Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 14 / Xin cho tôi được có một lời can

Xin cho tôi được có một lời can

- Ng. V. — published 01/12/2010 00:20, cập nhật lần cuối 01/01/2011 19:06

Suy nghĩ gần xa


Xin cho tôi được có một lời can

 

Là một người chấp nhận sự hạn chế tự do của mỗi người (trong đó có tự do ngôn luận) ở mức không tuỳ tiện xâm phạm người khác1, tôi xin được trở lại cụm từ [Diễn Đàn] không chủ trương kiểm duyệt” mà tôi viết trong bài “Một năm qua” (trong số 12).

Theo tôi nghĩ, “không kiểm duyệt” có nghĩa là không ngăn chặn sự phát biểu những ý khác với mình (đặc biệt là trong lĩnh vực tư tưởng chính trị) và chấp nhận sự tranh luận có đưa lý lẽ rõ ràng. Nhưng điều này không có nghĩa là ai muốn viết gì cứ viết, cứ đăng. Khi đã chấp nhận một số giá trị nhân bản phổ biến, thì rõ ràng là sự tự do ngôn luận cũng không được vượt quá một số giới hạn. Thí dụ: những lời lẽ loại dị chủng, những lời lẽ loại “xét lại lịch sử” một cách thô thiển2, những lời lẽ khinh miệt, miệt thị, v.v... đều là những lời lẽ vượt quá giới hạn. Thiết tưởng, không nên vì một thiện chí, mà chấp nhận cả những lời lẽ quá đáng.

Ngoài ra, tôi biết phần lớn các anh chị “chủ trương báo Diễn Đàn”, đã trôi nổi gần cả đời người trong việc học hỏi, nghiên cứu, có người lại vì nghề nghiệp phải “truyền bá sự hiểu biết của mình cho người khác”, họ đã thấy rõ sự hiểu biết là bao la, và đã áp dụng cho chính mình sự khiêm tốn học hỏi. Có áp dụng được điều đó khi duyệt bài đăng trên tờ báo hay không?

Là người tham gia viết bài, tôi nói lên sự cố gắng tự kiềm chế của mình, sao cho hợp với đạo lý mà mình chấp thuận. Đối với Ban biên tập của Diễn Đàn, mà tôi là kẻ “ngoại đạo”, tôi chỉ có thể thân ái có lời can. Tôi không dám dùng chữ “khuyên” (sợ có người nghi là “kẻ cả”), mà dùng chữ “can” đầy khiêm tốn.


Ng. V

 

1 Bản Tuyên ngôn về Nhân quyền 1789 có câu: La liberté consiste à pouvoir faire tout ce qui ne nuit pas à autrui ...( art.4)

2 Bạn đọc ở Pháp hẳn còn nhớ vụ cái luận án phủ nhận sự việc “Đức quốc xã có lò đốt người Do Thái trong thế chiến 1939-1945” và phản ứng của công luận với sự “xét lại lịch sử” như vậy.

 

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us