Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 17 / Bạn đọc và Diễn Đàn

Bạn đọc và Diễn Đàn

- Diễn Đàn — published 19/12/2010 00:00, cập nhật lần cuối 14/01/2011 10:26


Bạn đọc và Diễn Đàn


Giáo sư, tiến

Trong bài “Bi hay lạc (Diễn Đàn số 16), Ng. V. có đề cập tình cảnh của các “giáo sư” ở Việt Nam. Tôi muốn biết chữ “giáo sư” được dùng cho ai, trong trường hợp nào. Tôi cũng muốn được biết thêm về những ông bà nghè Việt Nam: có đúng là có những bằng “tiến sĩ hữu nghị” ở Đông Âu phát cho người Việt Nam [...]? Và hình như có sự lẫn lộn về bằng cấp? [...]

V. K.M. (Palaiseau, Pháp)

Ng. V. trả lời

1. Ở Việt Nam hiện nay, người ta dùng chữ “giáo viên” để chỉ những thày cô giảng dạy ở cấp phổ thông (tiểu học và trung học: tiếng Pháp là instituteur, professeur de collège, professeur de lycée). Học hàm “giáo sư” là học hàm nhà nước phong cho một số người giảng dạy cấp cao ở đại học (giáo sư đại học, tiếng Pháp ngày nay là professeur des universités) và cho một số nhà nghiên cứu cấp cao (tiếng Pháp là directeur de recherche). Câu “Dạy năm ba đứa nên là giáo” chính là chỉ trường hợp thứ nhì này (thí dụ : một directeur de recherche của CNRS hay INSERM của Pháp, có thể gọi theo ngôn ngữ Việt Nam hiện nay là giáo sư, tuy nhiệm vụ của họ không phải là giảng dạy và mặc dù tiếng Pháp không gọi là professeur). Câu thơ trên không có ý nói là bất cứ ai dạy học cũng gọi bừa là giáo sư. Còn câu “ăn cơm dưa muối giống như sư” chính là để nói lên điều kiện sống rất chật vật của các nhà trí thức cấp cao này; nó cũng không hơn gì mấy cái cảnh của các giáo viên phổ thông ở Việt Nam hiện nay. Hồi hai ba mươi năm về trước, ở miền Bắc, người “giáo sư”có tiêu chuẩn xe hơi, nhà ở, sổ phiếu Tôn Đản... Lúc sau này, do bình thường hoá, các quyền lợi đặc biệt này đều đã bỏ.

2. Có vài bài báo và vài người đề cập đến vấn đề trình độ thấp kém của một số người tốt nghiệp luận án ở các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu trước đây. Nên công bằng và trung thực trên điểm này: một số người, không có nghĩa là tất cả. Có những nhà khoa học Việt Nam được đào tạo ở các nước đó, trở về Việt Nam, đã trở thành những nhà khoa học có tầm cỡ quốc tế. Đồng thời cũng có những người học hành không ra gì mà vẫn có bằng. Mặt khác, nói chung, không nên lẫn lộn trình độ của một người khi họ tốt nghiệp ra trường, với trình độ nghề nghiệp của họ sau khi trở về nước làm việc một số năm: ít giao lưu, tiếp xúc, thiếu tài liệu sách báo thông tin, không có phương tiện để trau dồi nghề nghiệp, phải chật vật để lo cuộc sống hàng ngày, họ không thể giữ chuyên môn nghề nghiệp của họ ở một trình độ bình thường.

Nói tóm lại là: trong mọi cải cách về giáo dục và đào tạo nói riêng, và trong công cuộc phục hưng trí tuệ nói chung, không thể không giải quyết thoả đáng vấn đề mức sống và điều kiện làm việc của người lao động trí óc.

3. Về sự “lẫn lộn” về bằng cấp: đúng là có một số người Việt Nam – và Việt kiều – “lập lờ” về tên gọi bằng cấp, không phải chỉ ngày nay mà ngay từ thuở trước. Lấy thí dụ về bằng cấp của Pháp. Trước đây, ở Pháp, trong các ngành khoa học và văn chương, có hai loại bằng tiến sĩ: tiến sĩ nhà nước (doctorat d'Etat, còn gọi là doctorat ès-sciences hay doctorat ès-lettres tuỳ theo ngành) và tiến sĩ của riêng trường đại học (doctorat d’université, mention sciences hay mention lettres, tuỳ theo ngành). Loại doctorat d’Etat là bằng cấp nặng (nó là loại bằng tiến sĩ phải có trong việc được tuyển lựa làm giáo sư đại học), còn doctorat d’université là loại nhẹ (không cần bằng cấp đại học cơ bản; người Pháp thường không dùng loại bằng cấp này, mà thường dành nó cho một số người ngoại quốc vội lấy bằng cấp, rồi về nước họ làm gì thì làm). Vài người Việt, có loại bằng doctorat d’université, đã khéo biết lợi dụng mà nhập nhằng biến chế tên gọi bằng cấp của mình thành ra doctorat ès- lettres d’u niversité! Từ mấy năm nay, sau cuộc cải cách ở Pháp, hai loại bằng doctorat kể trên đều đã bỏ, ngày nay chỉ có bằng doctorat de l’université X hay Y (lại một sự dễ nhầm d’université de l’université telle ou telle! 1). Phải nói rằng tên gọi bằng cấp ở Pháp khá dễ lẫn lộn, như hiện nay vẫn còn hai loại agrégations (thạc sĩ): agrégation de l’ enseignement supérieur (cho các ngành y, dược, luật thi tuyển các giáo sư đại học) và agrégation de l’enseignement secondaire (còn gọi là agrégation “de l’université”, thi tuyển giảng dạy ở cấp trung học, cho các ngành khoa học như toán, lý, hoá... và văn chương, sử địa, sinh ngữ...). Hiện nay ở Việt Nam, đang có dự án gọi bằng cấp tốt nghiệp các đại học sư phạm là “thạc sĩ”. Lại thêm một dịp dễ lẫn...

Lẽ dĩ nhiên, bằng cấp chỉ đánh giá một mức độ hiểu biết nào đó thôi, và trên thế giới không thiếu gì danh nhân mà không có bằng cấp. Cái chính ở đây là vấn đề lương thiện, đừng nhập nhằng. Nếu muốn coi công việc là chính và không cầu hư danh, thì nên theo gương Chu Văn An cũng đủ để người ta chiêm ngưỡng. Còn nếu muốn tôn trọng và đề cao bằng cấp, thì nên theo gương Phùng Khắc Khoan (năm 52 tuổi, tuy đã làm quan to và có danh vọng, ông còn đi thi “đại khoa” để rồi đỗ hoàng giáp (nhị giáp tiến sĩ) năm 1580; người đương thời trọng vọng, lạm gọi ông là Trạng Bùng, chứ ông không tự gọi, vì ông không đỗ trạng nguyên).

Ng. V. (15.2.1993)

1 Ở đây, tôi không đề cập đến các bằng doctorat du 3è cycle và ingénieur docteur vì các bằng ấy không gây lẫn lộn.


Thư Ba Lan 1

Tôi vừa nhận được số báo 14 (1.12.92) và xem bài Tri Âm mới giật mình nhớ ra rằng mình chưa gửi cho Diễn Đàn tờ “hỏi ý kiến bạn đọc”. Nay tôi viết đôi dòng...

Thực ra, các số DĐ tôi nhận được không phải chỉ mình tôi “độc quyền” đọc. Số báo nào cũng phải “chạy” một vòng bạn bè. Có khi mất luôn. Nhiều khi đến nhà bạn bè “cướp lại” được tờ báo thì thấy nó đã nhàu, đã nát nhưng cũng lấy ngay về nhà, giấu biệt. Bạn đọc của DĐ thuộc loại này đều dưới 30 tuổi... Cũng có lúc chúng tôi tranh luận gay gắt nhân lúc đọc báo... Mỗi người “mến” DĐ một kiểu. Có người thích đọc thơ, truyện ngắn, có người thích những bài khó hiểu, còn tin Việt Nam thì ai cũng đọc. Và đây cũng thường là chủ đề của những cuộc cãi nhau, kể lại chuyện trong nước, nhận xét, dự đoán tương lai đất nước. Bên cạnh những báo hải ngoại khác đến Ba Lan, DĐ hình như được coi là “báo trí thức” với cả nghĩa hay và dở của từ “trí thức”...

Bạn đọc của DĐ ở đây, cũng như nhiều đồng bào khác ở Ba Lan và Đông Âu – theo tôi nghĩ – ai cũng yêu nước, cũng suy tư về vận mệnh dân tộc? Nhưng đa số ngại viết ý kiến riêng lên các báo hải ngoại, cũng như ngại tranh cãi về chính trị một cách “hầm hố” (từ của người Việt ở Ba Lan, có nghĩa là “ghê gớm”, “đao to búa lớn”). Trong câu chuyện hàng ngày, người ta chú ý đến chuyện làm ăn, chuyện gia đình hơn là chính trị. Có lẽ đó là do lòng dân ly tán. Niềm tin vào chế độ tất nhiên không còn nhưng người ta lại sợ tin một lần nữa rồi bị lừa một lần nữa.

Về phần chất lượng báo, tôi không kêu ca gì. Chỉ xin nhắc lại một điều là các cộng tác viên của DĐ nên viết tiếng Việt – dịch nghĩa những câu trích dẫn tiếng Anh, tiếng Pháp. Có thể mọi độc giả ở Pháp đều hiểu những câu đó. Nhưng không có dịch ra Việt ngữ, đồng bào ở nơi khác thấy “bị ra rìa”. Nếu các cộng tác viên đã “Âu hoá” đến độ không dịch được thì xin nhờ ban biên tập chú thích ở cuối bài...

Lý Thanh (Warszawa, Ba Lan)

* Cám ơn những nhận xét và góp ý của anh. Riêng về chuyện “ viết tiếng Việt”, Diễn Đàn cũng đã bắt đầu “chú thích ở cuối bài” một số từ nước ngoài, như sau truyện ngắn Hoa vàng bên sườn đồi đăng trong số trước. (Tuy rằng, trong trường hợp này, cũng như trong một số tác phẩm văn học khác của người Việt ở nước ngoài, sự chen lẫn tiếng nước ngoài vào tiếng Việt trong câu chuyện có thể là phản ánh một thực tế sống của cộng đồng hơn là một sự “Âu hoá” nào đó, tất nhiên là cũng có thể có, của các tác giả?). Nhân đây, cũng xin đính chính các chú thích của DĐ trong truyện ngắn nói trên. Tác giả N.L. cho biết, xe pick-up trong bài là loại xe tải nhỏ, không mui, chứ không phải pick-up là đồ nhặt được như trong chú thích, dựa theo từ điển đàng hoàng. Anh thấy đấy, chuyện có dễ đâu!


Thư Ba Lan 2

Chúng tôi ở đây đủ mọi lứa tuổi, ngành nghề và hoàn cảnh khác nhau. Ở Ba Lan có đến chục năm cũng có, và năm, ba tháng, mươi ngày cũng có. Giáo sư có, đại tá có, binh nhì có. Độc thân có, xa vợ chồng con cái có, cả gia đình cũng có. Thế hệ của chúng tôi được sinh ra và lớn lên trong nôi của chủ nghĩa xã hội và đến hôm nay chúng tôi đều thất vọng. Tôi cũng hơn 50 tuổi rồi, tuổi trẻ cũng đã ở Điện Biên Phủ, về, được đi học và đỗ đạt bằng cấp, nguyên là giáo sư tiến sĩ, cũng đã là đảng viên và cũng đã từng tham gia nhiều công tác...

Sau những ngày lao động mệt mỏi về thể xác, tôi ít khi ở nhà, thường lang thang trên hè phố, thăm bạn bè hoặc xem tranh, triển lãm chó, nghe nhạc... Đàn ông, vậy mà tôi lại rất sợ sự cô đơn. Thi thoảng giở ảnh con ra ngắm, nhưng rồi sợ hãi chính cả những giây phút đó. Một chiều cuối thu, tôi đang xem tranh ở một gallery, thì chợt thấy một người Việt Nam nhỏ nhắn nhẹ nhàng bước vào. Anh nói tiếng Ba Lan thật thạo với cô gái sau quầy. Thấy anh, tôi chợt mỉm cười thân thiện, rồi làm quen trao đổi với anh về nghệ thuật, hội hoạ Ba Lan. Vui miệng và vui chân, tôi về nhà anh chơi... Một căn hộ đẹp và lịch sự, buồng khách tôi thấy ngay là một triển lãm tranh. Chúng tôi uống rượu với mấy con tôm nõn Nha Trang và đồ nhắm Huế, mà rượu quốc lủi 100% nhé. Nó êm, nó ru và nó vào, lời nó ra. Hết chủ nghĩa ấn tượng đến lập thể, hết Picasso lại đến Van Gogh... “Sao tranh của anh có gì buồn và uẩn khúc vậy?” tôi hỏi. Và anh chậm rãi kể:

– Tôi ở đây ngót hai chục năm rồi. Ba mạ tôi hy sinh cho Kháng chiến, tôi là con nhà nòi cộng sản mới được sang đây học nghệ thuật hội hoạ. Cái tính khí nghệ sĩ dởm như tôi không thích sống gò bó: đi phải có ba người, hàng tuần đọc báo kiểm điểm, quan hệ với bạn phải báo cáo sứ quán, cấm xem phim tư bản, cấm không được yêu, cấm xem báo độc truỵ... Một câu chuyện cổ tích Ba Lan có kể: “Bà dì ghẻ vì không muốn cho con chồng ăn những thứ quý như rượu bổ, mặt ong, nên chỉ vào những chai đó mà nói rằng đây là những chai thuốc độc, uống vào chết người. Anh con tưởng thật. Một hôm, thấy sống với dì ghẻ khổ quá bèn có ý định tự tử, anh lấy “thuốc độc” ra uống. Nhưng anh không chết, chỉ thấy khoẻ ra...” Tôi đã không làm theo lời Đảng dạy và ở lại. Họ truy lùng, bắt bớ tôi, lên án tôi phản bội Tổ quốc, gia đình. Tôi đã sống lang thang lẩn lút trong lòng người dân Ba Lan. Với cây bút, tôi đã dồn hết tâm tư tình cảm của mình bằng bức tranh anh xem đấy. Bức tranh này tôi vẽ khi gặp nàng, mái tóc vàng dài óng như tơ bên bờ sông Vixoa, một chiều hoàng hôn... Bây giờ tôi là Việt kiều, đã đưa vợ về lễ ông bà tổ tiên, là chủ một cửa hiệu restaurant. Một hoạ sĩ tiến thân trên đường doanh nghiệp cũng là chuyện thường. Tôi đã tổ chức giải quyết công ăn việc làm cho các cháu trong gia tộc, một phần nào đỡ được gánh nặng kinh tế của các bậc cha mẹ. Tôi muốn trả nghĩa với quê hương, ông bà, ba mạ, rồi cũng sẽ quay về với hội hoạ anh ạ.

Vậy thì anh phản ai hay ai đã bội ước với anh?

Câu chuyện của anh làm tôi chạnh nhớ đến con của một anh chị bạn tôi, đồng thời cũng là cô học trò thông minh của tôi. Cháu thi vào đại học với điểm số rất cao và được đi đào tạo ở nước ngoài. Học xong cháu ở lại. Tin này làm anh chị vô cùng đau đớn. Nhất là chị, cái sốt rét ở vùng núi Kháng chiến làm chị đau yếu luôn. Tôi đến chơi và an ủi anh chị: “Khoa học cống hiến ở đâu cũng được, miễn là có điều kiện làm việc, cùng là nước anh em cả mà.” Chị nhìn tôi, nức nở khóc: “Thế sao anh không ở lại”. Đó là chuyện ngày xưa. Bây giờ, cháu mời chị sang chữa bệnh, chu cấp cho cả gia đình anh khỏi nỗi buồn lo về kinh tế...

Ngọc Sơn (Warszawa, Ba Lan)

Vô cùng cảm ơn bức thư đầy những mẩu chuyện lý thú của anh. Vì chỗ có hạn, xin phép (tạm) cắt bớt những mẩu chuyện khác. Mong tiếp tục nhận được đóng góp khác. Thân kính. hdt

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss