Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 16 / Điểm sách mới

Điểm sách mới

- Kiến Văn — published 11/12/2010 00:00, cập nhật lần cuối 12/01/2011 11:03

Điểm sách mới


Kiến Văn


Irina ZISMAN
Bút ký Irina

 

Tổ hợp xuất bản miền Đông Hoa Kỳ (Cành Nam Publishers, 2607 N. Military Rd., ARLINGTON va 22207), 1992, 174 trang, giá bán 10 US$.

Tác giả là một phụ nữ Nga. Thính giả Việt Nam quen gọi chị là Irina, và mến phục chị nhất là từ những bài phóng sự “Tết trong ốp” nói về đời sống thực của người lao động Việt Nam tại Liên Xô, phát trên đài phát thanh Mạctưkhoa, đăng lại trên các báo Tiền Phong, Đại Đoàn Kết. Irina, từ năm ngoái, còn nổi tiếng hơn vì tên chị được dùng để gọi “Đài Irina”, là một chương trình mà Đài Moscou của nước Nga bước sang kinh tế thị trường đã cho Đảng Phục hưng (thành lập ở Hoa Kỳ) thuê để phát sóng về Việt Nam. Đài Irina tất nhiên được công an Việt Nam xếp là đài phản động số 1, vượt khỏi BBC và RFI một (vài) cái đầu. Xin chấm dứt ở đây chuyện tào lao, để nói chuyện nghiêm chỉnh.

Bút ký Irina là loại sách mà bạn, cũng như tôi, sẽ đọc liền một mạch. Chữ lớn, trang nhỏ, sách mỏng, nhưng nhất là vì nó hết sức hấp dẫn, sinh động và cảm động.

Người ngoại quốc mà nói sõi, viết thạo tiếng Việt, thì dù là Mỹ hay Nga, đều dễ bị nghi là tình báo. Công an Việt Nam đã vậy, cộng đồng chống Cộng ở Mỹ cũng thế. Như Irina đã trả lời hóm hỉnh: chị đến với Việt Nam, người Việt Nam và đất nước Việt Nam, vì tình (mối tình đầu, và hình như cả mối tình hiện nay của chị là người Việt) và vì nghề làm báo, chứ không phải vì tình báo.

Cho nên, Bút ký Irina mà một hành lang những bức kí hoạ ngắn gọn, xuất thần về Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Trần Độ, Lưu Quang Vũ, Bùi Giáng, Vũ Hạnh, Nguyễn Đan Quế, Phan Nhật Nam, Dương Thu Hương..., qua đó người Việt Nam ở nước ngoài hiểu thêm được một phần thực tế Việt Nam, và người Việt Nam (trong nước hay ngoài nước) nhìn thấy chính mình, qua ánh mắt, cảm nhận của một người tinh mắt và mẫn cảm.

Lời bạt của cuốn sách không làm giảm được giá trị của Bút ký Irina.



Nguyễn Q. Thắng & Nguyễn Bá Thế
Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam

 

Nhà xuất bản Khoa học xã hội, in lần thứ hai, tại Thành phố Hồ Chí Minh, 1132 trang.

Trong lịch sử chế độ Việt Nam dân chủ cộng hoà (1945-75) và chế độ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (từ 1976 đến nay), đây là lần đầu tiên xuất hiện một cuốn “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam”. Trước đó, một vài tập lịch sử danh nhân đều hạn chế vào các nhân vật trước thế kỷ 20.

Ờ miền Nam trước 1975, cuốn “Việt Nam danh nhân từ điển” của Nguyễn Huyền Anh (Khai Trí, Sài Gòn, 1970) cũng chỉ dành một phần nhỏ cho một số rất nhỏ nhân vật thế kỷ 20.

Như vậy, tác phẩm của hai ông Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Bá Thế là cuốn từ điển nhân danh Việt Nam đầu tiên – tôi nói nhân danh, không nhất thiết là danh nhân – tập hợp khoảng 1.800 tên người. Sách được tái bản một năm sau lần phát hành đầu tiên (1991), chứng tỏ nó đáp ứng nhu cầu của người đọc.

Điều đầu tiên đáng biểu dương là cố gắng của hai tác giả xử lý các nhân vật lịch sử một cách khách quan. Trước tiên là bình đẳng trước cái chết: không đưa vào từ điển những người còn sống. Thứ hai, không phân biệt “lập trường”, chính - tà: nơi đây, xếp theo thứ tự ABC, có Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Nguyễn Tất Thành (Hồ Chí Minh), Nguyễn Thân, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Thị Lan (Nam Phương hoàng hậu), Nguyễn Thị Minh Khai, Tạ Thu Thâu, Trần Khánh Giư (Khái Hưng)... và tất cả được gọi bằng ông, hay bà, không có Người, hay hắn.

Điều đáng chú ý, độc lập với nội dung và đối tượng cuốn sách là hiện tượng văn hoá - kinh tế mà nó là tiêu biểu: tuy danh nghĩa là do Nhà xuất bản khoa học xã hội phát hành, nhưng trên thực tế, từ điển này do hai tác giả tự biên, tự tìm vốn, tự phát hành. Xu hướng tư nhân hoá lãnh vực xuất bản (mặc dầu ngành văn hoá, theo hiến pháp hiện hành, vẫn là độc quyền của nhà nước), mọi người đã biết, nhưng thường chỉ biết khía cạnh tiêu cực (sau khi đã chán ngấy sự tai hại của xuất bản quốc doanh), tưởng cũng nên nói cả tới khía cạnh tích cực của nó.

Là một công trình cá thể và được thực hiện trong hoàn cảnh thiếu tư liệu, tất nhiên Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam còn nhiều thiếu sót và sai lầm (một số đã được bổ sung và sửa chữa trong tái bản 1992). Song ngay từ bây giờ, đó là công cụ tham khảo cần thiết và rất hữu ích.



Tủ sách “Tri thức & Phát triển”

 

Nhà xuất bản Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.

Xuất hiện từ mùa hè 1992, Tủ sách “Tri thức & Phát triển” ra một loạt sách phổ thông kiến thức khoảng 150-180 trang, khổ bỏ túi: Tìm hiểu kinh tế thị trường (Phan Tường Vân), Kinh tế thị trường từ A đến Z (nhiều tác giả), Sổ tay thuật ngữ và các từ viết tắt thông dụng trong kinh tế thị trường (Anh-Việt), Thế kỷ 21, nước Mỹ tự nhìn lại (David Halberstam, Lê Minh Đức lược thuật), Công nghệ mới thiên niên kỷ thứ ba (Hữu Khánh), Văn hoá giáo dục thiên niên kỷ thứ ba (Hữu Khánh), Thông tin trong thế giới hiện đại (Đỗ Đình Tân), Bí quyết thành rồng , bài học từ 4 con rồng châu Á (Đoàn Khắc Xuyên, Trần Hữu Quang), Kinh tế các nước Đông Nam Á (Huỳnh Văn Tòng), Quản trị doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường (Đỗ Hải Ninh, Đỗ Nguyên Dũng).

Đối tượng chính của tủ sách này là trí thức trẻ (sinh viên, giáo viên, thanh niên có học). Nó đáp ứng một nhu cầu cấp thiết của giới này trong buổi giao thời. Cũng hy vọng nó sẽ không chỉ ngừng ở những vấn đề “thời thượng”.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss