Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 17 / Vài vấn đề Quốc gia Dân tộc

Vài vấn đề Quốc gia Dân tộc

- Bùi Mộng Hùng — published 24/05/2009 01:42, cập nhật lần cuối 24/05/2009 01:42
Hơn mười năm để thấm thía một điều hiển nhiên: lý tưởng, động lực cơ chế thị trường là lợi nhuận, cạnh tranh để được lợi nhuận tối đa. Chỉ thế thôi. Chỗ mạnh của nó là đó, và chỗ yếu cũng là đó.

 

Vài vấn đề

Quốc gia dân tộc
trong thời kỳ
sau chiến tranh lạnh

 
Bùi Mộng Hùng

   

Quốc gia trước sức mạnh thị trường độc tôn

 
2.6.92
, đa số từ chối, không chấp nhận hiệp ước Maastricht về công cuộc xây dựng khối cộng đồng châu Âu - một đa số rất là tương đối trong cuộc trưng cầu dân ý ở Đan Mạch -. Tiếng "không" nho nhỏ này làm rúng động lòng tin vào khả năng của 12 nước trong khối thị trường chung thể hiện hợp nhất kinh tế và tiền tệ.

Thị trường hối đoái lâm ngay vào khủng hoảng. Tan đi mất ảo tưởng giữ tỷ giá hối suất trong Hệ tiền tệ âu châu SME (Système Monétaire Européen) được vững chãi như trong suốt năm năm rưỡi vừa qua. Khả năng cạnh tranh của các nước trong cộng đồng châu Âu mỗi ngày một cách biệt nhau xa hơn.

Chủ nhật 13.9.92 đồng lia Ý chính thức phá giá 7%. Trái lại chính phủ Anh thì cương quyết không cho đụng đến hối suất đồng bảng của mình: nước Anh đang bị suy thoái kinh tế nặng nề nhất trong khối thị trường chung; vả lại đồng bảng mới gia nhập SME tháng 10.90.

Đồng lia Ý phá giá, tình thế đã không dịu đi mà lại chẳng khác mồi lửa châm vào ngòi thuốc súng. Thứ hai 14.9 đồng lia bị đầu cơ tấn công dữ dội. SME rạn nứt ngay, hết tiền nước này đến tiền nước khác rơi tụt xuống đến tận đáy. Sau đồng lia là đồng bảng Anh. Những kẻ đầu cơ đoán chắc rằng tiền tệ một số nước phải phá giá, và đó chỉ là chuyện tính ngày tính buổi mà thôi. 16.9 được gọi là ngày "thứ tư đen tối". Ngân hàng Anh quốc (Banque d'Angleterre) và Ngân hàng Liên bang Đức (Bundesbank) tung tiền ra chống đỡ cho đồng bảng và đồng lia. Tới nay, Ngân hàng Anh vẫn chưa tiết lộ số tiền mình bỏ ra là bao nhiêu. Riêng phần Bundesbank đã phải tuôn ra 60 tỷ Đức mã: tương đương với trọn một năm bình thường, ...

Đến chiều 16.9, thủ tướng Anh John Major phải đành chịu thua, quyết định phá giá đồng bảng và đình chỉ sự tham gia của nước Anh vào SME. Ủy ban tiền tệ cộng đồng châu Âu họp suốt từ 11 giờ đêm hôm đó đến 6 giờ sáng hôm sau. Không làm gì khác hơn được là ghi nhận quyết định của chính phủ Anh. Và cho biết đồng lia cũng rời bỏ cơ chế hối đoái chung; và đồng peseta I Pha Nho phá giá 5%.

Chỉ nội một ngày thứ tư 16.9, riêng mình George Sörös, người gốc Hung quốc tịch Mỹ, vay để đầu cơ mua đi bán lại đồng bảng, thu vào 1 tỷ đôla tiền lãi.

Đồng lia, đồng bảng bị đánh bại, tới lượt đồng franc Pháp đứng đầu sóng ngọn gió. Tuy nhiên, thế đồng tiền Pháp có khác. "Đồng franc mạnh" là khẩu hiệu chính sách tiền tệ của chính phủ Pháp; kinh tế Pháp có điểm khả quan so với Ý, với Anh. Và, nếu đồng franc phá giá thì chính hạt nhân SME bị tan rã. Mất đi hy vọng hợp nhất tiền tệ trong một tương lai gần, mong manh ước mộng một liên hợp Âu châu. Liên minh Pháp - Đức trụ cột trong công cuộc tiến tới hợp nhất Âu châu, có sức chịu đựng thử thách này không?

Thứ năm 17.9, đầu cơ dự đoán tiền franc phải phá giá nổi lên dữ dội. Từ New York những kẻ đầu cơ đi vay, vơ vét tiền Pháp để đem bán chịu, hòng thủ lợi khi tiền franc mất giá. Những ai có chứng khoán Pháp vội bán đổ bán tháo.

Thứ sáu 18.9, Michel Sapin, bộ trưởng tài chính Pháp, không đổi chương trình làm việc đã được định từ trước trong khuôn khổ Quỹ tiền tệ quốc tế ở Washington, vẫn cứ cầm đầu đoàn Pháp bay qua Mỹ; ý muốn tránh làm loạn thêm cái thị trường hối đoái đang rối bời bời. Suốt thứ bảy 19.9, và cả trong buổi chiêu đãi, đoàn Pháp không dấu nổi vẻ bồn chồn.

Chủ nhật 20.9, khi Ủy ban tiền tệ Âu châu vào họp lúc 12 giờ 30 ở Washington thì ở Paris là 18 giờ 30; đoàn Pháp không ngừng nhận những mảnh giấy nho nhỏ báo tin kết quả ban đầu cuộc trưng cầu dân ý Pháp về hiệp ước Maastricht. Trong lúc ăn cơm trưa mọi người thở phào: phiếu "thuận" thắng, rất tương đối, nhưng thắng! Ngay sau đó các bộ trưởng tài chính 12 nước thị trường chung châu Âu họp một buổi họp ngẫu hứng. Hài lòng, nỗi băn khoăn chất chứa bao ngày chấm dứt. Chia tay nhau về ngủ, mệt nhừ, mà thanh thản, ...

Nhưng Michel Sapin vừa mới chợp mắt thì bị dựng ngay dậy - 3 giờ sáng ở Washington đã là 9 giờ thứ hai 21.9 ở Paris - đầu cơ chống đồng franc chẳng những không ngưng mà lại còn tăng thêm dữ dội. Trời chưa hửng sáng, ông bộ trưởng, chân xỏ giày mà quên mang vớ, triệu tập ban tham mưu bộ tài chính họp tại nhà riêng đại sứ Pháp. Suốt ngày, là những cuộc hội thảo hai bên giữa đoàn của Michel Sapin bộ trưởng tài chính Pháp và của Theo Waigel bộ trưởng tài chính Đức khi ấy có mặt đông đủ ở thủ đô Hoa Kỳ. Đường lối của Paris - tổng thống và thủ tướng nhất trí với nhau - là cương quyết không cho thay đổi tỷ giá đồng franc và Đức mã. Bộ trưởng Michel Sapin chỉ còn một lối thoát: thuyết phục Đức ủng hộ đồng franc vô điều kiện.

Sáng thứ ba 22.9, đầu cơ lên tới mức độ xưa nay chưa từng thấy. Nhưng Pháp và Đức đã nhất trí được về những nét chính cho một thoả ước. Michel Sapin, Jacques de Larosière thống đốc Ngân hàng Pháp quốc cùng tùy tùng lên máy bay trở về Paris. Để Jean Claude Trichet giám đốc ngân khố Pháp ở lại Washington giải quyết những chi tiết cuối cùng với người cùng chức vụ phía Đức.

1 giờ 15 sáng thứ tư 23.9 máy bay đáp xuống phi trường, cả đoàn về thẳng bộ tài chính. 5 giờ sáng chi tiết chiến dịch phản công được xác định xong. 8 giờ 20, Ngân hàng Pháp quốc và Bundesbank ra thông cáo chung, khẳng định cương quyết giữ tỷ giá hối suất đồng franc và Đức mã. 8 giờ 30, bộ trưởng Michel Sapin giải thích thoả ước Pháp - Đức trên màn truyền hình đồng thời lên án bọn đầu cơ chống đồng franc.

9 giờ, hai ngân hàng trung ương Pháp và Đức tung tiền, đồng franc bán ra bao nhiêu mua hết bấy nhiêu. Đầu cơ cũng chẳng vừa, đến chiều tối mà vẫn chưa chịu rút lui. Mãi đến 23 giờ, giờ thì trường hối đoạt ở New York đóng cửa, mới ngã ngũ. Đầu cơ bị đánh bại.

Phải đến hai tháng sau, khi hầu hết số tiền tung ra - 160 tỷ franc (trên 30 tỷ đôla - đã thu lại về quỹ, bộ tài chính mới tuyên bố thắng trận. Lãi được 2 tỷ franc.

Nhưng chỉ là một trận thắng. Chiến cuộc nào đã chấm dứt.

Đồng franc lại sốt ngấm ngầm từ trung tuần tháng 11.92, dự trữ ngoại tệ ngân hàng trung ương Pháp hao hụt mất 42 tỷ franc chỉ trong mấy ngày trong tháng 12 (10 đến 17). Pháp và Đức nhiều lần chính thức khẳng định ý chí giữ tỷ giá đồng franc và đồng Đức mã, nhưng phải đợi Bundesbank hạ lãi suất, tình thế mới tạm yên. Chờ tuyển cử quốc hội Pháp tháng 3.93.

"Trận chiến đồng franc" đang diễn ra trước mắt. Thắng bại ra sao ảnh hưởng trực tiếp đến tiền đồ của cộng đồng châu Âu. Mà hệ quả của những chuyển biến một khối kinh tế đang có cơ tiến lên đứng hàng đầu không thể không tác động đến toàn thế giới. Đó là một ví dụ cụ thể sự mong manh của chính sách quốc gia, dù cho đó là những nước phát triển vào bậc nhất, trước sức mạnh của thị trường hiện nay.
 

Đứng trước câu thúc thị trường

 
Mà cơ chế kinh tế thị trường thì đang khuếch trương hầu khắp toàn cầu, khi hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa tan rã, khi chiến tranh lạnh không còn lý do tồn tại.

Vào thời điểm mà hiển hiện mặt trái những hậu quả hơn một thập kỷ áp dụng lý thuyết cực kỳ tự do (ultra-libéral) và duy tiền tệ (monétarisme) của bà thủ tướng Thatcher ở Anh, của tổng thống Reagan rồi tổng thống Bush ở Mỹ: kinh tế Anh suy thoái. Công nghiệp ngưng trệ, sản xuất suy đồi, nợ nần nước Mỹ chồng chất. Xã hội phân hóa, người thất nghiệp vô gia cư vất vưởng đầu đường xó chợ ở Luân Đôn, dân nghèo nổi loạn đốt phá ở Los Angeles. Giáo dục, y tế suy thoái, .... Còn mấy ai tuyệt đối tin tưởng vào chính sách "vô vi" của một nhà nước "tối thiểu", không can thiệp - hay can thiệp ít chừng nào tốt chừng nấy - tin tưởng rằng cứ mặc nhiên để qui luật thị trường thao túng thì mọi việc sẽ tự nhiên tốt lành ?

Mối đe dọa đối với Tây phương không còn phải Liên Xô nữa mà chính là hệ kinh tế thị trường tự do: cạnh tranh ráo riết làm cho trong mỗi xã hội người đã giàu lại giàu thêm còn kẻ nghèo thì cứ nghèo hơn mãi, phân hoá cách biệt càng ngày càng rộng lớn. Cũng như rộng thêm, sâu thêm cái hố cách biệt giữa các nước phát triển và các nước chậm tiến.

Hơn mười năm để thấm thía một điều hiển nhiên: lý tưởng, động lực cơ chế thị trường là lợi nhuận, cạnh tranh để được lợi nhuận tối đa. Chỉ thế thôi. Chỗ mạnh của nó là đó, và chỗ yếu cũng là đó. Ngoài lợi nhuận, lô gích thị trường hầu như không còn biết đến cái gì khác. Hơi đâu, thì giờ đâu - thì giờ chẳng là tiền bạc hay sao - mà nghĩ đến con người, đến môi trường sống, đến thế hệ mai sau…

Hơn mười năm để tan đi cái ảo tưởng rằng cứ đem lên ngôi độc tôn một cơ chế kinh tế - cơ chế của một trong muôn mặt đời sống con người - là tự nhiên cuộc sống ngày nay và mai sau sẽ cải thiện, sẽ hoàn thiện hoàn mỹ hơn mãi lên. Để thấy rõ rằng đã gọi là cơ chế thì nó mù quáng. Đi ngược lại nó - gương tầy liếp Liên Xô trước đây còn sờ sờ ra đó - thì nó đè bẹp, nghiến nát. Chỉ có thể lèo lái nó. Mà muốn lèo lái được một mãnh lực mù quáng thì hẳn phải là có suy tư, có tính toán, có dự phóng, biết rõ những bước đi, biết đâu là mục tiêu trước mắt và trong tương lai. Từ đó mà xu hướng nhận định lại tầm quan trọng của chức năng nhà nước đang được nghiền ngẫm và áp dụng thực tiễn ở khắp mọi nơi.

Và ta không lấy làm lạ khi thấy tháng 9.92 Nhật công bố chương trình cứu vãn khấn cấp kinh tế với 10.700 tỷ yên (80 tỷ đôla), thấy ngày 11 .11.92 bộ trưởng tài chính Anh đề ra một "chiến lược phát triển" mới, nhà nước "tiêm" 1 tỷ bảng (l,5 tỷ đôla cho nền kinh tế đang suy thoái, thấy tân tổng thống Mỹ Bill Clinton vừa đắc cử đã báo sẽ đem khoảng 40 tỷ đôla thúc đẩy nền kinh tế Mỹ, ...

Nguyễn Trọng Nghĩa đã trình bày rành mạch lý do cần sự can thiệp của một nhà nước pháp quyền vững mạnh vào một số lĩnh vực, và một số lĩnh vực khác mà nhà nước không nên tham gia trực tiếp vào (Nhà nước vả phát triển, Diễn Đàn số 16 tháng 2.93, tr. 10-11). Xin không trở lại vấn đề này.

Chỉ xin nhắc nhở cái vế bổ sung cho vai trò nhà nước - và cũng không kém cần thiết - trước tính chất mù quáng vô nhân của cơ chế thị trường: vai trò của xã hội dân sự (société civile). Phương Tây không cần nhắc tới vì vai trò của nó quá hiển nhiên: môi sinh bị tàn phá, chính xã hội dân sự đã dấy lên phong trào bảo vệ môi sinh, gây nên dư luận bắt buộc bất cứ xu hướng chính trị nào cũng phải sát nhập biện pháp bảo vệ môi trường vào chương trình hành động của mình.

Trong thời chiến, cách mạng Việt Nam vận động được nhân dân tham gia. Nghĩ cho cùng cái gọi là "nhân dân" thì cũng là xã hội công dân, tự nguyện thành tai, thành mắt, thành người thực hiện những khẩu hiệu của cách mạng.

Thời điểm này chính là lúc cần tai, cần mắt, cần hành động của xã hội công dân phối hợp với một nhà nước hữu hiệu để điều tiết giảm thiểu những tác động tai hại của cơ chế thị trường man dã. Ngay khi đó thì các tổ chức có tính chất nhân dân ở nước ta bị lấn áp chèn ép rút mất hết thực chất, ý nghĩa, hiệu lực. Mà nhà nước, đúng hơn là bộ máy đảng - nhà nước, chẳng những đã từ nhiệm không lo nổi các vấn đề thiết yếu cho tương lai như giáo dục, như sức khoẻ nhân dân, lại tỏ ra bất lực khó mà đáp ứng nổi yêu cầu lèo lái kinh tế một khi Hoa Kỳ bỏ cấm vận, tư bản đầu tư vào nhiều hơn.

Ví dụ hiện tiền là chương trình đường dây cao thế đem điện Hoà Bình đi suốt hơn nghìn cây số vào tới miền Nam. Không phải là không có chuyên gia Việt Nam trong và ngoài nước đưa ý kiến cần phải thảo luận kỹ hơn, phải xét cụ thể hơn, chi tiết hơn; khó khăn kỹ thuật không ít và không nhỏ. Nhưng không được phát biểu, đóng góp ý kiến là bị gạt đi.

Hồi tháng 12. 92, chủ tịch quốc hội khi ấy là ông Lê Quang Đạo nói vun vào cho đại biểu quốc hội chấp thuận chương trình. Ngày nay, khi chương trình đã khởi công, mới lòi ra là tính khả thi chưa được nghiên cứu kỹ. Tài liệu kỹ thuật gởi cho các xí nghiệp đấu thầu sơ lược đến gần như nội dung không có gì chỉ nằm gọn trong 16 trang. Người đấu thầu ngoại quốc chưa từng được thấy cung cách làm ăn như vậy, phải chế ra kế hoạch của chính họ.

Ý nghĩa đường dây cao thế là đem vào Nam điện đập Hoà Bình sản xuất dư thừa. Ngày nay, mới nghe bộ trưởng năng lượng Thái Phụng Nê cho biết rằng tối đa chỉ đến 1997 là đập Hoà Bình không còn dư điện nữa!

Mà đường dây thì tốn kém - tốn kém hơn là đắp thêm một đập mới cho miền Nam - dự trù là 300 triệu đôla, nhưng nay đã thấy ít nhất cũng phải chi thêm 191 triệu nữa.

Tuy nhiên, nạn biển thủ thì đã hoành hành. Hai xí nghiệp thuộc bộ năng lượng mới giao được 2.300 tấn thép đã báo cáo chuyển xong 4.000 tấn theo chương trình, cựu bộ trưởng năng lượng Vũ Ngọc Hải phải bị cất chức vào tháng 10.92.

Đột nhiên nghe ông Lê Quang Đạo công nhận sai lầm, nghe tranh luận nổi lên ầm ỹ. Người dân không khỏi tự hỏi phải chăng đây chỉ là các phe phái viện cớ để đấu đá, hạ bệ lẫn nhau? Và phân vân thấy cái nguyên nhân cơ bản làm cho kế hoạch lớn cả nước thành chẳng khác trò đùa, làm cho tham nhũng lũng đoạn một chương trình, là cung cách làm ăn bưng bít độc đoán thì không ai nói đến. Rồi thì đâu sẽ lại vào đấy?

Chiến tranh lạnh dứt, cạnh tranh giữa Mỹ và Liên Xô không còn, một nước như Việt Nam, dù cho là Hoa Kỳ bỏ cấm vận không thể nào trông mong vào viện trợ rộng rãi như thời trước. Hơn bao giờ hết cần một nhà nước hữu hiệu, dè sẻn vốn liếng đầu tư để xây dựng cho được cấu trúc cơ bản, đường sá, cầu cống, điện, nước, viễn thông, v. v... những tiền đề bắt buộc để thật sự phát triển. Không thể phí phạm vô lối như hiện nay.

Biện pháp chỉ có thể là thông tin đầy đủ, bàn bạc thảo luận công khai trên báo chí trước khi quyết định một chương trình hệ trọng cho tương lai của đất nước, dân tộc. Là nới bớt đè nén, cho xã hội dân sự thật sự phát triển. Để có tai có mắt linh động hơn, nhạy cảm hơn, sớm thấy lệch lạc, kịp thời báo động khi bộ máy nhà nước cồng kềnh còn ù lì, chằng ít thì nhiều không sao tránh khỏi thói quan liêu.
 

Dân tộc (nation) và sắc tộc (ethnie)

 
Hai khối Tây phương và Liên Xô kèn cựa nhau, thể chế quốc gia - dân tộc (đất - nguồn) được nêu lên làm chuẩn bất khả xâm phạm. Ngày nay bỗng bộc lộ ra rằng bất cứ ở đâu, quốc gia - dân tộc, nhìn dưới một khía cạnh nào đó, chỉ là cái khung thể chế để cho một sắc tộc đa số áp bức các sắc tộc thiểu số. Tuy nhiên đè nén sắc tộc dưới chế độ xã hội chủ nghĩa hiện thực trước đây nặng nề đến nỗi mới vừa nói ra là nổ tung ngay thành những cuộc tàn sát huỷ hoại lẫn nhau mà ta đang thấy trước mắt tại Nam tư cũ, tại các cộng hoà thuộc Liên Xô trước đây như Armeni, Azerbaidjan, ...

Việt Nam cũng không thoát khỏi thông lệ này. Trong gian khổ chiến tranh các sắc tộc đoàn kết đồng cam cộng khổ chiến đấu hy vọng một tương lai tốt đẹp chung. Chị đại biểu quốc hội Giàng A Dụ người Hmông ở bản Lổng Luỗng, Mộc Châu, Sơn La thổ lộ "Khi còn đang đánh Mỹ, bà con các dân tộc ở tỉnh chịu cực khổ chị bao giờ cũng động viên ráng chịu đựng đến ngày giải phóng. Sau khi đã giải phóng cả nước, chị lại động viên ráng chịu cực khổ vài năm nữa để còn dành tiền xây dựng lại đất nước, ..." (Sài Gòn giải phóng 6.1.90). Ở phía Nam, huyện Trà My tỉnh Quảng Nam mà cư dân thuộc các dân tộc thiểu số Ca dong, Kor, Bhơnoong, Xêđăng, thời kháng chiến cũng đã nổi danh "Việt Bắc của khu 5".

Rồi hàng chục năm sau khi đất nước thống nhất, chị Giăng A Dụ tâm sự "bà con vẫn thiếu muối, bệnh tật vẫn như xưa, mù chữ trở lại rất đông, lãnh đạo xã có người cũng mù chữ, đường xá chẳng có, hoặc hư hỏng chẳng sửa chữa. Chị không biết còn nói thế nào với bà con, chẳng lẽ cứ nói dối mãi." Một cán bộ đảng viên dân tộc thiểu số ở Quảng Nam chua chát hơn: "Ngoài một bằng khen chúng tôi đã có đóng góp lớn, thì từ 75 tới nay chúng tôi chưa hề được chính phủ giúp cho một việc gì cụ thể."

Lời nói không ngoa. Đời sống đồng bào thiểu số thê thảm. Kể cả những nơi sản xuất ra của cải đem về không ít ngoại tệ. Trà My bình quân mỗi năm khai thác hơn 500 tấn quế, 17 năm qua 6 xã trong huyện đã góp hơn 8.000 tấn quế xuất khẩu, mang về hơn 85 triệu đôla. Thế mà hai xã Trà Leng và Trà Zơn có 408 em đến tuổi đi học chỉ thấy lèo tèo khoảng ba chục em có mặt trong lớp. Bỏ học chủ yếu vì các em phải lội từ 2 đến 5 giờ đồng hồ đường rừng mới tới trường. Chủ tịch xã cho hay rằng chỉ sau mỗi vụ tuốt lúa, vụ bóc vỏ quế vài tháng là người ở đấy bắt đầu ăn cầm bữa bằng cháo khoai mì nấu với lá rau ranh hái ngoài rừng. Rừng quế thì không được bảo quản, quế bị bóc vỏ vô tội vạ kể cả quế còn non, từ 76 tới nay tính ra đã có vài triệu cây quế bị chết mà hiện nay không có một cơ quan nào lo trồng quế (Thanh Niên 17.5-24.5.92).

Nói chung, mức sống của một người dân thiểu số thấp, rất thấp chỉ bằng một phần bốn mươi của người dân Hà Nội. Hàng năm phải chịu thiếu gạo ăn từ ba đến chín tháng. Nạn thất học rất cao, theo điều tra dân số năm 89, ở cao nguyên Trung phần 80% người Bana mù chữ, nhưng ở rẻo cao phía Bắc, hơn 90% người Hmông không biết đọc biết viết, và nếu tính riêng phụ nữ thì tỷ số này lên 97%. Theo thứ trưởng giáo dục Trần Xuân Nhị, trong tổng số 400.000 trẻ em người Hmông đến tuổi đi học chỉ có 12.000 em đến trường. Thiếu thầy giáo trầm trọng. Học sinh dân tộc thiểu số phải học chữ Việt, mới đây mới thử dạy tiếng mẹ đẻ cho các em lớp 4. Mà trong số 54 sắc tộc thuộc dân tộc Việt Nam hiện nay mới có 12 ngôn ngữ là có chữ viết.

Bệnh sốt rét đã giảm trong các thập niên 60 và 70 lại tăng từ năm 85, nhất là ở vùng cao nguyên gần Lào và Cam bốt. Bệnh bướu cổ do thiếu iot rất thường gặp trên rẻo cao, ở Lao Cai theo bác sĩ Trịnh Tuyết Nhung giám đốc y tế tỉnh thì 41 - 43% dân số bị bướu (so với 3 - 4% ở đồng bằng sông Hồng)

Đường sá, điện nước thiếu trầm trọng. Nhiều tỉnh không có điện. Thị trấn Pleiku là thị trấn lớn vào bậc nhất cao nguyên không có điện thoại liên lạc ra ngoài. Mùa nắng còn đỡ, suốt 6 tháng mùa mưa nhiều đường bị cắt. Đứt hẳn mọi liên lạc giữa huyện với tỉnh. Như những đường từ thị trấn Sa Thầy về Mo Ray, đường từ thị trấn Đầu Gia về Ngọc Linh, ...(Thanh Niên 6 đến 14.6.92)

Rừng bị phá. Riêng ở Lao Cai, theo giám đốc lâm nghiệp tỉnh, Đặng Quốc Long, trong 15 năm qua rừng đã giảm từ 240.000 xuống còn 123.000 ha, trong đó khoảng 90.000 ha bị phá để trồng rẫy. Đất bắt đầu thiếu mà người kinh ở đồng bằng lên càng ngày càng đông. Trong số 720.000 dân cư tỉnh Gia Lai thì 200.000 là di dân lên từ sau chiến tranh. Và từ khi hợp tác xã giải tán, chia đất cho xã viên, vấn đề đất ruộng trở nên căng thẳng giữa người thiểu số và người mới lên. Theo tin báo Đại Đoàn Kết, ở Lai Châu, mấy nghìn người kinh đã phải trở về đồng bằng sông Hồng cho tình thế bớt căng.

Năm 1989 bộ chính trị quyết định phải quan tâm hơn đến các vùng dân tộc thiểu số. 1991, ông Nông Đức Mạnh người dân tộc Tày được vào bộ chính trị. Và là chủ tịch quốc hội hiện nay. Chính phủ mới đây quyết định tăng số giáo viên cho các vùng dân tộc. Gần đây nhiều hội nghị được triệu tập để bàn về chiến lược phát triển vùng cao.

Thời buổi này, người Thái sống ở Việt Nam không thể không nhìn và so sánh mình với người Thái ở Thái Lan, các sắc tộc sống ở cả hai bên biên giới Việt - Trung, không thể không nhìn mình và nhìn bà con, họ hàng bên kia biên giới. Việc một người dân tộc thiểu số được vào bộ chính trị, được ăn trên ngồi trước không thay thế được một chương trình phát triển đồng bộ và đúng đắn. Muốn được thế, bắt đầu là chấp nhận dân tộc Việt Nam đa dạng, đa văn hóa, chấp nhận quyền như sắc tộc được thật sự tự lựa chọn giải pháp cho các vấn đề đời sống của mình và có được phương tiện thực hiện, được thực sự chọn người lãnh đạo cho mình. Đường đi khó. Khó vì phải đổi cách nhìn, kể từ cái nhìn của ngành dân tộc học của ta, thật tâm tìm hiểu các sắc tộc anh em thì ít, bao nhiêu tâm trí phải dồn cả vào phục vụ chính sách dân tộc. Khó vì vô cùng tốn kém mà vốn liếng thì ta chẳng có là bao.

Khó thật. Đụng đến bất cứ vấn đề nào là cũng chạm ngay đến chuyện chuyển đổi chính sách hiện nay.

 
B.M.H. (2.93)

 

Tư liệu:

  • La bataille du franc (trận chiến đồng franc) Le Monde 29 và 30.12.92;

  • Line of controversy (đường dây tranh cãi) Far Eastem Economic Review 4.2.93;

  • Việt Nam, dynamics of despair (Việt Nam, động thái của tuyệt vọng) F.E.E.R. 23.4.92.

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Bùi Mộng Hùng
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss