện thực tại đó theo một công thức có sẵn và có thể ứng dụng ngay tức khắc vì thời gian thuộc về ông.

“Thế mà thế giới, Hữu thể và Lịch sử bị chi phối bởi thời gian của chính nó, trong đó đúng là chúng ta có thể can thiệp một cách sáng tạo nhưng không ai có thể làm chủ một cách hoàn toàn. Thế giới và Hữu thể không mù quáng tuân theo mệnh lệnh của một nhà kỹ trị hay của một kỹ thuật gia về chính trị, chúng không phải ở đó để thực hiện các dự đoán của họ.

“Thế giới không phải là một ô chữ trong đó sẽ chỉ có một giải pháp duy nhất đúng – tự gọi là khách quan – cho một vấn đề”.

Nghĩ về sự nôn nóng chính trị của mình, Havel cho rằng các nhà chính trị hiện nay và tương lai – mà ông gọi là “các nhà chính trị hậu hiện đại” – “cần học cách chờ đợi theo nghĩa tốt nhất và sâu sắc nhất của nó”. “ Sự chờ đợi đó phải diễn dịch một sự kính trọng nào đó đối với sự vận hàn h nội tại và sự trải ra của Hữu thể, đối với bản chất, sự tồn tại và tính năng động tự chủ (autonome) của các sự vật luôn luôn kháng cự lại sự thao túng bằng bạo lực ; sự chờ đợi này phải dựa trên ý muốn cho mỗi hiện tượng quyền tự do biểu lộ nền tảng và bản thể của chính nó. Cách ứng xử của nhà chính trị hậu-hiện đại phải phát xuất từ cái nhìn cá nhân chứ không phải từ sự phân tích không có bản sắc (impersonnel). Thay vì dựa trên sự kiêu ngạo, nó phải được nuôi dưỡng bằng sự nhún nhường (humilité)”.

Từ những nhận định nói trên, Havel chống lại những nhà không tưởng muốn xây dựng lại thế giới từ nền đến mái hay, theo một khẩu hiệu cách mạng khá phổ biến ở Việt Nam cách đây chừng mươi năm, muốn “thay trời đổi đất, sắp đặt lại giang sơn”, rốt cuộc chỉ gây ra những đổ nát, hoang tàn, đau khổ... Ông cũng chống lại chủ nghĩa duy lý, vì theo ông “ lý trí khi tự phong cho mình làm động lực chính của mọi hành động chính trị, chỉ có thể đưa đến bạo lực”. Ông cho rằng “ không những phải cắt nghĩa thế giới mà còn phải hiểu nó nữa” hay nói khác đi, “cần phải lắng nghe bản nhạc đa âm (polyphonie) của những thông điệp thường mâu thuẫn của cuộc đời. Miêu tả bằng từ ngữ khoa học cơ chế của các sự vật và các hiện tượng thôi chưa đủ, mà còn phải cảm nhận chúng trong chính tâm hồn chúng”.

Đôi khi ta tự hỏi phải chăng sự phá sản của chủ nghĩa xã hội đã bắt đầu ngay từ cuối thế kỷ thứ XIX, khi chủ nghĩa này tự cho mình là “ khoa học”: có lẽ đó là nguồn gốc sâu xa nhất của chủ nghĩa giáo điều, một trong những trở lực chính đã làm cho các nhà lý luận mác-xít, đặc biệt trong các nước do đảng cộng sản lãnh đạo, không phân tích một cách khách quan những biến đổi sâu sắc của chủ nghĩa tư bản để rút ra những bài học và thích nghi kịp thời. J. Schumpeter đã vô cùng có lý khi nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự cách tân (innovation).

Havel kinh hoàng nhận ra rằng sự nóng vội của mình trong việc lập lại dân chủ ở Tiệp Khắc có chút chi cộng sản hay, khái quát hơn, có chút chi duy lý: “ tôi đã muốn làm cho Lịch sử tiến tới theo cách đứa bé kéo mạnh cây để nó lớn nhanh”. Có thể nói một trong những nguyên nhân chính khác của sự thất bại của chủ nghĩa xã hội hiện thực là chủ trương đốt giai đoạn bắt mọi hiện tượng thiên nhiên, kinh tế, xã hội, văn hoá phải tuân theo lịch hành động của riêng mình. Ở Việt Nam, chủ trương này được biểu hiện rõ ràng nhất trong luận điểm nổi tiếng của Đại hội IV: tiến lên chủ nghĩa xã hội không thông qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa.

Tóm lại, từ những kinh nghiệm của thời kỳ ly khai cũng như của ba mươi tháng cầm quyền, Vaclav Havel đã rút ra bài học cơ bản sau đây: “cần phải học chờ đợi như người ta học sáng tạo. Phải kiên nhẫn gieo hạt, chuyên cần tưới đất đã gieo và cho cây sống theo thời gian của nó”, “với sự thông cảm, nhún nhường đã đành, nhưng cũng với tình yêu thương”. Đó là bài học nhân bản của một bậc hiền giả có lối nói đôn hậu và thâm trầm: ông không dao to búa lớn, không lên án, khinh thị một cách bất công và nhất là không bao giờ có ý muốn báo thù. Những suy nghĩ của ông đáng cho chúng ta trân trọng tiếp thu và nghiền ngẫm vì bản thân ông đã tránh được cái vòng luẩn quẩn oan nghiệt thường gặp trong lịch sử: các nhà giải phóng trở thành những người đàn áp và cứ thế tiếp tục cho đến muôn đời!


Nguyễn Trọng Nghĩa

  

 

(1) Tất cả những trích dẫn trong bài này đều rút ra từ diễn văn của Vaclav Havel đọc trước Viện Hàn lâm khoa học luân lý và chính trị của Pháp ngày 27-10-1992 (xem Le Monde số đề ngày 29-10-92)

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss