Những bức thuỷ mặc
Truyện ngắn
Những bức thuỷ mặc
Trần Trung Chính
Bốn khung cửa sổ chữ nhật hẹp nơi phòng tôi nằm có thể xem là bốn bức thuỷ mặc mùa thu. Sương bay, một cơn gió tràn qua cả bốn bức tranh đều rơi lá. Núi mờ nằm xoài từ bức thứ nhất sang bức thứ ba, bức thứ bốn có những đỉnh tháp nhà thờ gotic. Tôi nghĩ rằng: những chiếc lá lúc rời khỏi cành cố cưỡng lại gió để khỏi bị mang đi xa, chúng sẽ chịu tuyết vùi để ủ cho gốc, sang xuân chúng muốn tái sinh đầu tiên trên các nhánh cành.
Từ ô cửa kính thứ nhất, có bóng cô y tá bước vào phòng, cô luồn tay vào áo tôi đặt chiếc cặp nhiệt độ, bàn tay ấm và nặng. Thân nhiệt tôi tăng lên mỗi lần tiếp xúc với cô, tim tôi càng phù to suy kiệt hoặc ngược lại nó héo, đang teo nhanh, là con cá ngáp thổn thức trong vốc tay cô. Cách đây ba năm, lần đầu tiên tôi chịu sức nặng của cỗ máy kim khí lạnh buốt ép vào ngực, tim tôi như con chim nhỏ giãy giụa đau đớn, sắt thép kẹp chặt nó. Phiếu kết quả khám vẫn nâng điểm sức khoẻ cho tôi, tàn phế còn là chưa chết, ít ra tôi được cầm chứng nhận về sự tồn tại của mình.
Trời hửng nắng xanh nhạt, sương loãng dần, ở ô cửa thứ hai thoáng có những vụn mây trắng li ti giống bèo tấm. Mẹ tôi bảo đẻ tôi giờ hợi, bác tôi (chị ruột mẹ) nói: “Hợi đâu, sang tý rồi”. Bác có lý hơn, bác đón tay tôi. Mẹ ngất lúc sinh tôi, lúc đang trầm mình vớt bèo dưới ao. Tôi có thể hình dung cái rét trong nước cuối tháng mười một. Cơn đau chợt dữ dội, mẹ hối hả lội từ giữa ao vào bờ, rét khoá cả tiếng kêu làng nước của mẹ, đáng lẽ có thể lên bờ qua lối cầu ao, mẹ tôi lại lội vào mé bụi tre, đất lở, gai tre cào nát hai bàn tay. Không phải mẹ vượt cạn, mà vượt nước đẻ tôi trên cạn. Bác tôi kể rằng: “Lúc tìm thấy hai mẹ con tưởng chết cả, nếu mày không khóc, đêm đen biết chỗ nào mà tìm. Lúc ra người mày đầy bèo tấm, tao đặt mày là thằng Bèo.” Mẹ tôi ốm hậu sản mãi, liệt hai chân. Bác kể thêm: “thằng bố mày không biết có mày, nó chỉ vụng trộm có một lần với mẹ mày ngoài lều cá, nó bỏ làng vào Nam kiếm ăn lâu rồi”. Vậy tôi sinh giờ tý, hai hai là ngày tý, tháng tý, năm Canh tý; cho nên tôi mới bé và nhát như con chuột nhắt. Lấy đâu ra sức khoẻ với can đảm, trước làng tôi là đứa con hoang, trong nhà tôi ăn nước cháo từ loãng đến đặc, mẹ tôi lê quanh giường ủ tôi bằng giẻ vụn xin thập phương. Chúng tôi đã tựa vào sức bác tôi mà sống.
Cô y tá trở lại lấy cặp nhiệt độ, bóng cô lướt trong ô cửa kính thứ nhất như không trọng lượng. Nắng thu chạm vào mắt cô vàng rực rỡ, mắt cô to xanh veo, vòm mi, sống mũi, gờ môi, chỉ có thể đục gượng nhẹ từ đá trắng. Có một chút gì từa tựa trong dáng đi của cô nhìn từ phía sau làm tôi nhớ đến lối đánh mông của Agnes. Nàng Venus rời vỏ sò lên giường với công nhân Việt Nam. Vào các buổi sáng thứ bảy hàng tuần, nàng cung cấp băng sex, chưởng Tàu cho anh bạn cùng phòng. Buổi đầu tôi bỏ ra ngoài, họ yêu cầu tôi cứ ngồi làm việc. Tôi sao băng, còn họ làm với nhau mọi trò như trên video. Agnes gào thét như thú, anh bạn tôi ngỡ ngàng, anh chẳng biết tý tiếng địa phương nào ngoài số đếm, câu chào, dạ, vâng. Tôi dịch hộ nguyên văn: “Em đói! Em đói! Trời ơi! ...” Nàng ăn, ngủ, tắm, sấy tóc, sấy cả những chỗ khác nữa và đi lại luôn luôn khoả thân trong phòng. Mắt tôi lần theo những sợi khói thuốc lá vật vã lang thang trên trần nhà. Có lúc Agnes đột ngột đứng trước mặt tôi, giật điếu thuốc của tôi cắm vào môi nàng, cầm cả hai bàn tay ấp lên bầu vú giúp chúng xoa quanh vầng hồng tươi, đôi núm rắn nhỏ nhắn... Tim tôi bị mười móng son sắt của nàng bấu chặt, nó ngừng đập trước phát hiện về sự cường tráng vô bờ bến của đàn bà. Nàng cố tách môi tôi ra, tìm và nuốt trọn lưỡi tôi. Thân thể nàng căng đầy phì nhiêu, là núi đồi thảo nguyên đủ chỗ say đắm cho một tỷ đàn ông chúng ta, bầy kiến đen kiên nhẫn bò theo nhau trong cuộc hành trình vô ích muốn phát hiện vũ trụ. Tôi muốn là sắt thép, là người máy chạy bằng năng lượng vĩnh cửu. Tôi khóc vì sự bất lực nhục nhã của mình, bám vào thành toa-let nôn thốc nháo. Agnes nức nở, nàng khóc vì sự phản bội.
Trong một không gian chung, khi bị chia cắt thành từng phần, dù nối tiếp nhau trên bề mặt của bốn khung cửa kính, chúng vẫn dường như độc lập. Bởi chất lượng khúc xạ của thuỷ tinh chăng? Phần núi nằm xoài trong ô cửa thứ ba hoang vắng và lạnh, không gian nơi tôi đã làm việc hai năm trong một nhà máy ngoại ô. Sẽ chẳng bao giờ tôi có thể đặt báo thức trước giờ ngủ cho hai đứa nữa. Chúng tôi rời khỏi phòng lúc 5 giờ sáng trong cả bốn mùa, tôi tựa vào anh, cùng anh đứng đợi xe trong tuyết đổ. Tim tôi buốt thon thót, thèm một chút hơi ấm, trong tối đen bão tuyết, đàn ông cũng sưởi cho nhau... Tôi có bao giờ tự làm nổi việc gì nếu thiếu anh, anh giúp tôi tìm cách không thừa nhận sự thật nguy hiểm của tim mình. Nếu không ra đi, tôi sống ốm yếu được bao năm nữa bên mẹ tôi tàn tật. Đến lúc vuốt mắt cho bác tôi, mẹ con tôi được nhận cái lều bán nước vối, kẹo vừng ven đê của bác. Chúng tôi cùng nói với mẹ tôi: “chỉ đi năm năm, trở về tôi có thể xây cái nhà mái bằng, sẽ chẳng dột khi mưa, tôi muốn có cái xe đẩy đưa mẹ tôi mỗi lần ra mộ thắp hương cho bác. Tôi sẽ khoẻ, có thể lấy được vợ (mong ước hơn mọi mong ước của mẹ tôi). Ra nước ngoài chỉ ba tháng là hết bệnh tật, bên ấy họ cho ăn mỗi ngày một con gà, nhà mình chỉ ăn vào dịp tết, bên ấy ngày nào cũng sẽ là tết Nguyên đán. Để con nghĩ xem nhà mình có cái gì bán ra tiền, bác sĩ sẽ cho con cái phiếu sức khoẻ khác”. Mẹ chẳng nói gì, hôm sau nhờ anh đưa lên bệnh viện tỉnh xin thuốc. Lúc về mẹ tôi xanh mệt, có hai hộp sữa, gói đường thêm vào bên cạnh lọ kẹo bán hàng ngày. Anh đưa tôi cái phiếu sức khoẻ mới, cả tiền làm liên hoan. Một lần nữa mẹ tôi trút máu... Mọi người ăn uống say sưa, khen tôi có chí ra đi làm ăn xa, vài năm nữa mẹ tôi sẽ mát mặt. Tôi chỉ nhấp cặn cốc rượu mà nôn nao, tim đập nhức nhối trong ngực.
Máy bay mở hết động cơ chạy băng băng trên đường băng cố thoát khỏi sức hút của mặt đất, nó đã chao mình vào không trung, áp lực quán tính ép chặt tôi vào lưng ghế, tay tôi tìm tay anh. Nhiều màu đỏ đến thế, đỏ như máu loang loáng những hạt hồng cầu vỡ ra trong mắt tôi, thừa thãi cho bữa khao cả làng. Máy bay tiếp tục nâng độ cao, cao mãi.
Xưa kia ở Đông Âu đã từng có những cây kuron, leva, rúp... Nếu không, sao người ta tin vào sự giàu có ở những vùng đất này lâu đến thế. Bây giờ những đồng tiền ấy rất hiếm, chúng nằm nép trong những cái ví nhỏ, tằn tiện lần thăm chúng tôi. Chúng là những viên đường nhanh tan dùng xây nhà mái bằng, cần phải vất vả mạo hiểm tìm chúng. Tôi lại dựa vào anh, hai lần anh thay tôi kiểm tra sức khoẻ, anh bán tất cả những gì hai đứa có để lấy vốn mua một cái xe gấp hai bánh, thuê tôi chở bia, cocacola, rượu, thuốc lá..., anh bán ngay trong ký túc xá. Sáu tháng sau, anh kinh doanh thêm video, tôi nắn nót viết thông báo chương trình lên cửa phòng hai đứa. Tôi được thuê thêm coi máy, sao băng, bưng đồ cho khách.
Có con chim gáy nào đậu xuống giữa gờ cửa thứ hai và ba. Có phải bạn đó không chim ơi? Nó dạo trên gờ bốn ô cửa sổ muốn tìm vào với tôi. Con chim gáy có vòng cườm bạc quanh cổ, con chim cô liêu thân thuộc vẫn thăm tôi các sáng chủ nhật, chỉ có các buổi sáng đó mới là của tôi. Agnes và anh ấy ngủ mê mệt, chiến trường sau trận đánh cũng yên ắng như thế. Tôi đăm đăm nhìn qua cửa sổ đón mặt trời lên sau màn sương ban mai. Con chim sà xuống, tôi hé cửa vãi vụn bánh cho nó, hít thoả thuê không khí tươi buốt đầy lồng ngực. Đừng bỏ tôi chim nhé, tôi không dám động mạnh, chim nán lại bên tôi, đặt những vuốt sắc lên bàn tay tôi cào rớm máu, cho tôi áp một chút vào bộ lông mịn màng. Chim muốn đi, tôi chẳng thể giữ, tiếng đập cánh vào trời xanh làm nhói tim... Dường như tôi chìm trong vùng ảo thị, bốn bức thuỷ mặc vắng lặng chỉ có giá khô, se lạnh. Tôi khó thở, trời đặc sương như mặt biển màu thiếc, con chim gáy của tôi đang rướn theo hằng hà sa số bầy chim đen che kín bầu trời. Chúng bay về phương nam tìm đại dương, cố vượt khỏi những tầng sương lạnh mênh mông trước mùa tuyết. Muộn mất rồi chim ơi! Tôi không còn cơ may hành trình trở về, dù chỉ một lần nữa nhìn thấy sóng vỗ quanh bán đảo quê tôi gầy gò, hạnh phúc đau đớn như Paul Gauguin nhìn thấy nắng đảo. Tôi không còn được nhịn đói ở sân bay Matxcova, ngạt thở chen lấn với bạn bè trước hàng rào cảnh sát huyên náo gào thét, trong tiếng khóc nức nở của các cô venus nhựa mini bị xô lắc đè bẹp trong các túi xách tay. Nín đi các em bé tóc vàng, các anh sẽ đưa các em về với mẹ.
Giáp ô cửa thứ bốn, từ cuối ô cửa thứ ba, phần diễn biến của đường viền chân núi chùng hẳn xuống đổ thoải dài... Đó là con đê làng mà tôi có thể hình dung mồn rnột từng ngọn cỏ, từng vạt hoa kim ngân bị xéo nát. Tôi tưởng tượng rõ mọi khuôn mặt quen biết, nhưng tôi không sao tìm thấy mẹ tôi trong trí nhớ hay bất cứ giấc mơ nào. Ký ức mỗi khi ồ ạt chuyển động làm mỗi chúng ta rơi lệ, chúng vốn là những dòng dẫn điện trở nhỏ đột ngột phải chịu cường độ điện dữ dội, trong khoảng khắc một phần mười giây có hàng chục năm chạy qua, xung động điện thiêu đốt tôi mê mang. Tôi mơ thấy hai bàn tay mẹ tôi khô quắt phủ đầy gân xanh lẩy bẩy thò ra từ đôi ống tay áo bông rách, đang cố bật cái nắp nhôm đậy lọ kẹo vừng. Cái lọ không còn kẹo, nhung nhúc kiến đen, trò chơi dại hồi bé, hồi đó tôi phát hiện rằng dân số cả làng chắc gì bằng một tổ kiến. Tôi trút kẹo ra, cho bùn, vụn tấm và thả kiến vào đó, qua một ngày bùn khô, sang ngày thứ hai chúng làm xong các đường hầm lên xuống, ngang dọc. Xã hội kiến cần cù ngày đêm làm việc thu xếp cuộc sống ngăn nắp, không có chuyện cãi cọ, giết nhau, gặp nhau còn đưa râu ra chào. Bầy kiến đen lũ lượt bám theo nhau phủ kín các đường gân xanh trên mu bàn tay mẹ tôi, là các dòng đen chuyển động, không còn hình hài xương thịt, chỉ còn cơ man những mao dẫn màu đen hối hả chảy... Đoàn công nhân chúng tôi cũng có đồng phục của loài kiến, đi hàng một trên các hè phố, bám theo nhau chui vào autobus, tôi luôn là con kiến ngơ ngẩn chậm chạp nhất. Mùa đông về, tôi cũng thấy có loài đồng phục như thế, đó là những con quạ. Chúng tao tác trên những cành cây trụi lá khệnh khạng trong bộ đồng phục đuôi tôm đi lại từng bầy trên tuyết trắng rất trịnh trọng. Giá tôi có được vẻ đĩnh đạc và bộ đồng phục như chúng, tôi sẽ vào ăn tối ở nhà hàng Continental. Tôi thường xuyên nằm mơ, liều thuốc ngủ không còn 1, 2, 3, 4 và 5 viên senduxen trước lúc muốn ngủ. Đêm nào Agnes ở lại với anh bạn tôi thì 5 viên cũng chưa đủ, tôi thao thức lấy gối bịt chặt hai tai, đau ran trong lồng ngực. Thoạt đầu mơ thấy phim chưởng, tôi bị đâm tan nát, nằm trong bồn máu của chính mình, rồi hàng chục nàng Agnes trần truồng lôi tôi lên giật tóc và phi như ngựa, cưỡi lên tàn phế, vừa siết cổ tôi mà gào, cắn. Tôi gượng dậy trong bóng đêm, quần lót ướt đẫm.
Trong ô cửa thứ bốn đang có những đám mây bay ngang bầu trời, chúng bị cắt rời bởi các nóc tháp gotic đâm lên vun vút. Tôi nghĩ rằng Chúa ngự trị trên những đám mây đó, là những tia sáng dát vàng trên đỉnh mái. Đức tin của chúng ta hướng đến lợi ích, tôn giáo buộc phải quan tâm đến thiếu thốn vật chất cho người nghèo và quan tâm đến thiếu thốn tinh thần cho người giàu. Đức tin ấy không trú ngự bên trong nhà thờ hay nhà chùa, đó là những công trình giả định cho sự hiện diện của tín ngưỡng. Theo tôi, Chúa ở rất cao, Phật ở rất sâu. Tôi thường gặp các ngôi chùa quê mình được ủ kín trong các vườn cây, dưới nắng nhiệt đới chan hoà cây xanh bao bọc tạo ra vẻ u uẩn, đó là con mắt sâu thẫm, không có những tia soi rọi qua hàng mi rợp bóng. Lọt qua hàng cây bao quanh, hưởng nhiệt độ tuyệt vời của bóng râm, cánh cửa chùa mở khiến tôi phải dừng lại giây lát làm quen với bóng tối, không khí ẩm lạnh tức khắc vây quanh. Đây là vòm cổng con đường đi xuống tâm trái đất.
Giờ hội chẩn cuối cùng sắp đến, tôi ứa nước mắt nghĩ rằng cái áo của tôi trên mắc, cả đôi giày trên sàn, vốn được làm từ những vật liệu không mấy bền vững nhưng chúng có quyền tồn tại lâu hơn tôi... thôi nào, đừng ngoái lại. Can đảm, khoẻ mạnh, lần đầu tiên tôi tìm thấy cả hai trước cánh cửa cái chết. Cần gì phải lau những hạt bèo tấm bám trên thân thể, khi tôi đã nằm trong suốt trên nắp quan tài. Bác sĩ ơi! đây là cuộc hành trình đầu tiên và cuối cùng tôi đơn độc, không có ai đón tay đưa tiễn, cả những ý nghĩ tôi sắp cầu xin cũng không chia sẻ với ai được. Cơ thể tôi còn trẻ, đôi tay đôi chân của tôi còn có ích nếu nó được sống với trái tim không đau ốm. Tôi có thể vượt qua được mọi nỗi nặng nhọc, nhưng trái tim lười biếng của tôi không chịu dồn máu cho phổi, như có ai bóp chặt lấy yết hầu mà lắc, nó làm tôi không thở được. Nó bỏ mặc đôi chân, đôi tay rã rời, dè sẻn từng giọt hồng cầu bơm vào cơ thể, nó luôn rình hại tôi vào những lúc cần gắng sức nhất. Nó già ốm trước tuổi, nẫu thối từ lúc còn xanh, nó không cho nó cơ hội để chín. Bác sĩ đừng bận lòng, nó không đáng sống thêm, không cần phải sửa chữa. Tôi khước từ cả việc thay thế nó, việc đó chỉ kéo dài sự hành hạ vô tận và tôi không thể trả tiền cho y học. Nhưng tôi cầu xin bác sĩ hãy cứu lấy tay, chân của tôi, chúng đáng sống, chúng chịu làm lụng, biết cầm búa, thả diều, đôi bàn tay biết ca hát như lá reo lúc gió qua. Đôi chân tôi sẽ nâng đỡ cho ai đó gặp tai nạn đột ngột, nó không phản bội bước đi của họ, sẽ giữ chiều cao cần thiết cho họ đứng trên mặt đất này. Y học đã làm được những việc đó, y học mua máu của người này bán cho người khác, y học sẽ nhân đạo mua nốt bốn chi của tôi.
Tim ơi! hãy gắng lên lần chót, cho ta chịu nổi cuộc giải phẫu này, lẽ nào người nhận máu của mẹ ta mà chưa trả được chút gì cho mẹ... Tim tôi đập thổn thức dội lên đưa máu ngập hốc mắt, cả bốn mặt trời trong bốn ô cửa sáng quắc máu đỏ lưỡi quỷ, tinh tú sa đầy bề mặt kính. Khối máu trong lồng ngực vỡ tan hổn hển chảy xiết trong các ống máu cuốn tôi băng băng trôi, đẩy tôi mỗi lúc một xa quá, mẹ tôi đang hoá đá, một hòn Vọng Tử.
Hà Nội, 6.1990
Các thao tác trên Tài liệu