Bạn đọc và Diễn Đàn
Bạn đọc và Diễn Đàn
Dịch
Trong bài “Tạm gọi là gặp gỡ” (Diễn Đàn số 14), chị Thu Trang có phát biểu về việc lạm chêm tiếng nước ngoài – khi không cần thiết – vào những câu tiếng Việt. Chị có lý. Nhân đây, tôi xin chép lại 4 câu thơ hồi đầu thế kỉ (xem Giai thoại văn học Việt Nam, Nhà xuất bản Văn Học, 1963), mà có lẽ tác giả (khuyết danh) muốn “đùa” những người mới học tiếng Pháp lúc đó, nhưng sính “sáng tạo” pha chữ:
Chiều
chiều
ra đứng chốn la-ruy (la rue = đường phố
)
Trông thấy nhà kia có một phi (fille = cô gái)
Tuổi tác xuân sanh còn bớ-tít (petite = nhỏ)
Hình dung giống chửa có ma-ri (mari = chồng)
Tuy nhiên, việc dùng hoàn toàn tiếng Việt không phải là đơn giản, bởi vì có những khái niệm, dù là nay thông thường, mà ngôn từ Việt Nam chưa diễn tả, có lẽ vì người Việt Nam ở trong nước chưa chú ý. Thí dụ: intégrisme, intégration, sponsoring... Vả lại, không dễ dàng cho người Việt ở nước ngoài khi viết tiếng Việt, không thể hoàn toàn dựa vào từ điển (Thí dụ: cuốn Từ điển Pháp-Việt, do ACCT xuất bản, 1981, dịch chữ baiseur là người hay hôn...)
Và ngược lại, đôi khi cũng mong Ban biên tập Diễn Đàn – trong chừng mực có thể – dịch một số chữ tiếng Việt ra tiếng nước ngoài để giúp độc giả hiểu được (Thí dụ, trong bài Bill Clinton trong Nhà Trắng, Diễn Đàn số 14, có một số từ tiếng Việt không có trong từ điển, tôi phải nhờ một anh bạn cắt nghĩa hộ mới hiểu: danh xưng, vấn nạn ở đây là nghệ thuật đi dây thăng bằng giữa..., thượng phong, ma xát)
T.L. (Paris)
Hay không ngờ
Nhận được ba số Diễn Đàn vào những ngày cuối năm. L. và mình đọc ngấu nghiến từ A tới Z. Hay không ngờ. In tại Pháp mà nghèo đến mức không có nổi cái bìa, y như báo trong nước. Báo tâm huyết thì ở đâu cũng nghèo!
H.T. (Huế)
Chữ và Nghĩa
Nhà văn Đặng Tiến viết văn từ thuở thiếu niên, ông viết nhiều và hay, được nhiều độc giả – trong đó có tôi – ưa thích. Nhưng đôi khi không biết vì ông quá tự tin hay phải viết gấp cho kịp đăng báo, nên có đôi câu tôi cứ ngờ ngợ như không phải chính văn của Đặng quân. Ví dụ câu dưới đây trong bài viết về Văn Cao đăng trên hai tờ nguyệt san cùng tháng 12.1992 (Diễn Đàn ở Pháp, tr. 23, cột 1. Và Hợp Lưu ở Mỹ, tr. 36):
“Ngắn nhưng không gọn, giản dị mà không giản lược, vì buộc người đọc phải suy nghĩ lao lung.”
1) Không gọn nghĩa là không gọn gàng, luộm thuộm? Chê hay khen? Tôi đoán mò là nhà văn muốn nói hàm súc, cô đọng hay là ít lời nhiều ý?
2) Giản dị mà không giản lược. Căn cứ vào quyển từ điển nào để phân biệt hai từ này khác nhau thế nào? Không giản lược nghĩa là không “ngắn và gọn”? Có lẽ ông muốn nói dễ hiểu mà không sơ lược?
3) Suy nghĩ lao lung. Lao lung gốc Hán. L ao là cái chuồng, cũng có nghĩa là nhà t ù. Lung là cái lồng. Lao lung thường chỉ dùng theo nghĩa kìm hãm, mất tự do. Chí sĩ Phan Châu Trinh có câu thơ: “ Bất tri hà nhật xuất lao lung?” (Sổ lồng tháo cũi biết ngày nào đây?) Đời xưa ở Trung quốc có (một?) người dùng lao lung theo nghĩa bao la. Nhưng từ cận đại và nhất là ở ta hình như không ai dùng theo nghĩa thứ hai này.
Nguyễn Hữu Thành (Paris tháng 12.1992)
Đặng Tiến trả lời
Ý kiến nghiêm chỉnh của anh Nguyễn Hữu Thành cần được trân trọng, và tôi xin vui vẻ trả lời, không phải để đôi chối, mà để có dịp hàn huyên với người bạn vong niên và một số độc giả.
1. Chữ gọn, ở đây có ý chê, gần với giản lược, sơ lược, vội vàng. Lối dùng chữ này, tôi học của anh Vũ Khắc Khoan thời mới tập viết văn. Anh Khoan, sinh thời, dùng chữ “gọn” để nói đến những bài bình luận có tính ước lược tư tưởng kẻ khác cho hợp với dụng ý của mình, để hoặc khen hoặc chê, hoặc xuyên tạc. Trái với chữ gọn gàng có ý đẹp, như lời thơ Văn Cao: Ta muốn gói cuộc đời gọn gàng như trái vải.
2. Chữ “giản lược” gần với chữ sơ lược. Khác giản dị ở chỗ: giản dị là một tính từ, mô tả tình trạng có ý khen, còn giản lược, vừa là động từ vừa là tính từ, nghiêng về động tác có ý chê. Các từ điển đều có phân biệt. Đào Duy Anh (1931) định nghĩa: giản dị: đơn sơ, dễ dàng. Giản lược: sơ qua, không kỹ càng. Gustave Hue (1937) dịch: giản dị: facile; giản lược: sommaire. Có khác nhau về ý nghĩa chứ! Chưa kể là cấu trúc nội tại của từ khác nhau, khiến ta nói giản dị mà không nói dị giản, như ta có thể giản lược và lược giản. Cuối cùng, giản dị không phải lúc nào cũng dễ hiểu.
3. Chữ lao lung tôi dùng cả hai đều là tính từ không can gì đến hai danh từ đồng dạng có nghĩa là chuồng lồng. Lao nghĩa là vất vả, cực nhọc, lung là nhiều, rộng, hai chữ đều có trong từ điển Huỳnh Tịnh Của, Đào Duy Anh, v.v...
Nhưng ví dù tôi có sử dụng hai chữ lao lung theo nghĩa chuồng lồng, thì hai từ đó khi ghép lại làm từ kép có láy âm đầu cũng không bắt buộc phải giữ nghĩa gốc, theo một quy luật ngữ pháp mà bạn Phan Ngọc có lần đề ra: “ Có một quy luật khá phổ biến là khi một từ gốc Hán Việt có hình thức láy âm, thì ngữ nghĩa của nó có khi khác ngữ nghĩa trong tiếng Hán.” Ví dụ: tử tế, tồi tàn, đáo để, nguy nga, châm chước... (Vấn đề ngữ nghĩa của từ Hán Việt, trong Tiếp xúc ngôn ngữ Đông Nam Á, Hà Nội 1983).
Trích dẫn từ điển là vì anh Thành hỏi: “ căn cứ vào từ điển nào”. Sự thật thì khi viết văn ít khi tôi dùng từ điển. Chỉ dựa vào vốn từ vựng của mình và luật ngữ pháp rồi tùy tiện viết theo văn mạch và rung cảm. Hơn nữa các từ điển Việt Nam không đầy đủ, thiếu chính xác và nhất là không cập nhật, không theo kịp tiếng nói. Lấy một ví dụ cho vui, cũng từ chuyện Văn Cao. Bài Cung Đàn Xưa có câu:
Chiều
năm nay
Tiếng người khơi thương
Tiếng đàn gieo oan
Giấc mộng chàng Trương
Anh Phạm Duy nghe nhầm “gieo oan” thành ... “ giao hoan”, không phải một lần mà nhiều lần (xem Hợp Lưu số 8, trang 11). Bạn đọc bình thường đều biết giao hoan là làm gì. Nhưng thử tra từ điển xem. Tất cả từ điển Việt Nam, từ xưa đến nay mà tôi đã tra cứu đều định nghĩa “cùng vui vẻ với nhau” (Từ điển tiếng Việt, Hà Nội, 1988). Vậy thì độc giả Diễn Đàn bỏ ra vài chục quan là ... “giao hoan” với ban biên tập vài ba giờ liền. Rẻ mạt?
Tùy bút đặc sắc Noces của Albert Camus được bạn Trần Thiện Đạo dịch rất tài hoa ra là Giao Cảm (Sài Gòn, 1965). Chữ giao cảm, theo từ điển Gustave Hue (1937) đồng nghĩa với giao cấu. Còn giao hoan là joie communicative.
Nhà văn tiền bối Vương Hồng Sển, năm nay ngoài 90 tuổi vừa mới cho xuất bản sách mới, Sài Gòn Tạp Pín Lù, đọc rất khoái. Ông cụ nêu ví dụ mấy chữ “ lang bạt kỳ hồ” nghĩa chánh là dựa vào tính con lang đạp cái bọc da nơi trước cổ, vì vậy mà lúng túng không đi đâu được. Nhưng ngày nay ai cũng hiểu... nghĩa nghịch hẳn (cuốn II, tr. 12). Rà lại Hán Việt từ điển thì Đào Duy Anh cũng đã từng nói như vậy. Riêng tên sách cụ Vương, đọc đúng phải là Sài Gòn đả biên lô nghĩa, đại khái, là... đánh bên lò (lửa)!
Nhắc thêm vài chuyện cũ: trong bài về Tản Đà trước đây, tôi có viết: một lời nói ra bốn ngựa theo không kịp. Có bạn đọc viết thư nhắc nhở: tứ mã nan truy là ngựa tứ, ngựa hay chứ không phải bốn ngựa.
Đúng phóc. Tôi chính thức nhận lỗi. Tuy rằng dân gian vẫn hiểu tứ mã là bốn ngựa:
Một lời trót
đã nói ra
Dù rằng bốn
ngựa khó mà đuổi theo
(Tục ngữ Việt Nam, Hà
Nội, 1975, tr. 302)
Trong bài về Quang Dũng, tôi có viết thơ Quang Dũng gieo thoi giữa thực và mộng... Bạn vàng Nguyễn Thanh Nhã vốn đọc kỹ tôi như anh Nguyễn Hữu Thành, có nhắc tôi giữa hai chén...trà: gieo thoi là ném hòn sắt, hòn đạn... Tôi bái phục và nhận lỗi ngay, và trên đường về, tôi nhẩm đọc thơ Nguyễn Bính:
Ví chăng nhớ
có như tơ nhỉ
Em thử quay
xem được
mấy vòng
Ví chăng nhớ có như vừng nhỉ
Em thả lào xem được mất thưng!
(...)
Gieo thoi gieo thoi lại gieo thoi
Nhớ nhớ mong mong mãi mãi rồi
Thoi ạ làm sao thoi lại cứ
Đi về giăng mắc để trên tôi
(Nhớ, trong tâm hồn tôi,
1940, tr. 7)
Thơ hay quá. Thừa gió bẻ măng trích hầu bạn đọc. Dĩ nhiên là kể lại cho vui, chứ không phải để chối lỗi. Tôi nhận sai lầm và giải thích nguyên do.
Bây giờ xin phép trở lại hai chữ lao lung. Về mặt lý lẽ và ngữ pháp, tôi đã trả lời đầy đủ. Nay xin gửi một niềm tâm sự: thay vì hai chữ lao lung, tôi có thể dùng cụm từ lao tâm khổ tứ. Là không có vấn đề. Nhưng lại không xuôi tai. Chữ lao lung, ngoài cái nghĩa vất vả còn có âm vang rung lên trong lòng tôi, một lần với chiếc Lá của Văn Cao như cuộc đời Văn Cao bảy mươi năm lao chao trong giông bão. Từ lao chao không có trong từ điển cũng như một số chữ khác như: ai đang độ ấy lăm răm mắt (Tản Đà, nhớ chị hàng cau) , cho lay bay tình ý ở xa xăm (Hàn Mặc Tử, Cẩm châu duyên), trèo đèo hai mái chân vân, lòng về Hà Tĩnh, dạ ái ân Quảng Bình (ca dao, Xuân Diệu rất thích hai chữ chân vân).
Bài Lá Khát Vọng viết nhanh, nhưng tôi sửa chữa bản thảo tương đối cẩn thận. Riêng câu anh Nguyễn Hữu Thành trích dẫn được viết đi viết lại nhiều lần. Duy chỉ có bài Văn Cao Tiếng Hát, bản đăng trên Hợp Lưu, là luộm thuộm. Tôi viết vào dịp hè, viết nhanh cho kịp gởi một bạn thân về Hà Nội trình Văn Cao đọc qua bản thảo, vì tôi không sành âm nhạc; đồng thời tôi cũng có nhờ anh Phạm Duy và nhiều bạn văn trong và ngoài nước duyệt qua; cuối cùng chỉ có Dương Tường khuyên nên sửa lại cho gọn. Tôi nghe lời, có sửa lại, mà vẫn chưa gọn, chưa kể những lỗi in ấn của báo Hợp Lưu. Thậm chí có nhiều câu bản thân tác giả đọc lại cũng không hiểu gì. Bản in trên Diễn Đàn là đã có sửa chữa cẩn thận hơn.
Bài báo, do nhu cầu biên tập, có khi phải viết nhanh. Nhưng không vội và không tự tin như anh Thành nhận xét. Sở dĩ nhiều người có cảm giác ấy là do lối viết, giọng văn, do những khẳng định ngắn gọn cắm phập vào những câu mông lung. Anh Võ Phiến có lần nhắc tôi điều này. Nhưng đây là vấn đề phong cách, không biết có nên tránh hay không.
Chuyện cuối năm, chuyện tầm phào, cụ Vương Hồng Sển gọi là Tạp Pín Lù, hay chuyện tào lao. Lại lao, nhưng lần này không vất vả.
Đặng Tiến 27.12.92
Lưu loát
Qua những bài đã đọc tôi có ấn tượng là tiếng Việt của Diễn Đàn rất lưu loát. Nói như vậy không có nghĩa là Diễn Đàn không phải sửa chữa gì.
– Trong Diễn Đàn số 1 (10.1991), trang 3 có câu “Trước tình hình các xí nghiệp không thanh toán nợ giữa nhau, làm tê liệt... ”, có vẻ không ổn. Nói nợ của nhau thuận tiếng Việt hơn. Ở cùng trang báo, đoạn “Ngân hàng Pháp Crédit Lyonnais đã chấp nhận cố vấn chính phủ Việt Nam trong việc tư nhân hoá các xí nghiệp quốc doanh...” Nên chăng viết là “Ngân hàng... đã chấp nhận làm cố vấn cho chính phủ Việt Nam trong... ”, sẽ rõ ràng hơn.
– Trong Diễn Đàn số 5 (2.1992), trang 27 có câu “Ta đã quen dùng lịch Trung Quốc, từ ngàn xưa đã tinh vi và cũng thật phù hợp với đời sống nông nghiệp từ khi còn nội thuộc nước Tàu”. Nên thêm một dấu phảy sau từ nông nghiệp...
– Ở trang 4 của Diễn Đàn số 7 (4.1992) có câu “Theo ông Lê Mai, ...trong quá trình bốn năm qua, Việt Nam có mắc phải một số sai lầm...” cũng nên sửa chữa. Trong đoạn gạch dưới, chỉ cần viết trong bốn năm qua là đủ.
T.H.N (Paris)
Các thao tác trên Tài liệu