Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 17 / cát bụi hôm nay

cát bụi hôm nay

- Nguyễn Thị Ấm — published 19/12/2010 02:00, cập nhật lần cuối 14/01/2011 10:49

Một góc làng văn cuối năm


cát bụi hôm nay


Nguyễn Thị Ấm

 

Nhà văn Tô Hoài vừa cho ra mắt độc giả tập hồi ký Cát bụi chân ai. Nhà văn viết về văn nghệ sĩ cùng thời đã qua. Vậy xin mạn phép độc giả gửi đến thêm một chút cát bụi ngày hôm nay.

Tôi có duyên tiếp xúc với văn nghệ sĩ tại Hà Nội hơn bất cứ một người cầm bút nào khác. Bởi trước khi cầm bút, tôi có nghề bán xôi tại ngõ Hàng Bông, tên cũ gọi là ngõ Cấm Chỉ. Sự tích về một ông vua Lê thuở hàn vi chuyên đi ăn chịu. Nhiều người cứ nghĩ rằng, những cô bán hàng ăn hôm nay là hái ra tiền. Nhưng họ lầm to. Thưa các bạn, tôi bán hàng từ năm giờ chiều cho đến hai giờ sáng của ngày hôm sau. Gần mười tiếng đồng hồ, lãi khoảng mười nghìn đồng. Đêm đông đất Bắc dài lê thê. Tôi thấy đủ mặt các nghệ sĩ đến đây ăn đêm. Mùa hè năm 1991, sau một vài truyện ngắn đăng trên các báo, tôi hân hạnh được nhiều nghệ sĩ, văn sĩ ghé lại ăn hàng. Xin các bạn chớ hiểu lầm đó là một tiệm ăn. Đấy chỉ là một góc vỉa hè mắc một cái bạt phòng che những cơn mưa bất chợt. Bên dưới là một chiếc bàn nhỏ và vài chiếc ghế.

Theo thói quen của một người buôn bán đã có nghề, tôi nhận ra ngay ai là nhà thơ và ai là nhà văn. Đa số các nhà thơ đi hơi ngửa mặt lên trời và cười ngạo mạn. Còn nhà văn thường có hai loại người. Một, nhẫn nhục như các công chức bàn giấy hạng thấp. Hai, có vẻ như những người khùng và không biết sợ ai là gì. Đi theo những người có tiếng thường là những chàng trai tấp tểnh học nghề cầm bút... Và uống xong bữa rượu tất nhiên những chàng này phải trả tiền cho sư phụ. Khó nhận nhất là những nhà văn nổi tiếng và nhiều tuổi. Họ thật giống những cán bộ cách mạng thường nhìn xuống đất và tránh đề cập đến những vấn đề sát sạt nóng bỏng của cuộc sống hôm nay.

Khi bước chân vào nghề này, tôi cũng láu cá lắm. Truyện ngắn đầu tiên, tôi đem đến nhờ nhà văn Nguyên Ngọc nguyên là khách hàng xôi. Nhà văn tiếp rất nhiệt tình... Hai tháng sau, truyện được đăng trên báo Văn Nghệ. Từ đó trở đi, rất nhiều lần gặp nhà văn Nguyên Ngọc tại các toà báo, nhà văn thường gật đầu chào rồi bước đi rất nhanh. Chắc tôi đã phạm thượng trong cách cư xử. Không phải, có lẽ tại văn chương. Văn chương của ngày hôm nay không còn cái chân chất thật thà của ngày hôm qua.

Một nhà thơ khác, nguyên là tác giả được giải ba trên báo Văn Nghệ 1991. Anh đến quán hàng xôi với một người đàn bà rất đẹp. Mấy năm qua, anh thường là khách hàng quen, nhưng sau khi được giải thưởng anh lại bỏ vào Sài Gòn một mình. Không hiểu anh ở trong ấy sống ra sao. Chỉ biết rằng lần nào tôi đi qua phố Phùng Hưng, cũng bị một đứa con trai lớn của anh níu áo hỏi về bố. Gió lạnh, nó nhìn tôi như khóc. Tôi không nói, nhưng nghĩ thầm. Trời ơi, cái nghiệp gió bụi đã cuốn bố nó đi tới tận trời nào.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cũng đến quán xôi tháng mười năm 1991. Văn Nguyễn Huy Thiệp hay vậy, nhưng thú thật anh ăn mặc và dáng điệu cũng giống như “phu xích lô”. Lịch sử Việt Nam cũng từng có trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi văn hay và xấu giai như vậy. Vài tháng sau, nhà văn bị rầy rà vì đã viết thuê một kịch bản “phức tạp” nào đó 1. Và đã lâu lắm không thấy anh ghé lại ngõ Cấm Chỉ...

Năm 1992. – Tôi được nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm tặng tập thơ Xúc xắc mùa thu. Sự thật là tập thơ rất hay. Tạp chí Diễn Đàn Văn Nghệ kể chuyện nhà thơ phải bán cả chiếc xe đạp để lấy tiền in sách. Chưa bao giờ thơ lại buồn như hôm nay vậy. Một cô bán sách quen tôi nói rằng thỉnh thoảng, vẫn thấy nhà thơ cắp một chục quyển đem đến ký gửi ở các quầy. Không biết Hoàng Nhuận Cầm buôn bán ra sao, nhưng chị vợ vài tháng sau đã phải mở quán hàng cơm. Hôm khai trương quán cơm có rất nhiều văn sĩ nổi tiếng Bắc Hà tới dự. Nhỡ Hoàng Nhuận Cầm lại “sĩ” 2 không lấy tiền thì chắc chắn mất một nửa vốn. Có lẽ, Hoàng Nhuận Cầm không lấy tiền thật. Bởi tính anh là người rộng rãi. Buổi đầu mất vốn, đêm về vợ nhà thơ tha hồ nằm khóc.

Vài tháng sau, gặp lại nhà thơ. Tôi hỏi thăm quán hàng cơm của vợ anh. Nhà thơ tỏ vẻ cao đạo không thèm biết chuyện cơm cháo của vợ. Nhưng chắc ngày hai buổi anh lại quay về đấy ăn cơm. Giá như người chồng biết điều, thì thể nào ăn xong cũng giúp vợ rửa bát. Không nhớ rõ câu chuyện đi đến đâu, nhưng cuối cùng nhà thơ nổi cáu: “Tao đếch sợ đứa nào...”. Tôi cũng cười buồn bã và phụ hoạ theo: “ Em... cũng cóc sợ đứa nào...”. Thật là hai Chí Phèo của cụ Nam Cao tái sinh. Nói xong, hai người chia tay đi về hai hướng.

Tháng chín năm 1992, tôi đương nằm viện thì một nhà thơ làm ở báo Người Hà Nội đem một cân đường đến thăm. Sau một vài câu chuyện, tôi khen anh béo ra. Nhà thơ thật thà kể: “ Dạo này Hà Nội mưa thu. Nước mưa dâng đầy các cửa cống. Thế là cá rô phi từ các ao hồ của Hà Nội bơi vào. Anh cầm rổ xắn quần đi vớt. Không những có cái ăn mà lại còn thừa đem đi bán với giá bốn ngàn một cân”. Đó là một nhà thơ chuyên viết thơ tình rất hay và nổi tiếng. Nhưng nhà thơ không thấy làm một bài nào về những con cá rô phi.

Có lẽ chuyện về cát bụi hôm nay rất dài và không biết dừng ở đâu. Nhưng có hai người hình như đã thoát ra khỏi vòng cát bụi là nhà văn Dương Thu Hương và Nguyễn Quang Thân.

Nữ sĩ Dương Thu Hương còn rất trẻ và đẹp so với tuổi. Nghe đồn, chị đã viết đơn xin ra khỏi Hội nhà văn Việt Nam và được chấp nhận. Nghe nói, các nhà xuất bản nước ngoài in sách của chị, trả cho chị không ít tiền. Chị sống có lẽ không mấy lầm than, chí ít là về tiền bạc.

Còn nhà văn Nguyễn Quang Thân năm nay được mùa lớn. Anh vừa được giải nhì báo Văn Nghệ, giải truyện ngắn Hải Phòng và giải nhất phóng sự báo Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh. Ba giải liền hơn mười triệu đồng thật là không ai bằng anh.

 Báo Văn Nghệ thành phố trao giải phóng sự vắng mặt Nguyễn Quang Thân. Có lẽ nhà văn khiêm tốn nên không ló mặt. Một tháng sau, nhà văn ra Bắc vẫn im như thóc. Tình cờ một hôm, tôi thấy nhà văn ngồi một mình trong một quán bia góc phố với ba cốc đầy. Anh cười tủm tỉm khi cát bụi cuốn trên hè phố mù mịt. Có tiếng pháo nổ như để báo hiệu mùa xuân năm Con Gà sắp tới. Mặc!... Nhà văn Nguyễn Quang Thân vẫn cười và nụ cười rất tươi.

Năm mới, xin chúc cho những người cầm bút trên khắp đất nước có nụ cười của nhà văn Nguyễn Quang Thân.

Hà Nội, Xuân Con Gà 1993

 

1 Năm 1991, Nguyễn Huy Thiệp nhận viết kịch bản Xích lô cho nhà điện ảnh Pháp Bernard Gesbert. Khi ông Gesbert bị bắt (rồi trục xuất), công an đã khám nhà Nguyễn Huy Thiệp, tịch thu toàn bộ bản thảo của nhà văn, và trong suốt một tháng, bị “mời làm việc” mỗi ngày. [ chú thích của DĐ ]

2 tức là sĩ diện

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss