Giải thưởng francophonie 1992: Nguyễn Khắc Viện
Giải
thưởng francophonie 1992:
Nguyễn Khắc Viện
Viện hàn lâm Pháp đã quyết định trao giải thưởng lớn f rancophonie (Pháp ngôn) năm 1992 cho bác sĩ Nguyễn Khắc Viện. Trị giá 400.000 FF, giải này nhằm tưởng thưởng “sự nghiệp của một cá nhân sử dụng tiếng Pháp đã đóng góp xuất sắc về mặt quốc gia hay quốc tế, vào sự giữ gìn và phát huy Pháp ngữ”.
Theo báo Le Figaro (2.11.1992), giải thưởng lớn này được lập ra năm 1986, do sự tài trợ ban đầu của một Cơ sở văn hoá quốc tế được chính phủ Canađa sáng lập, sau đó, được chính phủ Pháp, công quốc Mônacô và nhiều cơ sở văn hoá tư nhân bổ sung ngân quỹ. Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện là người thứ 7 được trao tặng giải này. Những năm trước, giải Pháp ngôn đã được tặng cho Georges Shéhadé (nhà thơ Liban), Yoichi Maeda (nhà phê bình văn học Nhật), Jacques Rabemananjara (nhà thơ, nhà viết kịch, nhà lãnh đạo quốc gia Madagascar), Hubert Reeves (nhà vật lý thiên văn Canada), Albert Cossery (nhà văn Ai Cập), hồng y L.J. Suenens (nguyên tổng giám mục Malines-Bruxelles).
[Sinh ngày 6.2.1913 tại Hà Nội trong một gia đình quan lại Nho học quê quán ở Nghệ Tĩnh, Nguyễn Khắc Viện học trung học tại trường Albert Sarraut trước khi sang Pháp năm 1936 học đại học y khoa. Đầu những năm 1940, ông bị lao nặng, bị mổ nhiều lần, chỉ còn 2/3 một lá phổi, các bác sĩ chẩn đoán ông chỉ còn sống vài năm là cùng. Nghiên cứu triết học Đông phương, kết hợp những hiểu biết sinh lý học và các phương pháp khí công, yoga, ông đã tự rèn luyện thân thể và gìn giữ sức khoẻ. Về sau, ông đã trình bày phương pháp này trong tập Rèn luyện thân thể, rèn luyện con người (báo Đoàn Kết xuất bản), và trong tập tiếng Pháp Gymnastique Tâm Thể (sudestasie éd.).
Tham gia phong trào Việt kiều từ cuối thập niên 1940, Nguyễn Khắc Viện đã lãnh đạo phong trào này trong nhiều năm trời cho đến mùa xuân năm 1963, khi nhà cầm quyền Pháp trục xuất ông về nước. Quyết định này được cả hai phía Pháp và Việt Nam giữ kín: về phần chính phủ Hà Nội, vì muốn tranh thủ chính phủ De Gaulle trong vấn đề Việt Nam; về phía nhà cầm quyền Pháp, chắc hẳn vì muốn đẩy ra khỏi lãnh thổ một nhân vật tầm cỡ, có quan hệ rộng rãi trong giới trí thức và chính trường Pháp để dễ bề tập hợp lực lượng chuẩn bị cho một giải pháp “trung lập” ở miền Nam Việt Nam, mà không muốn gây căng thẳng với chính quyền miền Bắc.
Về Hà Nội năm 1963, liên tục cho đến năm 1983, ông Nguyễn Khắc Viện phụ trách Nhà xuất bản ngoại văn. Song song với hoạt động chính trị đối ngoại (báo chí quốc tế coi ông là người phát ngôn không chính thức nhưng rất hiệu quả của chính phủ Việt Nam), ông đặc biệt đẩy mạnh công tác dịch thuật giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài (thông qua bộ Anthologie de la littérature vietnamienne). Nguyễn Khắc Viện là tác giả một bản dịch giá trị của Truyện Kiều sang tiếng Pháp, và một số tác phẩm viết thẳng bằng tiếng Pháp (Expériences vietnamiennes, Histoire du Vietnam, Aperçu de la littérature vietnamienne...).
Từ năm 1981 với bức thư 7 điểm gửi Quốc hội, tới kiến nghị tháng 1-1991 gửi chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Khắc Viện tích cực tham gia vào công cuộc dân chủ hoá đời sống chính trị Việt Nam, bất luận những biện pháp cấm cản, vu khống, rỉ tai của nhà cầm quyền ở cấp cao nhất (Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Linh...). Những năm gần đây, tuy tuổi cao và sức yếu ông còn dành tâm lực vào trung tâm N.-T., một trong mấy tổ chức phi chính quyền (O.N.G.) đầu tiên ở Việt Nam, mà mục đích là truyền bá kiến thức khoa học (trong đó có học thuyết Freud) về tâm lý trẻ em].
Diễn Đàn
Các thao tác trên Tài liệu