Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 16 / Những du ký của tương lai

Những du ký của tương lai

- Thế Uyên — published 15/12/2010 00:00, cập nhật lần cuối 12/01/2011 11:26

Điểm sách


Những du ký của tương lai


Thế Uyên

 

Việt Nam hiện nay như thế nào, tương lai sẽ ra sao? Người đọc gốc Việt hải ngoại từ nhiều năm thường chỉ tìm hiểu được những vấn đề này qua những ký giả báo chí, vô tuyến truyền hình, các nhà sưu khảo... không phải là Việt Nam mà thôi. Ít có báo chí, hội đoàn, đoàn thể nào của người Việt cử người về tận nội địa để hiểu mọi vấn đề. Bởi thế có sự mỉa mai đâu đây là làm người Việt hải ngoại mà cứ phải tìm hiểu các vấn đề của đất nước mình xuyên qua cái nhìn của người ngoài.

Phải đợi sang tới thập niên 90, với tình hình thế giới đổi thay, sự đối nghịch Nga Mỹ không còn, chúng ta mới thấy xuất hiện một thế hệ mới, tinh thần mới, thay thế cho “thế hệ nội chiến” và tinh thần cũ của chiến tranh lạnh. Những người viết có tinh thần mới và thế hệ trẻ hơn này biết hưởng tự do và cư xử như người tự do hơn nhiều. Họ đi đây đi đó, đi Đông Âu như Phạm Quốc Bảo, đi Nga như Đinh Quang Anh Thái... và dĩ nhiên họ không ngại gì mà không về thăm quê hương cũ Việt Nam. Những du ký về những nước cựu cộng sản của Đông Âu cũng như về chính Việt Nam, lần này do người Việt viết, mỗi ngày xuất hiện mỗi nhiều.

Nhưng viết về Việt Nam, có nhận xét chu đáo và suy tưởng đáng kể, mới có được hai người. Đó là Bùi Đông TriềuNguyễn Quốc Cường. Hai người này đều không phải là nhà văn nhà báo, họ chỉ là những chuyên viên kinh tế mà thôi. Không làm chính trị do đó không bị lập trường chính trị nào bóp méo cái nhìn của mình, hai người này không những đã cung cấp được cho độc giả gốc Việt hải ngoại những ghi nhận về Việt Nam hiện tại, mà còn đưa ra được những suy nghĩ, dự đoán cho Việt Nam tương lai.

Ngược Giòng Cửu Long, ký sự một chuyến đi” của Nguyễn Quốc Cường, không đề tên nhà xuất bản, xuất bản tại Houston, Texas, USA. 1992. Sách 110 trang, hình bìa của Trần Cao Lĩnh, không đề giá bán như không ghi địa chỉ phát hành.

Mở cuốn du ký ra, độc giả nên lướt qua phần “Mở đầu” bởi vì tác giả dùng phần này lo rào trước đón sau, chắc là để phòng nhỡ có ai chụp nón cối sau này – mặc dù bản thân tác giả đã từng là cựu sĩ quan bộ binh của quân lực miền Nam xưa kia. Nhưng đến trang 7, tác giả đã dám đi một đường “ta cứ là ta” để nhận xét như thế này về quyết định đi Việt Nam của mình: “ Tại sao họ (những ký giả, cựu chiến binh Mỹ) về được mà mình lại không dám về? Đáng lẽ họ phải là những người có lòng hận thù hơn chúng ta, vì không có một mối tình tự dân tộc, tuy vậy, tại sao họ lại tự cho họ cái quyền thăm thú và bàn tán về đất nước tôi, dân tộc tôi? Tại sao họ lại tự cho họ cái quyền, có một thái độ rộng lượng, trong khi chính tôi lại đi phủ nhận cái quyền đó của mình?”

Đã nghĩ như thế thì tác giả đi thôi. Và ghi lại những nhận xét và cảm nghĩ, về Việt Nam hiện tại, về cả quá khứ nữa.

Nhận xét về quá khứ, Nguyễn Quốc Cường đã độc đáo ở điểm chiếu cái nhìn của chuyên viên kinh tế vào vấn đề nguyên nhân đưa đến thắng bại của hai miền Nam Bắc trước đây:

“Vào khoảng thời gian đó, miền Bắc đã không còn nghĩ đến việc bảo tồn sức sống của dân tộc và đã dồn toàn lực vào việc xâm chiếm và tận diệt miền Nam. Trong khi đó, chiến lược chống đỡ của miền Nam cũng đưa đến việc dồn mọi phương tiện nhân sự vào chiến cuộc, thiếu một chính sách nhân dụng đứng đắn và hợp lý để bảo tồn tài nguyên và nhân lực quốc gia. Đảng Kaki đã tràn ngập và chằng chịt trong mọi cơ cấu và hệ thống. Những sự bổ nhiệm quân nhân vào mọi ngành, mọi cơ quan, qui chế ngầm đặc quyền đặc lợi lan tràn, đưa đến tình trạng tê liệt những hoạt động của chính phủ trong những lãnh vực ngoại giao, thông tin, phát triển, đưa uy tín miền Nam đến một cấp độ yếu kém thê thảm. Chính phủ và dư luận quần chúng tại những nước Tây phương, đáng lẽ phải thuận lợi cho miền Nam Tự Do, thì phần đông lại tỏ ra khinh miệt, khiến cho những tầng lớp sinh viên Việt Nam du học tại đó trở nên hổ thẹn với sự liên hệ với miền Nam, và khi họ lên tiếng chỉ trích thì thường bị chính quyền vơ đũa cả nắm coi tất cả là “thiên tả”, “cộng sản”. Trong khi đó thì chế độ quân dịch mãn đời đã đưa những tinh tuý của dân tộc vào vòng lửa đạn...” (trg. 33-34)

Nhưng Nguyễn Quốc Cường đã không để quá khứ ám ảnh và chi phối tương lai. Anh viết:

“... tôi thừa biết rằng không thể , và cũng không nên luyến tiếc những gì đã qua và không bao giờ trở lại. Chỉ bằng hãy nghĩ đến những gì mọi người có thể đóng góp được vào việc gây dựng lại tương lai, trong những điều kiện và hoàn cảnh hiện tại, và vĩnh viễn đóng trang sử đó lại, đồng thời hy vọng rằng những kinh nghiệm đau thương trong quá khứ sẽ khai phóng lòng người, để cho những trang sử mới không còn chứa đựng những đổ vỡ.” (trg 42)

Với “một lòng người” đã được “khai phóng” như thế (chữ của chính tác giả), Nguyễn Quốc Cường đi trên mọi nẻo dường, mọi phố phường của Việt Nam, đã nhìn, nghe và có những nhận định khá chính xác về mọi vấn đề của Việt Nam vào cuối thế kỷ 20. Dưới đây người điểm sách chỉ nêu lên vài mục chính, về những vấn đề người Việt hải ngoại đang quan tâm nhất.

Về thế hệ nội chiến và thế hệ hậu chiến : Nguyễn Quốc Cường đã đưa ra nhận định căn bản sau:

“Nếu cả hai bên (Quốc và Cộng) vẫn tiếp tục giữ một thái độ quy trách tập thể như trên thì, chẳng lẽ, mối thù thuở nào sẽ phải tiếp tục lưu truyền qua bao nhiêu thế hệ? Mặt khác, những thế hệ hậu sinh có sẵn sàng chấp nhận nuôi dưỡng một mặc cảm hận thù hoặc tộí lỗi cha truyền con nối không? Tôi vẫn nghĩ là không, và ý tưởng này đã được kiểm chứng, một phần nào, qua những câu chuyện của tôi với những thế hệ ở Việt Nam.” (trg 44-45)

Tác giả cho biết trong những trang kế tiếp tâm trạng của thế hệ hậu chiến tại Việt Nam. Đối với con cháu các đảng viên cộng sản kỳ cựu, lớp này mặc dù phê phán nặng lời các lỗi lầm của Đảng trong quá khứ, nhưng chỉ đòi hỏi cha chú trao quyền lãnh đạo kinh tế lại cho mình mà thôi. Đối với lớp trẻ ngoài Đảng, dù họ có tốt nghiệp từ các nước Đông Âu và Liên Xô cũ chăng nữa, nguyện ước của họ về tương lai vẫn không bao gồm mục lật đổ Đảng, phá hủy chế độ. Lý do vì:

“Mặc dầu những người trẻ mà tôi đã gặp và nói chuyện, cũng có thể được coi như những thành phần cấp tiến, nhưng dầu sao, họ cũng thuộc thành phần thống trị, cho nên không tránh khỏi khuynh hướng thiên về sự bảo vệ những định chế, và tỏ ra không muốn cổ võ cho những trào lưu cải tổ sâu rộng, mà họ cho là có thể đưa đến những sự xáo trộn khó kiểm soát. Đó cũng là một quan điểm thận trọng dễ giải thích, vì những xáo trộn ở Đông Âu, ngoài việc đưa đến sự hỗn loạn xã hội, còn làm tiêu huỷ tất cả những tầng lớp được ưu đãi, trong đó có họ. Có lẽ chính điểm tâm lý cấm cản đó đã làm cho những thành phần trẻ cấp tiến sẵn sàng nhượng bộ phe bảo thủ và chấp nhận những hạn chế cởi mở chính trị.” (trg 50-51)

Nguyễn Quốc Cường cũng nhận xét khá sâu sắc về thái độ của thành phần dân “ngụy” cũ. Đối với những người thuộc diện được phép ra đi, diện đoàn tụ gia đình hay H.O., thì co cụm lại tránh mọi phiền nhiễu, để cho chuyến đi sau này của mình được an toàn. Còn đối với đại đa số, do chính sách Đổi Mới, đã dễ thở hơn trước nhiều nên đã có thái độ thoả hiệp trên thực tế. Thái độ này thật dễ hiểu và Nguyễn Quốc Cường đã diễn tả bằng những hình ảnh khá sống động như sau:

“Họ như những người đang từ một nồi nước sôi, nay được thả vào một nồi nước, tuy trong thực tế, vẫn còn nóng, nhưng đối với họ, cũng đã đem lại một cảm giác tương đối mát mẻ, dễ chịu hơn trước. Cũng chính vì lý do đó, mà những người còn ở lại đều thực sự m uốn tận dụng những cởi mở kinh tế để tạo dựng cho mình một thế tương đối vững chắc và an toàn.” (trg 53)

Vấn đề tồn vong của chế độ cộng sản Việt Nam : Nhiều người Việt hải ngoại thường bị ám ảnh bởi câu hỏi sau: Liệu chế độ cộng sản cổ lỗ sĩ này còn tồn tại bao lâu nữa? Có cơ may nào lật đổ chế độ đó không? ... Nguyễn Quốc Cường đã giải đáp như sau:

“Trừ phi nhà nước cộng sản trở lại một chính sách hà khắc và cấm đoán nhưng quyền tự do buôn bán, thì những sự bất mãn của dân chúng sẽ chỉ ở mức độ chỉ trích, ta thán và châm chọc, và khó có thể trở thành những mầm mống nội loạn.” (trg 51)

Vấn đề dân chủ: Nguyễn Quốc Cường là một chuyên viên kinh tế về Việt Nam để khảo sát thị trường cho ngành hàng không... ngoại quốc, vậy mà anh lại có những nhận xét tới nơi tới chốn về vấn đề dân chủ tại Việt Nam, xưa cũng như nay, trong cuốn sách có số trang khiêm tốn này. Cách nhìn của anh, lối phân tích của anh, là của một trí thức ngay thẳng và cũng sáng suốt nữa.

Trong phần “Tổng kết một chuyến đi”, tác giả đã viết ra nhiều đoạn rất văn chương về bút pháp, và rất tình người về nội dung, thí dụ như đoạn sau:

“Nếu tôi là nhà tu hành, thì tôi sẽ không thể cầm được lòng từ tâm, và sẽ phải nghĩ đến những cách cứu giúp những đứa trẻ ăn mày hoạn nạn nói trên. Nếu tôi là người y sĩ, thì tôi không khỏi bị ám ảnh bởi những đau đớn của nhân loại, nhất là phần nhân loại đó lại là những người cùng giòng máu với tôi. Nếu tôi là một nhà giáo, thì tôi sẽ phải băn khoăn, và tìm cách cứu vớt những đầu non vô tội để đem chúng ra khỏi cảnh tối tăm của trí óc. Nếu tôi chỉ là con người đứng trước cảnh khổ của con người, liệu tôi có thể kìm hãm được cảm xúc hay không? Liệu tôi có để cho những ràng buộc hoặc ám ảnh của quá khứ vây hãm và chặn bước chân tôi” (trg 93-94)

Câu hỏi của tác giả nêu lên trên đây là một vấn đề lớn, một vấn nạn cho lương tâm mỗi con người Việt hải ngoại, dù trước đây đã rời Việt Nam vào thời điểm nào và với tư cách gì. Nhưng dù cách trả lời của mọi người có thể khác nhau, đưa đến những thái độ và hành động khác nhau, nhưng họ sẽ ít hay nhiều lâm vào tâm trạng mà tác giả miêu tả giản dị như sau, ở phần cuối cuốn sách ngắn trang nhưng nhiều ý này:

“Tôi về đây để thấy một quê hương xa lạ, một dân tộc không còn là của tôi, vì tôi đã có những gắn b ó khác. Dầu cho tôi có nói ngôn ngữ với họ, nhưng tôi cũng vẫn cảm thấy những cách biệt nào đó giữa họ và tôi... Đất n ước Việt của tôi, ngày nay, đối với tôi đã trở thành quê ngoại, một nơi tôi sẽ tiếp tục tới thăm, và khi xa cách tôi sẽ luôn luôn mong nhớ.”

“Nhưng tôi sẽ không thể ‘trở về’.”

( còn tiếp)

Thế Uyên

ngày giáng sinh 1992

Vài chữ viết thêm

Chưa đọc Nguyễn Quốc Cường, chỉ qua bài giới thiệu này của Thế Uyên, tôi ghi nhận thiện chí và cố gắng của ông để nhìn hiện tại mà “ không để quá khứ ám ảnh và chi phối tương lai”. Tuy nhiên, không thể không viết thêm vài chữ về câu mở đầu đoạn “ nhận định về nguyên nhân đưa đến thắng bại của hai miền Bắc – Nam ” mà Thế Uyên đã trích dẫn. Không nên nuôi dưỡng hận thù. Đúng. Nhưng có thể nào cứ tiếp tục gieo rắc một cái nhìn thiên lệch, sai lạc đến thế về quá khứ mà có thể giúp giảm ít thù hận? Tôi biết có những người Cộng sản (có cả Bắc và Nam) căm thù “Mỹ - ngụy”, cũng như người “Quốc gia” (cũng ở cả hai miền) thù cộng sản. Kiếm đâu ra một “ miền Bắc” nào “dồn toàn lực xâm chiếm và tận diệt miền Nam”? Hoặc giả “miền Bắc” và “miền Nam” của Nguyễn Quốc Cường (và Thế Uyên?) không phải là “miền Bắc” và “miền Nam” của người Việt Nam nói chung chăng? Một người Việt Nam có thể chủ trương duy trì mãi hai nước Việt Nam? Người Pháp nói, cái gì quá đáng trở thành vô nghĩa. Hay đây chỉ là một ví dụ sinh động của câu nói ấy?

Hoà Vân

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss