Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 17 / Thêm một vài ý kiến về bác Hoàng Xuân Hãn

Thêm một vài ý kiến về bác Hoàng Xuân Hãn

- Tạ Trọng Hiệp — published 07/03/2008 01:00, cập nhật lần cuối 08/03/2008 23:53
Đọc bài của Nguyễn Trọng Nghĩa (1) về bản sư Hoàng Xuân Hãn, tôi mừng lắm, nhất là khi thấy anh đã đọc kỹ các sách của bác và trích dẫn gần dầy dủ những đoạn văn biểu lộ suy nghĩ của bác về thời cuộc qua đó người đọc hiểu thêm bác : tôi gặp ở anh một bạn đồng điệu trong sự đánh giá một bộ óc lớn và một con người khả kính.


Thêm một vài ý kiến về bác Hoàng Xuân Hãn




Tạ Trọng Hiệp



Trưa nay, tôi nhận được một xấp Diễn Đàn (từ số 7 đến số 13) mà trước đây tôi chưa mua dài hạn. Đọc bài của Nguyễn Trọng Nghĩa (1) về bản sư Hoàng Xuân Hãn, tôi mừng lắm, nhất là khi thấy anh đã đọc kỹ các sách của bác và trích dẫn gần dầy dủ những đoạn văn biểu lộ suy nghĩ của bác về thời cuộc qua đó người đọc hiểu thêm bác : tôi gặp ở anh một bạn đồng điệu trong sự đánh giá một bộ óc lớn và một con người khả kính. Những nét ở bác mà Nguyễn Trọng Nghĩa đúc kết ở đầu và ở cuối bài, tôi thấy đúng cả. Còn một nét nữa, anh không nhấn mạnh đến, song nó bàng bạc trong khắp các trích dẫn, đó là tinh thần yêu nước và lập trường dân tộc của bác.


Nếu tôi không lầm thì dường như Nguyễn Trọng Nghĩa không có trong tủ sách của anh quyển « Các cổ văn về Hà thành thất thủ và Hoàng Diệu » (Nhà xuất bản Sông Nhị, Hà Nội, 1950), nên không thấy anh trích dẫn một vài đoạn văn khá quan trọng để hiểu quan điểm chính trị của bác. Tuy được xuất bản vào năm 1950, quyển sách này có lẽ được biên soạn khá gần các sự cố « long trời lở đất » của những năm 1945- 1947, những ngày mà số phận của đất nước và con người Việt Nam ở vào một tình trạng cực kỳ khó khăn và hiểm nghèo. Nên ta thấy những lời bình luận của tác giả, dù vẫn mang phong cách mực thước, đã phản ánh khá trực tiếp thời sự nóng hổi đó. Trích dẫn 1 (cuối bài Dẫn, trang 19) « Đọc xong mấy bài văn trên, chúng ta thấy rõ những duyên cớ làm nước ta đã bị mất. Những kẻ cầm quyền ở trên thì không biết lo xa. Lúc lâm nguy mới tìm cách chữa. Mà tìm cách lại vụng về. Những kẻ thừa hành thì vô tài, không biết tổ chức cả đại thể, mà chỉ lo giải quyết những vấn đề con con. Lúc lâm sự thì hoàn toàn ươn hèn và gian trá. Trong cái xã hội lấy kẻ sĩ cầm đầu, những kẻ ấy thật đã không có một tư cách gì xử biến. Cũng may có một vài người như Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu, còn cứu vãn ít nhiều danh dự cho bọn sĩ phu. Chẳng trách gì mà kẻ làm các bài văn này ca tụng các vị ấy, mà thóa mạ bọn kia. Nhưng xét đến dư luận đương thời, qua bài ca số 1 (" Hà thành thất thủ ca "), thì ta lại hiểu rõ rằng dân gian cũng không có một mảy may tinh thần độc lập, mà chỉ lấy sự khổ thân làm chính ; chỉ biết trông cậy vào sức viện trợ của ngoài và hành động của quan trên. Hễ trên đổ và ngoại viện lui, thì cả cơ đồ của nước ta cũng đổ. Sống trong giai đoạn lịch sử ngày nay, ta đọc lại các bài này, không khỏi phải nghĩ ngợi. Trích dẫn 2 (phụ lục 5, trang 19) « Trong câu chuyện đáng buồn xảy ra trong vụ Hà Nội mất lần thứ hai buồn nhất là chuyện Tôn Thất Bá. Bá được H. Rivière mời về, điều đình trả thành cho.(...), Nhưng có một việc khác Bá làm, mà chính H. Rivière ban đầu cũng muốn giấu, nhưng sau bị bại lộ, buộc ông phải nói ra. Đó là việc Bá xin lấy trộm của công một vạn quan tiền để thưởng công mình đã chịu nhận thành và chức (quyền) tổng đốc (Hà Ninh). (. . .). Đọc chuyện đến đây, ta thấy rằng những lời chửi rủa của kẻ đương thời đối với vị quan này không có gì là quá đáng, mà còn nhẹ nữa »


Hai đoạn trích dẫn trên đây phải chăng nhắm một vài đối tượng cụ thể nào đó hay ít ra cũng là lời cảnh cáo của bác với những ai ở Hà Nội có « thành tích » gần giống Bá, vào những tuần lễ cuối 1946 và suốt hai quí đầu 1947 ?


Có một nét nữa ở con người Hoàng Xuân Hãn mà chắc Nguyễn Trọng Nghĩa đã từng đôi lần chứng kiến nhưng quên kể lại, đó là tính hài hước rất vui vẻ, hóm hỉnh và ngay cả tính u mặc (humour). Nghe bác kể chuyện, lắm khi ta muốn lăn ra mà cười (cười nhẹ nhõm, chứ không phải cay chua nặng nề). Nhiều chuyện lắm (vì bác có trí nhớ rất chính xác) : như chuyện Cố Điện (mới đăng trong Diễn Đàn số 16) hay chuyện Phan Nhuận gàn đến mức đi khuyên gái giang hồ ở Paris nên hoàn lương, v.v. và v.v.


Nguyễn Trọng Nghĩa đã rất có công khi ghi lại các nét chính của nhân vật đáng kính Hoàng Xuân Hãn, nhưng nếu bỏ quên cái khía cạnh ưa đùa của bác thì tôi e rằng những bạn đọc không quen bác sẽ ngỡ rằng bác là người đạo mạo, nghiêm nghị hay một thứ thày tu thế tục (laique) cù không cười !


Cá tính của người vùng Hà Tĩnh phải chăng là hay cười ? Cụ Đặng Thai Mai mà tôi được đến thăm ở Hà Nội năm 1979, bạn thân của tôi ở Paris là anh Hoè... cũng giống bác Hãn về điểm ấy. Tôi còn nghi rằng tác giả các truyện tiếu lâm « ác liệt » nhất cũng như các bài « thơ Hồ Xuân Hương » « rùng rợn » nhất có lẽ cũng là mấy thầy « đồ Nghệ » vốn ưa đùa !

Tạ Trọng Hiệp


(bài đã đăng Diễn Đàn số 17, 03.1993)



(1). " Mấy điều tâm đắc về bác Hoàng Xuân Hãn ", Diễn Đàn số 13 tháng 11.92, tr.22-25.

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Hoàng Xuân Hãn
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss