Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 16 / Vài ý nghĩ về giáo dục và dân chủ

Vài ý nghĩ về giáo dục và dân chủ

- Lê Thành Khôi — published 15/12/2010 00:00, cập nhật lần cuối 12/01/2011 11:07


Vài ý nghĩ về giáo dục và dân chủ


Lê Thành Khôi

 

Giáo dục có ảnh hưởng gì đến nền dân chủ? Có nhiều người cho rằng hai bên đi đôi với nhau. Trình độ giáo dục của dân chúng càng lên thì sự đòi hỏi dân chủ càng mạnh. Có học thức, dân chúng sẽ biết phê bình các hoạt động của chính phủ, chống chuyên chế, tham nhũng... Và sự biến chuyển xã hội sẽ mạnh: có học, người nghèo sẽ làm nên. Trong xã hội Việt Nam xưa, chế độ khoa cử đã có biết bao con nhà nông đỗ và làm quan. Một đằng khác, một chế độ dân chủ sẽ mở rộng nền học vấn trong khi một chế độ phong kiến, thực dân hay độc tài sẽ để riêng nó cho một số người.

Sự thực, quan hệ giữa giáo dục và dân chủ rất phức tạp, vì dân chủ có nhiều hình thức và giáo dục không chỉ có một tác dụng.

“Dân chủ” dịch hai chữ Hi Lạp demos kratein, chỉ một chế độ nảy nở ở Athènes (không phải ở khắp Hi Lạp) thế kỷ V trước công nguyên. Chế độ này rất khác những chế độ mà bây giờ ta coi là dân chủ. Ở Athènes thời ấy, chỉ có đàn ông có cha mẹ người Athènes mới có quyền công dân. Tất cả những người khác: không những người nô lệ mà cả đàn bà người Athènes và người Hi Lạp quê quán ở thành thị khác nhưng làm ăn ở Athènes (mê-téc) đều không có quyền công dân. Nghĩa là chỉ có một phần mười dân số Athènes mới có quyền bỏ phiếu và nhận chức trách. Tuy từ thời ấy đến bây giờ, chế độ “dân chủ” được dần dần mở rộng, nhưng không ở đâu “dân” thực sự được làm “chủ”: quyền chính trị và kinh tế bao giờ cũng ở trong tay một thiểu số. Trong chế độ dân chủ tư sản chủ nghĩa, quyền chính trị sinh từ quyền kinh tế tài chính. Trong chế độ xã hội chủ nghĩa thì ngược lại: quyền kinh tế từ quyền chính trị mà ra (không khác thực trạng ở Trung Quốc hay Việt Nam ngày xưa – mà có người gọi là “phong kiến”: tuy rằng có một số khá lớn quan lại từ giai cấp địa chủ mà ra, nhưng có đất không có nghĩa là có quyền chính, trước hết phải đỗ và làm quan).

Giáo dục cũng như dân chủ, khởi đầu là cho một số ít. Chữ viết phát minh ở Sumer (Irak bây giờ) khoảng – 3200 (ở Ai Cập khoảng – 3100, ở Trung Quốc – 1600). Chữ viết phát huy để quản lý người và tài sản của các thần đường, sau mới dùng để viết tôn giáo ca, ngạn ngữ, bi ký của nhà vua. Chữ viết cần trường học: để đào tạo những ký lục làm việc quản lý thần đường và cung diện, trao đổi hàng hoá, và để đồng nhất chữ viết cho được hiểu từ thành này đến thành khác và ở các nước giao thiệp. Được học thành một đặc quyền của giai cấp tăng lữ cha truyền con nối. Chữ viết gây một phân biệt xã hội giữa những người biết viết và những người không biết viết, những người trên là một số ít cho tới gần đây trong lịch sử của nhân loại. Chữ viết và trường học trong mấy nghìn năm không có tác dụng dân chủ, mà là một dụng cụ của quyền hành, của một tôn giáo, của một giai cấp thống trị, nhiều khi đi với nhau. Ở Ấn Độ, chữ Phạn (sanskrit) là chữ của giới bàlamôn, khác tiếng nói thông thường của dân chúng (prakrit ). Ở Trung Quốc, chữ Hán tách rời dần dần tiếng nói hàng ngày trong những thế kỷ đầu công nguyên, thành một văn tự nghe không thể hiểu được nếu không có chữ viết mà đọc. Chế độ khoa cử bắt học trong 15-20 năm. khó cho người Trung Quốc, càng khó hơn cho người Việt Nam vì không phải là tiếng mẹ đẻ. Không phải có vài người con của nông dân đỗ và làm quan mà có thể nói được rằng chế độ khoa cử là một chế độ “dân chủ” (nhưng nó dân chủ hơn một chế độ phong kiến cha truyền con nối cũng như học chữ quốc ngữ có tính cách dân chủ hơn là học chữ Hán).

Xã hội tư bản chủ nghĩa đã dần dần mở rộng nền giáo dục cho nhân dân, nhất là từ năm 1945 trở đi. Nhưng dân chủ hoá giáo dục không có nghĩa là dân chủ hoá quyền hành và cơ cấu xã hội. Ở Mỹ, trình độ giáo dục tiến nhưng giàu nghèo không thay đổi mấy. Lấy một thí dụ: năm 1950, khoảng một nửa những người đàn ông từ 25 đến 29 tuổi có 12 năm học; năm 1972, tỷ số đó tăng lên đến 80%. Nhưng sự phân phối lợi tức vẫn gần như trước. Năm 1952, 20% gia đình nghèo nhất được 4,9% lợi tức toàn bộ trước thuế, 20% gia đình giàu nhất được 42,2%. Đến năm 1972, tỷ số tương ứng là 5,4% và 41,4%. Ở Pháp cũng như ở Mỹ và nhiều nước khác, sự lên thang xã hội của cá nhân (bố là công nhân, con là kỹ sư) đi đôi với tính ổn định của cấu xã hội (quan hệ giữa các giai cấp và tầng lớp).

Xã hội xã hội chủ nghĩa mở mang giáo dục cho nhân dân nhanh hơn là xã hội tư bản chủ nghĩa. Chống nạn mù chữ, cho các dân tộc thiểu số chữ viết, đó là những tiến trình dân chủ hoá học thức mà cách mạng xã hội chủ nghĩa ở đâu cũng làm. So sánh Liên Xô với nước Nga thời Sa hoàng hay Việt Nam trước và sau 1945, ta thấy ngay bước lớn về giáo dục. So Liên Xô với Mỹ, từ 1914-15 đến 1971-72, số sinh viên đại học lên từ 127.000 người đến 4.600.000 người (nhân 36 lần) ở Liên Xô, từ 355.000 người đến 8.950.000 người ở Mỹ (nhân 25 lần). Đối với dân số, con số của Liên Xô còn kém con số của Mỹ (188 so với 432 sinh viên cho 10.000 người) nhưng đã hơn số của Pháp (136 sinh viên).

Dân chủ hoá tới một mức nào thôi, và sự không công bằng xã hội vẫn còn: ở Liên Xô, con các người có học thức (intelligentsia) có gấp 2 hay 2,5 lần khả năng vào đại học hơn con thợ thuyền và gấp 4 lần khả năng con nông dân.

Số lượng chỉ là một mặt của tình hình. Phẩm chất có lẽ quan trọng hơn tuy rằng ở đây sự so sánh quốc tế sẽ khó hơn. Nhưng ta có thể so sánh thực sự với những ý kiến về giáo dục của Marx và Engels. Tất cả công trình của hai ông là một công trình phê bình xã hội tư bản chủ nghĩa, và ý niệm “giáo dục bách khoa” là để đi tới một “con người toàn bộ”. Nhưng “người giáo dục cũng cần phải được giáo dục” (Luận đề III về Feuerbach) và “nhà nước cần phải được nhân dân giáo dục” (Phê bình chương trình Gotha và Erfurt). Ngay sau Cách mạng 1917, Lênin nói: “Chính ý thức của quần chúng là sức mạnh của nhà nước. Nhà nước mạnh khi mà quần chúng biết tất cả sự việc, biết nhận định mọi vấn đề và định đoạt với tất cả sự hiểu biết”.

Nhưng lời nói đó sau này không được thực hành. Chế độ “chuyên chính vô sản” và “dân chủ tập trung” đưa ra một giai cấp thống trị mới là bộ máy quan liêu của đảng nắm tất cả các hình thức quyền hành, trong đó có quyền biết tin tức trong và ngoài nước. Mệnh lệnh từ trên truyền xuống chứ không phải là dân định đoạt. Dân chỉ được những gì mà các quan muốn cho biết.

Giáo dục không thể không bị quan hệ xã hội chi phối. Cũng như ở các nước tư bản chủ nghĩa, giáo dục thành một dụng cụ chính trị để tuyên truyền cho tư tưởng của giai cấp thống trị và bắt dân theo. Nhưng kết quả có thể khác với ý muốn, nhất là khi mà sự thực quá khác với tuyên truyền. Làm sao đào tạo được “con người mới xã hội chủ nghĩa” vì nước vì dân khi mà ở ngoài trường đầy sự thối nát và tệ hại xã hội? Dù là một dụng cụ tư tưởng, giáo dục nhiều hay ít cũng dạy người học những yếu tố phương pháp lý luận và phê bình. Đó là tính biện chứng của giáo dục, của lịch sử. Lúc mà có nhiều mâu thuẫn quá giữa lý thuyết và thực hành, bao giờ thực hành cũng thắng?

Trong “lời bạt” quyển I Tư bản luận, Marx có viết: “ Dưới khía cạnh thuần lý của nó, biện chứng pháp làm cho các giai cấp cầm quyền và những nhà tư tưởng giáo điều của họ ghê tởm, ghét cay ghét đắng, bởi vì khẳng định những sự vật hiện hữu cùng lúc bao hàm việc hiểu sự phủ định tất nhiên, sự huỷ diệt tất yếu của chúng; bởi vì hiểu thấu sự vận hành, trong đó mọi hình thức đều biến động, biện chứng pháp không có thể bị áp đặt, bản chất của nó là tính phê bình và cách mạng”.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Galerie BAQ: Lêna Bùi 12/09/2024 - 02/11/2024 — 15 Rue Beautreillis, 75004 Paris
Exposition des oeuvreus artistiques et des produits en laque du Vietnam 15/09/2024 - 20/09/2024 — 19-19 bis rue Albert 75013 Paris
Thiên Thiên - Sân Khấu Hồng Hạc 17/09/2024 19:30 - 21:00 — Café La Rotonde - 185B Trần Hưng Đạo, Quận 1, Tp. HCM
YDA: Viet and Nam 22/09/2024 13:00 - 16:00 — MK2 Bibliothèque - 128 avenue de France, 75013 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us