Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 14 / Nói với bạn

Nói với bạn

- Bùi Mộng Hùng — published 24/05/2009 01:42, cập nhật lần cuối 24/05/2009 01:42
Những người đồng hội mà chẳng đồng thuyền này nhiều khi nhìn nhau xa lạ nếu không là nghi kỵ hay hằn học. Mênh mông xa cách ở trong lòng mỗi người. Một khoảng cách bắt nguồn sâu xa tự nơi sinh thành mà nào ai được chọn lựa, từ những nhồi dập bất trắc của sóng gió thời cuộc, từ chuỗi hành trình của mỗi cá nhân, lênh đênh chiếc bách giữa bão táp lịch sử. Bước đầu tìm hiểu nhau có lẽ là ở thái độ, trước hết là thái độ tinh thần mình đối với chính mình.

 

Chuyện nói với những người bạn

 
Bùi Mộng Hùng

 
Cơn lốc lịch sử suốt mấy thập kỷ vừa tạm lắng, người Việt nhìn lại nhau, đáy mắt còn đọng ngơ ngác. Biết bao phiêu bạt, trong không gian, trong tâm tư.

Từ trong nước, từ nhiều nơi khắp năm châu, vang vọng những tiếng nói thật khác nhau, khác quan điểm, khác lập luận, khác phong cách. Nhưng cùng một thiết tha với tương lai đất nước, dân tộc. Tiếng lòng của những người không hẹn mà cùng nhắm tới một mục đích, những kẻ đồng hành – có người đã ý thức rõ rệt và cũng có người chưa ý thức được sự kiện này – trên đoạn đường còn lắm cam go. Những người đồng hội mà chẳng đồng thuyền này nhiều khi nhìn nhau xa lạ nếu không là nghi kỵ hay hằn học. Mênh mông xa cách ở trong lòng mỗi người. Một khoảng cách bắt nguồn sâu xa tự nơi sinh thành mà nào ai được chọn lựa, từ những nhồi dập bất trắc của sóng gió thời cuộc, từ chuỗi hành trình của mỗi cá nhân, lênh đênh chiếc bách giữa bão táp lịch sử. Bước đầu tìm hiểu nhau có lẽ là ở thái độ, trước hết là thái độ tinh thần mình đối với chính mình.
 

Quá khứ, nhớ và quên

 
Có thái độ "muốn xóa bỏ quá khứ" (1). Thật là rộng rãi và cởi mở. Nhưng thành thực mà xét, có ai thoát khỏi quá khứ nếu không tự dối mình? Người Việt nào có thể quên được những sự kiện mà bản thân đã sống và đã trải qua trong những năm dầu sôi lửa bỏng của dân tộc, đất nước? Hơi thở còn thì còn ghi nhớ những sự kiện, những năm tháng không thể nào quên mà thời thế đã – dù muốn hay không – đưa đẩy cho phải dấn thân. Chấp nhận hay từ chối vào cuộc cũng đầy bất trắc như nhau.

Đúng là đã sống làm sao thì ta nhớ ghi làm vậy, tuy nhiên ý nghĩa của các sự kiện quá khứ, tâm trí luôn luôn xét lại, qua lăng kính của những bài học mà cuộc sống không ngừng dạy cho, qua lăng kính của giây phút hiện tại. Những thành tựu, những thất bại, những điều làm phải, những việc sai quấy, những lỗi lầm của một cá nhân, nếu được nhìn lại với một khoảng cách nào đó, tất cả đều là yếu tố làm phong phú thêm cho nhân cách và khả năng của cá nhân đó.

Quá khứ không thể quên và cũng không nên quên. Chỉ xin bình tâm nhìn lại quá khứ của chính mình gồm tất cả những niềm tin, tất cả điều phải, điều trái. Để thanh thản tự chấp nhận lấy chính mình. Biết mình – không tự ti và cũng không tự tôn – thì hiểu người, chấp nhận được người khác với quá khứ với niềm tin của họ, một cách thanh thản.

Suốt một thời gian dài mỗi người dân Việt Nam đã phải sống sôi động bằng năm bằng mười đời sống bình thường. Kinh nghiệm sống phong phú của mấy chục triệu con người này có cùng hướng được vào công cuộc xây dựng cho đất nước, để cho dân tộc được phát triển, được tự do hay chăng, phần nào cũng tuỳ thuộc lòng mỗi người có được thanh thản với chính mình hay không.
 

Những sụ kiện lịch sử, chủ quan và khách quan

 
Thái độ đối với mình, với người thật ra không thể tách rời thái độ đối với lịch sử.

Phút giây lịch sử đang sống còn vô định, ai người biết được sẽ về đâu. Mà lịch sử trong giai đoạn vừa qua lại rối như mớ bòng bong.

Tuy nhiên, sẽ không hiểu được lịch sử Việt Nam trong khoảng thời gian ấy nếu không đánh giá đúng mức cái ý chí thiết tha và sắt đá của dân tộc vươn lên giành lấy chủ quyền của mình. Như một lằn chỉ xuyên suốt từ đầu đến cuối.

Cái ý chí của một dân tộc bị trị đem hết sức mình vùng vẫy để thoát khỏi ách nô lệ, thế hệ này vừa ngã xuống thế hệ sau đã đứng lên, mà chỉ thấy thất bại, liên tiếp thất bại hết đợt này đến đợt khác. Sức mòn, lực kiệt mà trào lưu chính trị nào trên thế giới đoái hoài ? Phải thấy sự kiện lịch sử đó mới hiểu được tâm tư những thế hệ mà độc lập, thống nhất là những mục tiêu chưa đạt. Có thế mới hiểu được ý của một Phan Bội Châu, hy sinh bôn ba lặn lội cho độc lập đất nước mà đến cuối đời mục tiêu vẫn vời vợi: "cốt nhằm mục đích giành được thắng lợi trong phút cuối cùng, dù có phải thay đổi thủ đoạn phương châm cũng không ngần ngại" (2). Phải ghi nhớ thái độ của các cường quốc tư bản đã dồn dân thuộc địa vào cái thế cô lập gần như vô vọng mới hiểu nỗi vui mừng phấn khởi của cụ Phan, như của bao người khác mà tâm ta chỉ nghĩ tới quốc gia dân tộc, khi cách mạng tháng 10 ở Nga thành công, chói lọi chẳng khác ngọn đuốc bừng lên soi một kỷ nguyên mới:

Lao nông Nga quốc là thầy
Cờ hồng phất phới gió bay toàn cầu (3)

Chính trị là gì nếu không là nghệ thuật thực hiện mục tiêu dù cho thời thế có éo le đến đâu di nữa. Những thế lực quốc tế phân cực thế giới làm hai phe đối lập, sức mạnh của các cường quốc Pháp, Nhật, của Trung Quốc to lớn, là những sự kiện áp đảo. Nào phải vì thế mà là không sáng sủa cái hướng mà một nhà cách mạng quốc gia lão thành như cụ Phan thấy cần phải đi theo, với những liên minh xem như là tất yếu:

Giúp ta sẵn có thợ thuyền Nga - Hoa
Lao động Pháp nghe ta đứng dậy
Hẳn nách dùi cắp gậy đứng ngay (4)

Và chắc chắn là lý tưởng tự do cho dân tộc, thống nhất cho đất nước trong sáng ngời ngời gấp bội lý tưởng xã hội chủ nghĩa trong lòng đại đa số chiến sĩ lúc ngã xuống. Bằng cứ rành rành. Khi độc lập, thống nhất là mục tiêu, người Việt đã không quản ngại hy sinh dù phải trả giá bằng xương bằng máu của chính mình. Đến khi phải xây dựng xã hội chủ nghĩa hiện thực, yêu cầu của Đảng cộng sản Việt Nam đem so với những hy sinh tột cùng trong thời chiến tranh nào đã có là bao, thế mà người dân cứ ỳ ra, chính quyền nói thì cứ nói, việc ta ta cứ làm!

Chính nhờ những hy sinh không bờ bến cho lý tưởng của cả một dân tộc mà cái mục tiêu vời vợi đối với các thế hệ nối tiếp nhau suốt trăm năm ở Việt Nam đã thành hiện thực. Việt Nam độc lập và thống nhất. Cho những ai ngày nay có điều kiện làm học giả không thật phải dấn thân giữa các thế lực chính trị áp đảo và hung bạo, nghĩ rằng hành động chính trị chẳng khác gì ngồi sau bàn giấy mà điều động ý kiến của chính mình trên giấy trắng mực đen, và mặc nhiên dứt khoát phê phán như đinh đóng cột.

Tranh chấp giữa các ý thức hệ tư bản chủ nghĩa, xã hội chủ nghĩa bao trùm không khí chính trị thế giới, nhưng đối với người Việt, giải phóng đất nước là chính yếu, trong tâm tư mỗi người, trong mục tiêu Cách mạng tháng tám, trong cương lĩnh Mặt trận giải phóng miền Nam.

Khách quan mà nói, chủ tịch Hồ Chí Minh quả đã tận lực thương thuyết để tránh chiến tranh và đã có những hành động mà nếu được đáp ứng có thể đã tránh cho đất nước rơi vào tranh chấp ý thức hệ: Tháng 8 và tháng 9 năm 1945 khi cách mạng đã làm chủ thủ đô Hà Nội, Hồ Chí Minh gởi cho tổng thống Hoa Kỳ Truman thông qua cơ quan OSS (Office of Strategic Survey, tiền thân của CIA) bản thỉnh cầu cho Việt Nam được hưởng qui chế tương tự như của Phi Luật Tân, được tiến dần tới độc lập sau một thời gian chịu chế độ bảo trợ. Và sau đó từ tháng 10.1945 đến tháng 12.1946 còn viết ít ra cũng là 8 bức thư cho tổng thống Truman hoặc cho bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ chính thức yêu cầu Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc can thiệp. Nhưng Hoa Kỳ giữ im lặng không trả lời mặc nhiên chấp nhận quan điểm của thực dân Pháp (5).

Sau đó khi đã bị dồn vào thế phải chấp nhận chiến tranh, suốt mấy năm trường, cho đến tận 1949-50 sự kiện lịch sử là không có sự giúp đỡ của Liên Xô và Trung Quốc cho Việt Nam. Sự kiện này có thể kiểm chứng từ nhiều nguồn khác nhau, như kết luận báo cáo của Sở tình báo bộ Ngoại giao Hoa kỳ năm 1948: "không tìm thấy một chứng cứ vững chắc nào về việc Hồ Chí Minh hiện nay nhận lệnh ở Moscou" (6).

Sự kiện lịch sử là sau hiệp định Genève nhân dân Việt Nam ở khắp nơi, cũng như chính quyền nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa miền Bắc chờ ngày thống nhất đất nước một cách hòa bình. Hiệp định Genève nhìn nhận lãnh thổ Việt Nam là một và qui định rõ ràng ngày tổng tuyển cử để nhân dân Việt Nam được tự do phát biểu ý kiến của mình.

Cũng là sự kiện lịch sử, chính sách Hoa Kỳ ngoài miệng nói tôn trọng hiệp định Genève mà chủ trương hành động phá hoại ngay từ những ngày đầu như cho thấy rõ bản báo cáo về công tác mật của nhóm do đại tá E.G. Lansdale chỉ huy (7).

Chính quyền Hoa Kỳ ý thức việc "Người ta thường chấp nhận rằng trong trường hợp có tổng tuyên cử Hồ Chí Minh sẽ đắc cử thủ tướng" (8). Và tinh thần chính sách của Hoa Kỳ hiện rõ trong một thông điệp mật của bộ trưởng ngoại giao Foster Dulles gởi cho thứ trưởng Walter Bedell Smith: "Chắc chắn là nếu tuyển cử mà xảy ra thì có khả năng đưa đến sự thống nhất Việt Nam dưới quyền của Hồ Chí Minh. Vậy điều tối quan trọng là phải hoãn cuộc tuyển cử lại được lâu chừng nào tốt chừng ấy..." (9).

Và cũng là sự kiện lịch sử, khi các cán bộ ở lại miền Nam không chịu nổi chính sách đàn áp của tổng thống Ngô Đình Diệm, đành vi phạm chỉ thị cấm bạo động của cấp trên, vũ trang nổi dậy ở nhiều nơi, gởi phái đoàn từ Nam lặn lội vượt Trường Sơn ra Bắc tha thiết khẩn cầu, chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa vẫn ngần ngại. Phải mãi đến hội nghị thứ 15 Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam vào tháng 5 năm 1959 mới có nghị quyết chính thức quyết định chiến đấu vũ trang, và đó mới thật là điểm khởi đầu sự can thiệp vào miền Nam của Việt Nam dân chủ cộng hoà (10). Một quyết định chẳng được Liên Xô, Trung Quốc và đảng cộng sản Pháp mấy đồng tình vì tiềm tàng nguy cơ trượt thành thế chiến.

Nếu tính cách giải phóng dân tộc đậm nét trong chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất thì trong chiến tranh Đông Dương lần thứ hai, những sự kiện lịch sử trình bày ở trên, thêm sự kiện khách quan, mà đây cũng là kết luận của nhà phân tích "Hồ sơ Ngũ giác đài” – một công chức Hoa Kỳ được bảo đảm không tiết lộ tên họ để cho việc làm được vô tư – chế độ Việt Nam cộng hòa của tổng thống Ngô Đình Diệm căn bản là do Hoa Kỳ dựng lên, và không có Hoa Kỳ thì chế độ và miền Nam độc lập không sao đứng nổi từ ngay những năm đầu (11), thêm sự kiện binh lính Hoa Kỳ và đồng minh càng ngày càng đông, hàng nửa triệu người trực tiếp tham chiến, bắn giết tràn lan người dân vô can, thêm sự kiện thay đổi nguyên thủ quốc gia cũng có ý kiến Hoa Kỳ chuẩn y, tất cả hội tụ nói lên tính chất chiến tranh giải phóng dân tộc.

Tuy nhiên ngay trong chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, khi mà thắng lợi quân sự và chính trị của cách mạng buộc chính quyền Pháp phải trao cho lá bài Bảo Đại danh nghĩa "độc lập" trống rỗng nội dung thì đã có những sự kiện không thể chối cãi. Đơn cử ví dụ sự có mặt của 800 người Việt trong số 2.200 chiến sĩ tình nguyện nhảy dù xuống thung lũng Điện Biên khi nơi này đã trở thành một địa ngục trần gian, và khi tình hình tuyệt vọng, lúc 17 giờ 30 ngày 6 tháng 5 nghĩa là chỉ 18 giờ đồng hồ trước khi trận đánh kết thúc, một nhóm 94 người trong đó có nhiều chiến sĩ Việt Nam tình nguyện nhảy xuống nơi như cầm chắc cái chết trong tay. Nhận xét của một sĩ quan Pháp thật chí lý: "Gọi những con người ấy là lính đánh thuê thì quá dễ, có điều trên thế gian này làm gì có đủ tiền của trả cho một ai cái giá những gì đang chờ đợi người ấy trong thung lũng" (12).

Chính sự kiện cả hai bên chiến tuyến đều có những con dân Việt Nam tin là chân lý về phía mình không ngại hy sinh tính mạng cho lý tưởng đó là yếu tố xác định tính chất nội chiến. Càng đến những năm về cuối chiến cuộc, yếu tố nội chiến càng đậm nét. Và sau 1975 khi chiến tranh đã chấm dứt, chính sách khắt khe kỳ thị, không chút hòa hợp và hòa giải dân tộc của những người cầm quyền, làm cho lòng người tràn ngập cảm nhận nội chiến.

Tuy nhiên nếu tấm lòng nhiệt thành và những xúc động sâu xa của nghệ sĩ làm cho Dương Thu Hương (13) chỉ nhìn khía cạnh nội chiến còn có chỗ hiểu được, đến như Thế Uyên trong một bài có tính cách lý luận cố tình giản lược một cuộc chiến vô cùng phức tạp và đa diện thành còn một kích thước duy nhất, – nội chiến vì mù quáng tin theo hai ý thức hệ đối nghịch của Tây phương (14) – là không tôn trọng những sự kiện minh bạch trong các tư liệu mà một người ở ngoài nước thành tâm đi tìm sự thực có thể có được một cách dễ dàng.

Thái độ phiến diện chỉ thấy khía cạnh nội chiến cũng như thái độ phủ định mù quáng yếu tố nội chiến trong giai đoạn lịch sử vừa qua đều không sát một thực tế vô cùng phức tạp.

Chỉ có thái độ tôn trọng tất cả các sự kiện lịch sử mới có thể giúp cho người Việt hiểu nhau hơn. Đó là bước đầu của hòa giải hòa hợp thật sự trong tôn trọng lẫn nhau, làm cơ sở bền vững cho công cuộc xây dựng một xã hội công bằng, tự do. Dĩ nhiên tôn trọng sự kiện lịch sử không có nghĩa là chỉ có một lối nhìn lịch sử duy nhất. Giải thích sự kiện lịch sử còn tùy thuộc quan điểm, triết lý, ... của mỗi ai tìm hiểu lịch sử một cách trung thực.
 

Dân tộc, sáng tạo và sáng tạo

 
"Dân tộc ta thiếu sáng tạo". Đó là một khẳng định cần và nên thảo luận để ta hiểu ta hơn. Xin được không đi sâu vào vấn đề đó, mà chỉ xin nhắc nhở một đôi điều.

Nếu sáng tạo là tìm ra được giải pháp thích nghi với mỗi hoàn cảnh mỗi nhu cầu, thì dân tộc ta không ít sáng tạo.

Đất hẹp, mảnh ruộng méo mó manh mún lại nhiều khi dốc, phải nhìn nhận chiếc cày chìa vôi của ta là một sáng tạo thích nghi với những điều kiện cày bừa của ta.

Chịu ảnh hưởng Trung Quốc là thế mà vẫn giữ được ngôn ngữ dân tộc, tâm tình bằng những câu lục bát khác hẳn với thể thơ Trung Quốc là một sáng tạo.

Gần ngày nay hơn, thời buổi va chạm với văn minh phương Tây, nào phải chỉ có mỗi một cái phong trào ầm ĩ của một số cậu ấm cô chiêu mà Thế Uyên (14) gọi là "duy tân" (một điều đáng tiếc vì có thể gây lầm lẫn với phong trào duy tân do các nhà nho khoa bảng như các cụ Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu khởi xướng, kêu gọi từ bỏ lối từ chương khoa cử học lấy cái học hiện đại bổ ích hơn). Ngày nay cái rởm nhất thời ấy còn mấy ai nhớ tới và ảnh hưởng còn gì. Trái lại cũng có những người trẻ cùng trang lứa ấy, tâm huyết và tài hoa, đã kết hợp những cái học được của phương Tây với văn hóa Đông phương, với vốn liếng dân tộc đem vào đời sống, nhuần nhuyễn đến nỗi ngày nay ta không mấy chú ý tới nữa. Nhưng nếu bình tâm mà xét lại, những Thế Lữ, những Nhất Linh, những Nguyễn Tuân, những Đào Duy Anh, những Phạm Quỳnh, những Nguyễn Phan Chánh, những Tô Ngọc Vân những Văn Cao, những Vi Huyền Đắc, vân vân và vân vân ... trong vòng một thời gian thật ngắn ngủi đã làm nở rộ một nền thơ mới tình tự cảm xúc mới lạ, những thể loại truyện, tiểu thuyết, những thể loại văn học mỗi ngày một phong phú, những văn phong mới mẻ, và nào là hội họa, là nhạc, là kịch, cả một nền văn nghệ rộng mở những chân trời mới thêm vào các chân trời truyền thống đã có tự nghìn xưa. Và còn có những Hoàng Xuân Hãn tu tạo từ khoa học theo những nguyên tắc khác với Trung Hoa, với Nhật Bản, dùng đến ngày nay vẫn thấy giản tiện và tự nhiên, căn bản vì chúng đậm tính chất ngôn ngữ dân tộc.

Những thế hệ trưởng thành dưới nền đô hộ Pháp đã truyền lại một văn hóa có nhiều nét mới, lạ, hay, đẹp mà phong cách vẫn là phong cách Việt Nam. Để cho thế hệ ngày nay có thể bước vào những lĩnh vực văn hóa – mà một dân tộc hiện đại không thể không có – với những ngôn ngữ của chính mình. Không biết ai khác gọi các thành tựu ấy là gì, bản thân người cầm bút này, kẻ được thừa hưởng, chỉ biết bái phục những thế hệ đã sáng tạo ra được trong vòng một vài thập kỷ những công cụ căn bản để ngày nay có khả năng tiếp thu cái mới, mà dân tộc vẫn cứ tự nhiên là dân tộc.

Gần một trăm năm mất nước, vũ lược của tổ tiên "ngắn chống dài", "lấy dân làm gốc" còn sót lại được gì trong người dân thuộc địa từ mấy đời chỉ biết khoanh tay cúi đầu, những kẻ mà các thực dân chủ nhân ông khinh là nhát là hèn, cho lính tập đi diễu một vòng là tan tác như lũ kiến đàn ong.

Khi đã bị dồn vào thế phải chấp nhận chiến đấu với một kẻ địch vũ khí hiện đại gấp mười gấp trăm, trong những loạt tiếng súng đầu tiên nổ ran Hà Nội, có tiếng nổ của viên đạn bazooka, Trần Đại Nghĩa chế tạo tại Việt Nam. Vỏ sắt xe tăng chảy ra, xúm xuống, chuyên gia vũ khí Pháp ngẩn ngơ. Lúc ấy Pháp chưa chế tạo loại đạn này, mới có Hoa Kỳ làm được mà thôi. Rồi ngày tàu chiến bọc sắt của Pháp thẳng tiến trên sông Lô, tưởng như không sức gì ngăn nổi, bỗng nhiên bốc cháy, chìm ngấm vì trúng trái phá súng cối 80 ly. Thời đó Liên Xô, Trung Quốc chưa giúp Việt Nam, súng cối 80 ly cũng Trần Đại Nghĩa sáng chế, nòng súng chỉ là thân bình chứa khí oxy tiện ngang. Dân thuộc địa biết sáng tạo vũ khí hiện đại từ hai bàn tay trắng.

Chiến thuật bắt chước được của ai? Học ở đâu chiến thuật đoàn người thản nhiên và nhẫn nại băng núi rừng, dưới mưa bom thồ từ khắp nơi trên đất nước lương thực, đạn dược, đại bác, súng đạn cho bộ đội vây cái pháo đài mà ban tham mưu quân đội viễn chinh Pháp tin là bất khả xâm phạm?

Ở vùng Đông Nam Á, không chỉ riêng một Việt Nam mới có phong trào nổi dậy do những người cộng sản lãnh đạo. Mã Lai, Phi Luật Tân, Nam Dương, ... nơi nào cũng có. Nhưng biết bao đã bị đàn áp, tan rã tiêu diệt. Xưa, tướng ngoài ngàn dặm còn được quyền không tuân lịnh vua. Ngày nay quả là phải coi tất cả những kẻ tài ba lỗi lạc nhất đương thời trong các ban tham mưu vận dụng của cải, vũ khí, khoa học kỹ thuật hiện đại của một đại cường quốc là ngu là đần, mới nghĩ rằng "những thứ robot ... chỉ biết thi hành máy móc những chính sách đã được soạn thảo bởi người ngoài ..." có thể đương đầu thắng lợi với sức mạnh và trí tuệ của siêu cường quốc đứng đầu thế giới.

Tình thế Việt Nam khác hẳn Liên Xô và chiến tranh Việt Nam cũng không giống chiến tranh giải phóng Trung Quốc. Chiến lược đối ngoại hay đối nội đều không có tiền lệ.

Chủ trương đối ngoại của cách mạng Việt Nam xem bạn bè, anh em, cha mẹ, vợ con, tình nhân của những bình lính ngoại quốc đến đánh Việt Nam là đồng minh của mình. Một chính sách đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi cuối cùng. Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất cũng như lần thứ hai chấm dứt một phần cũng vì nhân dân Pháp, nhân dân Mỹ, mỗi ngày mỗi đông hơn, ép chính quyền của họ phải ngưng một cuộc chiến mà họ cho là phi nghĩa.

Về đối nội Đảng cộng sản Việt Nam đã tạo được thế đứng của lực lượng tiêu biểu nhất cho hoài bão, cho lý tưởng độc lập thống nhất của dân tộc. Nếu mục tiêu của cách mạng không được nhân dân xem là phù hợp với lý tưởng với lợi ích của dân tộc thì đã chẳng ai cam chịu hy sinh, dù xương máu cũng không từ. Những việc gì đã xảy ra cho công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa hiện thực – cũng do Đảng cộng sản lãnh đạo – như đã nói ở đoạn trên là bằng chứng xác minh cho sự thực này.

Nhân dân Việt Nam với sự lãnh đạo của Đảng cộng sản đã tìm ra giải pháp giành lại trên toàn thể đất nước chính quyền bị mất vào tay người nước ngoài từ một thế kỷ. Lịch sử sẽ phán xét đó có phải là giải pháp tối ưu hay chăng, cũng như những tội ác – thủ tiêu những người yêu nước như Tạ Thu Thâu như Phan Văn Hùm là một trong những tội ác đó.

Trong chiến tranh, tuyên truyền thổi phồng con ễnh ương thành con bò. Nếu vì thế mà ta lại dìm xuống cho bằng con tép riu, lại dùng những lời lẽ quá đáng miệt thị kẻ khác, những ý kiến khinh thị tư tưởng của người không cùng màu da chủng tộc với mình thì rơi vào cái tật đã chán ngấy. Lối nói ấy thật không giúp gì cho mỗi người được thanh thản nhận định về mình, về khả năng và yếu kém của dân tộc, về những vấn đề đang đặt ra cho những ai thiết tha với dân tộc với đất nước.

Xã hội chủ nghĩa hiện thực phá sản, tranh chấp Đông Tây không còn, trật tự thế giới đang xắp xếp lại, bỏ mặc các nước chưa phát triển trong nghèo đói trong chậm tiến, ở ngoài trật tự khu vực trù phú thịnh vượng của các nước giàu có (15). Mô hình phát triển hiện hành phung phí tài nguyên, tàn phá thiên nhiên, xem người chẳng khác một vật kinh tế, không bảo đảm nổi phát triển lâu dài. Một tình thế đe dọa sự tồn vong của nhân loại, con người cần suy xét lại tất cả những gì lịch sử để lại từ triết lý đến khoa học, kỹ thuật.

Thế hệ trước đã tìm ra một giải pháp cho vấn đề họ phải giải quyết. Đất nước toàn vẹn, chủ quyền về ta là những điều kiện thuận lợi cơ bản mà thế hệ hiện nay thừa hưởng.

Thế hệ này có đủ trí tuệ, đủ sáng tạo để giải quyết những vấn đề sống còn đang đặt ra cho dân tộc mình hay chăng?

 
B.M.H. (11.92)

 
(1) Vương Hữu Bột, Sự thật khoan dung và tha thứ, Thế Kỷ 21, số 36, 1992.

(2) Đinh Xuân Lâm trích dẫn, Phan Bội Châu, Chủng diệt dự ngôn, Nhà xuất bản Khoa học xã hội Hà Nội 1991,tr. 37.

(3) Phan Bội Châu, Khuyên học sinh. Sách đã dẫn tr. 120.

(4) Phan Bội Châu, Thợ thuyền, S.đ.d. tr. 115.

(5) Le Dossier du Pentagone (Hồ sơ của Ngũ giác đài) bản dịch tiếng Pháp The Pentagon papers, Albln Michel, Paris 1971, tr.35 - 36.

(6) S đ d. tr. 36.

(7) S.đ.d. tr.81 - 94.

(8) D. D. Eisenhower, Mes années à la Maison Blanche (Những năm tôi ở toà Bạch ốc), 1953 – 1956, Robert Laffont Paris 1963, tr. 392.

(9) Le dossier du Pentagone, tr. 49.

(10) S.đ.d. tr. 103.

(11) S.đ.d. tr. 52.

(12) Bernard Fall, Les deux Vietnam (Hai nước Việt Nam) Payot, Paris 1967, tr. 128.

(13) Dương Thu Hương, Tự bạch về Tiểu thuyết vô đề, Diễn Đàn số 6, 1.3.92.

(14) Thế Uyên, Cần nhiều tự do và sáng tạo hơn nữa, Diễn Đàn số 13, 1.11.92.

(15) Nguyễn Quang, Nouvel ordre mondial (Trật tự mới thế giới), Diễn Đàn số 12, 1.10.92 và 13, 1.11.92.

   

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Bùi Mộng Hùng
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss