Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 16 / Hoa vàng bên sườn đồi...

Hoa vàng bên sườn đồi...

- Nguyễn Lộc — published 12/12/2010 00:10, cập nhật lần cuối 12/01/2011 11:16

Truyện ngắn


Hoa vàng bên sườn đồi...


Nguyễn Lộc

 

Đem cho tôi tình yêu tràn ngập thanh bình
để giữ lòng yên lặng...
Tagore (*)

 

Thuật ra khỏi khu vực sân bay khi trời chưa sáng hẳn. Chiếc xe quay đầu chạy về phía ngoại vi thành phố, phía của đêm. Đàng sau lưng anh, góc trời hửng chút hồng, các cụm mây như những vệt mực kéo dài, le lói một riềm ánh sáng mông lung chung quanh. Cảnh sắc mang một vẻ hoang sơ và hơi dữ dội. Hình như gió ngoài vịnh thổi vào khá mạnh.

Ấn tượng về một sự bắt đầu lạ lẫm, của một điều chưa biết lởn vởn trong tâm trí Thuật. Anh tự hỏi có phải đó là do mối lo của anh về chuyến đi của Catherine. Ba mớ tin tức cũ về khủng bố, không tặc vậy mà vẫn còn lẩn khuất để ám Thuật. Catherine thì lại rất quyết tâm, cô ấy nói đây là dịp cuối cùng ông cụ có thể chịu nổi một chuyến đi xa như vầy. Gần đất xa trời, niềm ao ước được thăm lại khu ghetto của một thời cay đắng, tưởng là đã vùi sâu trong ký ức, càng thêm nung nấu. Bà chị của Catherine kể lại, những lúc lẩn thẩn, nhất là khi nhớ người vợ đã khuất từ hơn hai mươi năm trước, ông lão lại lầm thầm một mình bằng những câu tiếng Ba Lan mà chị em nàng chẳng hiểu mô tê gì.

Rồi Thuật nhớ tới cái hôn vội vã của Thuật và Catherine, trước khi Catherine quay bước theo ông bố và bà chị của cô ấy. Lẽ ra... Thuật vẫn chưa quen với những cử chỉ âu yếm của Catherine, ở nơi công cộng. Dù đã hơn mười năm rồi... Đứng nhìn theo cái dáng càng lúc càng giống nhau của hai chị em Catherine, đột nhiên lòng anh chùng lại. Anh vừa nhận rõ, từ xa, một điều mà những lúc kề cận bên Catherine anh đã cảm nhận, từng chút một: dấu ấn của thời gian đang ghi đậm thêm, càng lúc càng rõ ràng và cũng như vội vã hơn trên nhân dáng của người thiếu phụ mà anh đã gần gũi từ bao năm qua. Một niềm thương cảm thân thiết dâng lên trong lòng anh. Trong những phút giây bên nhau, Thuật cũng cảm nhận những khác biệt ở Catherine. Ngọn lửa hừng hực của một thời nào hình như cũng đã cháy nhỏ ngọn hơn. Giờ đây là một thứ lửa than, âm ỉ. Và vẫn rất đượm... Nơi Catherine, anh thấy có sự nhẫn nại, với phần nào thư thả, phần nào kiếm tìm, nhận dạng một cái gì đó sâu đậm hơn, lâu bền hơn trong quan hệ của hai người. Và qua đó, Catherine đã thật sự giúp Thuật lấy lại dần sự bình an trong tâm hồn. Catherine, như một người giữ lửa...

Thuật đã nói xa gần, nửa đùa nửa thật với Catherine những cảm nhận của anh: Tiếng nhạc em mang lại cho anh hình như ngày càng gần với điệu hồ cầm trầm ấm, đồng vọng, hơn là tiếng réo rắt, xôn xao và tươi rói của vĩ cầm. Catherine giả lả: Anh ám chỉ bây giờ em phát phì phải không? Xong, cô cười thành tiếng. Tiếng cười nhỏ, rõ và dung chứa một thứ ánh sáng ngọt dịu, lan toả. Tiếng cười đã từng cho Thuật nếm được vị của hạnh phúc. Cùng lúc, trong mắt Catherine, Thuật đọc được sự trìu mến và một niềm vui san sẻ. Sự thông cảm đầy bén nhạy của Catherine với các phản ứng và đôi lúc cả suy nghĩ của anh là một đặc ân khác mà Catherine đem lại trong quan hệ của hai người.

Họ gặp nhau lần đầu ở một cuộc hội thảo nhiều ngày về đề tài Chuyện kể dân gian thế giới. Lần ấy Catherine đến làm quen để bàn thêm với Thuật về hai mô-típ trong chuyện Thạch Sanh: tiếng đàn ru ngủ cả một đội quân, làm tan rã thật êm thấm một cuộc chiến tranh; và nồi cơm bé tí của Thạch Sanh đủ làm ấm bụng đoàn quân rã ngũ, trước khi họ bình yên trở về quê quán. Và chính Catherine đã giúp Thuật thấy thích thú hơn về cái đề tài nói chuyện của mình. Nhưng đáng nói hơn cả là Thuật đã phải lòng những tiếng cười của Catherine, xen trong bài nói của cô về chuyện kể của Sholom Aleichem.

Trên đường đến sân bay sáng nay Catherine có nói: Bà Maria hỏi em tại sao hai đứa mình vẫn chưa chung sống với nhau cho nó đàng hoàng? Câu hỏi vướng vất như một vệt màu xám, lạnh ngắt, vắt ngang bức tranh, vốn đã không tươi tắn, ghi lại sự liên hệ của cô và Thuật. Thuật đoán hai người đàn bà bàn nhau chuyện đó nơi bàn ăn sáng nay, ngay trước mặt anh, khi họ chuyển sang nói tiếng Yiddish. Bà lão chủ nhà trọ của Thuật sinh trưởng ở Đức, bỏ Đức ra đi vào thời gian cuối của thế chiến thứ hai, khi thành phố quê hương bà tắm trong bom và máu. Sang Mỹ, bà học thêm và sau đó dạy ngành văn chương đối chiếu cho đến lúc về hưu. Bà đã học tiếng Yiddish, cùng với Catherine, như một thái độ xã hội, dù muộn màng, đối lại với chính sách dân tộc cực đoan của Đức một thời. Và Thuật bị hai người đàn bà nói “lén” ngay trước mặt. Thuật bật cười. Anh thấy lòng vẫn còn chua xót vì câu hỏi của bà Maria...

Bà Maria lạ gì cuộc tình đứt nối, nay vầy mai khác của Thuật với Catherine, cô học trò cưng một thời của bà. Không có gì phải giấu. Cái khổ tâm là Thuật chưa bao giờ có được câu trả lời thoả dáng cho câu hỏi kia. Kể cả trả lời cho chính mình. Suốt hơn một năm trời Catherine cắt đứt quan hệ với Thuật, anh đã trăn trở với câu hỏi này. Anh chỉ còn biết cầu mong sao cho Catherine tìm được hạnh phúc, để anh đỡ thấy tội lỗi. Và rồi một buổi chiều mưa tầm tã, Thuật đã gặp lại Catherine sầu thảm, ủ dột đứng chờ anh dưới hiên nhà. Catherine ôm chầm lấy anh, khóc tức tưởi. Việc trở lại của Cathrine chỉ khẳng định lại một sự bất định. Sau đó, bà Maria mát mẻ: Kiếp trước Catherine nó nợ mày nhiều lắm đó Thuật. Thuật trêu bà: Tôi không tin vào thuyết truyền kiếp như bà đâu nghe. Bà nói: Tao biết. Tao biết. Chỉ kiếp này không thôi mày đã oằn vai. Một bận, nghiêm chỉnh hơn, bà hỏi anh: Mày sợ gì nhỉ? Tao nghĩ mãi vẫn không ra. Thuật suýt nói anh sợ Catherine sẽ khổ. Song kịp nghĩ thấy câu trả lời quá vô duyên. Cathrine chẳng đang khổ hay sao? Vẫn kiếm tìm câu trả lời thoả đáng.

Đậu xe xong, Thuật mở cánh cổng nhỏ đi vào sân nhà. Anh cúi xuống nhặt tờ báo để ở chân cầu thang. Bà Maria đọc báo buổi sáng xong và để ngay góc đó cho anh. Mỗi ngày, bà lão vẫn dậy đâu từ bốn giờ sáng. Tối qua bà đã dặn Catherine ghé qua uống trà với bà, trước khi đi. Thuật bước rón rén lên cầu thang, mở khoá thật êm, đẩy cánh cửa, len vào nhà. Thuật bắt được ngay mùi cà phê từ phía bếp, lúc anh khép cửa lại. Trân đã thức. Anh nghĩ Trân sẽ ngủ vùi cả ngày hôm nay. Thuật thong thả ngồi xuống cạnh bàn ăn trong bếp, cởi giày.

Đêm trước, quá nửa đêm, Trân gọi điện thoại cho Thuật. Anh đến đón em về chỗ anh được không? Em đang ở Joe's Place. Thuật có cảm tưởng anh nghe được mùi rượu qua đường dây điện thoại. Anh sẽ đến ngay. Đừng đi đâu nghe không! Trân lè nhè: Em không bò đi đâu được mà lo. Thuật và Catherine hộc tốc khoác vội quần áo ấm, chạy ngay đến đón Trân. Gặp Catherine, Trân mừng rú. Hai người đàn bà ôm nhau hôn. Rồi tức thì, Trân lải nhải than thân trách phận giùm Catherine. Kẻ tội đồ là Thuật. Thuật nói khẽ vào tai Trân, hãy về nhà đã, rồi muốn đấu tố anh thì tha hồ. Thuật giúp Catherine dìu Trân vào xe của anh. Catherine lái giúp anh về nhà. Thuật lái chiếc xe pick-up của Trân. Chiếc xe cà tàng làm eo một lúc rồi cũng ngoan ngoãn chạy theo xe Catherine.

Về đến nhà Trân đã ngủ khò. Hai người vực Trân lên được đến phòng ngủ cũng bở hơi. Thuật lục trong kệ lôi ra một mớ chăn, mền. Anh giao phòng cho hai người đàn bà, ra ngủ cạnh máy sưởi ngoài phòng khách. Thuật nằm trăn trở. Anh mơ hồ đoán biết việc gì xảy ra cho Trân. Tiếng gió đêm rì rào qua khe cửa gỗ. Căn nhà xưa, gió lọt. Một cành cây nào đó gõ nhẹ vào cửa sổ. Nhịp chậm, cầm chừng như sợ Thuật ngủ quên. Thuật cố giỗ giấc ngủ. Sáng mai còn đưa Catherine đi sớm. Thuật vừa thiu thiu thì Catherine lặng lẽ chui vào chăn với anh. Trân ngủ yên chứ? Như một tảng đá, có động đất cô nàng cũng không hay biết gì đâu. Nó có nói gì không? Không. Thuật ngủ quên trong cái ấm áp dễ chịu Catherine mang theo vào...

Thuật đứng lên, ghé mắt nhìn vào phòng ngủ. Cánh cửa không khép. Thuật không nhìn thấy Trân. Anh bước sang phòng khách, vừa là phòng làm việc của mình. Trân đứng sát khung cửa kính lớn nhìn ra vườn, quay lưng về phía anh. Ánh nắng mỏng manh của buổi sớm lan toả vào phòng. Dáng Trân như cao thêm ra. Cô nàng không mang theo đồ đạc gì cả nên vẫn còn mặc nhờ chiếc áo ngủ của Catherine. Áo hơi rộng, làm cho Trân giống như một cô bé. Thuật đến đứng bên Trân. Ngoài kia ngày chưa sáng hẳn. Tháp đồng hồ bên phía khu đại học hửng nắng trên ngọn. Xa quá, Thuật không đọc được giờ trên đó.

– Sao em không ngủ thêm?

– Ngủ vậy đủ rồi. Thêm ly cà phê vào là tỉnh như sáo ngay.

– Không nhức đầu à?

– Em chỉ uống chút xíu mà.

– Dóc tổ. Tối qua cô say mèm. Trông thảm quá chừng. Cũng may không đứa nào nó làm càn.

– Không à? Thiếu điều chúng nó lộn trái em ra... Anh làm như em là thứ chẳng ma nào màng... Một thằng hỏi em sao trông rầu rĩ vậy, em chộ hắn là em vừa phát giác ra mình bị HIV positive, lũ quỷ sứ dãn ra. Con đường tắt của khoái cảm chúng muốn mời em đi qua bỗng chông gai. Chúng nó chưa đủ liều để nghịch ngợm với cái chết.

Thuật nghe khô đắng ở cổ.

Chiếc xe buýt màu vàng đỗ lại nơi góc quanh. Hai đứa bé xúng xính trong quần áo ấm, như hai con gấu nhồi bông, lăng xăng leo lên xe. Chiếc xe từ từ chạy đi. Đám khói xám phun lại phía sau. Bây giờ Thuật mới nhìn thấy bà mẹ của hai đứa bé. Bà thong thả đi ngược lại hướng xe chạy. Nắng hực hỡ trên những lọn tóc bay bay trong gió. Khung cảnh trở lại sự im ắng quen thuộc.

– Neil phải không?

Trân không cãi. Thuật thở dài. Trân đưa mắt nhìn anh thật nhanh. Bây giờ Thuật mới nhìn rõ nét mặt Trân. Không có vẻ phiền muộn ở đó. Gương mặt cô nàng hơi đanh lại, vừa pha trộn chút ngờ vực với vẻ chai lì. Khuôn mặt bướng bỉnh đầy tuyệt vọng của Hào hôm Thuật đến thăm, khi hắn được đón về Đà Lạt. Hào ngồi trên chiếc xe lăn. Tấm chăn len đắp ngang chân. Trân giống anh trai mình lạ lùng. Hôm ấy Hào cũng quay mặt nhìn qua cửa sổ, lặng câm. Và Đà Lạt đang trong mùa Hè.

Thuật đến sát bên Trân, vòng tay ngang vai em và hơi kéo Trân về phía mình. Người Trân như cưỡng lại động tác đó của Thuật. Nhưng bờ vai của Trân thư giãn ra rất nhanh, cô hơi tựa người vào Thuật. Đoạn, Trân hơi xoay người như để được nép sát vào anh hơn. Anh hỏi:

– Trân có cần khóc một lúc không?

Vai Trân hơi rung. Trân vòng tay sau lưng anh. Hai anh em đứng đó, thật yên. Tất cả đều tĩnh lặng, chỉ còn lại sự ồn ào của những mảng nắng bắt đầu xôn xao hơn trên những cành cây cao. Thuật chợt để ý nhìn thấy cây phong Nhật Bản bé tí của bà Maria chỉ còn thưa thớt lá. Ngày đang lên cao ngoài kia rạng rỡ. Và Hào cũng đang ngồi đó. Uyển cũng đang ngồi đó. Cô bé Trân đứng trên bệ cửa, tươi tắn trong chiếc áo nhung màu tím, chiếc nơ màu vàng chanh rung rinh trên tóc. Trân dang tay ra giữ lấy tay Thuật cho khỏi ngã. Và trên gương mặt xanh mướt của Uyển, đôi má như cũng điểm hồng. Trời xanh trong. Những cụm mây trắng màu phấn tiên nhẹ bổng trên cao. Tiếng đàn Segovia như từ ngoài kia đồi vọng vào, quen thuộc đến tê dại trong lòng Thuật. Uyển nói:

– Trời đẹp quá.

Trân gục gặc đầu. Mặt Hào như khắc chạm vào đá, màu da thiếu máu, giờ đã nhả nắng, trông tái mét, lạnh lẽo. Ngày mai Uyển về Sài Gòn.

Và chỉ non hai tháng sau đó Uyển ra đi. Mẹ Trân nói, những ngày cuối Uyển đau đớn ghê lắm. Bác Ngô đã phải giúp cho Uyển bằng những liều morphine.

– Trời đẹp quá, phải không Trân?

Bày tay Trân siết nhẹ bên hông anh. Trân hỏi thật khẽ:

– Anh và Catherine dạo này êm ấm lại chưa?

Thuật xoa tay trên vai Trân, trốn câu trả lời. Giọng Trân chợt đanh lại:

– Anh rất là vô trách nhiệm với Catherine. Yên lặng. Anh còn đòi hỏi gì nữa chứ?

– Em thừa biết anh chẳng đòi hỏi gì ở Catherine cả.

– Thì lại càng tệ hại hơn thôi. Như mấy năm trước anh đã để yên cho Catherine bước ra khỏi cuộc đời anh. Không một lời can ngăn. Anh coi đó là tự do của chị ấy. Thực ra đó là một sự tàn ác ghê gớm lắm, anh biết không?

– Catherine nói với em như thế à?

– Chị ấy cắn răng lại mà sống, đâu thèm than van gì với ai. Mà chị ấy cần phải nói ra em mới biết à? Vả lại có phải là anh không hiểu đâu. Chỉ tội anh lừng khừng... Lắm lúc em có cảm tưởng anh né tránh cuộc sống như né tránh đòn thù. Ngày xưa chị Uyển đã chẳng phải âm thầm...

Trân bật khóc. Tức tưởi. Thuật bối rối, và oán trách mình đã hỏi một câu thật xuẩn. Anh buông lỏng vòng tay ngang vai Trân. Trân vẫn khóc. Thuật khẽ khàng:

– Trân hãy ngồi xuống đây. Em nói cho anh nghe đi... Thuật nghe ra mình vừa nói với em bằng tiếng Anh.

Trân ngồi bệt xuống sàn, tựa lưng vào phía cửa sổ. Nắng đốt mấy ngọn tóc phất phơ của Trân thành trong veo. Con bé có nhuộm tóc không nhỉ? Thuật với tay kéo chiếc ghế đưa đến cạnh, và ngồi xuống đối mặt với Trân. Anh thấy rõ những ngọn lá non vừa nhú trên cây kiểng nhỏ trên bệ cửa sổ. Trân thầm thì:

– Anh hỏi em về Neil... Anh ta chỉ là chuyện nhỏ. Càng đến gần cuộc đời của Neil hơn, em càng thấy mình đi vào ngõ bí. Bố mẹ anh ta là nhà thương buôn lớn ở một tiểu bang miền Nam. Chạy sang đây họ mang theo được lắm của, lại quen nghề doanh thương từ thời ở Chợ Lớn, nghe đâu tài sản ông bà giờ có đến chục triệu. Neil là cậu ấm. Em không phải là mẫu con dâu gia đình ấy tìm kiếm. Một tay đủ tài và đủ tin cậy để Neil có thể cho cầm chìa khoá. Neil không hề có ý đi ra ngoài cách thế sống của gia đình. Và cũng không lý gì để đổi. Biết sớm là tốt. Em không buồn chuyện ấy lắm đâu. Em chỉ giận mình. Ngày trước, đỡ chướng với bố, vì ông cụ mãi lo em lấy chồng Mỹ, em nói em chúa ghét đám đàn ông con trai Việt Nam.

Vậy mà... Tối qua, em ngồi gần bốn tiếng đồng hồ ở quán rượu để suy nghĩ về đời sống. Của em, của anh và của nhiều người. Cả bố, mẹ, anh Hào, chị Uyển. Và của Đà Lạt nữa.

Lần đầu tiên Thuật nghe thấy một sự chịu đựng, cam phận trong giọng nói của Trân. Đứa em gái của thằng bạn, thằng “em kết nghĩa” anh gặp và thân từ trong Thủ Đức. Và giờ đây nó là đứa em gái của anh. Giọng Trân vẫn đều đều...

Anh có bao giờ nghĩ tới sự giống nhau trong đời sống của anh và của em không? Buồn cười thật. Trong lúc anh thu lại trong cái vỏ của mình để sống, thì em như con diều đứt giây bị cuốn băng băng vào trong cơn trốt dữ. Cả anh và em đều không ai sống chủ động cuộc đời mình. Anh thì loay hoay chật hẹp trong cái không gian sống tự gò bó của anh. Còn em thì lại bị bó rọ trong cái khung thời gian sống chật chội của mình. Em chạy hụt hơi trong cuộc sống để có được cảm tưởng là mình đang sống, đang hoà nhập. Nhưng thật ra cái ám ảnh của kẻ đứng bên lề vẫn đeo đẳng, đe doạ. Em vẫn thấy mình lạ kẻ lạ, như anh vẫn chọn làm kẻ lạ. Cứ xem anh đó, anh đang sống với một bà mẹ hờ, một bà lão gần tám mươi từ Âu châu di cư sang. Anh yêu bà vì bà cũng từng từng trải, nếm và do đó thù ghét chiến tranh, như anh. Anh lại càng yêu quý sự hồn nhiên, cởi bỏ vướng bận thế gian của bà. Giống như em từng yêu cái hồn nhiên, thanh thản, sống “an bần” – thực ra, Trân bật cười, là vì sợ sống nên chưa bao giờ “lạc đạo” – của anh. Chỉ thấy, cả anh và em lại sống gần với cái chết hơn bà lão. Cái tương lai hướng tới của anh là từng ngày bỏ lại của bà lão. Ít ra bà cụ vẫn hăng say lăn vào công việc phê bình, phát giải thưởng sách cho trẻ con, làm vườn, mơ mộng. Còn anh em mình thì chỉ dám đứng vỗ tay thầm lặng, và thường khi tuyệt vọng. Cạnh đó là Catherine, cô vợ hờ của anh. Anh vừa không thể thiếu Catherine, vừa không đám có một cam kết nào với chị ấy. Em tự hỏi, nếu cứ buông thả cho tình thế xô đẩy thì anh sẽ trôi đi đâu.

Trân nói một thôi một hồi, nét mặt cô càng lúc càng đậm vẻ chán chường, rời rã. Thuật thấy xót thương cô em “hờ” của mình. Mà tại sao lần này con bé không nói lên cái điểm “em hờ” mà nó vẫn hay nói nhỉ? Chiếc áo ngủ xô lệch phô một bên vai của Trân. Bây giờ, có dịp ngồi chăm chú nghe Trân, cố tìm đọc nơi Trân một thứ tín hiệu nào đó, Thuật mới nhận ra Trân dạo này gầy hơn trước đây. Mà trước đây là bao giờ nhỉ? Thuật chỉ còn mơ hồ nhớ đôi vai trần tròn lẳn của cô Trân vừa độ hai mươi tuổi, dáng điệu khá “du đãng”, thách thức, đứng chờ anh ở cửa thư viện. Đó là lần hai anh em gặp lại nhau ở Mỹ. Trân cố ý tìm anh, còn anh thì lại không hay biết gì về tình hình sinh sống của gia đình Trân. Anh lại càng không biết Trân và bố nàng lọt được sang đây từ mấy năm trước đó. Và cũng từ hôm ấy quá khứ lại bắt kịp Thuật. Trực diện...

– Sang năm em ba mươi rồi phải không Trân?

– Ai lại vô duyên hỏi tuổi đàn bà con gái một cách thô bạo vậy kìa?

– Anh hỏi tuổi của em kia mà. “Tam thập nhi lập” rồi đấy cô ạ.

– Biết rồi, khổ lắm...

Trân ngước khuôn mặt rầu rầu đang áp trên cánh tay vòng qua đầu gối, mắt hơi nhướng lên nhìn Thuật, bỏ lửng câu nói đùa. Có chút cười trong đuôi mắt của cô.

– Anh muốn chia với em một điều riêng. Mang giữ cho riêng mình mãi chẳng ích gì.

Trân ngồi thẳng người lên, nhìn Thuật, chờ đợi. Và Thuật lại thấy rụt rè. Trân nhìn anh, đôi mất của Hào, đôi mắt của mẹ. Trân ngó anh chằm chặp, lúc anh đến cúi xuống khuôn mặt lạnh băng màu sáp của Uyển. Thuật nhìn ra ngọn cây redwood cao vút ngoài xa kia, tìm kiếm một chỗ tựa cần thiết. Rồi anh nghe tiếng mình nói, thong thả:

– Cũng chẳng bí mật gì đâu. Nhưng có lẽ là Trân chưa biết, vì lúc ấy em còn bé... Anh chỉ muốn Trân biết là suốt đời anh, chị Uyển vẫn là vợ anh. Người vợ theo cái nghĩa tuy không trọn vẹn, nhưng lại đầy đủ nhất, đối với anh. Và anh mong rằng, anh tin rằng, nó cũng đầy đủ nhất đối với Uyển.

Em nói đúng, Trân ạ. Ngay từ cái thời xa xôi ấy anh cũng đã không dám sống. Nhưng chị Uyển thì lại rất khác. Bên trong và bên trên cái thân xác bị đục rỗng vì con bệnh tàn độc ấy là một tâm hồn khao khát sống. Và nhờ đó Uyển dám làm tất cả, làm một cách có suy nghĩ và lo toan để sống cho bằng được. Và Uyển đã cho anh tất cả tình yêu mà anh có thể hưởng được từ một người yêu, một người vợ. Tình yêu của chị Uyển đã mở cánh cổng cho anh bước từ khu vườn đầy huyễn mộng, nơi mối tình vô vọng tô vẽ bằng ước mơ, sang khu vườn của tận cùng sướng khổ, nơi mơ và thực giao nhau. Bọn anh đã đón lấy trọn vẹn cành hoa hồng tình yêu bằng đôi bàn tay trần trụi, ghì sát nó vào xác thân cũng trần trụi, hữu hạn của mình. Tìm ra từng cảm giác ứa máu. Và nhờ Uyển như thế đó, anh đã có thể đền trả lại tình yêu của chị ấy bằng tất cả những gì anh có thể làm được cho Uyển. Ngoại trừ việc cùng với Uyển chiến đấu lại với cái chết đang gậm nhấm cái thân xác mong manh của chị ấy. Và cũng vì vậy mà sự đau đớn kinh hoàng hình như lúc nào cũng có mặt giữa anh và Uyển. Cái chết sừng sững ngay trong tột cùng hạnh phúc. Và anh đã trôi nổi trong nỗi kinh sợ ngọt ngào đó. Rồi càng lúc Uyển càng hiểu ra, cũng như anh càng hiểu ra, là thần kinh anh không đủ cứng để chống chọi lại nỗi đau khủng khiếp đang lấn hết chỗ dành cho cái hạnh phúc vừa dữ dội vừa mong manh của bọn anh. Đó là lúc Uyển quyết định về Sài Gòn để chịu đựng nốt những ngày còn lại.

– Và anh chỉ gặp lại chị ấy sau khi chị đã nhắm mắt?

– Đều là ý muốn của Uyển thôi. Và bố cũng quyết chiều ý Uyển. Trong chưa đầy hai tháng trời, anh đã viết tới mấy chục bức thư cho Uyển. Sau này bố có nói những bức thư của anh – viết từ một cõi mộng hão huyền rất riêng và rất thật của hai đứa – đã mang lại những an ủi quý báu cho Uyển. Nhưng anh thì hoàn toàn rã rời, tê liệt. Anh đã bám víu và vắt kiệt ký ức và trí tưởng để an ủi Uyển và đánh lừa anh.

Thuật nhìn thấy bà Maria đang lúi húi nơi góc vườn. Bà cúi lom khom bên khóm hoa hồng, nét mặt tươi vui. Thuật nhìn thấy rõ bà đang nói gì đó với những cây hoa. Bà đưa bàn tay mang găng cao su màu vàng lên trước mặt, hình như đang chỉ chỏ gì đó trên trời.

Uyển ra di. Anh bước hẫng trở lại cuộc đời với một nỗi dằn xé không nguôi. Đã có lúc anh đâm ra oán ghét chính thân xác mình thậm tệ. Sự thức dậy bản năng của thân xác là câu chú xiết chặt chiếc vòng kim cô trên đầu anh. Nhìn lại, anh càng thấy thương Catherine hơn. Bóng đen quá khứ của riêng anh đã thô bạo dằn lên trên những mơ ước lành mạnh, thật bình thường của cô ấy. Đã giẫm đạp không thương tiếc lên lời mời gọi hạnh phúc đầy hảo tâm cô ấy dành cho anh. Trong lúc đó, sự mềm yếu của anh là đồng phạm làm khổ cô ấy.

Trân đến ngồi bên thành ghế, cạnh Thuật. Thuật vuốt nhè nhẹ trên lưng bàn tay Trân đang đặt trên vai mình.

– Anh còn nhớ ngọn đồi thấp phía sau nhà em ngày xưa không? Thuật ầm ừ. Bàn tay anh dừng lại trên tay Trân... Em nhớ hoài vạt hoa vàng nở rộ gần kín cả ngọn đồi ấy. Sang đây, đôi lần em nằm mơ thấy mình chạy băng băng, nhẹ tênh, như bay là đà trên sườn đồi ngút ngàn những hoa vàng, và nghĩ rằng đó là sườn đồi sau nhà cũ. Ngày xưa mình đâu qua phía đó được anh nhỉ?

– Ừ. Khu đất bên ấy lúc nào cũng rào lại phân cách với nhà mình, ... nhà em.

– Em thèm được về lại đó quá anh Thuật ơi. Và ước gì em được đi trên sườn đồi ấy một lần. Nhưng liệu nó còn ở đó không anh?

– Còn chứ. Phải còn. Sao không?

– Anh chắc quá. Làm sao anh biết được?

Thuật nói như trong mơ:

– Vâng, anh chắc lắm Trân ạ. Vì đó là chốn riêng của anh em mình. Của chị Uyển, của anh Hào, của Trân và của anh. Làm sao người ta có thể lấy nó đi được phải không? Mình sẽ thu xếp một chuyến trở về ngay trong năm nay Trân ạ. Anh em mình sẽ về, biết đâu mình sẽ tìm lại rất nhiều thứ ở đó...

Trân tựa sát hơn vào Thuật. Hơi thở ấm áp của Trân phả nhè nhẹ bên cổ anh. Nắng ngoài kia trong veo. Ngày đứng thật yên, đầy đặn.

Thuật tự nhủ, khi nào Catherine điện thoại về, anh sẽ đề nghị cô ấy, sau chuyến đi Ba Lan này, thu xếp để về sống chung với anh. Và bà Maria... Và biết đâu Trân lại chẳng dọn vào căn phòng còn bỏ trống bên cạnh, căn phòng trước đây Howard, con trai bà Maria vẫn ở. Họ có đủ vai và xúc cảm để làm thành một gia đình.

Thuật sẽ gợi ý này với Trân.

Nguyễn Lộc

Tháng 12.1992

(*) Cao Huy Đỉnh dịch

Vài tiếng Anh trong bài (DĐ chú thích)

Yiddish : Tiếng nói của người Do Thái ở Đức và Đông Âu.

pick-up : đồ nhặt dược.

HIV positive : nhiễm vi khuẩn của bệnh sida.

Redwood : một giống cây tùng rất cao ở châu Mỹ, tiếng Pháp là séquoia.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss