Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 15 / Đằng sau những số liệu “thắng lợi”

Đằng sau những số liệu “thắng lợi”

- Hải Vân — published 10/12/2010 00:25, cập nhật lần cuối 07/01/2011 12:55

Kinh tế


Đằng sau những số liệu “thắng lợi”


Hải Vân

 

Ổn định giá cả, tăng trưởng kinh tế : bản báo cáo cuối năm 1992 của thủ tướng Võ Văn Kiệt đọc tại quốc hội, ngày 9.12 vừa qua, trình bày một 1oạt số liệu khẳng định một “thắng lợi tương đối toàn diện về kinh tế”. So với năm 1991, thu nhập quốc dân năm 1992 tăng 5,3% (tính theo phương pháp của Liên hiệp quốc, tổng sản phẩm trong nước tăng khoảng 6- 7%). Sản xuất công nghiệp tăng trưởng với tốc độ cao 14,5%. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng với 4,4%, riêng sản lượng lương thực đạt 24 triệu tấn (tăng 9%). Đầu tư xây dựng cơ bản của nhà nước tăng 25%. Đầu tư trực tiếp của nước ngoài được thực hiện tăng 73%. Ngoại thương xuất siêu, kim ngạch xuất khẩu (khoảng 2,5 tỷ đôla) tăng 19% trong khi kim ngạch nhập khẩu (khoảng 2,45 tỷ đôla) tăng 4%. Bội chi ngân sách nhà nước giảm x uống còn 1.000 tỷ đồng (thay vì 1600 tỷ đồng dự kiến lúc đầu năm) nhờ phần thu tăng 82%. Lạm phát giảm xuống còn 15% (thấp hơn mức dự kiến lúc đầu năm là 35%), tức là giá cả tăng bình quân 1,2% một tháng (thay vì 4,4% một tháng năm 1991).

Theo ông Võ Văn Kiệt nếu năm 1991 nhà nước Việt Nam “đã trụ được trước thử thách” của sự mất nguồn viện trợ Liên Xô trong khi Mỹ vẫn duy trì cấm vận thì năm 1992 chính quyền đã “khẳng định khả năng và bản lĩnh vượt qua thử thách đó”: kinh tế Việt Nam đã tự trang trải được các nhu cầu thiết yếu bằng sức của mình và qua trao đổi với bên ngoài.

Kết quả kinh tế này khó có thể chối cãi. Tuy nhiên những số liệu “ thắng lợi” cũng có mặt trái của chúng.

1. Đối với dư luận nước ngoài, mục tiêu ổn định giá cả được đề cao như là quan tâm hàng đầu của chánh phủ Việt Nam (mục tiêu đề ra cho năm 1993 là hạ tốc độ lạm phát dưới mức hai con số). Theo một quan điểm kinh tế khá tiền tệ chủ nghĩa (monétarisme) – nhằm lấy điểm với Quỹ tiền tệ quốc tế –, chánh quyền coi ổn định giá cả là “tiền đề” để phát triển sản xuất. Và các báo cáo đều nhấn mạnh rằng kìm hãm lạm phát trong năm 1992 đã không dẫn đến suy giảm sản xuất như đã xảy ra năm 1989.

Điều mà những báo cáo không nói là lạm phát đã được kiềm chế không chỉ vì sản xuất và năng suất có tăng. Còn có vai trò quan trọng của hàng nhập lậu đã tràn ngập thị trường quốc gia, làm điêu đứng nhiều ngành sản xuất nội địa. Tương quan giữa giá cả nội địa và hàng nhập lậu khá rõ từ khi chánh quyền tiến hành chánh sách chống lạm phát vào năm 1989 cũng là năm buôn lậu bắt đầu phát triển công khai và vô tội vạ. Cục trưởng thống kê Lê Ngọc Huệ xác nhận điều đó khi cho rằng hiệu quả của biện pháp chống buôn lậu có thể đo qua chỉ số giá sinh hoạt: chẳng hạn khi chỉ số này tăng lên 1,7% trong tháng 10 thay vì 1% trước đó (Tuổi Trẻ, 28.11.92).

Nhân tố quan trọng khác đã có tác dụng kìm giữ giá cả nội địa, đó là tỷ giá đôla giảm sút liên tục từ đầu năm: hơn 25% trong cả năm 1992. Sự không ổn định này đang gây thiệt hại nặng cho hoạt động xuất khẩu và cho việc sản xuất nhiều mặt hàng nông sản. Thống đốc Ngân hàng nhà nước Cao Sĩ Kiêm cho biết rằng, với một tỷ giá dưới 11.000 đồng/đôla, các mặt hàng xuất khẩu như hải sản, cao su, trà, đậu phụng hiện đang bị lỗ. Còn nếu đôla hạ giá dưới mức 10.500 đồng thì gạo xuất khẩu cũng sẽ bị lỗ. Vào trung tuần tháng 12, tỷ giá đôla xuống đến mức 10.600 đồng, và Ngân hàng nhà nước Việt Nam phải ráo riết mua đôla để cố giữ tỷ giá ở trên mức nguy kịch đó (Sài Gòn Giải phóng, 9.11.92).

Hơn thế nữa, trong nền kinh tế thị trường, nông dân càng được mùa, giá nông sản càng hạ, và hiện có chiều hướng giảm dưới giá thành sản xuất. Đó là trường hợp của lúa: với chi phí sản xuất như hiện nay, giá lúa phải trên 25.000 đồng/giạ (một giạ = 22 kg) thì nông dân mới có lãi. Trong khi, vào thời điểm tháng 12 vừa qua, giá mua lúa trên thị trường biến động giữa 19 và 22.000 đồng/giạ. Trong điều kiện đó, những người trồng lúa, nếu không bỏ nghề, thì cũng không thể an tâm mà sản xuất. Những người trồng mía và nuôi heo cũng đang ở trong một hoàn cảnh tương tự (Tuổi Trẻ, 3.12.92).

2. Đầu tư mới thật là “tiền đề” của mọi quá trình tăng trưởng kinh tế. Đề cập vấn đề này, bản báo cáo của chánh phủ xác nhận rằng với thu nhập quốc dân cũng như ngân sách nhà nước hiện tại, kinh tế Việt Nam chỉ trang trải tiêu dùng, “không có tích luỹ”. Tính chung hai năm 1991 và 1992, mọi nguồn đầu tư chỉ được khoảng 2 tỷ đôla, chủ yếu là vốn nước ngoài và thu khấu hao cơ bản.

Sau gần 5 năm thực hiện luật đầu tư, tổng số vốn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam không quá 3,6 tỷ đôla (tính đến ngày 31.10.92) trong đó mới có một phần ba được đưa vào hoạt động, và hầu như không có dự án nào đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Song điều “không bình thường” – theo lời thủ tướng Võ Văn Kiệt – là nhà nước Việt Nam có luật đầu tư nước ngoài nhưng vẫn chưa có “ luật đầu tư trong nước”, chưa có quan tâm nâng đỡ doanh nghiệp Việt Nam, thậm chí lại ưu đãi người kinh doanh nước ngoài hơn người kinh doanh trong nước. Lãnh đạo bao nhiêu năm nền kinh tế Việt Nam, ông Kiệt hôm nay thừa nhận rằng nếu có chánh sách thoả đáng, tạo môi trường thuận lợi cho người đầu tư trong nước thì người dân “sẽ bỏ tiêu pha, lãng phí, ra sức tiết kiệm để làm giàu ; sẽ không cất giữ vàng và đôla, sẽ đưa vốn vào sản xuất kinh doanh sinh lợi trước khi xây nhà mới khang trang, mua sắm các đồ dùng đắt tiền; sẽ đưa công sức, trí tuệ, tiền vốn vào những hoạt động sinh lãi bằng hiệu quả thực tế chớ không chạy theo kinh doanh chụp giật, nhất thời”. Lời đánh giá này vừa khẳng định khả năng tiết kiệm đầu tư của xã hội Việt Nam ngay khi thu nhập đầu người còn thấp, vừa qui rõ trách nhiệm của người lãnh đạo khi không vận động được nguồn lực của bản thân xã hội. Điểm mà đến nay ông Kiệt vẫn không công nhận là, để làm được điều đó, không thể chỉ ban hành những biện pháp thuần tuý kinh tế (về thuế, tín dụng, giá cả, đất đai...). Tạo một “ môi trường thuận lợi” còn đòi hỏi ở nhà cầm quyền một thái độ cởi mở về tư tưởng và chánh trị, coi trọng yêu cầu dân chủ của xã hội (trước tiên là quyền độc lập suy nghĩ và tự do phát biểu ý kiến của người dân). Ông Kiệt có sẽ lẩn tránh vấn đề này đến bao giờ?

Đề cập đến nguồn đầu tư nhà nước, bản báo cáo của chánh phủ nhận xét rằng trong khi ngân sách còn eo hẹp, không chi cho đầu tư được bao nhiêu, “thì tài sản vốn của nhà nước lại bị lãng phí, bị đục khoét khá phổ biến”. Theo ông Vũ Đình Cự, chủ nhiệm uỷ ban khoa học, công nghệ và môi trường của quốc hội, có khi đến 30% chi phí xây dựng cơ bản bị thất thoát (với khoảng 6.000 tỷ đồng xây dựng cơ bản dự kiến trong năm 1993, người ta có thể thử tính số tiền sẽ còn bị mất mát). Một số liệu khác chưa đầy đủ cho biết những vụ tham nhũng được phát hiện trong năm 1992 đã gây thiệt hại hơn 92 tỷ đồng. Còn về tình trạng thất thu thuế, bộ thương mãi đã phát hiện 170 tỷ đồng trốn lậu thuế. Và trong khi các xí nghiệp quốc doanh nợ thuế đến 400 tỷ đồng, 20 đến 25% doanh số các xí nghiệp ngoài quốc doanh hiện nay trốn thuế ( Tuổi Trẻ Chủ nhật, 13.12.92).

Riêng về hoạt động buôn lậu, một báo cáo của bộ tài chính ước tính hàng nhập lậu trong 9 tháng đầu năm 1992 là khoảng 12.000 tỷ đồng (hơn 1 tỷ đôla). Trong cùng thời gian đó, khối lượng hàng lậu bị bắt giữ được trị giá 120 tỷ đồng ( Thanh Niên, 13.12.92). Phó chủ tịch uỷ ban nhân dân Thành phố Chí Minh, ông Vương Hữu Nhơn, còn cho biết những tháng cuối năm 1992 đã chứng kiến hàng nhập lậu (mà nguồn chính hiện là Trung Quốc) tăng nhiều so với những tháng trước đó. Ông nhấn mạnh rằng hoạt động buôn lậu này sử dụng mọi phương tiện của nhà nước “một cách ung dung nếu không nói là công khai” ( Thời báo kinh tế Sài Gòn, 5.11.92).

Nói đến cuộc đấu tranh bài trừ tham nhũng và buôn lậu, thủ tướng Võ Văn Kiệt tuyên bố “dứt khoát không đánh trống bỏ dùi”. Đồng thời ông lại chỉ thị tiến hành cuộc đấu tranh này mà “ không gây ra không khí nặng nề, căng thẳng; không để kẻ địch, bọn xấu lợi dụng” (quyết định ngày 21.11.92). Không ai dám nghĩ rằng bộ máy chánh quyền có thể tự trong sạch hoá khi tham nhũng và buôn lậu đã trở thành phương tiện sinh sống, nếu không nói là lẽ tồn tại hiện nay của người cầm quyền, kể cả ở cấp lãnh đạo cao nhất. Chỉ có dân chủ – thể hiện trước hết trong quyền tự do của báo chí, vai trò của công luận – mới có khả năng lành mạnh hoá nhà nước. Sức mạnh dân chủ này, ông Kiệt vẫn không muốn nghe nói đến.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss