Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 17 / Hội nghị Việt kiều

Hội nghị Việt kiều

- P. V. — published 19/12/2010 02:10, cập nhật lần cuối 14/01/2011 10:53
 

Hội nghị Việt kiều Xuân 93
kêu gọi đầu tư và nêu cao khẩu hiệu
“đoàn kết & hoà hợp dân tộc”

 

Như Diễn Đàn đã đưa tin từ số trước, một “ Hội nghị Việt kiều Xuân Quý Dậu 93” đã được chính phủ Việt Nam tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh (Hội trường Thống nhất, tức là Dinh Độc lập cũ) trong hai ngày 8 và 9 tháng 2.1993, với sự tham gia của 103 Việt kiều, được mời với danh nghĩa cá nhân. Khoảng một nửa số Việt kiều tới họp hội nghị là những người có mặt sẵn tại chỗ vì đã có kế hoạch về ăn tết hay làm ăn. Những người khác đã thu xếp trong vòng bốn tuần để về kịp ngày họp. Được biết số người được mời lên tới khoảng 300, nhưng hai phần ba không đáp ứng lời mời, một số vì không tán thành quan niệm cuộc họp mà họ cho rằng quá hẹp hòi, một số khác (có lẽ đông hơn) không thể thu xếp công việc để về họp, có người đã gửi ý kiến đóng góp cho hội nghị.

Theo ban tổ chức, khoảng 100 Việt kiều dự hội nghị:

– hiện sống tại 23 nước, đông nhất là Pháp (24 người), Mỹ (10 người), Canada, Úc, Anh, Bỉ, Nhật...

– về nghề nghiệp và thành phần xã hội: thương gia và doanh nhân (đông nhất: 40%), trí thức (giáo sư, nhà khoa học, kỹ sư, quản lý...), những người hoạt động hội đoàn, những chuyên viên làm việc ở các cơ quan quốc tế...

Được tuần báo The Saigon Times hỏi trong số những người được mời, có ai đã giữ chức vụ cao trong chính quyền Sài Gòn cũ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà (trưởng ban Việt kiều thành phố) kể tên hai ông Nguyễn Tiến Hưng và Nguyễn Văn Hảo.

Trước khi trở lại Hà Nội tiếp đón tổng thống Pháp François Mitterrand, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã tới hội nghị sáng 8.2, đọc một bài phát biểu 6 trang đáng máy. Bài này được đặt tên là “Đoàn kết, hoà hợp dân tộc, động lực phát triển đất nước”, gồm 3 phần chính:

Trong phần đầu, ông Võ Văn Kiệt nói về “ quá trình đổi mới”“ nội dung chủ yếu là cải cách kinh tế và dân chủ hoá đời sống xã hội”. Cải cách kinh tế, theo ông là chuyển sang “một nền kinh tế nhiều thành phần với sự đan xen nhiều hình thức sở hữu, phát triển theo hệ thống kinh tế mở cả ở trong nước và với nước ngoài, vận động theo cơ chế thị trường, bảo đảm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong kinh doanh của mọi doanh nghiệp và công dân”. Dân chủ hoá đời sống xã hội thể hiện chủ yếu trong đời sống kinh tế “ bảo đảm quyền của mọi công dân được tự do kinh doanh theo pháp luật”, còn những “ bước tiến mới” trong lĩnh vực chính trị và xã hội được liệt kê ra là “ việc thảo luận và thông qua Hiến pháp năm 1992, cuộc bầu cử quốc hội khoá mới, việc ban hành Luật Tổ chức quốc hội, Chính phủ, Toà án, Viện kiểm sát, sự khởi sắc của báo chí và hoạt động văn học, nghệ thuật, sự tham gia rộng rãi của nhân dân vào các hoạt động xã hội hoạt động từ thiện”.

Khẳng định Việt Nam “đang từng bước thoát ra khỏi khủng hoảng”, trong phần thứ nhì, thủ tướng Kiệt nêu vấn đề: “Làm thế nào đương đầu với thách thức, vượt qua khó khăn, tận dụng các cơ hội và khả năng thuận lợi để đưa đất nước tiến nhanh? Câu trả lời nằm ở sức mạnh đoàn kết, hoà hợp dân tộc; sức mạnh này là động lực chủ yếu của sự phát triển đất nước”. Ông kêu gọi “ vượt lên trên các sự khác biệt, kể cả sự khác nhau về chính kiến” (câu này không có chủ từ nên không rõ lời kêu gọi nhắm ai là chính) để nhắm tới mục tiêu chung là “dân giàu, nước mạnh, tiến lên hiện đại trong một xã hội thực sự dân chủ, nhân ái, có văn hoá, có kỷ cương, xoá bỏ áp bức và bất công, tạo điều kiện cho mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc”. Và ông khẳng định “ Đảng cộng sản Việt Nam coi việc thực hiện mục tiêu đó chính là xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Phần thứ ba nhấn mạnh “tiềm năng của cộng đồng người Việt ở nước ngoài, đặc biệt là về trí tuệ và công nghệ, kể cả công nghệ quản lý là một ưu thế và là nguồn lực quan trọng bổ sung và hỗ trợ cho sự phát triển của đất nước”. Thái độ chính trị của chính quyền đối với cộng đồng hải ngoại được ông tóm gọn trong hai câu: “Chúng ta hoan nghênh những người vượt qua được mặc cảm và nghi kỵ, có cách nhìn mới và những suy nghĩ mới phù hợp với tiền đồ dân tộc. Mặt khác, Hiến pháp và Luật pháp Việt Nam cũng như lương tri của kiều bào yêu nước không dung thứ những hành động phản bội Tổ quốc, phá hoại sự ổn định chính trị - xã hội, chống lại sự phát triển đất nước”. Để đi tới thông điệp chính: “ Đất nước ta đang thiếu nhiều thứ, cần nhiều thứ mà kiều bào có thể đáp ứng bằng trí tuệ, bằng vốn đầu tư, bằng khả năng tạo các mối quan hệ giữa các tổ chức và cá nhân ở nước ngoài với đất nước Việt Nam. Kiều bào có thể tìm thấy những cơ hội đầu tư kinh doanh, cơ hội cống hiến cho đất nước trên nhiều lĩnh vực, bằng nhiều hình thức với nhiều quy mô phù hợp với khả năng kinh tế của mỗi người, kết hợp tốt lợi ích của mình và lợi ích của đất nước”.

Chúng tôi dành nhiều chỗ để trích dẫn những đoạn chính vì bài nói của ông Võ Văn Kiệt là phát biểu chính trị duy nhất trong hai ngày hội nghị và những cuộc gặp tiếp theo. Mọi ý kiến có tính chất chính trị mà người tham dự nêu ra được nhã nhặn trả lời bằng câu “sẽ cứu xét”, và toàn cuộc hội nghị được đóng gọn, như người ta có thể chờ đợi từ trước, vào những “chuyên đề”, và chủ yếu là chuyên đề kinh tế, đầu tư. Những lãnh vực khác như giáo dục, đào tạo, chuyển giao công nghệ... đều là những lãnh vực quan trọng, trong đó Việt kiều có thể đóng góp hiệu quả, chỉ có thể thảo luận nghiêm chỉnh khi chúng được đặt trong bối cảnh chính trị - xã hội - kinh tế - văn hoá chung, trong đó những quan điểm về dự phóng xã hội, quan niệm về phát triển phải được đối chiếu. Nói cách khác, điều này chỉ có thể làm được khi chính trị không còn là điều tabou. Trong khi chờ đợi, mọi thảo luận về kỹ thuật chỉ là chi tiết, có ích và cần thiết, nhưng không đủ. Nhận xét này có lẽ cũng là kết luận chung có thể rút ra từ cuộc “hội nghị Việt kiều” đầu năm Con Gà 93. Canh gà Quý Dậu này báo hiệu một hừng đông rồi sẽ tới, hay vẫn chỉ là một món xúp tả pín lù của bước-đầu-trong-thời-kỳ-quá-độ-chuyển-sang-kinh-tế-thị-trường-với-định-hướng-xã-hộỉ-chủ-nghĩa? Câu trả lời nằm ở tương lai, và tuỳ thuộc ở người đặt câu hỏi, nghĩa là mọi người Việt Nam.


P.V.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss