Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 16 / Con gà và con người Việt Nam

Con gà và con người Việt Nam

- Nguyên Thắng — published 16/01/1999 00:00, cập nhật lần cuối 24/05/2007 00:36
Gà Cao Lãnh đối với gái Tân Châu, lại còn tôn gà lên trước người đẹp! Từ trước tới nay, kẻ viết những hàng này vẫn đề quyết rằng đó là vì vần vì điệu nó quá bó buộc đó thôi. Xin các bà các cô cứ tin bằng lời, đừng có cắc cớ mà vặn hỏi hơn nữa. Hãy thương cho, đừng bắt những kẻ có máu me chọi gà phải rạch ròi phân minh bên gà, bên tình, bên nào mê hơn...

 
Con gà và con người Việt Nam

 
Nguyên Thắng

   
"Tè té te, Te..." Mặt trời chưa ló dạng, giọng gáy cao, thanh, đã vang ven rừng, như kêu như gọi như khiêu khích. Gà trong chuồng khi ấy bừng giấc, vội vỗ cánh, cất tiếng gáy của mình lên, trầm hơn, ồ ề hơn, phụ hoạ vào bản hoà tấu chào rạng đông. Khắp đất nước Việt Nam, từ biên giới phía Bắc qua Hoàng Liên Sơn đến vùng đất phèn Cà Mau rặt những tràm, bần với đước, không đâu có rừng mà không có mặt anh gà rừng.

Cái anh chàng thậm hay dắt đàn mái của mình đi kiếm ăn chung với những đàn công. Dân Sài Gòn chỉ cần ra đến Trảng Bom, nhẹ bước len vào ven rừng là đã có thể ngắm cảnh công, gà lẫn lộn cùng đi kiếm ăn. Và phải nói là bên cạnh con công rực rỡ một màu xanh lá cây lấp lánh những mặt nguyệt, thì anh gà rừng trống cũng chẳng nhượng oai phong. Lông mã ở cổ ở lưng óng ánh, từ vàng ấm chuyển qua da cam đến đỏ mận, từ vai ra đến đầu cánh là màu cánh dán, rồi đồng đỏ, rồi tới lớp lông cánh đen nhánh; đuôi dài có cặp lông vút cong, xanh đen chiếu ánh lục.

 
Một anh chàng ai đã biết qua thì chẳng dễ gì quên được, mà lại sinh sống như hàng xóm láng giềng với con người, thời buổi hoang sơ lại càng là thân cận, lẽ nào không có chỗ đứng trong huyền thoại của người Việt? Thế mà tìm mãi không ra. Chính vì là huyền thoại Việt đã tan nát, chỉ còn sót lại ngày nay một vài mảnh vụn.

May là còn đó sử thi Mường Đẻ đất đẻ nước (1), còn ghi nhớ những huyền thoại xa xưa, khi mà văn hiến Trung Hoa chưa tràn ngập xã hội, ngôn ngữ, văn hóa làm cho người Kinh quên mất đi nhiều chuyện thuở mà Việt Mường còn là một.

Nào, chúng ta hãy cùng nhau lần dở những cảm nhận, suy tư lý giải thời thuỷ tổ để tìm xem anh chàng gà được đứng ở vị trí nào trong hệ miêu tả lịch sử vũ trụ và con người Việt Mường cổ xưa. Sử thi kể rằng ban đầu đất trời hỗn mang:

Vùng đất ngày xưa còn bạc lạc, Vùng nước ngày xưa còn bời lời, Trời với đất còn dính làm một.

Nhưng rồi có một lần, mưa, mưa dầm, mưa mãi, Nước vượt khỏi bảy đồi, Nước dâng qua chín đồi bái, Năm mươi ngày nước rút, Bảy mươi ngày nước xuôi, Nước rút dọc có lối ra, Nước rút ngang có lối tránh, Mọc lên một cây xanh xanh, Cây xanh có chín mươi cành, ...

Cây ấy sinh ra ông Thu Tha, bà Thu Thiên, hai ông bà:

Ra truyền: làm nên trời đất, Ra truyền: làm nên lứa đôi

Cây chết đi sinh ra các mường, sinh ra con người đầu tiên là mụ Dạ Dần, mụ Dạ Dần đẻ ra hai trứng, nở ra cun Bướm Bạc và cun Bướm Bờ. Hai con gái vua Trời xuống chơi dưới mường trần, lấy Bướm Bạc, Bướm Bờ sinh con, đẻ cái. Con út là chim Tùng trống, chim Tót mái. Trứng chim Tùng chim Tót đem ấp. Bỗng thấy nứt trứng pỏ, Thấy nở trứng chiếng, Nghe ồn ào tiếng Lào, Nghe lao nhao tiếng Kinh, Nghe ình ình điếng Mọn, Nghe nhốn nháo tiếng Siêng Quan, Nghe xôn xao tiếng Thái, Nghe hổi hải tiếng Mán, Nghe nháo nhác tiếng Mẹo ... Thoại kể các vùng mường Hà Sơn Bình gần với truyền thuyết Âu Cơ hơn: Chim Ây, Cái Ứa sinh ra một trăm trứng. Chín mươi bảy cái nở trước thành 50 người Kinh đi về miền đồng bằng và 47 người Mường, người Thái, người Lào ngược lên vùng rừng núi, ...

Đã có trời có đất có nước, có người rồi nhưng ngày tháng vẫn chưa có. Khi ấy ông Cuông Minh Vàng Rậm, nàng Ả Sấm Trời khai mỏ đồng: Đúc được chín mặt trời, Đúc được mười hai mặt sáng (mặt trăng), Mặt trời mọc lên ràng rạng, Mặt sáng mọc lên hừng hừng, ...

Nắng nhiều, nắng quá lắm, đến nỗi Tìm nguồn chẳng ra nước mà uống, Làm nương chẳng nên lúa nên màu, ...

Lúc ấy có họ nhà Ngao, vốn là thần nỏ: Tay trái vít dây nỏ lăm lăm, Tay phải lắp tên bương vòm vòm, ... Tên bắn sang, mặt sáng rùng mình, Tên bắn trúng, mặt trời rơi rơi, Rụng mặt trời, trời tối như bưng, Tối như vào thung xanh hang đá, ... Bắn rụng hết tám, ai là người đứng ra kêu cho mặt trời duy nhất còn lại lên khỏi chân trời? Ai giải cho được nỗi sợ miên man, ngấm ngầm của người thượng cổ, chẳng biết rồi đây mặt trời có trở lại đuổi đêm tối đi cho con người có được một ngày mai hay chăng? Quyền lực huyền bí của con gà ải (gà rừng) chính là đó:

Nó gáy một tiếng ở đằng đông, Gáy vồng sang phía đằng tây, Mặt trời nghe tiếng con gà ải, Mặt trời lên rải nắng vàng, …

Rồi mường đón Lang Cun Cần lên đứng đầu. Lang được rùa vàng dạy cách thức làm nhà, cột nhà như chân rùa, mái nhà như mai rùa, đòn nóc như xương sống , xếp rui như sườn dài sườn cụt, chái như đuôi rùa, ... ; được Tun Mun đến xin thần Tà Cắm Cọt cách thức làm ra lửa, Mun Mòng đi cõng nước về; được nàng Dặt Cái Dành lên mường trời xin Ả Tiến Tiên Mái Lúa các giống lúa.

Đã có gạo ăn, đã học được lang Khấm Dậm cách làm rượu nhưng nhà Lang Cun Cần

Dưới sân chưa có lợn chạy ra , Chưa có đàn gà gáy khuya dậy sớm, ...

Nàng Dặt Cái Dành lại lên mường trời, Đưa được lợn đực làm giống, Cõng được lợn cái làm nòi, Quảy đôi gà ri ... về nhà lang cho sinh sôi nảy nở, và nàng Dặt Cái Dành

Truyền mẹo cho cả mường, Nuôi lắm gà vàng, Nuôi sang lợn béo, Đồng chì tam quan hết thiếu lợn chạy ra, Đã lắm gà gọi khuya, gọi nắng ...

Tiện lợi biết chừng nào! Gà nhà cũng như gà rừng có phép gọi cho mặt trời mọc, cho tan bóng tối, cho nắng vàng lên, cho xanh ruộng lúa, cho đẹp nương dâu. Mà nào phải chỉ có bấy nhiêu mà thôi đâu. Từ ấy, khách đến chơi nhà, trong sân đầy đủ gia cầm, có thể ... nướng gà cong cựa, Dọn cỗ dọn bàn, Dọn cơm ăn rượu uống, Khách khen khách chuộng ...

Chủ khách hể hả. Chỉ khổ thân anh gà. Đã đành là anh có uy quyền huyền bí, tiếng gáy của anh ra lệnh cho mặt trời mọc, cho đều đặn ngày lại ngày cứ mãi mãi tiếp nối nhau xua bóng tối ban đêm. Nhà nhà phải chuộng anh, nuôi nấng anh để bảo đảm cho ngày mai trời lại sáng.

Nhưng anh đã ra thân chim lồng cá chậu. Da anh lại béo, thịt anh thơm, và thêm thơm ngon gấp bội khi biết đáp ứng yêu cầu "cục tác lá chanh" của anh. Người Kinh ai là kẻ còn biết đến anh như một uy quyền cầm chịch cho thời gian? Tuy nhiên còn rơi rớt lại vài tục lệ dựa trên lòng tin vào anh làm phương tiện cho người phàm mắt thịt hé nhìn vào thế giới huyền bí. Hẳn có những anh những chị còn nhớ tục trong nhiều gia đình, gà đem cúng rồi, cặp chân để xem bói. Một tục tương tự với lối bói chân gà ấy đã được ghi trong khúc ca Cổn Chu Kéo Lội kể chuyện Bù Lạch, Bù Lèm đi chặt cây thần Chu Đá Lá Chu Đồng về xây dựng cung vua Dịt Dàng. Đoàn quân Ngựa đi đông như đàn dòi, Voi đi đông như đàn kiến, Trống tiến trước tiến sau, Gươm giáo như lau như nứa ... Đi bốn mươi thợ già, Đi ba mươi thợ trẻ, Đi để đánh rìu rèn dao ...

Giữa đoàn quân, lính và thợ, ta nhận thấy Có chí ông mo già, Mang xương gà bán bói ...

Công việc trọng đại, không thể thiếu thày mo bói giúp cho lãnh đạo quyết định được sáng suốt. Bói xương gà hẳn là rất tiện trong quân lữ. Và cho những ai ăn thịt gà! Chắc vì thế mà đến những năm gần đây còn người Kinh biết bói chân gà. Chẳng hay còn ai biết một cách dùng gà để bói khác được nhắc đến trong đoạn Lang Cun Cần lấy em gái là nàng Vạ Hai Chiêng làm vợ, Trời nổi cơn giữ, Cử cơn bão cơn dông, ông phải trốn vào rú ...

Bấy giờ, Chu chương mường nước, Phải sợ phải lo, Vội xách bu gà ra xem bói ...

Dù sao đi nữa, ngoài việc bói toán, gà có mặt trong mỗi dịp đình đám. Như đám cưới mường, trong các lễ vật của đằng trai Có khiêng bánh, khiêng cơm thịt gà mở cổng ...

Và phong tục thách cưới Mường, theo bản lưu truyền ở Thạch Thành, thì lễ vật đằng trai Lang Cun Cần phải đem đến nhà gái Có gà chín cựa, Có ngựa chín cương, Có vàng chín trăm nén, na ná với truyền thuyết Việt ở Hà Đông, Sơn Tây kể chuyện Sơn Tinh Thuỷ Tinh, lễ hỏi có Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao.

 
Gà dùng làm lễ vật để cho con người giao cảm với thế giới thiêng liêng, để cho quỷ thần phù hộ trở thành tục lệ "gà thờ" của một số làng đồng bằng sông Hồng. Chúng ta cứ đọc lại truyện Con gà thờ của Ngô Tất Tố mà xem. Từ thái độ xử sự đến lời lẽ thành kính của nhân vật ông chủ nhà trong truyện, tất cả đều toát ra tính chất thiêng liêng khi con gà trở thành lễ vật. Ông ta phải thân hành đến tận làng Hồ, lăn lóc suốt mười mấy ngày để kén cho được giống khi lớn nặng ít nhất là năm cân ta, và chọn được hai con gà con mới bỏ mẹ. Mua hai con là để phòng trong thời gian nuôi dưỡng hai năm chẳng may có mất đi một thì vẫn còn một. Nhưng khi đã chọn để làm lễ vật rồi, "Nhờ giời nếu nó còn cả thì, một con lễ đình, còn một con nữa tôi đem lễ chùa, chứ không dám bán mà cũng không dám ăn. Vì rằng mình đã thành tâm nuôi về việc thờ, nếu đem bán hay ăn, ấy là đắc tội với quỷ thần". Và sau khi đã sửa lễ ra đình để trình với "đức thượng đẳng" là đã mua được gà, phải làm chuồng riêng cho gà ở. Lấy nước cho gà uống, tung thóc cho gà ăn đều tự tay ông chủ nhà làm lấy không dám giao cho ai, sợ không được cẩn thận mà mất tinh khiết đi. Bà mẹ ông chủ nhà bị ốm nặng, thế mà bà cụ gạt phắt không cho gọi con lên thăm vì cớ "Việc thờ không thể nói chơi. Cứ để thầy mày trông nom cho gà. Gọi lên làm gì!". Gà hơi ể mình một tị, ông chủ bỏ cả cơm nước, gắt vợ, gắt con; theo ông, gà mắc bệnh là do vợ con ông ta không thành kính mà ra: "Đã bảo không được gọi " người " là gà, cả nhà không đứa nào nghe! ..., nếu như " người " có làm sao, chúng bay còn khổ với ông! Ông thì tống cổ mẹ con nhà mày!".

Kính cẩn đến từng tiểu tiết một. Kỹ thuật luộc "gà thờ" thật khác thường. Ngô Tất Tố tỉ mỉ ghi rằng: " ... Dùng tre làm cốt và dây cuốn ngoài, họ buộc cho hai cơn gà ngỏng cổ, giương cánh, đứng trên mâm ...., làm cho con gà thành ra cái hình con phượng ngậm bức cuốn thư. ... Luôn trong một lúc họ bắc bếp đến sáu chiếc nồi ba mươi, nồi nào nước cũng gần đến miệng.

Nửa đêm, cả sáu nồi đều sủi. Người ta liền bưng cả hai mâm gà xuống đó. Dưới hai ngọn đèn hai dây sáng như ban ngày, năm sáu cái gáo chĩa vào các nồi múc nước dội từ đầu gà trở xuống. Và cứ dội luôn như thế không lúc nào ngơi, hết nồi nước ấy, họ lại nấu nồi nước khác, trong bếp không lúc nào không sẵn nước sôi. Dội đến sáng thì gà vừa chín. " ...

Công cuộc chia cỗ, Ngô Tất Tố cũng tả sinh động trong truyện Nghệ thuật băm thịt gà. Ta hãy xem anh mõ làng chia phần một con gà "không nhỏ lắm, ước chừng một người ăn cố mới hết ": ..."Tiếng dao công cốc đụng vào mặt thớt nhịp nhàng như tiếng mõ của phường chèo, không lúc nào mau, cũng không có lúc nào thưa. Mỗi tiếng cốc là một miếng thịt băng ra. Miếng nào như miếng nấy, đứt suốt từ xương đến da, không còn dính nhau mảy may. ... Té ra cái mình con gà, hắn đã băm được 92 miếng."

Luộc gà đã là một nghệ thuật – gà đứng trên mâm đồng như con phượng xoè cánh mỏ ngậm hoa, thịt vừa chín tới, toàn thân không một nơi nào bị nứt da – thì chặt thịt gà cũng chẳng kém gì, phải ba đời làm mõ cha truyền con nối mới thành thục. Ấy cũng là hệ quả của quan niệm "Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp".

Vào thời buổi mà Ngô Tất Tố viết loạt phóng sự Việc làng quan niệm đó đã sinh ra nhiều tập tục hủ lậu. Thời gian trôi qua, cuốn theo chiều gió biết bao tục lệ làng xã. Ngày nay, đặt mình vào chỗ người xưa thành tâm tin tưởng trong lễ vật có phần thiêng liêng thần bí của quỷ thần thì "miếng thịt giữa làng", ngoài sự kiện khẳng định quyền bất khả xâm phạm của mỗi người dân trong xã hội làng xã, còn thêm kích thước thần bí, cá nhân hoà mình vào cộng đồng dân làng trong giao cảm với quỷ thần, cùng thọ hưởng phúc lành do thần linh phù hộ.

 
Tuy nhiên từ quan điểm xem gà như là một sức mạnh thần bí gọi cho mặt trời mọc hay như là lễ vật để người giao cảm với quỷ thần, thì không sao lý giải nổi những nét tình cảm thân mật trong ngôn ngữ thường ngày. Cái từ "người" mà ông chủ nhà dùng trong truyện Con gà thờ là ngôn ngữ của một kẻ kính cẩn cúi đầu trước thần linh, hai tay nâng con gà lên, đưa nó vào cái thế giới phi nhân, xa lắc xa lơ thế giới người trần mắt thịt. Trái lại, trong trò chuyện hàng ngày ta hay đem người sánh với gà và nhiều khi coi gà hệt như người. So sánh từ hình dáng như dè bỉu "Cái đồ mặt gà mái!" cho đến tính tình, cư xử. Gặp người làm ăn đầu voi đuôi chuột kiểu Trình Giảo Kim chỉ được ba búa, bà con ta hay buột miệng phán: "Ối chào! coi bộ tịch dữ dằn vậy chớ chỉ giỏi có nước nạp". "Giàng nạp" là lúc hai con gà mới xáp vào không mổ cắn mà vỗ cánh tung chân lên đá, thường chưa ăn thua gì, phải sau đó vô "giàng kèo" gà cắn vào lông, vào da nhau mà đá, khi ấy trận đấu mới thật sự quyết liệt. Lại có một cụm từ hay thần sầu để tả người con gái dậy thì, hôm trước còn là bé gái chẳng thấy gì đặc sắc, hôm sau bỗng da thịt mơn mởn nụ hoa mới hé, tươi mát như trái đào tơ, dáng di uyển chuyển dịu dàng như dòng suối chảy. Cô bác, anh em trầm trồ "Úi chu choa! Con nhỏ trổ mã con gái!". Thật quá đỗi bất ngờ, cái lối ví von đem trạng thái bé gái thoát vỏ kén tuổi thơ mà nên duyên nên dáng phụ nữ cho sánh với chú gà choai lột xác, đang mờ nhạt trong đàn hốt nhiên bay vọt lên bờ dậu vỗ cánh cất tiếng gáy đầu tiên, người người chóa mắt vẻ hiên ngang một kẻ mới nhận ra mình là dũng sĩ, chói chang màu sắc lông mã mới trổ. Phải là những kẻ, ngày lại ngày, chẳng bao giờ biết chán, say sưa ngắm gà và ngắm người, bằng con mắt và bằng tấm lòng; chẳng hạn như những ai hay hát hay hò:

Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh
Gái nào bảnh bằng gái Tân Châu ...

Gà Cao Lãnh đối với gái Tân Châu, lại còn tôn gà lên trước người đẹp! Từ trước tới nay, kẻ viết những hàng này vẫn đề quyết rằng đó là vì vần vì điệu nó quá bó buộc đó thôi. Xin các bà các cô cứ tin bằng lời, đừng có cắc cớ mà vặn hỏi hơn nữa. Hãy thương cho, đừng bắt những kẻ có máu me chọi gà phải rạch ròi phân minh bên gà, bên tình, bên nào mê hơn. Làm ra quyết liệt thì chẳng khác dồn hắn ta vào tình thế như hồi còn nhỏ chị đi chợ về, cho bánh mà lại vấn nạn: "Nào, nói cho chị nghe em yêu bánh hay yêu chị?"

Xét để mà thương, cái máu me này đã có từ xưa, xưa lắm, có trời may ra mới biết nổi là nó đã lậm vào da, vào thịt, vào tâm hồn từ khi nào. Chỉ thấy rằng từ thời xa xăm, ngày Lang Cun Can chia đất cho con, ông bà ngoại đã căn dặn cháu: Tháng tư, người ta rủ nhau đi chọi gà, Cháu chớ đi chọi gà ... Và vào một thời điểm chính xác hơn, sử sách còn ghi việc thế kỷ thứ 13 Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn răn đe tướng sĩ khi năm mươi vạn quân Nguyên rầm rập đe doạ biên cương: Có kẻ lấy chọi gà làm vui, có kẻ lấy đánh bạc làm thú ... Lỡ ra quân Mông Thát đến thì cựa gà trống không thể đá thủng giáp giặc, thuật đánh bạc không thể làm mưu quân ... Bấm đất ngón tay, sơ sơ ít nhất cũng là đã bảy tám trăm năm rồi. Mà vị tiết chế thống lĩnh thiên hạ chư quân sư, cũng như bà ngoại trong sử thi, và còn bao nhà cầm quyền khác sau đó quá lo! Giặc đến, tướng sĩ máu mê chọi gà ấy đã xăm chữ "Sát Thát" trên mình, đánh tan những đạo quân hùng mạnh nhất thế giới đương thời.

Mê gà thì chẳng riêng ở đất Việt mà còn nhiều nơi khác. Trong một công trình nghiên cứu sâu sắc trò đá gà C. Geertz (2) có nhận định: Ai đã sống ở Bali trong một thời gian nào đó thì thấy rành rành là về tâm lý người đàn ông Bali đồng nhất hóa một cách sâu đậm bản thân họ với gà của họ.

Mê, mê tít mê tơi, có lẽ người Nam Dương được tám lạng thì người Việt cũng phải nửa cân. Tuy nhiên trong quan hệ người dân Việt và gà chọi có điểm khác với sự kiện Geertz nhận xét nơi người Bali. Quả là chủ gà người Việt biết rõ chi ly về súc lực độ bền con gà của mình. Quả là biết tường tận tính tình nó ra sao: qua các đợt "sổ" nghĩa là bịt cựa cho đá tập đợt, đã cho nó chạm trán với các con gà khác chẳng có lối đá khác biệt nhau, để biết nó ứng phó với từng loại đối thủ, cao hơn thì thế nào, thấp hơn ra sao; khi gặp con gà chui đầu trốn dưới lườn, khi phải địch thủ chơi trên dằn cổ nó xuống, nó trả đòn có điểm nào kém, điểm nào hay. Chẳng những biết nó có đòn độc hay không, trổ đòn độc ra lúc nắm đầu hay nắm vai địch thủ, biết nó thuận cả bên trái lẫn bên phải hay chỉ thiện nghệ một bên. Còn tìm biết cho rõ những yếu kém của nó như cái đầu hơi khờ, như nước khuya đôi cánh hay xệ, vân vân và vân vân ... Biết chuẩn xác, chính vì đã không đồng hóa con gà với bản thân mình, vì biết nhìn gà với một khoảng cách. Vì lẽ, không hiểu gà cho thật khách quan thì có gà hay mà ôm đi đá cũng thường chỉ chuốc lấy cái thua.

Tôi không bao giờ quên lần bác T., một người nổi tiếng giỏi đá gà, nghiêm khắc rỉ tai: "Bộ mày quên gà là anh hùng rồi sao!" khi thấy tôi mới phiến phiến xem qua chưa kịp cân nhắc lợi hại hơn thiệt đã a thần phù muốn làm sổ ghi tiền "độ" để cho con Ô Miến Điều của tôi "đụng" với con Ó Mã Lại từ Cần Thơ lên. Và tôi chợt hiểu tấm lòng những kẻ gánh trách nhiệm "cáp độ", trân trọng gà như tráng sĩ, đến trường đấu chỉ có một sống một chết. Tính mạng và danh giá hoàn toàn giao phó vào tay người. Chủ giỏi thì sở trường tài nghệ được thi thố, phần thắng nghiêng về mình, chủ kém nhè chỗ yếu của mình lại đưa cho đối thủ cứ đó mà ghè thì chỉ biết lấy cái chết đền bù cho cái khờ cái dại của chủ.

Nghệ thuật "cáp độ" là đó. Gà mình hay đòn đá hầu, cắn vào họng mà đá, đòn đánh dập khí quản cho đối thủ nghẹt thở, cựa đâm thủng hầu, thủng họng, cựa lọt vào "hang cua" tên gọi chỗ trũng bên vai - cắt đứt động mạch dưới đòn ở ngay nơi đó, địch thủ chết không kịp ngáp; đã biết vậy thì phải "cáp" với con gà cao hơn cái đầu, gà mình đưa mỏ là chụp dính hầu dính cổ, tha hồ thi thố đòn độc. Lại kì kèo bên địch chấp thuận gà mình nặng cân hơn, viện cớ mình đã phải chịu ẹp để gà họ cao vượt cả cái đầu. Được thuận đòn lại hơn cân hơn sức, chưa vào sới là đã thủ phần lợi thế.

Trái lại, sức mình bền đó, đòn mình mạnh đó, rủi mắc phải tật cái đầu chạy hơi khờ, chủ đã chẳng biết tìm cho địch thủ chỉ biết nắm vai đá, lại nhè bắt đấu với con gà đá sỏ thiện nghệ thì có khác chi đưa đầu mình cho nó khẽ, láng cháng không khỏi bị một cựa ngay "ông địa" - nơi đỉnh đầu sát sau mồng - hay ngay mang tai. Khi ấy cho là có mạnh mấy đi nữa cũng chỉ còn nước lăn đùng ra thua trận.

Có quan niệm gà là anh hùng mới có giai thoại sau đây. Ông Đỗ Văn Y - về sau làm An Hà ấn quán ở Cần Thơ - hoạt động phong trào Duy Tân, bị Pháp bắt. Ông ở lại Pháp học ít năm. Khi về nước, đồng chí cũ bày tiệc khoản đãi. Muốn dọ lòng ông, tiệc vui, ra đầu đề Gà trống hạn vận mò, o, ô, cô, phụ. Ông Y làm bài thơ rằng:

Đêm khuya thức dậy tối đen mò
Cất tiếng kêu người gáy ó o
Rơi máu trường nhung lòng chẳng gớm
Xàu mình chiến hậu tiếng không ô
Dòng nòi quyết giữ thân tròn vẹn
Cựa sắc nào nài phận quả cô
Một độ ăn thua trời đất biết
Ân đền nghĩa trả cái công phu

Tiệc tan, có người mật báo với Pháp ông Y về nước hội họp đồng chí mưu tính đại sự, có mấy câu thơ làm bằng ...

Chuyện xưa đã lui vào dĩ vãng chẳng mấy ai còn nhớ.

Đầu năm Quý Dậu xin nhắc lại mua vui, thành tâm cầu chúc người Việt đối đãi với nhau được như người thời trước đối với con gà, để cho ai ai cũng có điều kiện đem tài mình ra đá đáp với thách thức của thời đại; dân Việt không bị biến thành ra đàn gà công nghiệp chỉ để thịt, để đẻ ra đôla.

 
Nguyên Thắng

 

 

(1) Những trích dẫn về huyền thoại Mường đều lấy từ Hoàng Anh Nhân, Tuyển tập truyện thơ Mường (Thanh Hoá) Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội 1986 và Trương Sĩ Hùng, Sử thi thần thoại Mường, Nhà xuất bản văn hoá dân tộc, Hà Nội 1992.

(2) Clifford Geertz, Deep play : Notes on the Balinese cockfight, (canh bạc lớn: ghi chép về đá gà ở Bali), Daedalus, Vol 101, no 1, 1972.


Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: tập-1, Bùi Mộng Hùng
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss