Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 17 / Tiếng gà trưa

Tiếng gà trưa

- Đặng Tiến — published 19/12/2010 00:05, cập nhật lần cuối 14/01/2011 10:28


Tiếng gà trưa

 

Về mục tiêu cuộc viếng thăm Việt Nam, tổng thống Mitterrand, trước khi lên đường, đã tuyên bố với báo Le Monde: “để khép lại một chương (sử) đau thương trong mối bang giao với Việt Nam” và “mở ra một chương mới”. Ông lặp lại điều này tại Hà Nội; lời nói khéo của nhà ngoại giao, muốn gầy dựng nhanh chóng một nền hữu nghị và hợp tác hiệu lực, không mấy sát với thực tế.

“Chương sử đau thương” giữa hai nước, nếu có khép lại, thì đã khép trên thực tế, trên chiến trường Điện Biên Phủ, và trên công pháp, tại Hội nghị Genève năm 1954. Chương sử mới, nếu có mở cũng không tuỳ thiện chí của Pháp hay Việt Nam, mà tuỳ những điều kiện khách quan của hai nước trong một bối cảnh thế giới nào đó. Nhưng thái độ chung của ông Mitterrand là thân thiện và cảm động, ví dụ như khi bắt tay với thường dân ở phố Hàng Bông, hay khi trầm tư trước lòng chảo Điện Biên.

Điều lạ là người Pháp thường nhắc nhở đến chiến bại của họ tại Điện Biên Phủ, như kẻ vân vê một vết thương; phía Việt Nam, khi đề cập tới chiến tích với người Pháp, dường như cũng đồng tình xoa dịu niềm đau của đối phương ngày trước – một niềm đau dường như êm ái. Sự đồng loã kia giúp chúng ta nới tầm nhìn để nói rằng: Điện Biên Phủ không phải đơn thuần là chiến công của dân tộc này đánh bại dân tộc kia, mà là chiến thắng của công lý trước những bất công và phi lý – mà chế độ thuộc địa, trong giai đoạn suy tàn của nó, là biểu tượng; nó là kết quả tất yếu trong hướng đi của lịch sử. Ông Mitterrand, một thời nào đó, đã chia phần trách nhiệm về chiến tranh Đông Dương, mà ngày nay ông công khai thừa nhận như một “lỗi lầm”. Đã lỗi lầm rồi thì không thua nơi này cũng thua nơi khác, lòng chảo, đỉnh núi hay đồng bằng, có khác nhau cũng chỉ ở cách thua. “ Thắng vinh quang mà bại cũng anh hùng”, câu thơ Cao Tần nguyên là một châm ngôn Pháp, và ta thấy điều đó qua phim Điện Biên Phủ của P. Schoendoerffer, bi tráng và thi vị như một “ cơn hoả mộng”, chữ của Nguyễn Tuân.

Một chiến thắng của công lý. Chữ công lý thời đó, trước tiên là quyền dân tộc tự quyết, là chủ quyền và độc lập quốc gia; sau đó, công lý còn bao gồm cả những đòi hỏi tự do, bình đẳng và dân chủ, những khát vọng đến từ phương Tây phần nào theo những đường mòn thuộc địa. Chúng nằm trong vali của một số quan Tây, chân thành một cách tội nghiệp, tin rằng mình đi khai hoá văn minh. Dĩ nhiên, nhu cầu độc lập, tự do chúng ta có từ lâu, nhưng chúng hiện rõ nét hơn với nền tân học: người bộ đội trên mặt trận Điện Biên chắc có ý thức chính trị rõ nét hơn nghĩa quân Lam Sơn khi đánh vào quân Minh ở Đông Đô – trong hai cuộc giải phóng giống nhau.

Nói khác đi, trong chừng mực nào đó, tư tưởng phương Tây, cùng với vũ khí phương Tây, đã góp phần đánh bại người Pháp trong lòng chảo Điện Biên – dĩ nhiên là phần quyết định vẫn về phía ý chí và tinh thần Việt Nam. Có chút gì đó éo le khi bậc vương giả của kẻ chiến bại trở lại chiến trường xưa không phải để nhặt hài cốt như Tần Mục Công, mà còn để nâng đỡ người chiến thắng; và còn muốn nhắc nhở lại rằng: những vũ khí đó, tự do và dân chủ, xưa kia anh đã sử dụng thần tình để đánh bại chúng tôi, nay cần đem sử dụng giữa các anh với nhau vì là “một đòi hỏi của toàn nhân loại” (exigence universelle) trong một thế giới đã thay đổi nhanh chóng. Thông điệp tự do dân chủ của ông Mitterrand không có gì mới mẻ nên mang chút âm hao buồn bã. Ta nghe mà cảm động, như gặp người tình xưa hát bài hát cũ. Bên thềm nhà xưa vẳng tiếng gà trưa. Bài hát gợi lại những lỡ làng và những muộn màng. Chàng nói: “ Nhân quyền và phát triển kinh tế là hai bạn đường bất khả ly thân...” “ dân chủ và phát triển không thể rời nhau”. Rồi còn ve vãn: “ hoà bình đã vãn hồi, trật tự đã ổn định, sự tiến bộ vật chất càng rõ nét, khuyến khích m ở rộng đất nước về phía những tự do mới...” Thật khéo nói, vì tự do thì làm gì có mới với cũ. Chỉ ở mức phát triển nào đó, cũng như ở tuổi đời nào đó, con người cảm thấy những nhu cầu khác nhau về tự do.

Trọng tội của tất cả các hình thức thực dân là vi phạm pháp quyền. Ấy thế mà tổng thống một mẫu quốc cũ đã hứa giúp một nước cựu thuộc địa để “lần hồi xây dựng một nhà nước pháp quyền, nền dân luật, nhất là bộ luật thương mại”. Té ra bốn mươi năm sau khi giành lại chủ quyền bằng xương máu, dân Việt Nam vẫn chưa có quyền làm dân, quyền làm người bình thường của một xã hội tân tiến. So với những nước cựu thuộc địa khác, chúng ta đã trả cho độc lập một giá rất đắt, quá đắt. Giá ấy, ở thị trường chính trị lúc ấy, là do lịch sử quy định, chúng ta không hề tiếc rẻ. Tiếc chăng là nền độc lập mà chúng ta đã thu hồi với giá rất đắt, chúng ta lại phí phạm, từ thập niên này qua thập niên khác bằng những nhầm lẫn, bạo tàn và gian dối, khiến cho người dân Việt Nam, mà ông Mitterrand đánh giá là “ dũng cảm, thông minh, cần cù”, ngày nay thuộc vào dăm ba nước nghèo nhất thế giới. Khi thực phẩm thiếu, thì nhân phẩm chưa chắc đã thừa – những tệ đoan xã hội ngày càng trầm trọng là một hội chứng.

Điều buồn bã cuối cùng là: tổng thống Mitterrand chỉ nói những điều hiển nhiên. Nhưng giữa đồng bào mà nói với nhau thì đứa đi tù, đứa bị loại trừ, đày đọa; đứa ở nước ngoài bị xem là tay sai cho giặc, bị cấm cản đường về. Nhưng người ngoài nói thì chào đón, nhất là khi người đó có chút quyền hành quốc tế, và xu hào rủng rỉnh. Nhưng không sao, lời nói phải, ai nói cũng được, quý hồ là có người nghe, may ra có hiệu lực.

Do đó, tôi phải hai lần cảm ơn tổng thống Mitterrand: một lần từ con người Việt Nam trong tôi, lúc nào cũng loay hoay lo lắng cho quyền lợi đồng bào; thứ đến từ con người dân chủ trong tôi, luôn luôn thiết tha với quyền sống, quyền suy nghĩ, quyền ăn nói, quyền làm dân và làm người. Cho mọi người, không cứ gì Việt Nam.


Đặng Tiến

19.2.1993

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss