Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 17 / Những du ký của tương lai

Những du ký của tương lai

- Thế Uyên — published 19/12/2010 06:00, cập nhật lần cuối 14/01/2011 11:01

Điểm sách


Những du ký của tương lai
( tiếp theo kỳ trước)


Thế Uyên


Con đường cái quan của đệ tam thế giới

 

bút ký của Bùi Đông Triều, do T & D Associates xuất bản, Virginia, USA, 1992. Trần Văn Thế trình bày, phụ bản của chính tác giả. 162 trg, giá đề USD 10.00. Địa chỉ phát hành: 644 University Blvd East, Silver Spring, MD. 20901. USA.

Nếu lùi xa ra một chút mà nhìn lại, chúng ta dễ thấy một đặc tính của nền văn học Việt Nam hải ngoại trong gần hai thập niên vừa qua. Đó là buồn. nghiêm túc. ưu thời mẫn thế... Lược một vòng quanh báo chí hải ngoại từ 75 tới nay, ít thấy có mục khôi hài châm biếm.

Kiểm điểm những người cầm bút, hầu hết đều viết nghiêm túc, làm thơ buồn hiu. Mãi những năm gần đây chúng ta mới thấy xuất hiện một vài người viết vui (và dĩ nhiên là hay nữa) như Vũ Huy Quang, Bùi Bảo Trúc, Đỗ Kh... Vấn đề đặt ra là: sự thực cộng đồng Việt hải ngoại nói chung có phải là một cộng đồng buồn thiu, tối ngày than thở theo cái kiểu: “Khô héo lá gan cây đỉnh Ngự, Buồn vui giọt lệ nước sông Hương”, hay là không? Câu trả lời, đối với tuyệt đại đa số, sẽ là không. Nếu bị hỏi cho rõ thêm, thì câu trả lời đại khái là “Cuộc đời có buồn nhưng cũng có vui.”

Trong khi chờ đợi những chủ biên các báo, các người cầm bút đủ loại phản ánh trung thực hơn nữa cuộc sống hải ngoại – nghĩa là gồm cả buồn lẫn vui – thì cuốn bút ký Con đường cái quan của đệ tam thế giới của Bùi Đông Triều vẫn dễ nổi bật về đặc tính thứ nhất của nó, là vui và lạc quan. Tính chất vui, lạc quan này biểu lộ ngay từ lối chọn hình mình để đăng ở bìa chót: Bùi Đông Triều khoanh tay mà cười – chứ không chọn hình nghiêm trang như đa số các tác giả khác. Như vậy chưa đủ. Mở sách đến trang 3 đã thấy tác giả để cả trang cho lời trích dẫn sau đây: “ Nụ cười là ký hiệu của sự đau khổ... đã vượt giai đoạn của nước mắt.” (Và tác giả cũng vui tính đến độ không buồn chú giải câu nói này là của ai nữa! Ai mà chịu khó đọc đến trang 147 mới hân hạnh được biết đó là một ông triết gia Hegel nổi tiếng vì viết lách rất là nhức đầu).

Vốn là một chuyên viên, có dùng chữ thượng thặng cũng không sai lắm, về kinh tế, Bùi Đông Triều đã mang cái tài kinh bang tế thế của mình đi phục vụ khắp thiên hạ, từ Mỹ, Pháp, các nước Tây Phi tới Mã đảo, và Lào nữa. Anh đã đặt bước chân tứ hải giai huynh đệ ấy đến Thái, và dĩ nhiên... cả Việt Nam nữa. Hậu quả là, như chính anh đã thú nhận:

“Tôi đã bước chân trên những con đường đa dạng. Có đối tượng (các nền văn hoá các nước dị biệt anh đã sống) để phân bì, nên lúng túng trong việc lựa chọn phương cách khẳng định sự hiện hữu của mình.” (trg 23).

Mang “vấn nạn” ấy ra hỏi vợ thì: “ ... bị nàng mắng liền: “Anh thật gàn dở, ấm ớ! Cỏ mọc đầy sân không chịu cắt. Con khóc không chịu dỗ, cứ ngồi đó làm ông đồ gàn mãi”... Tuy vậy, sau đó nàng cũng góp ý: “Trước khi anh đòi “ chọn” nước Mỹ, thử hỏi dân Mỹ có “chọn” anh không đã nào?” . Trước lời phán truyền như vậy của vợ, Bùi Đông Triều đã thoải mái kết luận: “Vợ mình thì đương nhiên có lý rồi. Và   cũng rất tình nữa chứ!” ( trg 15-16)

Ở nơi anh có một sự ngay thẳng, như Trần Tế Xương, Hồ Xuân Hương thuở trước (nghĩa là không ngại nói tới truyện sex với một nụ cười đâu đó). Khi đến Tây Phi phục vụ, thấy toàn phụ nữ đen thui lùi, anh mất tinh thần thấy rõ. Nhưng rồi:

“Hồi mới bước chân đến Phi châu, tôi nhìn quanh mình rồi tự nhủ sẽ đi tu. Chẳng phải khó khăn gì, hoặc khinh rẻ ai. Chỉ tại mình không quen mắt mà thôi! Một tháng sau, ra đường thấy bóng đen cũng không đến nỗi nào. Ở thêm hai tháng nữa, lạ i thấy họ duyên dáng, hàm răng cười trắng ra phết. Cho tới khi được 6 tháng thì thấy ai cũng đẹp hết... Để rồi vui vẻ đã đến kết luận buồn bã rằng mình thật không có căn cốt tu đắc đạo!” (trg 20)

Trong thời gian ở Bangkok, anh tình cờ gặp một cô gái đẹp như mơ, kích tấc lý tưởng. Anh tán, mời về phòng và: “... Rồi tôi ngắm cặp đùa dài như giòng Cửu Long, và trắng như giải Ngân Hà của cô mà thấy nổi máu nóng, muốn làm nhà thám hiểm đi lên tận nguồn sông. Cô gái mắc cỡ, má đỏ ửng như mận Chiang Mai, cứ khư khư ngồi gác chân chữ   ngũ... Như bụt giữ oản ! Thói đời, của gì càng che dấu lại càng nhiều cám dỗ, tôi đành nài nỉ. Nhẫn nại nài nỉ... Nhà thám hiểm tới được đích, chưa kịp ca khúc chiến thắng, đã khám phá ra... có cả cây cổ thụ chắn ngang nguồn suối! Tôi tỉnh hẳn rượu, tỉnh hẳn cơn mê... Hoá ra cô gái này là một Cậu Gái! Tôi vội vã mời cậu xuống nhà...” ( trg 137-138) (Xin chú giải: Cậu Gái, người Mỹ thường gọi là She-Male, không phải là người lại cái mà là một phụ nữ có đủ vóc dáng nữ, kể cả bộ ngực. Chỉ có cơ phận sinh dục lại là của nam nhi bình thường).

Nếu Bùi Đông Triều ngưng câu truyện kể ở đoạn trên thì anh cũng... thường thôi! Nhưng tác giả đã xứng mặt nam nhân quen thói giang hồ vùng vẫy, bằng cách viết thêm như sau: “Sau đó tôi trằn trọc, không hiểu sao cậu gái lại có một nhan sắc quyến rũ đến như vậy. Rồi nhớ tới một đoạn văn của André Gide: “ Phải tận hưởng mọi khía cạnh của cuộc sống!”... tôi bỗng tìm ra chân lý, vùng dậy, chạy như bay xuống nhà, cốt sao kiếm lại cậu gái... Than ôi, cậu đã mất dạng rồi. Xin đành lỗi hẹn cùng ông Gide!”

Bùi Đông Triều cũng kể lại cho chúng ta về những người Việt độc đáo mà anh đã gặp ở những xứ xa xôi ấy: Một phụ nữ giầu có làm chủ động điếm ở Bangkok vốn gốc Huế học Couvent des oiseaux; bà chủ tiệm cơm ta ở Côte d’Ivoire đã lấy Tây, lấy ta, lấy Mỹ, lấy Tây đen già rồi sau cùng lấy Tây đen trẻ xứ này; một phụ nữ Bắc mặc áo tứ thân bán hàng giữa chợ xứ Niger (bà đi lâu quá nên tưởng phụ nữ Việt Nam còn ăn mặc như vậy); ông nhà nho tân thời uống Chivas ôm gái tơ xứ Kenya; cô vũ công xinh đẹp đa tình ở Madagascar (xuất thân bán thuốc lá lẻ trên vỉa hè “thành phố Hồ Chí Minh”), ông cư sĩ Phật giáo ở Liberia mong hoằng dương Phật pháp bằng cách sáng chế ra tràng hạt có năm hạt thôi (để khế cơ khế hợp với dân bản địa vốn hơi kém toán!).

Nhưng dĩ nhiên Bùi Đông Triều viết sách không cốt chỉ để kể chuyện đường xa xứ lạ cho bà con nghe. Khi chọn nhan đề Con đường cái quan của đệ tam thế giới anh đã bộc lộ nguyện ước muốn đi tìm một đường lối kinh tế chính trị tốt nhất cho những nước Á Phi mới độc lập sau đệ nhị thế chiến, đặc biệt là cho Việt Nam.

Vấn đề đầu tiên anh cố giải quyết là độc lập hoàn toàn về chính trị có là chìa khóa cho phát triển kinh tế hay là không. Và bài học thứ nhất là bài học ngược anh đã tìm thấy ở xứ Côte d’Ivoire. Lãnh đạo xứ này sau khi độc lập đã không thực hiện thứ độc lập chính trị toàn diện, mà mời chuyên viên Pháp ở lại giữ mọi chức vụ lớn và trung cấp trong chính quyền, thậm chí cho Pháp để cả một trung đoàn ở lại. Hậu quả là đất nước này phát triển nhanh, thủ đô hào nhoáng xa hoa không thẹn với năm châu bốn biển. Làm Bùi Đông Triều phải nhận xét như sau:

“Dù biết xứ (Côte d’Ivoire) vẫn còn mắc trong vòng kiềm toả của cựu mẫu quốc (Pháp) song thực tế là người nông dân, người lao động Ivoirien đã được hưởng thái bình, gia đình không tan nát vì bom đạn, không mắc thảm cảnh chia ly, kẻ đi người ở lại. Lại có mức lợi tức bình quân cao gấp năm lần người nông dân, người lao động Việt. Tôi tự hỏi đấu tranh chính trị nhằm mục đích lấy lại chủ quyền hay là làm cho dân giầu. Độc lập mà nghèo hèn, hoặc nô lệ mà trù phú, thì con đường nào ít đắng cay, ít tủi hổ hơn. Nghĩ mãi cũng chưa thấy có câu trả lời nào thoả đáng.” (trg. 42)

Bùi Đông Triều đặt câu hỏi như trên là để dẫn tới những vấn đề khác, chứ tác giả dư biết là dân Việt vốn quen “thà chết chứ không làm nô lệ” từ lâu rồi. Bởi thế anh phóng tầm nhìn về các nước Đông Nam Á để coi những quốc gia cùng hoàn cảnh với Việt Nam đã giải quyết vấn đề chủ quyền chính trị và phát triển kinh tế quốc dân ra làm sao. Với tư cách một chuyên viên đi làm cố vấn kinh tế cho nhiều nước khác nhau, anh tóm lược rất hay tương quan giữa chủ quyền chính trị và viện trợ cùng đầu tư của ngoại quốc như sau:

“... Đến giờ này, các nước châu Phi (và một số nước ở Á châu nữa) vẫn còn trong vòng kiềm toả kinh tế lẫn chính trị của Âu Mỹ.

“Phương tiện kiềm chế cũng nhiều. Trước nhất phải kể đến chính sách viện trợ. Mục đích của viện trợ là giúp các nước nhược tiểu có vốn để phát triển nền kinh tế bản xứ. Giúp vốn bằng cách cho vay tiền với lãi suất thấp hoặc cho không. Viện trợ có thể theo dạng song phương: nước tiên tiến trực tiếp cho tiểu quốc vay. Hoặc viện trợ qua cơ quan quốc tế (như Ngân hàng thế giới, Quĩ tiền tệ quốc tế) theo dạng đa phương. Song chính sách viện trợ – dù song phương hay đa phương – luôn luôn có những điều kiện đính kèm. Chẳng hạn như phải mua thiết bị, dụng cụ của nước viện trợ sản xuất... Hoặc phải thuê chuyên viên do cơ quan viện trợ chỉ định. Trừ qua trừ lại, số tiền viện trợ thực sự tới tay người nhận bị thuyên giảm rất nhiều.

“Chính sách viện trợ song phương của nước tiên tiến cũng nhằm củng cố quyền lợi của chính mình trước đã. Hãy nghe ông Chester Crocker, một nhân viên cao cấp của chính quyền Reagan luận về đề tài trên:

“Chính sách viện trợ song phương của chúng tôi hướng về những lãnh vực nào có lợi cho chúng tôi, và sẽ được dùng để thúc đẩy chính quyền bản xứ thay đổi chính sách hầu đem lại lợi ích cho thành phần tư nhân tại bản xứ và tại nước ngoài (Mỹ Quốc)” (Báo South, số Nov. 81, bài của D. Peiris)

“Lâu lâu nước đàn anh lại dọa dẫm cắt viện trợ để làm áp lực chính trị với chính quyền bản xứ, bắt thay chính sách này đổi chính sách kia!

“Trong lúc đó các chuyên gia lại đề ra thuyết “Phân công quốc tế”, khuyên nhủ tiểu quốc nên chuyên về những ngành sản xuất, những hoạt động cần nhiều nhân công và kỹ thuật thấp... như ngành nông chẳng hạn ! Lý thuyết thì thật chỉnh, nhưng trên thực tế đã “lệ thuộc hoá” nền kinh tế tiểu quốc: buộc tiểu quốc vào vai trò cung cấp nguyên liệu và sản phẩm nông nghiệp, và biến tiểu quốc thành thị trường tiêu thụ sản phẩm kỹ nghệ của nước tiên tiến. Sự liên hệ trên tương tự như liên hệ giữa mẫu quốc và các thuộc địa hồi thế kỷ thứ 19!

“Sau chót, những vị cố vấn Âu Mỹ tại Phi châu cũng có thể coi như phương cách trực tiếp để “giám sát” các nước bản xứ.” (trg 73-76).

Đó là mô tả chính xác và thực tế. Nhưng là về phía chính quyền giàu mạnh của các nước Âu Mỹ Nhật. Còn các chính quyền các nước nhỏ chậm tiến đối phó (và sử dụng) ra sao đối với các chính sách trên, thì mỗi nước mỗi khác. Bùi Đông Triều đã giành nhiều trang sách để cho chúng ta biết rằng: Có những nước may mắn có thành phần lãnh đạo sáng suốt và giỏi, thí dụ như Nam Hàn, Đài Loan, Singapore, thì đã thành công trong việc nương tựa vào vốn liếng đầu tư và nhân tài các nước lớn để phát triển thành công đất nước mình. Có những nước bất hạnh như Phi Luật Tân thì đất nước nợ đìa ra mà mức sống của dân vẫn không khá. Có những nước đã chọn “con đường tắt” như Thái Lan, nương dựa tối đa vào vốn liếng và chuyên viên Nhật, nhưng vì quên không áp dụng những cải cách xã hội đi kèm với phát triển kinh tế, nên sự thịnh vượng chỉ tập trung trong các thành phố và cho giai cấp thượng lưu. Hậu quả là Thái Lan lâm vào thế chông chênh về cả kinh tế lẫn chính trị nội bộ. “Xét cho cùng, ánh đèn của ngọn hải đăng Vọng Các chưa phải là ánh đèn có đủ sức soi hướng đi tương lai cho các nước Đông Dương.” (trg 131).

Bùi Đông Triều cũng đúc kết kinh nghiệm bao năm mang tài đi “làm mướn” cho bao nhiêu nước Á Phi, như sau:

“Có rõ dã tâm của ngoại nhân, song ngửa tay nhận viện trợ chưa chắc đã là điều quấy, nếu biết dùng vốn viện trợ cho đúng cách. Nghĩ cho cùng, điều quan trọng là nên thực tế! Biết tránh những chiêu bài, những khẩu hiệu trống rỗng... Có hào khí ngất trời, tất sẽ không chịu quị luỵ ngoại bang. Nhưng rồi lấy đâu ra vốn để phát triển đất nước?

“Ngày nay nước nhược tiểu muốn tiến, cần đến khối óc thương nhân, chẳng cần tới hào khí của chàng Kinh Kha!” (trg 90).

Sau cùng, sau khi làm cố vấn kỹ thuật cho chính phủ Lào, Bùi Đông Triều cũng trở về thăm Việt Nam năm 1991. Suốt cả cuốn sách, đến bây giờ mới thấy tác giả có giọng buồn rầu, bởi vì “ Trở về quê hương, chỉ thấy nước Việt có tên trong sổ đoạn trường thế giới. Đổ nát và điêu tàn, thua thiệt những nước lân bang. Quê hương với muôn vàn khó khăn. Trên đủ mọi phương diện...” (trg 160).

Bùi Đông Triều mất vui vì còn chính nhận định sau của mình: “ Ngày nay, sự lựa chọn của tiểu quốc trở nên phũ phàng hơn: giữ chủ quyền kinh tế, nhưng trong cảnh đói rách, hoặc chấp nhận ảnh hưởng của cường quốc, với hi vọng người dân đủ ấm no... Con đường Cái Quan của Đệ tam thế giới đã trở thành đường mòn khúc khuỷu của thế thăng bằng bấp bênh giữa sự thịnh vượng trong vòng lệ thuộc, và nền độc lập trong cảnh túng quẫn.” (trg 153).


Thế Uyên

ngày giáng sinh 92.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss