Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 15 / Về sự ghi nhận một vài văn bản

Về sự ghi nhận một vài văn bản

- Thuỵ Khuê — published 10/12/2010 02:20, cập nhật lần cuối 07/01/2011 14:35

Bạn đọc viết


Về sự ghi nhận một vài văn bản

 

Bài Dân chủ và dân tộc của Đặng Tiến (Diễn Đàn số 11) và bài Cần nhiều tự do và sáng tạo hơn thế nữa của Thế Uyên ( Diễn Đàn số 13) gây một số phản ứng. Riêng hai bài viết của chị Thu Trang Không nên rẻ rúng ( số 13) và Tạm gọi là  gặp gỡ ( 14) có những ngộ nhận đáng tiếc rồi từ đó đưa ra những suy diễn không nghiêm chỉnh về hai nhà văn Đặng Tiến và Thế Uyên.

1) Trường hợp Đặng Tiến : Trong bài Dân chủ và dân tộc, ngay hàng đầu Đặng Tiến đã tóm lược nội dung: “Thử đặt vấn đề: Trong hoàn cảnh nào tinh thần dân tộc thúc đẩy vận trình dân chủ và ngược lại, đến chừng mực nào cũng tinh thần dân tộc ấy làm trở ngại bước tiến dân chủ”. Và trong suốt bài tiểu luận, Đặng Tiến khai triển tiêu đề chủ lực đó: nêu lên cả khía cạnh tiêu cực lẫn khía cạnh tích cực trong tinh thần dân tộc để chứng minh rằng chính những khía cạnh tiêu cực đã làm trở ngại bước tiến của dân chủ.

Tiếc rằng chị Thu Trang chỉ nhắm vào những điểm tiêu cực của tinh thần dân tộc mà tác giả đề ra và coi như một sự “ thóa mạ” “ đụng chạm đến tự ái dân tộc”.

Đặc biệt có những nhận định chính xác đã bị chị hiểu lầm một cách trầm trọng:

Việc “ xưng bác vớí nhân dân là phi dân chủ”. Đặng Tiến đúng. Trên căn bản dân chủ, mọi công dân đều bình đẳng: không ai là chú, bác của ai. Trong gia đình, cách xưng hô: chú, bác, cô, dì... thoát thai từ truyền thống. Ở các xã hội dân chủ, không có cấp, bậc trong cách xưng hô: con cháu có quyền tutoyer với ông, bà, cha, mẹ. Gia đình và dân chủ là hai giá trị khác nhau.

– Khi viết: “Một mặt khác, người cộng sản đã lạm dụng tinh thần dân tộc để áp đặt chế chộ cộng sản lên đất nước. Và hiện đang tiếp tục lạm dụng hai chữ dân tộc để duy trì chính sách toàn trị độc tài thoái hoá đó (...) nhưng trong quần chúng vẫn có người nghe vì tâm khảm họ vẫn còn gìn giữ hình ảnh người cộng sản gắn liền với cuộc kháng chiến gian lao của dân tộc giành lại độc lập và thống nhất.” Đặng Tiến không hề “ phủ nhận dù một phần nào những trang sử này”, do đó không thể kết tội anh đã “ phản bội tinh thần và quyền lợi dân tộc” (như lời chị Thu Trang).

2) Trường hợp Thế Uyên : – Khi Thế Uyên viết: “Và với một quá khứ và một vị trí quan sát như vậy, tôi đã đi đến một vài kết luận, một số vấn đề, cho dân tộc Việt Nam ở nội địa cũng như ở hải ngoại”.

Chữ “cho” ở đây là giới từ, chị Thu Trang hiểu lầm là động từ (tiếng Pháp rõ hơn: khác nghĩa giữa pour donner) và gán cho Thế Uyên ý đồ muốn “cho dân tộc Việt Nam” cái gì, rồi tưởng tượng ra là “ quà”, để từ chối. Khổ thật. Thế Uyên có cho chị cái gì đâu?

– Câu “... người Việt mới cương quyết đặt ra vấn đề duy tân, dù là rất trễ”. Thế Uyên viết duy tân (không hoa) kèm theo chữ vấn đề, trong nghĩa thông thường: đổi mới (réforme). Không thể đồng hoá với Duy Tân (viết hoa) là tên vua Duy Tân (1907-1916) hoặc tên phong trào Duy Tân buổi đầu thế kỷ (như chị Thu Trang đã hiểu).

Những “đỉnh cao” của dân Việt, mọi người biết cả rồi. Hai bài viết của Đặng Tiến và Thế Uyên cố tình nhấn mạnh vào những nhược điểm của người Việt Nam: tinh thần dân tộc thái quá, óc bảo thủ, óc thiếu sáng tạo, v.v... không phải với ý đồ “thóa mạ” hoặc “quay lưng lại với nguồn gốc của mình”, mà ngược lại với mục đích nhìn vào những điểm tiêu cực của mình để tìm cách duy tân, tiến bộ.

Anh Bùi Mộng Hùng, đã có một bài viết tâm huyết, nghiêm chỉnh và công phu1, phân tích những dữ kiện lịch sử trong quá khứ một cách sáng suốt và trung thực. Tuy nhiên, có một điểm anh chưa đề cập tới đó là ảnh hưởng của Liên Xô đối với Việt Nam dân chủ cộng hoà. Điểm thứ nhì: Tiếc rằng anh đã viết trong tinh thần trả lời thái độ “ muốn xoá bỏ quá khứ” của Thế Uyên và Vương Hữu Bột. Theo tôi, khi Thế Uyên và Vương Hữu Bột nói đến “xoá bỏ quá khứ” là các anh ấy muốn nói: “vì hiện tại mà quên quá khứ đi”, “ xoá bỏ hận thù đi”. ( Ý này áp dụng cho thành phần bại trận nhiều hơn thành phần thắng trận: thua mới hận, thắng thì cần gì phải hận thù, do đó có gì mà xoá bỏ).

Kỳ dư, ai có quá khứ oai hùng, ai không có, tự mình mình biết, tự mình mình hay. Đuổi làm sao được. Những dòng trên chỉ cốt nói một điều: Những chân lý nhiều khi dậm chân tại chỗ. Những nghịch lý giúp người ta tiến bộ. Có khi vì chân lý, hoặc cái mình cho là chân lý, mà con người giam mình vào ghetto.


Thuỵ Khuê (17.12.92)

 

1 Nói chuyện với những người bạn, Diễn Đàn số 14.

_________________________

 

“Trả lời” một thái độ của những anh những chị đã can đảm đi ngược lại tâm tư của một số đông trong môi trường của các anh các chị? Có lẽ “góp ý” sát với lòng và ý của chúng tôi hơn, chị Thuỵ Khuê ạ. Góp ý từ quan điểm không nên quên những nguyên nhân đã làm cho biết bao người công dân Việt Nam vô tội phải cam chịu oan khuất, khổ nhục đắng cay. Mà theo chúng tôi một trong những nguyên nhân chính là lối nhìn giản lược vấn đề chỉ còn hai cực đối chọi nhau, chỉ có thể là trắng và đen, thiên thần và quỷ dữ, chính nghĩa và phản động, kẻ thắng và người bại, hận thù chất ngất cả đôi bên... Lối nhìn không phải chỉ riêng của những người đã tự cho phép đày đoạ giam giữ trong hàng chục năm đồng bào của mình mà đa số chỉ mắc cái tội sinh trưởng bên kia vĩ tuyến. Từ quan điểm xét vấn đề với mọi kích thước phức tạp của nó, thì không có mộ t Chân lý viết hoa mà chỉ có những lối nhìn khác nhau. Cần cùng nhau thảo luận bàn bạc nghiêm chỉnh trong tôn trọng lẫn nhau. Và trên Diễn Đàn đã bắt đầu có những trao đổi trong tinh thần này.

Có lẽ đấy cũng là quan điểm những cá nhân nhỏ bé đã hành động theo lương tri của mình, thành thật nhìn lại chẳng thấy đâu là oai hùng mà chỉ thấy thiếu sót, trật vuột, đôi khi không tránh khỏi lố bịch, như cái nhìn của Nguyễn Quang Lập trong Những mảnh đời đen trắng mà chị đã vui lòng giới thiệu trong một bài Diễn Đàn sẽ đăng trong số sau, như của Phan Nhật Nam, của Bảo Ninh... Nhìn từ quan điểm này thì đau xót những mất mát của đồng bào, thì ghi nhận như là cái được chung sự kiện đất nước toàn vẹn, chủ quyền về ta, thì nhận định thiếu tự do, thiếu dân chủ là cái thiếu chung cho cả mọi công dân rất khác nhau về quan điểm, quyền lợi, chính kiến... và tôn trọng lẫn nhau trong công cuộc cùng nhau sát cánh đòi tự do, đòi dân chủ.

Còn mô hình Liên Xô, tư tưởng Stalin, tư tưởng Mao Trạch Đông không nói tới chỉ vì không phải chủ đề của bài tiểu luận. Mô hình Liên Xô đã phá sản nhưng Stalin còn được chân thành tôn sùng trong lòng nhiều người cộng sản Việt Nam có đâu phải vì tư tưởng của ông ta? Tại sao rất nhiều người Việt Nam ở khắp n ơi, mà không phải chỉ ri êng những cán bộ cộng sản, chưa từng đọc Mao tuyển mà lại mao-ít đến thế, trong tư tưởng và trong hành vi? Những câu hỏi cần được phân tích, tìm hiểu cặn kẽ. Xin chị tin là không có ý tránh né, gặp dịp sẽ nghiêm túc đề cập vấn đề cùng những hệ quả cho hiện tại và tiền đồ của dân tộc.

B.M.H

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss