Tin Việt Nam
Tin Việt Nam
Hội nghị Việt kiều họp ở Sài Gòn
Theo các nguồn tin Việt Nam từ trong nước, Tây Âu và Bắc Mỹ, do Diễn Đàn phối kiểm, một Hội nghị Việt kiều sẽ được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh trong hai ngày 8 và 9 tháng 2.1993. Hội nghị này lúc đầu “do ban Việt kiều trung ương phối hợp với Bộ ngoại giao các cơ quan hữu quan tổ chức” theo “chỉ thị của thủ tướng chính phủ”, nay được trình bày là “do chính phủ Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tổ chức”.
Theo thư mời chính thức, thì hai ngày hội nghị này sẽ “có những buổi trình bày và trao đổi về tình hình đất nước”, và “hội thảo chuyên đề” về 6 lãnh vực: (1) quyền lợi Việt kiều, (2) giao lưu văn hoá thông tin, (3) giáo dục và đào tạo, (4) khoa học, công nghệ và môi trường, (5) hợp tác và đầu tư, (6) kinh tế, tài chính, ngân hàng, thị trường, tín dụng...
Thư trên được đại sứ quán Việt Nam ở các nước gửi tới từng cá nhân. Theo những nguồn tin từ trong nước, số thư mời lên tới hai, ba trăm, để đạt con số 80-90 người thực sự sẽ tham dự (tiền máy bay tự túc, Ban Việt kiều trung ương “chỉ đài thọ việc ăn ở trong thời gian hội nghị ở trong nước”). Về thành phần khách mời, ngoài một bộ phận là giới trách nhiệm hội đoàn thuộc phong trào Việt kiều cũ, người ta thấy có: những nhà khoa học tên tuổi, những chuyên viên kỹ thuật, kinh tế - tài chính, doanh nhân, thương gia... (trong đó, một số đã có sẵn kế hoạch về nước ăn Tết – theo một kiều bào vừa từ Sài Gòn trở qua Paris, số đồng bào về ăn Tết năm nay lên tới 60.000 người).
Qua thành phần người được mời, có thể thấy chính phủ Hà Nội chủ ý mở rộng diện liên lạc với cộng đồng hải ngoại tới các thương gia, các nhà khoa học và chuyên viên, nhất là những người không công khai biểu lộ chính kiến, và tới một số quan chức chế độ miền Nam cũ (một nguồn tin từ Hà Nội cho hay trong danh sách khách mời, có cả ông Nguyễn Cao Kỳ – điều này chúng tôi chưa thể xác nhận).
* Sự “cởi mở rộng rãi” tất nhiên không “ vô bờ bến”:
– Sáu đề tài hội thảo thu hẹp trong những phạm vi cụ thể nhất định, không đả động gì đến đổi mới chính trị và xã hội.
– phần đông giấy mời tới tay đương sự đúng một tháng trước ngày họp, trên thực tế, việc này đã loại trừ khá nhiều người sẵn sàng tham dự một cuộc gặp gỡ thiện chí.
– sự “luộm thuộm kỹ thuật” này có thể giải thích bằng sự tranh cãi kéo dài trong nội bộ giới lãnh đạo, một đằng muốn mở cửa với thế giới bên ngoài, một đằng e ngại vai trò của Cộng đồng hải ngoại trong âm mưu giả định “diễn biến hoà bình” của “ đế quốc và phản động quốc tế”. Điều này có lẽ là lý do giải thích sự “ vắng mặt nổi bật” của những người đã lên tiếng kêu gọi dân chủ đa nguyên. Một cán bộ cấp cao vừa công du ở Hoa Kỳ đã chép miệng than rằng: “Mời Nguyễn Cao Kỳ mà không mời họ thì cũng rõ tâm địa như thế nào”.
Nhận xét này có lẽ quá khắt khe, nhất là đối với những nhà lãnh đạo có thiện chí thật sự, nhưng còn phải “chiếu cố” ý kiến của các đồng sự bảo thủ. Chúng ta hãy chờ xem “hội nghị Việt kiều” diễn biến ra sao.
1992: 277.000 khách nước ngoài
Theo tin từ các cơ quan xuất nhập cảnh, tổng số khách nước ngoài đến Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 1992 lên đến hơn 277.000 lượt người (năm 1991 là 200.000), trong đó Việt kiều chiếm 27% (74.336). Đông nhất là công dân Mỹ (37.802 người trong đó Việt kiều là 26.047), rồi đến Nhật (13.775) và Pháp (12.378). Họ đã đem vào Việt Nam hơn 450 triệu đôla, bình quân mỗi tháng 38 triệu đôla.
Năm 1993, sân bay Tân Sơn Nhứt dự kiến đón tiếp 60 ngàn khách Việt kiều và nước ngoài trong tháng giêng và Tết (năm 1991 là 50.000 khách).
Bài trừ mua, bán dâm
Ngày 4.1.93, uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ra chỉ thị bài trừ mua bán dâm, gồm những biện pháp sau:
– đối với người mua dâm (kể cả người nước ngoài) ngoài biên bản, sẽ bị phạt tiền và buộc phải làm cam kết không tái phạm;
– đối với người bán dâm, ngoài biên bản sẽ buộc phải làm cam kết không tái phạm và, nếu đã phạm nhiều lần, sẽ bị tạm giữ, giao cho sở lao động và xã hội quản lý, giáo dục;
– đối với những cơ sở quốc doanh chứa mãi dâm có tổ chức, thủ trưởng sẽ bị cách chức; đối với những cơ sở tư nhân và liên doanh, giấy phép kinh doanh sẽ bị rút;
– tạm thời ngưng cấp thêm giấy phép cho tư nhân kinh doanh nhà hàng máy lạnh, quán bia và càfê, tiệm cắt tóc thanh nữ; rút giấy phép của tất cả các quán “đèn mờ”.
Thông tấn xã Việt Nam, ngày 10.1.93, cho biết nước ta hiện nay có đến 600 ngàn người đang hành nghề mại dâm.
Xét nghiệm SIDA bắt buộc
Ngày 18.12.92, chính phủ Việt Nam đã ra nghị định bắt buộc một số đối tượng phải xét nghiệm huyết thanh kháng thể HIV:
– một mặt, đó là người mại dâm, người tiêm chích ma túy, người đồng tính luyến ái và tù nhân;
– mặt khác, đó là người nước ngoài đăng ký cư trú ở Việt Nam trên ba tháng.
Những người bị nhiễm HIV/SIDA sẽ không được phép kết hôn.
Mức sống ở Thành phố Hồ Chí Minh
Theo kết quả cuộc điều tra mức sống của người dân Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 1992, do cục thống kê thành phố thực hiện, mức chi tiêu bình quân của một người mỗi tháng là 195.000 đồng, tăng gần 6% so với năm trước (sau khi loại trừ trượt giá). Trong các hộ gia đình, việc mua sắm trang thiết bị tiện nghi có gia tăng: tỷ lệ hộ có tivi chiếm 55,2% (năm 1991 là 47,6%), hộ có vidéo chiếm 16,8% (năm 1991 là 10,9%), hộ có xe gắn máy chiếm 46,8% (năm 1991 là 39,5%), hộ có tủ lạnh chiếm 22,1% (năm 1991 là 16,6%).
Theo nhà kinh tế Huỳnh Bửu Sơn (Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh 2.1.93), sức mua ở Thành phố Hồ Chí Minh gia tăng chủ yếu do ba yếu tố:
– khu vực kinh doanh bất động sản đã tạo ra “những nhà giàu mới” với những khoản chi tiêu nâng sức mua của xã hội;
– khu vực đầu tư nước ngoài đã thu hút ngày càng nhiều những người lao động có trình độ chuyên môn và ngoại ngữ với mức lương cao;
– khu vực buôn lậu đã phát triển nhanh trong năm qua với nguồn thu đen rất lớn.
Song song một thực tế khác phải được ghi nhận, đó là quá trình phân hoá giàu nghèo giữa các tầng lớp: bình quân, chi tiêu của người ở thành thị cao hơn 45% so với người ở nông thôn; và các hộ làm nghề buôn bán, dịch vụ có mức chi tiêu gấp đôi các hộ làm nghề nông.
(Tuổi Trẻ 7 .1.93)
Tham nhũng năm 1992: trên 60 triệu đôla
Theo AFP, lấy lại tin báo Nhân Dân ngày 14.1.93, những vụ tham nhũng đã làm mất mát trên 60 triệu đôla – khoảng 660 tỷ đồng – của nhà nước Việt Nam trong năm 1992. Đây là chỉ nói đến những vụ được phát hiện và xử lý.
Khu vực xây dựng cơ bản hiện nay phát sinh những tiêu cực lớn nhất. Chủ tịch uỷ ban kế hoạch nhà nước Đỗ Quốc Sam giải thích, trên báo Lao động Chủ nhật (27.12.92), rằng ở mỗi khâu của một công trình xây dựng đều có thoả thuận giữa các bên để “chia phần trăm”: 5 - 10% là phổ biến, có nơi lên tới 20 - 30%. Khi cộng lại toàn bộ chuỗi chấm mút, tổng số thất thoát trong một số trường hợp lên đến 50% vốn đầu tư. Đó là chưa nói đến thiệt hại về mặt tuổi thọ công trình.
Tiến hành chương trình chống tham nhũng và buôn lậu, thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ đạo đưa ra xét xử ngay trong quý một “10 vụ án quan trọng”. Trong danh sách những vụ được chọn đưa ra có: vụ Nguyễn Lê Cường, cán bộ Tổng công ty bảo hiểm, lừa đảo trong việc ký hợp đồng mua ngoại tệ, chiếm đoạt 3,2 tỷ đồng; vụ một số cơ quan thuộc các bộ năng lượng, thương mại và Hội hữu nghị Việt Nam - Ba Lan gian dối trong việc mua bán 4.000 tấn thép xây dựng đường dây cao thế Bắc - Nam; vụ một số cơ quan thuộc tỉnh Cao Bằng xuất khẩu trái phép 1389 ô tô du lịch; vụ Phan Anh Tuấn, giám đốc hải quan Thành phố Hồ Chí Minh nhận hối lộ và bao che buôn lậu. Hai vụ án sẽ được xử lại, nhằm tăng nặng hình phạt: vụ Lê Mai Ninh, phó giám đốc Ngân hàng đầu tư phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, làm thất thoát 13 tỷ đồng; vụ Nguyễn Đại Đồng chủ nhiệm Tổng kho 1 dự trữ quốc gia, làm tổn thất 300 tấn và tham ô 30 tấn lương thực (bị kêu án 8 năm tù).
* Không ai nghi ngờ chính quyền có năng lực tổ chức những vụ xét xử đặc biệt, và có thể chờ đợi chính quyền sẽ hy sinh một vài cán bộ làm vật tế “thần” công luận. Song đối với công luận, vấn đề vẫn là làm sao “ đấu tranh” bài trừ tham nhũng thật sự khi chính thủ tướng Võ Văn Kiệt răn đe: không được gây “ không khí nặng nề, căng thẳng”, không được để “kẻ địch, bọn xấu lợi dụng”?
Câu hỏi đề ra cụ thể ở thành phố Hồ Chí Minh, nơi chính quyền có cam kết xử lý một số vụ tiêu cực đứng đầu là nhà đất, một vấn đề trong đó trách nhiệm của lãnh đạo Thành uỷ chưa được đưa ra ánh sáng (Diễn Đàn tháng 12.92). Được hỏi về vấn đề này, chánh thanh tra thành phố Trần Văn Lục, vừa qua trên báo Tuổi Trẻ (7.1.93), có trả lời: “ đã có kết luận và xử lý nhưng thẩm quyền công bố thuộc về ban tư tưởng văn hoá Thành uỷ”.
Đôla mất giá, đồng Việt Nam cao giá
Đầu năm 1993 đã chứng kiến một hiện tượng lạ về mặt tiền tệ. Đôla mất giá nhanh: tỷ giá Ngân hàng ngoại thương ở Thành phố Hồ Chí Minh giảm xuống 10.200 đồng, giá mua của chợ đen chỉ còn 10.000 đồng. Các ngân hàng, kể cả Ngân hàng ngoại thương đều từ chối thu mua đôla. Khách nước ngoài đến thành phố vào đầu năm dương lịch chỉ được đổi một trăm đôla mỗi người.
Hiện tượng đôla tuột giá này xảy ra trong một bối cảnh khan hiếm tiền đồng, các ngân hàng kể cả Ngân hàng nhà nước đều thiếu hụt tiền mặt. Suốt nhiều tuần liên tiếp, các ngân hàng thương mại đã không rút được tiền mặt trên tài khoản tiền gửi ở Ngân hàng nhà nước. Một ngân hàng liên doanh như Indovina mỗi ngày cũng chỉ được phép rút vài trăm triệu đồng trên một tài khoản gần mười tỷ. Khách ngân hàng đều từ chối nhận ngân phiếu thanh toán với lý do là không thể đổi ra ngay tiền mặt.
Trên báo Tuổi Trẻ (7.1.93), giám đốc một khách sạn lớn ở thành phố cho biết đã mang đôla xin nộp thuế nhưng bị kho bạc từ chối. Và để giữ khách du lịch, khách sạn của ông đành phải mua ngoại tệ của khách theo tỷ giá ấn định của Ngân hàng ngoại thương, rồi chịu lỗ bán lại với giá thấp để có tiền mặt.
* Dựa vào thái độ chống lạm phát cứng nhắc của chính phủ, Ngân hàng nhà nước đã một lần nữa thoái thác trách nhiệm đảm bảo lượng tiền mặt cần thiết cho nền kinh tế, nhất là vào lúc nhu cầu tăng vọt, giữa cuối năm dương lịch và đầu năm âm lịch. Thống đốc Cao Sĩ Kiêm còn đề ra chủ trương kỳ quặc là “các địa phương, các ngân hàng phải tự cân đối tiền mặt cho đến Tết Nguyên đán”. Bản thân Ngân hàng nhà nước, để “ tự cân đối”, đã đưa vàng ra bán để thu hút tiền đồng.
Té ra, đôla mất giá, đồng Việt Nam cao giá không phải vì nền kinh tế nước ta sung sức, mà chỉ vì Ngân hàng nhà nước ta hết tiền mặt!
5 năm đầu tư nước ngoài: 462 xí nghiệp, 1,1 tỷ đôla đưa vào hoạt động
Sau 5 năm thực hiện luật đầu tư nước ngoài (1987-92), uỷ ban nhà nước về hợp tác và đầu tư cho biết đã cấp giấy phép cho 555 dự án thuộc 40 nước, với tổng số vốn đăng ký là 4,627 tỷ đôla. Trên số đó, có 86 dự án với số vốn đăng ký là 520 triệu đôla (15%) bị giải thể và thu hồi giấy phép.
Lĩnh vực công nghiệp được nhiều vốn đầu tư nhất (53,7% tổng số vốn) kế đó là dầu khí (23,3%), du lịch, khách sạn (18%), nông lâm ngư nghiệp (11,4%), giao thông bưu điện (3,9%). Thành phố Hồ Chí Minh (254 dự án), Hà Nội (79), Vũng Tàu - Bà Rịa (27), Đồng Nai (26), Quảng Nam - Đà Nẵng (15) là những tỉnh thành dẫn đầu về số dự án đầu tư.
Hiện tại trên cả nước có 462 dự án đang hoạt động với số vốn thực sự đưa vào là 1,1 tỷ đôla, gồm hơn 800 triệu đôla từ phía nước ngoài, phía Việt Nam thì góp vốn bằng quyền sử dụng đất (được ước tính là hơn 200 triệu đôla). Các xí nghiệp trên đây đang thu hút 20.000 lao động trực tiếp và khoảng 70.000 lao động tham gia xây dựng hoặc cung cấp nguyên liệu cho các công trình đầu tư.
Tranh chấp lao động trong xí nghiệp liên doanh
Tiếp theo vụ tranh chấp lao động ở xí nghiệp giày Louistech Leasgo (Diễn Đàn tháng 1.93), người ta được biết rằng ở nhiều xí nghiệp liên doanh với nước ngoài khác như Việt Thắng, Lạc Tỷ, Kim Cương, Sơn Quán, Sunnex, Fashion... cũng đã xảy ra những cuộc lãng công tự phát của công nhân phản ứng lại cường độ lao động hay mức trả lương. Những mâu thuẫn của người lao động với giới chủ bắt đầu xuất hiện ở Thành phố Hồ Chí Minh, song, như báo Người Lao động (của Liên đoàn lao động thành phố) ra ngày 21.12.92 thừa nhận, “không ai bảo vệ họ”.
Trên tổng số 180 xí nghiệp có vốn nước ngoài (13.000 lao động) chỉ 28 nơi có tổ chức công đoàn, và trong số này nhiều công đoàn đã phải rút vào hoạt động “bí mật”. Chỉ có 50% xí nghiệp (4.300 lao động) đăng ký Hội đồng lao động, và có đến 20% xí nghiệp trả lương thấp dưới mức qui định tối thiểu 35 đôla / tháng.
Xuất khẩu lao động sang Nam Triều Tiên
Công ty dịch vụ xuất khẩu lao động và chuyên gia vừa ký hợp đồng với công ty Thaico Trading đưa 1000 người Việt Nam sang lao động ở Nam Triều Tiên. Các ngành làm việc là may, giày dép và xây dựng. Người lao động Việt Nam sẽ làm việc 8 giờ mỗi ngày, một tuần có một ngày nghỉ. Phía Nam Triều Tiên sẽ lo toàn bộ chi phí ăn ở, đi lại, vé máy bay, bảo hiểm, y tế, giải trí, và trả cho lao động Việt Nam mỗi tháng 100 đôla. Một hợp đồng xuất khẩu 1000 lao động khác sẽ được ký trong quí một năm 1993.
(Thời báo kinh tế Sài Gòn 7.1.93)
Phim Việt Nam tại Pháp
Tiếp theo chương trình giới thiệu điện ảnh Việt Nam ở Đại hội 3 lục địa (Festival de Nantes), dưới sự bảo trợ của Bộ ngoại giao Pháp và của Bộ “Pháp ngôn” (francophonie) và quan hệ văn hoá đối ngoại, rạp chiếu bóng Utopia (Paris) đã tổ chức một “Tuần lễ Điện ảnh Việt Nam” từ ngày 9 đến 15.12.1992. Trước sự hưởng ứng của khá đông khán giả, ban giám đốc rạp Utopia đã tổ chức thêm một tuần lễ thứ nhì, kéo dài chương trình phim Việt Nam đến ngày 22.12. Được biết Utopia cũng mua hẳn một bản phim Cánh đồng hoang (đạo diễn Nguyễn Hồng Sến, kịch bản Nguyễn Quang Sáng) để chiếu trong năm nay tại các rạp Utopia ở Paris và các tỉnh.
Trong hai tuần lễ phim, khán giả Việt Nam đã có dịp xem một phim mới là Canh bạc, tác phẩm đầu tay của đạo diễn trẻ Lưu Trọng Ninh, và xem lại một số phim giá trị như Chuyện tử tế (Trần Văn Thuỷ), Chị Tư Hậu, Chom và Sa (Phạm Kỳ Nam), Chị Dậu (Phạm Văn Khoa), Cánh đồng hoang (Nguyễn Hồng Sến), Thị xã trong tầm tay (Đặng Nhật Minh), Gánh xiếc rong (Việt Linh).
Sân golf và Lâm viên Thủ Đức
Đầu tháng chạp vừa qua, uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã cho tiến hành chặt bỏ toàn bộ cây cối trên 12 ha rừng (trong đó có 5.000 cây điều) ở khu Lâm viên Thủ Đức nhằm xây dựng một sân golf quốc tế 36 lỗ. Bác bỏ những ý kiến phản đối của nhiều nhà lâm học và môi trường học, phó chủ tịch uỷ ban Phạm Chính Trực đã khẳng định lại chủ trương của thành phố, cùng với tập đoàn Franc International Investment, thực hiện sân golf Thủ Đức. Ông cho rằng sân golf không làm hại môi trường mà còn tạo điều kiện, hoàn cảnh thuận lợi cho môi trường sinh thái, phòng hộ.
Song vào cuối tháng chạp, thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phải ra lịnh tạm ngưng việc chặt cây rừng để chờ bộ lâm nghiệp làm báo cáo. Được biết rừng phòng hộ lâm viên Thủ Đức gồm 535 ha cây do chính ngân sách nhà nước đầu tư trồng từ 10 năm nay. Việc quy hoạch xây dựng sân golf có 300 ha nằm ngay trong diện tích đó.
Marathon Hà Nội
Sau thành công của giải marathon quốc tế tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 1992, cuộc đua chạy bộ 42,195 km đã diễn ra đầu năm 1993 tại Hà Nội với sự tham dự của 138 vận động viên (125 nam, 13 nữ). Về phía nam, vận động viên Doug Kurtis (2 giờ 39' 45", Hoa Kỳ) đã đoạt giải trước Tim Soutar (Hồng Kông) và Huỳnh Trọng Thông (Phú Yên). Về phía nữ vận động viên, Đặng Thị Tèo (3 giờ 25' 51’’, Hà Nội) đã về đầu và phá kỷ lục quốc gia Việt Nam; sau đó là Phi Thị Thắm (Hải Hưng) và Nguyễn Thị Phương Thảo (Long An).
Ngoài cuộc đua cự ly 42,195 km, giải marathon còn ba cuộc đua khác: 21 km, 10 km cho người tàn tật và 10 km cho quần chúng. Tổng số vận động viên tham dự lên đến hơn 500 người thuộc 16 quốc tịch. Giải năm 1993 đã được sự tài trợ của thành phố (7000 đôla và của nhiều công ty nước ngoài: hãng bia San Miguel (100.000 đôla), khách sạn Saigon Floating Hotel (75.000 đôla), trung tâm viễn thông Úc (20.000 đôla), khách sạn Pullman. Với số tiền này ban tổ chức đã trao cho các giải nhất và nhì 5000 và 3000 đôla.
Tin ngắn
* Theo cục thống kê Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 1992, giá cả hàng hoá đã tăng 17,3%, bình quân 1,35% hàng tháng (năm 1991 là 4,75%); giá dịch vụ đã tăng 55%, bình quân 3,7% hàng tháng (năm 1991 là 3,4%). Giá vàng đã giảm 30% và giá đôla giảm 23%.
* Từ vài năm gần đây, hiện tượng lưu ban và bỏ học đã trở thành mối lo lớn của ngành giáo dục Việt Nam. Với tỷ lệ 11,1% học sinh cấp một lưu ban và 12% học sinh bỏ học, mục tiêu phổ cập cấp một và xóa mù chữ trên toàn quốc khó trở thành hiện thực.
* Việt Nam hiện có từ 7 đến 8 vạn người nghiện hút. Ở Hà Nội con số lên đến 12.000 người, ở Thành phố Hồ Chí Minh 20.000 người.
* Báo cáo cuối năm trước quốc hội, thủ tướng Võ Văn Kiệt đã lên án nạn cờ bạc đang bành trướng từ thành thị đến nông thôn. Cùng thời gian đó, người ta được biết chính phủ đã cho phép khởi công xây dựng sòng bạc Casino đầu tiên tại khu nghỉ mát Đồ Sơn, thuộc thành phố Hải Phòng.
Các thao tác trên Tài liệu