Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 14 / Thành phố Hồ Chí Minh Chống tham nhũng?

Thành phố Hồ Chí Minh Chống tham nhũng?

- P. V. — published 02/12/2010 00:00, cập nhật lần cuối 01/01/2011 19:35


Thành phố Hồ Chí Minh
Chống tham nhũng?


P.V.

 

Với chủ đề chính là bài trừ tham nhũng, khoá họp cuối tháng 10 vừa qua của Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã phơi bày một phần thực trạng “chống tham nhũng” ở thành phố từ khi có chỉ thị bài trừ quốc nạn này vào cuối năm 1990. Theo bản báo cáo chính thức của chánh thanh tra thành phố, ông Trần Văn Lục, tệ tham nhũng không những “ chưa được ngăn chặn và đẩy lùi mà có nguy cơ phát triển nghiêm trọng và nguy hiểm”. Cũng theo lời ông Lục “ban lãnh đạo chống tham nhũng” mà ông là phó trưởng ban, sau khi làm việc “có một số ảnh hưởng nhất định” trong năm đầu, hiện nay “gần như không hoạt động” nữa.

(Tuổi Trẻ, 22.10.92)

Thực trạng hai năm qua

Nói về nguyên nhân thực trạng này, bản báo cáo cho biết số lượng vụ tham ô, hối lộ được phát hiện đã không nhiều mà khi phát hiện được thì “vào khâu xử lý, không chỉ đạo được”. Hiện nay có đến 58 vụ việc đã có kết luận của thanh tra nhưng các cấp có thẩm quyền vẫn không chịu xử. Trong đó có các xìcanhđan lớn, được nhiều lần nêu lên ở Hội đồng nhân dân thành phố, như: vụ Nguyễn Thiện Luân (thứ trưởng, giám đốc nhà máy bột ngọt Thiên Hương), vụ Tô Mạnh Thắng (giám đốc công ty Sapexim), vụ Trần Ngọc Lếnh (tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng Sài Gòn), vụ Nguyễn Thành Hưng (giám đốc Công ty thực phẩm đông lạnh I) hay vụ Đỗ Minh Lý (Hợp tác xã tiêu dùng phường Tân Định). Chánh thanh tra công khai chỉ trích lực cản do sự “ can thiệp đủ mọi kiểu và trái pháp luật” của những cán bộ có chức quyền (tên của giám đốc sở xây dựng thành phố, ông Lê Văn Năm, được nêu ra). Ông Lục cũng tố cáo hiện tượng chiếm dụng tài sản của nhà nước “ được hợp thức hoá bằng các thủ tục hành chính” như trong ngành nhà đất.

Nhiều đại biểu Hội đồng nhân dân đã nhấn mạnh rằng hầu hết cán bộ tham nhũng thuộc diện quản lý của các cấp uỷ Đảng cộng sản: “ các cơ quan pháp luật phải chờ cấp uỷ có ý kiến và xử lý về mặt Đảng trước, mới được xử” (Tuổi Trẻ, ngày 24.10.92)

Bản báo cáo của ông Lục còn nêu trách nhiệm của “ cơ chế” đang giao cho cá nhân một tài sản khổng lồ, giao cho họ quyền tự chủ về tài chính, nhưng không có điều kiện ràng buộc, không có kiểm tra: “ đến khi thanh tra thì coi như xong, tài sản nhà nước đã bị thất thoát”. Ông cho biết cơ quan thanh tra và cả sở tài chính thành phố đến nay cũng không nắm bắt được tình hình tài chính của các tổng công ty trực thuộc Uỷ ban nhân dân thành phố: “các vị tổng giám đốc viện lẽ rằng họ là cấp tương đương với sở tài chính nên không chịu cho kiểm tra”.

Theo một nhận định đăng trên báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh (ngày 28.10.92), tham nhũng ở nước nào cũng có, thông thường là “ hối mại quyền thế” dẫn đến hối lộ, đút lót, quà cáp mua chuộc những kẻ có quyền để được hưởng ân huệ này, ưu tiên kia. Còn ở Việt Nam, ngoài việc buôn bán quyền lực rất phổ biến, tham nhũng sở dĩ trầm trọng và nguy hại hơn nhiều là do việc lạm dụng ngân sách, biển thủ công quỹ, chiếm dụng tài nguyên quốc gia “lên đến hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng”“ xảy ra trên mọi lãnh vực và trên khắp đất nước”. Và bài báo không ngần ngại so sánh với tình trạng chế độ Sài Gòn cũ: “trong chế độ cũ cũng có rất nhiều người tham nhũng, nhưng đại đa số vẫn ở trong dạng hối mại quyền thế mà thôi; việc lạm dụng ngân sách, chiếm dụng tài nguyên, biển thủ công quỹ cũng ít xảy ra”.


Những lời hứa mới

Kỳ họp của Hội đồng nhân dân thành phố đã thông qua kế hoạch mới chống tham nhũng của Uỷ ban nhân dân:

1. Đến hết quý một 1993, xử lý xong những vụ nổi cộm đã được báo chí đăng tải nhiều lần và đã có kết luận: Sở nhà đất, Giám đốc hải quan, Công ty lương thực, Cosevina, Sở tài chính, Cục thuế, Bột ngọt Thiên Hương, Liên hiệp dầu thực vật, Liên hiệp rượu bia, Công ty vật tư tổng hợp, Công ty Gia Định, Sadaco...

2. Rà soát lại một số vụ án đã xử mà bản án gây nhiều thắc mắc, và nếu có thiên vị, bao che thì xử lại; không lấy quá trình cống hiến trước đây của người phạm tội để giảm tội, đồng thời thu hồi cho được tài sản bị thất thoát.

Kèm theo đó, Uỷ ban nhân dân công bố một số qui định:

– cán bộ lãnh đạo các cấp không được can thiệp vào việc xử lý tham nhũng;

– chính quyền các cấp phải chịu trách nhiệm về những cán bộ tham nhũng do cấp bổ nhiệm và quản lý;

– cán bộ lãnh đạo bị cơ quan xác minh là có sai phạm phải bị đình chỉ chức vụ để công tác điều tra được thuận lợi;

– cán bộ bị báo, đài phê bình phải trả lời và chịu trách nhiệm về nội dung trả lời.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, ông Trương Tấn Sang, là người sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc chỉ đạo thực hiện kế hoạch này. Lời cam kết của ông cũng là một lời thú nhận: “Chúng tôi ý thức rằng trước đây nói chống tham nhũng mà không làm, nên lòng tin của dân giảm. Giờ, chúng tôi sẽ phải làm”.

Người ta chờ xem thái độ của ông Sang trong việc xử lý vấn đề đầu tiên trên danh sách các “vụ cộm” của thành phố: vấn đề nhà đất. Sau khi báo chí thành phố vạch những sai phạm có hệ thống trong lãnh vực này, giám đốc Công ty quản lý và kinh doanh nhà (thuộc sở nhà đất thành phố), ông Nguyễn Văn Bi, có trả lời trên báo Tuổi Trẻ (ngày 17.9.92) rằng ông “ không tự ý” bán tài sản nhà nước mà trong mọi trường hợp “đều có chỉ đạo” của Uỷ ban nhân dân thành phố. Bài báo còn đưa ví dụ về sự can thiệp bằng thơ tay của “một đồng chí lãnh đạo”. Hơn thế nữa, thành uỷ Đảng cộng sản – mà ông Sang là phó bí thư – không thể trốn trách nhiệm sau khi ém đi trong nhiều ngày lệnh của thủ tướng đình chỉ việc hoá giá nhà, tạo điều kiện cho giới người có quyền thế chiếm đoạt gần một ngàn ngôi nhà (xem Diễn Đàn tháng 6.1992). Các nguồn tin thông thạo đều nêu trách nhiệm cá nhân của người thường trực thành uỷ lúc đó, là ông Nguyễn Võ Danh (hiện phụ trách về an ninh nội chính thành uỷ). Hành động trước tiên mà người dân thành phố chờ đợi ở ông Trương Tấn Sang là công khai hoá hồ sơ điều tra vụ hoá giá nhà.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss