Việt Nam trong thế giới 1993
Việt Nam trong thế giới 1993
Phong Quang
Triển vọng quan hệ đối ngoại của Việt Nam 1993 này là một triển vọng mở. Mở vì những dữ kiện cơ bản hoàn toàn mới, không có tiền lệ, không có mô hình hay bài bản nào có sẵn để mà theo. Mở vì nhà cầm quyền Việt Nam thực sự đứng trước những sự chọn lựa có tính chất quyết định và mỗi sự chọn lựa sẽ dẫn tới cái giá phải trả, cho bản thân, và cho dân tộc này.
Dữ kiện cơ bản số một: lần đầu tiên từ một thế kỷ rưỡi nay, nước Việt Nam không có kẻ thù trực tiếp mà cũng không còn bạn đồng minh chiến lược đáng tin cậy.
Nói thế, chắc có người sẽ phản bác ngay: thế còn Trung Quốc, người láng giềng vĩ đại ở phía bắc chúng ta? Sự thật, cả vấn đề là ở đó: không cần đi ngược dòng lịch sử thập niên 1980 cũng đã chứng tỏ quá đầy đủ cái giá phải trả khi Việt Nam phải đương đầu với Bắc Kinh, nhất là khi Việt Nam lại chủ động muốn đối đầu, và ngược lại, lịch sử đầy máu và nước mắt một phần tư thế kỷ 1950-75 cũng nhắc ta những nỗi ê chề khi phải cáng đáng mối tình “môi hở răng lạnh”. Dường như những bài học lịch sử đó chưa đủ, nên năm qua chính quyền Bắc Kinh còn “giúp” Việt Nam bằng thái độ ngang ngược của họ ở biển Đông và biên giới Lạng Sơn, dội gáo nước lạnh vào giấc mơ “liên minh xã hội chủ nghĩa Bắc Kinh - Bình Nhưỡng - Hà Nội”.
Thế giới không kẻ thù trực tiếp này sẽ cho phép Việt Nam làm bạn với mọi người; và vì không quá gắn chặt với một vài đồng minh cồng kềnh, Việt Nam may ra sẽ tránh được sự chiếu cố của kẻ thù, thoát khỏi được những sa đà và ràng buộc ghê gớm của cuộc chiến tranh giải phóng và thống nhất Tổ quốc 1945-75 ở giữa một thế giới phân cực, biến đất nước thành điểm nóng của chiến tranh lạnh.
Hệ luận thứ nhất của dữ kiện cơ bản ấy là: một chính sách đối ngoại độc lập, giao hảo và hợp tác không thể làm bằng những mưu chước khôn vặt, đi đêm.
Hệ luận thứ hai: nó mâu thuẫn với một chính sách đối nội gạt bỏ một hay nhiều thành phần dân tộc, coi một bộ phận là nội thù, là đồng loã hay tay sai của kẻ thù bên ngoài mà ngoài mặt mình lại muốn kết bạn và chiều chuộng. Cái lô gích của sự co cụm, đa nghi ấy sẽ biến lo ngại thành sự thực, và trong tương quan quốc tế của thế giới đơn cực ngày nay, nó sẽ dẫn tới những nhượng bộ từng bước nhưng tất yếu, và phương hại chủ quyền quốc gia và tăng cường nguy cơ hỗn loạn. Nói khác đi, chủ động dân chủ hoá từng bước, làm hoà với toàn dân, tạo ra sự đồng thuận mới sẽ tạo ra cho mọi chính quyền Việt Nam cái thế vững chắc cần thiết để đối thoại với thế giới, và hoà nhập không mặc cảm vào cộng đồng quốc tế, tránh bị rơi vào tình thế buộc phải cải cách chính trị vì sức ép của ngoại quốc.
Đó là bối cảnh cơ bản của bài toán đối ngoại đặt ra cho Việt Nam, tưởng cũng cần nhắc lại vào lúc nước Mỹ bước vào nhiệm kỳ Bill Clinton, và Việt Nam chuẩn bị đón tổng thống Pháp đầu tiên tới thăm.
1993 sẽ là năm quan hệ hợp tác với Pháp và cộng đồng châu Âu củng cố thêm, trong khi sự làm ăn với Nhật và các nước Đông Á và ASEAN tiếp tục mở rộng. Các nhà lãnh đạo Việt Nam hẳn còn thất vọng vì sự thất cử của tổng thống Bush, còn tiếc rẻ rằng ông ta đã không bãi bỏ toàn bộ chính sách cấm vận, như có lúc nhiều người chờ đợi và chắc còn e ngại – có cơ sở – rằng, vì quá khứ chống chiến tranh thời trẻ của mình, ông Clinton sẽ không dám nhanh chóng bình thường hoá quan hệ, đó là không kể ông ta có thể chạy theo thiên hướng diễn văn của đảng dân chủ để khoác thêm màu sắc nhân quyền, dân chủ cho một chính sách tất phải lấy kinh tế làm nền tảng – nước Mỹ ngày nay, dù là siêu cường duy nhất, cũng chẳng có hơi sức và đầu óc đâu mà làm khác.
Bất luận thế nào, quan hệ Việt-Mỹ sẽ từng bước bình thường hoá – các công ty Hewlett packard và Compaq vừa ký xong những hợp đồng đầu tiên – và Quỹ tiền tệ quốc tế cũng như Ngân hàng thế giới sớm muộn cũng sẽ mở lại tín dụng cho phép đầu tư vào hạ tầng cơ sở, lãnh vực mà tư bản tư nhân không mấy sẵn sàng. Cả vấn đề là chính quyền Việt Nam sẽ chỉ là chính quyền của một tầng lớp, bảo vệ sự sống còn của thiểu số, hay ngoài nhiệm vụ “thường tình” ấy, còn biết mình là chính quyền của một quốc gia. Nói cách khác, đó là sự chọn lựa giữa hai hướng đi: trở thành người thi công cho tư bản quốc tế khai thác thị trường và tài nguyên Việt Nam để bảo đảm sự sống còn của chính mình đến mức hoàn toàn tự biến chất, hay biết tự biến đổi để đất nước không bỏ lỡ cơ hội cuối cùng để phát triển lành mạnh, trước khi thế kỷ này kết thúc.
PHONG QUANG
Các thao tác trên Tài liệu