Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 16 / Nhà nước và phát triển

Nhà nước và phát triển

- Nguyễn Trọng Nghĩa — published 10/12/2010 09:00, cập nhật lần cuối 12/01/2011 11:18


Nhà nước và phát triển


Nguyễn Trọng Nghĩa

 

Trả lời phỏng vấn của Tạp chí Kinh tế Viễn Đông (FEER), ông Đặng Xuân Kỳ (con trưởng của cố Tổng bí thư Trường Chinh, uỷ viên BCHTƯĐCSVN, viện trưởng Viện Mác-Lênin) đã tuyên bố: “Điều tốt nhất cho Việt Nam là chính phủ dính líu càng ít càng tốt vào kinh tế”. Rồi “ nhớ ra rằng Ronald Reagan thường nói chính phủ tốt nhất là chính phủ cai trị ít nhất”, ông Đặng Xuân Kỳ tuyên bố tiếp: “ Tôi đồng ý với Reagan. Suy nghĩ như thế là đúng” (1). Hai câu nói chắc nịch này khiến người đọc nghĩ ngay đến cuộc tranh luận kéo dài từ mười mấy năm nay về vai trò của nhà nước trong kinh tế.

Trước hết, tưởng cũng cần nói rằng trong bối cảnh của Việt Nam, lập trường nói trên hoàn toàn có thể hiểu được: cho đến vài năm gần đây, nhà nước (thực ra phải nói là đảng - nhà nước) đã can thiệp trực tiếp và rất sâu chẳng những vào kinh tế mà trong cả mọi sinh hoạt khác của nhân dân (văn hoá, xã hội, văn nghệ, tư tưởng...). Tình trạng đó là hậu quả của mô hình xem “tất cả đều thuộc nhà nước” (tout-État): chiếm hữu toàn bộ các phương tiện sản xuất, nhà nước quản lý tất cả các sinh hoạt kinh tế, văn hoá, xã hội... theo một kế hoạch chung có chức năng thay thế thị trường; nhà nước cũng bảo đảm toàn bộ những trợ cấp xã hội. Mô hình này đã phá sản ở các nước Đông Âu và Liên Xô (cũ) và lao kinh tế của các nước này vào hỗn độn. Do đó, ta sẽ đồng ý với lời tuyên bố trên nếu nó phản ánh quyết tâm giải phóng thị trường ra khỏi những ràng buộc, những trở lực do nhà nước gây ra cũng như quyết tâm cải tổ guồng máy quan liêu, cồng kềnh và vô hiệu lực của nhà nước.

Nhưng về mặt lý luận, người đọc không thể không băn khoăn tự hỏi: phải chăng ông Đặng Xuân Kỳ đã trở thành người đồng hội đồng thuyền với ông Reagan và bà Thatcher vốn theo mô hình “nhà nước tối thiểu” (État minimum) cho rằng sự can thiệp của nhà nước vào đời sống kinh tế là nguồn gốc của mọi tệ hại, xấu xa. Dưới ánh sáng của những lý thuyết cực kỳ tự do (ultra-libéral) và duy tiền tệ (monétariste) của học phái Chicago, bà Thatcher (vào cuối những năm 70) cũng như các ông Reagan và Bush (trong những năm 80) đã có ý muốn giới hạn vai trò của nhà nước vào các chức năng “biểu thị vương quyền” (régalien) không thể không có của nó như ngoại giao, quốc phòng, tư pháp, an ninh..., còn tất cả những lãnh vực khác, kể cả bảo hiểm xã hội, đều phó mặc cho các quy luật của thị trường. Tìm đủ mọi cách để làm nhẹ nhà nước, họ đã giảm thuế, tư hữu hoá và bỏ đi những luật lệ bị xem là kềm chế thị trường ( déréglementation). Những thành công bước đầu của chính sách nói trên đã làm cho chủ nghĩa cực kỳ tự do trở thành một lý thuyết kinh tế thời thượng (à la mode) trong nửa đầu của thập kỷ 80. Nhưng với thời gian chính sách đó đã đưa hai nền kinh tế Anh và Mỹ vào tình trạng khủng hoảng sâu sắc hơn nhiều nước tư bản phát triển khác: suy thoái kinh tế nghiêm trọng ở Anh, công nghiệp ngưng trệ, giáo dục suy đồi, ngân sách thâm thủng, nợ nần chồng chất (trên 4.000 tỉ đô la)... ở Mỹ.

Dĩ nhiên, so với sự phá sản toàn diện của mô hình xã hội chủ nghĩa “tất cả đều thuộc nhà nước”, thì sự thất bại của mô hình “nhà nước tối thiểu” chỉ có tính cách tương đối; sở dĩ như vậy có lẽ vì nó được thực hiện trong những nước thực sự dân chủ: những cuộc tuyển cử thường kỳ và khả năng thay đổi một cách bình thường người hay đội ngũ cầm quyền không cho phép kéo dài việc áp dụng những chính sách sai lầm. Hơn nữa, cũng cần phải nói thêm rằng, trong thập kỷ vừa qua, ngay chính mô hình “nhà nước ban phúc” (État pr ovidence) do các đảng dân chủ - xã hội thực hiện khá thành công ở một số nước như Thụy Điển cũng đã gặp một số khó khăn. Theo mô hình này, dựa vào lý thuyết kinh tế của Keynes (Anh), nhà nước phải đóng vai trò điều tiết thị trường, tạo công ăn việc làm cho mọi người (plein emploi), giới hạn những sự bất bình đẳng bằng cách phân phối lại sản phẩm xã hội và ngăn chặn lạm phát bằng chính sách về lợi tức.

Cho rằng lối suy nghĩ của Reagan là đúng (correct thinking), ông Đặng Xuân Kỳ đã xoay mình 180 độ và cùng lúc đã lỡ mất một chuyến tàu vì sự thắng cử của Bill Clinton, đồng nghĩa với sự từ bỏ mô hình “nhà nước tối thiểu” của Reagan mà Bush thừa kế: trong thời gian vận động tuyển cử Clinton đã nhấn mạnh nhiều lần đến chủ trương phục hồi vai trò của nhà nước, dựa trên lý thuyết được gọi là “phát triển nội sinh” (croissance économique) bắt đầu hình thành ở Mỹ vào giữa thập kỷ 80 (2). Ít nhiều chịu ảnh hưởng của Keynes, những người chủ trương lý thuyết này cho rằng, dù kinh tế thị trường là hệ thống tốt nhất, nó chỉ có thể vận hành tốt với sự can thiệp vừa phải của nhà nước. Họ cho rằng sự tăng trưởng kinh tế (croissance économique) không phải chỉ bị quy định bởi những nhân tố mà họ gọi là “ngoại sinh”(?) (vốn, lao động và tiến bộ kỹ thuật) mà còn bởi những nhân tố “nội sinh”(?) (cách ứng xử (comportement) của những tác nhân (agent) kinh tế như nhà nước, xí nghiệp, hộ gia đình (ménages)...): nó gắn liền với tình trạng của hạ tầng cơ sở (đường sá, cầu cống, bến cảng; các phương tiện truyền thông...), với trình độ văn hoá, sức khoẻ của dân chúng..., những cái mà người ta vẫn gọi là “vốn liếng về người” (capital humain). Tất cả những nhân tố nói trên đòi hỏi những đầu tư dài hạn mà thị trường không thể đảm nhận một mình: chính vì thế mà cần có sự can thiệp của nhà nước.

Nicholas H. Stern (3) cũng đã đưa ra năm loại luận cứ để chứng minh vai trò quan trọng của nhà nước trong kinh tế: sự hiện hữu của những “ngoại tố” (externalité) như ô nhiễm chẳng hạn mà nếu để mặc cho thị trường, với lô gích cạnh tranh và lợi nhuận của nó, thì không thể nào giải quyết được; ý muốn thanh toán hay ít ra làm giảm bớt tình trạng nghèo đói, điều mà thị trường tự nó không hề quan tâm; sự khẳng định mọi công dân đều được quyền hưởng một số phúc lợi xã hội như giáo dục, y tế, nhà ở... (kinh nghiệm cho thấy là chính sách cực kỳ tự do của hai ông Reagan và Bush đã có những tác dụng tai hại trong các lãnh vực này); những vấn đề vô cùng phức tạp và khó khăn mà nhà nước phải đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết như hưu trí hay nạn ma tuý; bảo vệ quyền lợi của những thế hệ tương lai (ta sẽ để lại cho chúng một môi trường lành mạnh hay ô nhiễm? những tài nguyên thiên nhiên sẽ còn lại với trữ lượng bao nhiêu?...).

Tuy nhiên, N.H. Stern cho rằng nhà nước không nên tham gia trực tiếp vào việc sản xuất những hàng thiết bị hay tiêu dùng thông thường: dựa trên sự phân tích thống kê về chi phí của các nước đang phát triển, ông thấy rằng, nếu thay đổi một cách đáng kể cơ cấu chi phí công cộng, ta có thể cải thiện mức sống của người dân và sự vận hành của thị trường. Nhận định này cũng đúng cho Việt Nam: từ nhiều năm nay nhà nước đã tốn không biết bao nhiêu tiền để bù lỗ cho các xí nghiệp quốc doanh.

Trong quyển “ l'État-passion” (nhà nước - đam mê), Robert Lion, sau khi đã nêu ra các sứ mạng của nhà nước (bảo vệ bản sắc và độc lập dân tộc, bảo vệ xã hội dân chủ và đoàn kết, điều tiết những thăng bằng kinh tế lớn (grands équilibres économiques), cảnh giác về môi trường), cũng đã đi đến kết luận là nhà nước không nên có những xí nghiệp trong khu vực cạnh tranh (secteur concurrentiel) và đề nghị một loạt biện pháp để làm cho nhà nước vừa mạnh, vừa nhẹ và vừa có hiệu quả (4).

Trong chừng mực nào ta có thể xem lời tuyên bố mang màu sắc “cực kỳ tự do” trên đây của ông Đặng Xuân Kỳ như là phản ánh của sự suy yếu, bất lực của nhà nước ở Việt Nam hiện nay? Câu hỏi này có thể làm nhiều người ngạc nhiên vì họ lẫn lộn nhà nước mạnh với nhà nước độc đoán và trấn áp. Nhà nước mạnh là nhà nước được sự ủng hộ của đa số nhân dân thông qua tuyển cử thật sự dân chủ, có chính sách (ngắn hạn cũng như dài hạn) đúng đắn và nhất là có quyết tâm và khả năng thực hiện các chính sách đó. Từ vài năm nay người ta có cảm tưởng là nhà nước Việt Nam càng ngày càng ít can thiệp vào đời sống của xã hội ngoại trừ hai lãnh vực chính trị và tư tưởng. Đồng bào trong nước gọi đó là chính sách “thả nổi” được thể hiện qua sự thiếu quan tâm, chính sách và nhất là thiếu đầu tư của nhà nước vào các ngành giáo dục, y tế, văn hoá, xây dựng cơ bản (cầu đường, cảng...) với những hậu quả vô cùng tai hại cho phát triển và ngay cả cho các thế hệ tương lai. Sự từ nhiệm đó dường như không phải phát xuất từ niềm tin tuyệt đối ở kinh tế thị trường (như bà Thatcher hay ông Reagan) mà là từ sự kiệt quệ (do mất viện trợ của Liên Xô cũ và các nước Đông Âu) và sự bất lực của nhà nước đang hoang mang không biết phải làm gì và đi về hướng nào. Làm thế nào để xây dựng được một nhà nước pháp quyền vững mạnh, vừa dân chủ và vừa có hiệu lực? Có lẽ đó là vấn đề quan trọng – gắn liền với sự phát triển đất nước – mà các nhà lý luận trong nước cần tập trung suy nghĩ, thay vì tán dương “tư tưởng đúng đắn” của ông Reagan hiện nay đã quá lỗi thời!

22.2.1993

 

(l) “Ending America's Vietnam syndrome” trong Far Eastern & Economic Review, 7.2.1993, tr. 5.

(2) Xem Revue d'économie politique số 102, 5-6.1992, tr. 314-377.

(3) “Le rôle de l'État dans le développement économique”, Lausanne, Payot, 1992.

(4) “L'État-passion”, Paris, Plon, 1993.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss