Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 17 / Cơn sốt thiếu tiền mặt

Cơn sốt thiếu tiền mặt

- Lê Văn Cường — published 19/12/2010 00:15, cập nhật lần cuối 14/01/2011 10:41

 

Vài suy nghĩ về
Cơn sốt thiếu tiền mặt ở Việt Nam

 

I. Trong dịp Tết vừa qua, Ngân hàng nhà nước thiếu (hết?) tiền mặt để mua đôla (Diễn Đàn số 16, tháng 2.93). Theo tôi được biết, chính quyền đã tự hỏi có nên in thêm tiền mặt hay không. Giải quyết thế nào? Có hai cách:

1. Không in thêm tiền, giảm tỷ lệ hối suất, làm đồng tiền Việt Nam tăng giá so với đôla. Chính sách ấy có hai kết quả chính: xuất khẩu có thể giảm vì giá mặt hàng Việt Nam sẽ trở nên cao trên thị trường thế giới; hàng nhập khẩu sẽ rẻ hơn, có lợi cho các ngành sản xuất dùng nguyên liệu, thiết bị nhập từ nước ngoài.

Sản xuất giảm vì xuất khẩu sút, sản xuất tăng vì giá nhập khẩu của nguyên liệu, thiết bị giảm, ai thắng ai? Câu trả lời không đơn giản vì cần hiểu rõ cách vận hành và “sức khoẻ” của các khu vực kinh tế. Ta chỉ có thể trả lời rằng, nếu cơ hội giá nhập khẩu sút này chỉ dẫn đến việc nhập hàng tiêu dùng cạnh tranh làm điêu đứng hàng nội địa thì không nên áp dụng biện pháp này.

2. In thêm tiền để mua lại đôla. Biện pháp này không làm tăng lạm phát vì số tiền in thêm dựa vào ngoại tệ. Trước mắt, không có lạm phát do tiền đồng trượt giá. Nếu có lạm phát là do luật cung - cầu: số lượng tiền đưa ra quá lớn có thể làm khan hiếm hàng hoá. Khả năng này có thể ít vì hàng hoá ở thị trường Việt Nam hiện nay quá đầy đủ. Dẫu lạm phát có tăng, nó có thể sụt xuống sau một thời gian vì hai lý do:

– khả năng tốt: dùng đôla, nhanh chóng mua thêm thiết bị, nguyên liệu để tăng sản xuất hàng hoá, như vậy ổn định lại giá cả.

– khả năng xấu: dùng đôla để nhập hàng tiêu dùng; giá cả cũng có thể được ổn định vì hàng hoá bán tăng, nhưng sản xuất quốc gia không tiến triển thêm.

Tóm lại, biện pháp này có ít nhất một điểm tốt: xuất khẩu không bị sút vì giá hàng trở nên đắt.

II. Tuy bản tin của Diễn Đàn số 16 không nói, nhưng hình như người dân và các xí nghiệp cũng không lấy được tiền mặt từ các tài khoản của mình để ăn Tết. Trong trường hợp này, nên in thêm hay không in thêm tiền mặt?

Câu trả lời đầu tiên là phải in thêm tiền nếu Ngân hàng muốn giữ sự tin cậy của dân chúng. Nhưng cách làm này sẽ rất nguy hiểm nếu số tiền in thêm không được bảo đảm bằng vàng, ngoại tệ mạnh. Như vậy sẽ có khả năng đồng tiền trượt giá ngay tức khắc. Nhưng ngược lại, nếu số tiền này dùng vào việc tiêu dùng hàng nội địa có thể kích thích sản xuất. Câu hỏi đặt ra là mức tăng của sản xuất có đủ cung ứng hàng hoá để làm giảm lạm phát trở lại hay không?

III. Vấn đề điều tiết lượng tiền mặt để cung ứng đầy đủ cho khách hàng là một vấn đề nan giải. Dĩ nhiên, trong “cơn sốt” vừa qua, Ngân hàng nhà nước phải chịu trách nhiệm vì đã không biết lưu giữ một số tiền mặt đầy đủ. Nhưng cũng nên tự hỏi là với cách thanh toán chủ yếu dựa trên tiền mặt, “cơn sốt” đó có thể tránh được không? Nhất là vào dịp Tết, mỗi người trong nước sẽ dự trữ một số tiền mặt có thể vượt hơn nhu cầu, và ngoại tệ Việt kiều có khả năng vào rất ồ ạt, khó đoán trước được? Một cách giải quyết hiện tượng thiếu tiền mặt là có hệ thống thanh toán bằng ngân phiếu với điều kiện là các thủ tục thanh toán phải nhanh chóng, làm người dân tin vào hệ thống đó (nếu không sẽ xẩy ra khủng hoảng tiền tệ ).

Thiếu tiền mặt có thể biểu hiện một hiện tượng tâm lý “tốt”: người dân tin vào đồng tiền quốc gia. Nhưng dĩ nhiên phải giải quyết. Theo ý tôi, muốn tránh hiện tượng đó phải nhanh chóng chuyển qua dùng ngân phiếu.

Ngoài ra cũng đừng nên quá cứng nhắc, sợ hãi lạm phát mà không in tiền khi cần thiết.

Những suy nghĩ trên đây có thể được xem là “ba phải”. Nhưng nói thế nào khi kinh tế là một bài toán với nhiều biến số tác động lẫn nhau? Một công cụ giúp quyết định là các mô hình kinh trắc vĩ mô (modèle macro-économétrique); nhưng cũng không thể bảo đảm chắc chắn là các quyết định dựa trên kết quả rút từ những mô hình đó sẽ không sai!

Rốt cuộc vẫn là trách nhiệm, “tài nghệ” của những người lãnh đạo chính trị, kinh tế.

Lê Văn Cường

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss