Triển vọng khai thông quan hệ Việt-Mỹ
Ngoại giao
Triển vọng khai thông quan hệ Việt-Mỹ
Có những lúc, một hành động cá nhân có thể tóm gọn cả một tình hình quốc tế phức tạp, hay hơn cả mọi bài bình luận. Đó là trường hợp của ông Jean-André Sauvageot 1. Cái tên nghe rất Pháp, nhưng ông ta là người Mỹ: suốt 8 năm chiến tranh Việt Nam, J.-A. Sauvageot là một chuyên gia phân tích tình hình Việt Nam của quân đội Mỹ; cho đến ngày hôm nay, 21.11.1992, ông ta tiếp tục công việc ấy ở toà đại sứ Mỹ ở Băng Cốc. Trung tuần tháng 11, ông ta làm phiên dịch cho thượng nghị sĩ John F.Kerry khi ông này sang Việt Nam điều tra về vấn đề MIA (quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh). Nhưng đối với báo chí, sự kiện đáng chú ý không phải là mục đích chính thức của phái đoàn thượng viện, mà là bức thư mà ông Kerry mang theo: đó là bức thư của tổng thống George Bush gửi chủ tịch Lê Đức Anh.
Bức thư chưa được công bố, song các nhà bình luận đều cho rằng bản thân việc gửi thư báo hiệu một bước tiến trên “lộ trình” (roadmap) bình thường hoá quan hệ Việt-Mỹ. Hầu hết giới quan sát chờ đợi rằng tổng thống Bush sẽ bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần lớn lệnh cấm vận trước ngày 20.1.93 là ngày trao quyền cho tân tổng thống Bill Clinton.
Rõ ràng ông Bush muốn đi vào lịch sử Mỹ như vị tổng thống đã kết toán xong hồ sơ của 2.500 quân nhân Mỹ mất tích ở Đông Dương. Phía Việt Nam đã “giúp” ông trước ngày bầu cử bằng cách cung cấp 4.000 tấm ảnh liên quan tới hồ sơ này và để cho phía Mỹ tham khảo hồ sơ lưu trữ của quân đội (xem số trước). Bãi bỏ cấm vận trong thời gian mấy tháng chót của nhiệm kỳ tổng thống – thời gian mà người Mỹ gọi là vịt què (lame duck) – ông Bush không bị tố là kiếm phiếu và tránh khỏi nhiều sức ép. Ông cũng không bị Bill Clinton phản đối, ngược lại, việc này sẽ dọn đường cho ông Clinton thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, nếu quả thực tổng thống mới (thời trẻ đã không chịu đi lính sang Việt Nam) thật sự muốn kết thúc một chương đen tối của lịch sử Hoa Kỳ.
Trở lại câu chuyện ông Sauvageot. Trong khi các nhà bình luận Mỹ và quốc tế còn đang đoán mò về nội dung bức thư của tổng thống Mỹ và ngày tháng của “lộ trình” bình thường hoá, Sauvageot đã lặng lẽ đệ đơn từ chức. Bắt đầu từ ngày 1.12.92, ông ta sẽ đổi chủ. Chủ mới của ông ta là công ty điện lực General Electric Co. Đây là một trong mấy chục công ty Mỹ đang khẩn trương chuẩn bị đầu tư ở Việt Nam, coi đó là một thị trường hấp dẫn về thiết bị điện và vận tải.
Quyết định của Sauvageot cũng tương tự như quyết định của một loạt quốc gia Đông Á và Đông Nam Á vốn là đồng minh thân thiết của Hoa Kỳ:
– Ngày 6.11, Nhật Bản quyết định nối lại viện trợ phát triển cho Việt Nam với một tín dụng 45,5 tỉ yên (370 triệu đôla) thời hạn 30 năm, lãi suất thấp (1%), mở đường cho các công ty Nhật đầu tư ở Việt Nam.
– Tháng 9, Đài Loan (đứng đầu các nước bỏ vốn đầu tư) đã mở đường bay trực tiếp với Việt Nam và khai trương cơ quan thương mại ở Hà Nội.
– Cũng tháng 9, Singapore mở sứ quán ở Hà Nội. Năm ngoái, Singapore đã bãi bỏ cấm vận. Hiện là bạn hàng số 1 của Việt Nam (35% hàng xuất khẩu Việt Nam quá cảng Singapore).
– Người ta chờ đợi Nam Triều Tiên và Việt Nam sẽ thiết lập quan hệ ngoại giao trước cuối năm nay.
Cũng trong thời gian qua, Cộng đồng châu Âu đã quyết định tăng cường quan hệ kinh tế với Việt Nam (một hiệp ước về vải và may mặc sẽ được ký kết cuối năm nay). Tháng 10, có thêm 3 hợp đồng thăm dò và khai thác dầu mỏ (trong đó có hợp đồng ký với công ty Anh BGEP).
Việc bãi bỏ lệnh cấm vận của Mỹ sẽ mở ra triển vọng sáng sủa cho việc đầu tư ở Việt Nam, trước mắt là việc khai thông bế tắc hiện nay ở Quỹ tiền tệ quốc tế (FMI) và Ngân hàng thế giới. Song những khó khăn cơ bản vẫn còn đó:
– Theo số liệu chính thức của chính phủ Việt Nam, tổng trị giá các dự án đầu tư trong 5 năm qua lên tới 3 ,5 tỉ đôla, nhưng trong đó 2 tỉ là trị giá những hợp đồng thăm dò dầu khí (nghĩa là không có tác động trực tiếp và trước mắt vào tình hình kinh tế hiện nay), đó là không kể một số hợp đồng ký rồi huỷ.
– Ngoài lãnh vực thăm dò dầu khí, phần đông các hợp đồng tập trung vào lãnh vực du lịch, ít có hợp đồng trị giá quá 10 triệu đôla.
– Tổng cộng các hợp đồng nói trên (5 năm) mới tạo ra 20.000 việc làm, trong khi dân số Việt Nam là 70 triệu, số thất nghiệp là 7 triệu, và hàng năm có thêm 1 triệu người bước vào thị trường lao động.
– Các nhà đầu tư lúc đầu phấn khởi vì lao động rẻ, cần cù, có học, nay nhận thấy trình độ đào tạo không đồng đều, đang xuống cấp và nghiêm trọng hơn cả: hết sức thiếu nhân viên có trình độ quản lý. Trong khi đó, những Việt kiều thế hệ 1 hay thế hệ 2, có trình độ, vẫn bị nghi ngờ về chính trị.
– Hiến pháp mới sửa đổi vẫn duy trì “vai trò lãnh đạo của đảng” và nguyên tắc quyền sở hữu toàn dân. Do đó, rất khó đi tới một khuôn khổ pháp lý bảo đảm cho sự đầu tư. Dự án tư hữu hoá các xí nghiệp quốc doanh vẫn bị trì hoãn.
– Trong khi đó, nạn tham nhũng và hối lộ ngày càng trầm trọng. Các biện pháp chống tham nhũng của nhà nước bị coi là vô hiệu vì những quan chức cấp cao cũng dính vào mạng lưới tham nhũng, mafia.
– Về mặt chính trị, những bất đồng về chính sách cải tổ và mở cửa, dù chỉ trong lãnh vực kinh tế, ngày càng lộ rõ, thể hiện qua nhiều vụ việc trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Giới quan sát ghi nhận nhiều đợt tấn công trực diện hay gián tiếp vào thủ tướng Võ Văn Kiệt của những nhân vật bảo thủ trong Bộ chính trị như Đoàn Khuê (quân đội), Đào Duy Tùng (tư tưởng), không kể cựu tổng bí thư Nguyễn Văn Linh.
Tóm lại, triển vọng bình thường hoá quan hệ Việt-Mỹ năm 1993 có thể coi là một khả năng hiện thực, mặc dầu không thể loại bỏ mọi sự bất trắc (về phía Việt Nam, có thể đến từ phe bảo thủ, lo ngại nguy cơ “diễn biến hoà bình”, về phía Mỹ, vì một lý do đơn giản hơn: Việt Nam không phải là vấn đề ưu tiên trong chính sách đối ngoại, và đối ngoại không phải là mối bận tâm số một của chính quyền Mỹ).
Nếu khả năng nói trên trở thành hiện thực, quan hệ kinh tế đối ngoại của Việt Nam sẽ sáng sủa thêm một bước, song những khó khăn cơ bản vẫn còn nguyên vẹn. Và ngày nào chính quyền tiếp tục “mua thời gian” để duy trì, mọi triển vọng phát triển đất nước vẫn còn viển vông.
Phong Quang
1 Xem bài của Thomas W. Lippman, gửi từ Hà Nội ngày 16.11.92 cho báo Washington Post.
Các thao tác trên Tài liệu