Cần nhiều không gian công cộng hơn nữa
Cần nhiều không gian công cộng hơn nữa
Trần Đạo
Tôi xin có vài nhận xét về bài “Cần nhiều tự do và sáng tạo hơn nữa” của Thế Uyên (Diễn Đàn số 13).
1. Đây là tiếng nói chân thành, can đảm, của một người hiểu mình đã từng lầm lạc, từng bị lạm dụng, và dám sòng phẳng với chính mình, với đời mình. Điều này tôi trân trọng.
2. Đây là tự sự trung thực về một kinh nghiệm cay đắng chung của một số khá đông người Việt. Điều này tôi quý trọng.
3. Đây là lời kêu gọi chân tình của một người yêu nước thương nòi, có tâm hồn cởi mở. Điều này tôi cảm mến.
Nhưng khi tác giả trình bày quan điểm về thời đại, về chiến tranh Việt Nam, về phương hướng đóng góp cho dân tộc, tôi thấy anh đã khái quát hoá vội vã, lập luận tuỳ tiện, thái độ vẫn có mặt loại trừ, và chủ trương mơ hồ, cũ kỹ. Tôi xin lỗi mọi người, đã thảo luận phải tôn trọng đối tượng: phải thẳng thắn.
4. Khái quát hoá vội vã.
Đồng nhất ý thức hệ tư sản với Thiên Chúa giáo, biến cả lịch sử cận đại thành một cuộc tranh chấp giữa hai ông thần Jésus và Marx, quả là giản lược vấn đề. Dĩ nhiên, thỉnh thoảng vẫn còn “đệ tử” của Max Weber khai thác mạch suy luận gắn liền ý thức hệ Tin lành với sự hình thành chủ nghĩa tư bản. Nhưng họ không liều lĩnh tới mức ấy.
Xoẹt một cái, mấy trăm năm lịch sử đấu tranh tư tưởng chống sự áp chế của Thiên Chúa giáo, khai sinh những hệ tư tưởng tư sản, đã tiêu vong. Còn đâu những bước mày mò của Bruno, Galilée, Descartes, Kant... để khẳng định vai trò của tư duy khoa học trong sự hiểu biết thế giới? Còn đâu những đấu tranh của Voltaire, Rousseau, Montesquieu, Diderot... để khẳng định vị trí trọng tâm của con người tự do trong quá trình tiến hoá của loài người, của lịch sử, của xã hội? Còn đâu những mày mò của hàng trăm ngàn nhà tư tưởng, văn hoá, khoa học, của hàng trăm trường phái ý thức hệ ở Tây Âu từ ấy tới nay?
Xoẹt một cái, quá trình 2000 năm đưa tôn giáo của người nô lệ thời Đế quốc La Mã thành một hệ thống tôn giáo và quyền lực mức toàn cầu hôm nay, cũng biến mất.
Xoẹt một cái, tất cả những hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa hình thành và phát triển suốt hơn 200 năm, trong đó chủ nghĩa mác xít chỉ là một trường phái, cũng tiêu tan.
Chưa kể tất cả những hệ tư tưởng, triết học lớn nhỏ khác! Chỉ xem nội thế kỷ 20 cũng đủ chóng mặt.
Tác giả còn mượn con mắt của người viết sử để phán: ý thức hệ Mác Lênin là ý thức hệ tấn công. Không lẽ ta còn đang mơ? Ý thức hệ tư sản chớm nở chưa đầy 300 năm (không phải từ 2000 năm như đạo Thiên Chúa). Không hiểu nó ngồi yên thế nào mà chinh phục cả thế giới? Không lẽ suốt những thế kỷ 18, 19, 20 không hề có chiến tranh giữa tư sản và phong kiến ở châu Âu, trong nội bộ từng nước và giữa các nước? Không lẽ không hề có chiến tranh thuộc địa, không hề có chiến tranh thế giới thứ nhất, rồi thứ hai? Không lẽ chủ nghĩa cộng sản không phải là con đẻ của chủ nghĩa tư bản mặc dù kinh thánh của nó mang tên Tư bản luận?
5. Lập luận tuỳ tiện
Tác giả điềm tĩnh nhìn lại lịch sử Việt Nam và thấy gì? Một bên có vài thầy phù thủy ở Moscow tóm cổ vài đứa khù khờ, cấy vào đầu vài liều thánh lệnh, quẳng về núi rừng Việt Bắc; rồi họ chỉ cần nhấn nút, những con robots ấy tức khắc xua hàng triệu người ra chiến trường, bắn giết thoả thích trong gần nửa thế kỷ. Bên kia Mỹ, tuy ích kỷ, nhưng là người, vẫn nhân đạo hơn, hết lòng vũ trang cho đồng minh, ve vuốt đồng minh bằng lời mỹ miều, huân chương “tiền đồn của thế giới tự do”. Tội nghiệp đồng minh chân chỉ hạt bột, khờ khạo, yếu hèn, không biết thủ thân.
Lịch sử cận đại Việt Nam đơn giản quá! Dân tộc Việt Nam ngu ngốc quá. Từng người Việt Nam khù khờ quá. Tinh thần dân tộc, tình yêu nước thương nòi, ý chí độc lập, tự do, yêu cầu nhân cách, dân chủ, lý tưởng bình đẳng, công bằng, hoài bão hạnh phúc... sống, chết, yêu thương và hận thù, tự hào và sám hối... Toàn chuyện hão. Những năm tháng giong đèn từ cổ tới kim, ôm đầu quằn quại “ quyết trả lời câu hỏi bốn nghìn năm” của bao người, kể cả Thế Uyên xưa, hão hết. Chỉ có “mấy ông râu xòm da trắng mắt xanh” giựt dây một mớ người nộm.
Đây là lối nhìn của Ngày phán xét cuối cùng, ngày lịch sử đã trôi vào Lịch Sử. Lịch sử là hậu quả của hành động của những con người sống thực, với lý trí và sự ngu muội, với ước mơ và ảo vọng của nó. Hậu quả đó chẳng bao giờ khớp 100% với sự tính toán của từng người. Khi hành động đã qua, khi cuộc sống đã trôi dạt đi nơi khác, còn lại ngổn ngang những sự kiện, vật liệu nghiên cứu của người viết sử. Người viết sử tập hợp, kiểm soát, chọn lọc, đan kết, trình bày lại những sự kiện ấy theo yêu cầu và khả năng lôgíc của mình. Do đó, lịch sử vừa có tính chất khoa học vừa có tính chất nhân văn. Tính chất nhân văn trong quan điểm của tác giả về lịch sử cận đại Việt Nam thuộc loại tôn giáo. Trong thế giới tôn giáo chỉ có thiên thần và người nộm.
Tôi không biết những thanh niên dám xả thân đánh thực dân với hai bàn tay trắng hồi đầu thế kỷ là robots tới mức nào, tôi không biết những thế hệ kéo nhau đi kháng chiến từ những năm 40 là người hay là giống gì mà ồ ạt nghe lệnh robots. Tôi bắt đầu nghi ngờ cái đầu của chính tôi, không hiểu nó là một cái máy ghi âm chăng, mà vừa đọc bài này nó đã nhận ra ngay một quan điểm, một lối suy luận nó đã thuộc như cháo từ... hơn ba mươi năm nay! Nhưng tôi phải công nhận: lối nhìn và suy luận này phù hợp với quan điểm hết sức tôn giáo về nền văn minh tư sản.
Nó cũng phù hợp với thế đứng tác giả đã lựa chọn: ngoài lịch sử, ngoài hai làn đạn. Có lẽ vì thế tác giả bỡ ngỡ lãnh đủ hai làn đạn: con người thường không chấp nhận cho đồng loại đứng ngoài lịch sử. Tuy hậu quả giống nhau, thế đứng của Thế Uyên khác thế đứng của Dương Thu Hương. Dương Thu Hương lựa chọn đi giữa hai làn đạn. Chị có địch thủ, có đồng minh, có bạn, có thù. Chị muốn xây dựng ngày mai từ thực tế hôm nay, với người thực của hôm nay. Thế Uyên đứng ngoài ngắm một mớ rối đánh nhau. Những viên đạn chĩa vào ông là đạn oan, đạn lạc. Ta đoán ông không thù ghét ai, chỉ thương hại. Ông có đổi chỗ đứng, không đổi cách nhìn, vẫn đơn thuần Quốc/Cộng kiểu xưa.
6. Thái độ cởi mở mà vẫn loại trừ
Tác giả dám đối thoại thẳng thắn với chính mình, muốn đối thoại cởi mở với người khác. Tiếc thay, với lối nhìn và suy luận trên, chỉ có thể “đối thoại” với người cùng một lối suy luận, bất kể xanh hay đỏ, còn với ai khác lối suy luận, thì thật khó. Đã coi người khác như robots và tôi đòi của robots thì còn ai, còn gì, mà đối thoại? Người chỉ có thể đối thoại với người. Ta chỉ bắt đầu thảo luận với người khác khi ta nhìn nhận ở họ một con người toàn vẹn như chính ta: có tự do, lý trí, tình cảm. Mâu thuẫn của tác giả ở đó: tấm lòng rộng mở, tư duy khép chặt dưới dạng phủ định tất cả, dứt điểm. Nghe nói tác giả kể mình đã dồn một nhà lý luận mác xít Việt Nam tới chân tường: anh có thể nói chuyện với tôi mà không dùng học thuyết mác xít không? Không hiểu tác giả có thể nói chuyện với người khác mà không đòi loại trừ bất cứ học thuyết nào có trên đời không? Nếu chỉ có nhu cầu tâm tình với nhau, dùng học thuyết chỉ thêm nhạt miệng. Hoàn toàn đồng ý! Còn nếu muốn thảo luận về Việt Nam, tránh sao khỏi học thuyết mác xít (và chống mác xít nữa!)? Nếu muốn tránh, chỉ có hai cách: 1/ tiêu diệt những người sử dụng nó; 2/ ngồi chờ tự nó biến. Cũng có thể. Cũng chưa chắc, ngay cả ở Mỹ, ở Tây Âu, cái nôi của nó. Dù sao, cả hai thái độ đều thể hiện sự thiếu tin tưởng vào khả năng tư duy của con người, vào khả năng thảo luận giữa người với người.
7. Chủ trương mơ hồ
Tác giả nhận xét: dân tộc Việt Nam thiếu óc sáng tạo, không sáng tác được những hệ tư tưởng lớn như Phật, Khổng, Kytô... Theo tiêu chuẩn ấy, dân tộc Việt Nam chẳng khác đại bộ phận các dân tộc trên thế giới, kể cả Nhật và các nước Tây Âu. Đạo Thiên Chúa do người Do Thái thành lập, đạo Hồi là của người Ả Rập... Hiểu rộng hơn, nhận xét này đúng trong một phạm vi: dân tộc Việt Nam không có truyền thống triết học. Trong khi Châu Âu, chỉ từ cuối thời Phục hưng, sản sinh ra hàng trăm trường phái tranh luận với nhau về đủ mọi vấn đề, dân ta luẩn quẩn một cách giáo điều trong vài hệ tư tưởng cũ mèm. Người Việt giỏi tiếp thu kiến thức của thiên hạ, không quen chất vấn nền tảng của tư duy, lý trí, kiến thức, đạo đức, nghệ thuật ... Điều này cũng có thể có lợi ở một chừng mực nhất định, trong chiến tranh cũng như trong thời ổn định: bớt cãi vã nhau, như ở Nhật chẳng hạn. Gặp cơn khủng hoảng có tính chất thời đại, như sự tiếp cận với nền văn minh châu Âu nó giới hạn khả năng chuyển mình, tiếp thu và dân tộc hoá những tiến bộ của nhân loại để thích hợp mình với thời đại (ngay cả điều này cũng chưa chắc đúng: Nhật có gì sáng tạo ghê gớm trong lãnh vực này?). Nó cũng dễ tạo khuynh hướng tôn thờ của lạ, đầu óc bài ngoại, khí phách ngang tàng coi thường mọi học thuyết. Cả ba thái độ đều thể hiện sự mặc cảm, thiếu tự tin, sự bất lực của lý trí. Có thể chế độ phong kiến Khổng Nho đã đóng một vai trò trong sự lụn bại của dân ta, bắt đầu từ thế kỷ 18. Dù sao, “câu hỏi bốn nghìn năm” nào đã tan biến? Những thế hệ trước đã trả lời một phần, trong hoàn cảnh của họ, với phương tiện nghèo nàn, gò bó của họ. Chẳng ai sống và trả lời thay họ được. Họ đã sống, đã chết. Họ đã trả giá cho thời đại của họ. Họ trả lời. Câu trả lời ấy là di sản của ta. Ta có quyền khen, chê. Nhưng ta không có di sản nào khác, và đã đến lượt ta trả giá và trả lời (tiếp) cho đời sau chê, khen.
Để trả lời câu hỏi ấy, tác giả không ngại xách túi lang thang giữa những nền văn minh, từ cổ tới kim, từ đông sang tây từ nam chí bắc, lùng kiếm điều hay, lẽ phải, của đẹp, hòng cống hiến cho đất nước. Ở tuổi ấy, sau một cuộc đời như vậy thật là một tấm lòng đáng quý mến, khâm phục. Nhưng sao chuyện này giống chuyện Đông du của lưỡng Phan tiền bối, chuyện Nguyễn Ái Quốc đi tìm đường cứu nước quá. Đương nhiên, tác giả đã nói trước: phải biết phân biệt hoa thơm với quả độc. Chẳng khác đảng CSVN luôn luôn chủ trương “tiếp thu có chọn lọc”!
Cuối cùng, một lời nhắn nhủ ân tình: hãy gạt bỏ mọi thành kiến, mọi ý thức hệ, can đảm tiến lên với khí thế của con người tự do, trong tinh thần sáng tạo, phóng về phía trước. Tôi hoan nghênh hết, chỉ phân vân một điều. Tôi sẽ sáng tạo bằng cái gì? Tôi chỉ biết suy nghĩ với cái đầu của tôi. Cái đầu ấy có một khả năng người đời gọi là tư duy, tôi gọi là tự do. Ngoài ra chỉ có chút xíu kiến thức kỹ thuật và ngổn ngang những khái niệm, những luận điểm, những tư tưởng... tóm lại, toàn là kiến thức và ý thức hệ của người xưa (và người nay). Vứt sạch những thứ đó tôi sợ sẽ phóng vào... hư vô. Nhưng tôi chỉ thích sống trong thế giới này, với con người hôm nay, thích thảo luận với họ với cái đầu hôm nay của họ, của tôi. Tác giả nhắn nhủ mà không nêu gương: chính tác giả cũng sáng tác bài mình với một quan điểm về chiến tranh Việt Nam không mới mẻ lắm.
Lang thang giữa những nền văn minh đòi hỏi một tinh thần hiếu học nào đó, và có thể bổ ích: nó tạo dịp cho ta thấy nhiều, biết nhiều. Đó là điều kiện cần thiết cho ta thấy rộng hiểu sâu. Cần thiết, nhưng không đủ. Cuộc du ngoạn này cũng có mặt nguy hiểm của nó. Lang thang quá nhiều, quá lâu, khó có thời giờ ở một nơi, tìm hiểu thật sâu một vấn đề, mặc dù tài liệu đông tây nam bắc đầy rẫy. Vấn đề chiến tranh Đông Dương chẳng hạn.
Trong hoàn cảnh hiện nay, Diễn Đàn đăng bài “Cần nhiều tự do và sáng tạo hơn nữa” là chuyện đáng mừng. Cần nhiều không gian công cộng hơn nữa cho mọi tấm lòng cởi mở. Tiếng nói của Thế Uyên là tiếng nói có tình. Riêng giọng văn, rất chân tình. Tình là bước đầu của hoà hợp. Có thể có ngày nó lấp được những hố bom đạn, lý lịch, trong lòng người. Ngày đó ta sẽ tập nhìn nhận ở mọi người, xanh và đỏ, một nhân cách tự do, với tất cả những què quặt của nó, với khả năng hiểu, hướng thiện hoặc ác của nó. Ngày đó, ta có quyền đòi hỏi nó, đòi hỏi ta, trong tình hoặc hận anh em, trách nhiệm làm người. Con người chỉ có trách nhiệm với nhau vì nó tự do. Vì, dù muốn hay không, cùng với đồng loại, nó là tác giả của lịch sử của nhân giới.
Các thao tác trên Tài liệu