Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 16 / Trở lại Đôm 5

Trở lại Đôm 5

- Cao Đăng Hùng — published 10/12/2010 04:25, cập nhật lần cuối 12/01/2011 10:56


Trở lại Đôm 5


Cao Đăng Hùng

 

Tôi trở lại Mạc Tư Khoa và thăm Đôm 5 vào giữa tháng 12.1992, dừng lại đó một tuần trên đường bay Hamburg - Tokyo.

Đôm trong tiếng Nga nghĩa là nhà. Đôm 5 là nhà số 5. Mạc Tư Khoa có bao nhiêu phố thì cũng có bấy nhiêu đôm 5. Nhưng nếu chỉ nói “Đôm 5” không thôi thì mọi người đều định vị ngay đó là khu cư xá dành cho nghiên cứu sinh và thực tập sinh ngoại quốc của Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô cũ, nay là của Nga. Cũng do bao biến cố lịch sử đối ngoại nhiều năm qua, đã có những sự sàng lọc tự phát nào đó khiến cho rút cuộc thì 95% ngôi nhà 7 tầng với hơn 600 phòng này đều do các nhà khoa học tương lai của Việt Nam ở. Rồi cũng do bao giun giủi của lịch sử, có lẽ cũng tới trên 95% các nhà khoa học này đã trở thành nhà buôn. Cái nôi gây dựng nên những tinh hoa của trí tuệ và văn hoá Việt Nam đã có chức năng mới. Để đào tạo một người tốt nghiệp đại học thành tiến sĩ, mất khoảng 5, 7 năm. Nhưng để biến các tiến sĩ, thạc sĩ đó thành nhà buôn thì nhanh hơn, một vài tháng thôi.

Trước khi đi vào thời kỳ thương mãi hoá, Đôm 5 cũng đã từng đảm đương đúng vai trò. Vào trước thập kỷ 80, người Việt Nam sang đây học là chính, tuy cũng đã có mục đích làm giàu. Họ làm giàu bằng số học bổng dư ra, mua sắm đồ đạc, sau 3-4 năm đem về cũng được một gia tài. Cái gia tài vật chất tự nó không có gì tội lỗi. Có chăng, là cái gia tài trí tuệ mà nhiều người trong bọn họ mang về: những kiến thức đầy sai lầm, thiếu sót, được đóng dấu đảm bảo chất lượng bằng những văn bằng dán trên những bộ óc đã được bộ máy đăng tuyển lựa không theo các tiêu chuẩn tài năng, “ Tinh thần quốc tế vô sản” làm cho ai cứ đi học là đỗ đạt, là có văn bằng mang về, có quyền, có chức. Đã biết bao những linh kiện dỏm đã được lắp ráp theo con đường đó vào các cơ quan xung yếu nhất của quốc gia...

Nhưng thôi, hãy trở lại với thời kỳ thương mãi hoá. Thời kỳ này bắt đầu cùng với thập kỷ 80. Đây cũng là lúc kinh tế Liên Xô chao đảo. Để mua được nhiều hàng chở về, không thể chỉ dựa vào học bổng. Các ông bà nghè Việt Nam đã mở được ra các kênh thương mại thực sự. Phi công, cán bộ ngoại giao và đặc biệt chuyên cơ của các “lãnh tụ” đã đảm đương việc này. Một thời, người Đôm 5 nói: “Cứ máy bay của đoàn ông XX sang thì giá bàn là và phích nước lên vọt, nhưng giá áo bông, quần bò, thịt, tụt xuống...” Trong các kênh đi, về này, hàng chở sang gồm có: đồng hồ điện tử, một lãi gấp mười, áo “phông” Thái Lan, 1 lãi gấp 4-5 lần, các chuỗi hạt bằng xương giả ngà, áo kimono may tại Hà Nội được chở sang hàng tấn, hàng tấn, lãi 1 gấp 3 gấp 4... Rồi hàng “đánh về” thì còn phong phú hơn: bàn là, cưa điện, bếp điện, máy bơm, quạt, nồi áp suất, cối xay thịt, tủ lạnh, thuốc tây, phim và giấy ảnh, dây may-so cho bếp diện... lãi 1 gấp 2-3 lần. Các quầy hàng bách hoá quốc doanh của Liên Xô bỗng nhiên bị vét sạch hàng. Cứ người Việt Nam đến là mua hàng chục hàng trăm chứ không chỉ 1-2 cái.

Ăn nhanh, đi chậm, hay cười
Vét hàng bách hoá là người Việt Nam!

Câu thơ này chắc cũng là của người Việt Nam tự định nghĩa mình. Rồi đến những năm 84-85, thậm chí nhiều cửa hàng bách hoá lớn như GUM, XUM... đã đề hẳn tấm biển trên một số quầy: không bán hàng cho người Việt Nam... Nhưng, tài đặc công thời đánh Mỹ đã được các trí thức Việt Nam áp dụng: tặng dầu cù là, tặng mù soa, có khi là son phấn cho các bà bán hàng, thế là họ lại móc được hết các kho hàng. Kho hàng rỗng tuyếch. Các “ob” (cư xá) của trí thức thì chất hàng hoá từ nền cho tới trần nhà. Những người Nga phục vụ trong Đôm 5 bắt đầu thấy trong các túi rác có các Lênin toàn tập, sách giáo khoa... Trong phòng, kinh thánh phải nhường chỗ cho bàn là và bếp điện. Trong đầu óc, lý tưởng đã nhường chỗ cho lợi ích. Tiền đồ được thêm chữ “và” vào giữa!

Giai đoạn hai của thời kỳ thương mại hoá bắt đầu từ năm 1990. Khủng hoảng và tan rã của Liên Xô, khan hàng, đắt đỏ, làm cho việc đánh hàng về trở nên khó khăn. Không những các cửa hàng mà cửa khẩu cũng kỳ thị người Việt. Ở sân bay, hải quan Nga vốn hiền từ đã trở nên hung bạo. Họ thẳng tay vứt lại những kiện hàng quá tải, khám xét ngặt nghèo. Mỗi người Việt Nam về nước chỉ được đem theo một bàn là, một bếp diện... “Đặc công” lại ra sức làm việc. Và vì thế mà cảnh sát Nga đã phải dùng đến dùi cui...

Khi mở ra chế độ cho đi du lịch thì Đôm 5 đã từ “quốc tử giám” trở thành một khách sạn của đủ loại người: con buôn, lưu manh, kẻ phạm tội cần đào thoát, trạm trung chuyển để tìm đường sang Đức, sang Tiệp... Bây giờ hàng đánh về vừa khó, vữa ít lãi. Người Việt Nam lại mở đường đánh hàng sang. Lúc này cả nước Nga đói hàng. Máy bay không đủ sức chở. Con đường thuỷ mau chóng được khai thông. Các tàu buôn Việt Nam ế khách tìm lại được việc làm. Mỗi tháng có hàng trăm “container” cập bến Vladivostock. Hàng lúc này khác trước, không còn là đồng hồ, son phấn... mà là hàng thiết dụng: quần áo (che) gió – gió gầy có hai lớp vải, và gió béo với lớp mousse ở giữa –, mũ kêpi, quần bò Sài Gòn, mì chính. Chế độ giá cước cổ lỗ của nước Nga đã tạo thuận lợi lớn cho người đi buôn. Vé máy bay Vladivostock - Mạc Tư Khoa, xa 9.000 km, chỉ có 20 đôla, còn đi tàu: 3 đôla. Hàng được chở kìn kìn về Mạc Tư Khoa. Người Việt Nam, nhờ bao năm học hành ở Liên Xô, có ưu thế hơn bất cứ người ngoại quốc nào? thạo tiếng Nga, quen biết và có bạn bè, chân rết khắp mọi hang cùng ngõ hẻm, từ Léningrad đến Crimée, từ Minsk tới Kherson... Đâu đâu cũng có người Việt Nam. Đôm 5 trở thành trung tâm bán buôn.

Rồi từ hè 1992, sự làm ăn lên tới mức sống động cao độ. Đôm 5 không đủ sức chứa hàng. Nó đã trở thành trung tâm giao dịch và thanh toán. Hàng hoá không về đây nữa mà được giải toả ngay từ ga đi khắp nước Nga. Người Việt Nam ở Đôm 5 làm giàu nhanh nhất vào giai đoạn này. Người Đôm 5 đã kể tên tới hơn 40 triệu phú đôla Việt Nam tại Nga. Hãng Vietnam Airlines thực chất là do một người Việt Nam bỏ vốn ra khoảng 1 triệu đôla thuê một máy bay của Aeroflot, bay đường Hà Nội - Mạc Tư Khoa, Sài Gòn - Mạc Tư Khoa. Thời kỳ này, người Việt Nam ở Mạc Tư Khoa được dân Nga coi như một tầng lớp giàu có hạng nhất. Nhiều tay lái taxi chỉ sống được là nhờ người Việt Nam! Một “cuốc” taxi chỉ độ 50 rúp, mà một đôla ăn 100 rúp, nhưng dân Nga không đủ tiền, vì 100 rúp ngang giá 1 kg thịt, 4 lít sữa. Họ chỉ đi métro với giá 1 rúp 1 lần...

Khi Đôm 5 trở thành trung tâm thanh toán và giao dịch, cũng xuất hiện các cơ sở dịch vụ. Tại cánh cửa của nhiều phòng có dán đủ các loại quảng cáo: ở đây làm dịch vụ các loại vé máy bay. Ở đây giải quyết các dịch vụ chuyên chở hàng hoá. Và cả dịch vụ các vấn đề về hộ chiếu và thị thực...

Một cơ sở kinh doanh phát triển tới mức đó thì tất đã phải nối được với quyền lực chính trị: sứ quán. Đã có sự hợp tác chằng chịt giữa nhân viên sứ quán và Đôm 5. Có khá nhiều thứ giá cả ly kỳ: vé máy bay Hà Nội - Mạc Tư Khoa là 500 đô la, nhưng vé bay về chỉ 350. Tại sao? Vì 10 người đi du lịch thì 7, 8 người ở lại. Ai đi du lịch cũng buộc phải lấy vé khứ hồi. Những người ở lại thì bán vé đi, với giá 2-300 $ và sau đó phải chi tiền để đổi hộ chiếu. Do đó mà có dịch vụ chuyển đổi tên người trong vé, giá khoảng 50 $, và dịch vụ đổi hộ chiếu du lịch thành hộ chiếu phổ thông, với giá 700 đô. Chia chác giữa Đôm 5 và sứ quán.

Đang làm ăn phất lên như cồn, bỗng từ mùa thu 92, tai hoạ ập đến. Đó không chỉ là chuyện cảnh sát Nga đập phá, tịch thu, mà là do chính rủi ro của thị trường. Từ tháng 10, đồng rúp mất giá quá nhanh. Một đô la lên 300, rồi 400, lúc tôi đến đây là 480 rúp. Một chiếc áo gió từ Việt Nam mang sang, hồi hè bán 300 rúp là được 3 đôla, lãi 1 gần gấp 3, đến mùa thu giá bán không lên cao hơn được, thành lỗ. Mỗi container chở áo trị giá độ 200 đến 250 ngàn đô la, lỗ tới ngót trăm ngàn. Có những tay buôn đã vay tiền để chở sang 4, 5 container áo gió, điện về bảo dừng lại, điện sang báo tàu đã nhổ neo sang gần tới cảng!

Rồi hoạ vô đơn chí. Cũng từ mùa thu, hàng viện trợ của phương Tây tràn vào Nga. Quần bò chảy ngược chiều từ Ba Lan, qua Nga, về Sài Gòn với giá 60, 70 ngàn đồng / chiếc (6, 7 $), trong khi quần bò Việt Nam bán ở Nga không nổi 1.000 rúp, chưa đầy 3 đô. Lại nữa, tiếp sau người Việt Nam, người Trung Quốc chở hàng kìn kìn áo da, áo dệt kim sang. Áo sơ mi thì đi từ Thổ Nhĩ Kỳ. Toàn những hàng tốt, đẹp hơn hàng Việt Nam! Các kho hàng của dân Đôm 5 đâm ứ đọng. Thay cho náo nhiệt của buôn bán là náo nhiệt của các chiến dịch đòi nợ, lẩn trốn. Nhiều phòng ở Đôm 5 bỗng khoá chặt và chủ nhân đi đâu mất tích. Mùa đông Nga rất tiêu điều, nhưng không tiêu điều bằng Đôm 5 và những bộ mặt ở Đôm 5 hồi tôi ghé qua tháng trước...

Nhưng cũng từ tháng 12 ảm đạm ấy, hình như một giai đoạn thứ ba đang bắt đầu: những người sạt nghiệp thì bỏ về, đi trốn, những người có gan làm giàu thì bán đổ bán tháo hàng đi lấy vốn chuyển hướng “đánh” hàng về. Hàng về bây giờ khác trước nhiều. Nhiều phòng của Đôm 5 thay vì là nơi bán, nay đã là nơi mua gom vàng, bạc, bạch kim từ khắp nước Nga đổ về. Nhiều người Nga đến đây bán huân chương Lênin (bằng vàng thật, giá 300-320 $ một chiếc). Theo những người ở Đôm 5, giá đó rẻ bằng 80% giá vàng ở nhà. Bạc thì 80 $ /kg. Bạch kim thì là những má vít, những linh kiện mà người Nga gỡ ra từ đủ mọi loại máy móc, vũ khí, đạn dược. Có những xưởng phân kim được thiết kế trong nhiều phòng của Đôm 5. Nhiều chỗ, a xít làm tan kim loại tràn ra cháy đen từng mảng lớn trên thành gỗ. Mùi hoá chất bốc ra đánh bạt mùi phở và mùi nước hoa Nga mà các nữ tiến sĩ tương lai vẫn hay dùng một cách vô độ. Đã có một vài vụ nổ do hoá chất và có một số nhà phân kim nghiệp dư bị thiệt mạng. Còn những người Nga phục vụ tại đây thì vẫn lủi thủi hàng ngày lau sàn nhà, hốt các thùng rác. Họ im lặng nhìn các sàn gỗ bị cháy đen mà không hiểu vì sao. Họ cũng không biết tại sao trong các sọt rác hôm nay không còn là Lênin toàn tập mà là những phế thải sau khi đã được gạn lọc hết vàng, bạc, bạch kim, nikel... Tất nhiên, cả những người gác cổng và những người quét rác đều không ai biết rằng, chính hôm tôi từ giã Mạc Tư Khoa, có 10 kg vàng đã được bào chế từ đây, đưa ra sân bay Sérémenchévo theo cửa VIP, do một nhân viên sứ quán Việt Nam tống tiễn bằng thẻ đỏ, nhưng đã bị hải quan Nga phát giác, bắt giữ, lập biên bản... Hình như chữ Nga khó đọc, khó viết, phải viết rất chậm, nên nhân viên sứ quán kia đã có thừa thời gian để lủi mất...

Tôi chứng kiến cảnh đó như hình ảnh cuối cùng của Mạc Tư Khoa. Nhưng nó ám ảnh tôi mãi một chặng đường tới Tokyo. Trong mây trắng xóa trên trời và tuyết trắng xóa dưới vùng đất Sibérie mênh mang, tôi cố tìm ra những lời biện hộ. Lỗi tại ai? Người Nga? Không! họ hiền từ, sùng tín và cũng do tính cách đó nên khi họ bất bình thì lại dễ bất bình một cách rất cực đoan. Tại các ông bà nghè Việt Nam? Có lẽ cũng không! Nhiều người trong bọn họ vốn là những trẻ chăn trâu chăn bò, thả diều và hát đồng dao trên các ruộng lúa, bỗng được một thứ quyền uy kỳ quái nhấc bổng lên từ bùn lầy qua chín tầng mây để rơi xuống cái xứ sở xa xăm này! Người có tài thì biết rằng có học giỏi họ cũng trở thành vô dụng. Chưa kể chữ tài liền với chữ tai một vần. Kẻ bất tài thì càng hiểu rằng có học cũng không sao thành tài. Cả hai đều đi tới một kết luận: thôi, thì hãy kiếm tiền và đồ! Đó là số phận của một bộ phận trí thức Việt Nam. Đó cũng là con đường lịch sử của Đôm 5.

Có một bài báo nào đó trước đây nói rằng Đôm 5 nằm ở đường Péréoulok. Không phải? Péréoulok trong tiếng Nga chỉ có nghĩa là góc phố. Góc phố mà Đôm 5 toạ lạc, tai ác thay, lại là giao điểm của hai đường phố mang tên hai người Nga đều bị chết bất đắc kỳ tử: Dimitri Oulianov, người anh trai của Lênin đã bị xử bắn về tội ám sát Nga hoàng và Vavilov, nhà sinh vật Nga vĩ đại bị bắn bởi chính cái chế độ đã nhân danh nhân đạo, nhân quyền, lương tâm, trí tuệ mà người em Dimitri Oulianov đã dựng lên.

Có lẽ vì thế chăng mà Đôm 5 ở vào thế rất hoạnh phát, lại vừa hoạnh phá?

Hamburg , tháng 1.1993

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss