Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 18 / Điểm sách mới

Điểm sách mới

- Thuỵ Khuê, Kiến Văn, Nguyễn Lộc — published 01/01/2011 00:10, cập nhật lần cuối 06/02/2011 23:15

Điểm sách mới


Phạm Thị Hoài
Từ Man Nương đến AK và những tiểu luận

 

Tác phẩm mới nhất của nhà văn Phạm Thị Hoài vừa được Hợp Lưu (P.O. Box 277, GARDEN GROVE, CA 92642) xuất bản tại Hoa Kỳ. Bìa của hoạ sĩ Khánh Trường, phụ bản của Đinh Cường, Cao Xuân Huy đánh máy và Phan Tấn Hải trình bày, 190 trang, giá 10 USD.

Bản thảo tác phẩm đã rời Việt Nam tháng 9 và đến Paris tháng 10 năm 1992. Một số người tâm huyết với văn học nước nhà đã cố gắng vượt mọi trở lực để tác phẩm chào đời tại hải ngoại.

Đây là một tác phẩm giá trị, một cái mốc quan trọng trong tiến trình văn học nước nhà những năm gần đây, qua lối viết khai phóng của Phạm Thị Hoài về mặt văn phong cũng như tư tưởng. Và đây là tác phẩm đầu tiên mà tác giả trực tiếp gửi bản thảo từ trong nước ra để xuất bản tại hải ngoại.

Chúng tôi sẽ trở lại tác phẩm này trong một số sau.

Thuỵ Khuê


Đặng Hữu Thụ
Làng Hành Thiện và
các nhà nho Hành-Thiện triều Nguyễn

 

Tác giả xuất bản tại Pháp, không đề giá, 430 trang.

 

Làng Hành Thiện nổi tiếng về truyền thống khoa cử với những dòng họ lớn, về số lượng trí thức và viên chức phục vụ trong các chế độ, và về những nhân vật hoạt động cách mạng trong phong trào Đông Du, hay về sau này, Nguyễn Thế Truyền và Đặng Xuân Khu (Trường Chinh, hai lần làm tổng bí thư Đảng cộng sản).

Cuốn sách của ông Đặng Hữu Thụ tập hợp một cách công phu những tư liệu và thông tin liên quan tới các nhà nho Hành Thiện dưới triều Nguyễn (1802-1945), đồng thời cung cấp cho người đọc những tài liệu về cái làng khá đặc biệt này. Chỉ cần nêu ra hai điểm. Thứ nhất, về khoa cử, trong khoảng một thế kỷ khoa thi triều Nguyễn, Hành Thiện có 145 tú tài, 88 cử nhân, 4 phó bảng, 3 tiến sĩ, vượt xa hai làng nổi tiếng khác ở Bắc Bộ là Cổ Am và Đông Ngạc, cũng như ba làng tương tự ở Trung Bộ là An Đồng (Hà Tĩnh), La Hà (Quảng Bình) và Võ Liệt (Nghệ An) – nói công bằng, làng Đông Ngạc hơn Hành Thiện ở số người đỗ đại khoa (9/7), nhưng thua xa về số cử nhân (33/88). Thứ nhì, làng này đất hẹp, người đông (mật độ năm 1945 là 4000 người/km vuông), diện tích canh tác chỉ có 500 mẫu ta, mà có tới 100 địa chủ mà ruộng đất ở các làng, tỉnh lân cận và ở cả Long Xuyên (500 ha). Cũng do đó mà trước năm 1954, Hành Thiện đã có khoảng 200 người hành nghề tự do ở các thành phố.

Tác giả đã bỏ ra nhiều công phu tìm đọc sách báo, hỏi chuyện người đồng hương và tham khảo các bộ gia phả để soạn ra tập chuyên đề bổ ích này. Tất nhiên đây mới chỉ là một sơ thảo, chính tả và dấu thanh còn nhiều sai sót, thí dụ: tên ông thành hoàng làng Hành Thiện, nhà sư Dương Không Lộ (đời Trần), đã trở thành... Khổng Lồ (tr. 12-13).

Mấy năm trở lại đây, nổi lên phong trào trở về với truyền thống làng xã, tông tộc ở trong nước và ở hải ngoại, với tất cả những yếu tố tích cực và tiêu cực của nó. Làng Hành Thiện đi đầu trong việc này, vì đã giàu truyền thống. Có lẽ Hành Thiện là làng Việt Nam duy nhất mà hiện nay, mỗi năm vào dịp Tết, có những cuộc họp đồng hương hoặc đồng tộc ở cả Hà Nội, Sài Gòn, Paris và California.

Đọc xong cuốn sách của cụ Đặng Hữu Thụ, một kho tư liệu quý về một thời đã qua, tôi ước ao sớm có những nhà xã hội học và dân tộc học lấy Hành Thiện và người Hành Thiện ở Việt Nam và trên thế giới làm đề tài nghiên cứu khoa học. Ước ao ấy có viển vông quá chăng?

Kiến Văn

Nguyễn Ngọc Lan
NHẬT KÝ 1990-1991

 

Nhà xuất bản TIN, Paris, 1993, 384 trang, giá 100 FF. Đặt bán tại các nhà sách Sudestasie, Nhà Việt Nam (Paris 5), Khai Trí (Paris 13). Qua bưu điện (cộng thêm 30 FF cước phí): Đỗ Mạnh Tri, 6 rue Chère Année, 94370 SUCY-EN-BRIE ( France)

 

Tập Nhật ký 1989-1990 mà nhà xuất bản TIN công bố đầu năm 1992 ngừng khoảng tháng 4.1990, tức là một tháng trước khi chính quyền Việt Nam quyết định quản chế tại gia ông Nguyễn Ngọc Lan và đưa linh mục Chân Tín xuống Cần Giờ quản thúc. Tập Nhật ký 1990-1991 vừa được phát hành cho chúng ta đọc tiếp những trang ghi chép của Nguyễn Ngọc Lan trong thời gian hơn một năm quản chế. Lần này, những trang nhật ký được viết dưới dạng những lá thư gửi linh mục Chân Tín. Và, một cuốn sách thành hai, chúng ta được đọc cả một số thư của linh mục Chân Tín.

Độc lập với mọi xem xét chính trị, Nhật ký Nguyễn Ngọc Lan là một chứng từ quý giá về một thời kỳ, một tình thế, về một con đường. Đối với riêng tôi, phải đọc báo mà nuốt không trôi văn chương của báo Sài Gòn giải phóng, thì anh Lan đã làm hộ công việc điểm báo công phu và dí dỏm. Những ai không thích lối châm chọc của tác giả sẽ tìm thấy ở văn phong Chân Tín một cái gì trầm tĩnh, nhân hậu hơn.

Cố nhiên, nói tới hai nhân vật trí thức này của Sài Gòn, làm sao không nói tới chính trị cho được. Đến tháng 5 này, hai ông sẽ bị quản thúc vừa đúng 3 năm, nghĩa là kỳ hạn do chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh quy định. Mục đích của quyết định này là dập tắt tiếng nói của hai cá nhân. Mỗi ngày trôi qua, hay lần giở mỗi trang Nhật ký Nguyễn Ngọc Lan, mọi người thấy rõ sự vô hiệu của biện pháp hành chính và sự bất lực (may thay) của chính quyền. Linh mục Chân Tín bị đưa cách xa thành phố 70 cây số, ông Nguyễn Ngọc Lan không được ra khỏi phường, nhưng tiếng nói của họ vẫn cất lên, họ vẫn gặp bạn bè bốn phương qua thư từ, điện thoại, và những cuộc thăm viếng. Và những buổi “làm việc” với công an càng cho thấy rõ chính quyền ngày mỗi đuối lý. Ba mươi sáu chước, tốt hơn cả là chính quyền trung ương hãy ra quyết định bãi bỏ lệnh “cấm vận” đối với linh mục Chân Tín và Nguyễn Ngọc Lan, coi đó là một sự sốt sắng không cần thiết của địa phương. Trả lại tự do hoàn toàn cho hai ông trước cả kỳ hạn 7.6.1993, cũng là một cách giành thế chủ động, và chừng nào chứng tỏ thiện chí.

Kiến Văn


Nói cho con người
Hồ sơ CHÂN TÍN

 

Nhà xuất bản TIN, Paris, 1993, 72 trang (khổ lớn, A4), giá 30 FF. Đặt bán tại các nhà sách Sudestasie, Nhà Việt Nam (Paris 5), Khai Trí (Paris 13). Qua bưu điện (cộng thêm cước phí 7,5 FF): Đỗ Mạnh Tri, 6 rue Chère Année, 94370 SUCY-EN-BRIE (France).

Tập hồ sơ này bổ sung những trang thư của linh mục Chân Tín gửi Nguyễn Ngọc Lan (xem Nhật ký 1990-1991 nói trên). Tập hợp một số bài viết của Chân Tín sau năm 1975, đặc biệt là ba bài giảng Sám hối đã làm nhà cầm quyền nhức nhối và đi tới quyết định quản thúc nói ở trên, không những đối với linh mục, mà cả bạn ông, Nguyễn Ngọc Lan, mà chính quyền nghi là người chấp bút.

Kiến Văn


Nguyễn Kiến Giang
VIỆT NAM: Khủng hoảng và lối ra

 

Nhà xuất bản Trăm Hoa, P.O. Box 4692, Garden Grove, CA 92642, 1993, 140 trang, giá bán 8 USD.

 

Sách gồm 3 bài, viết trong khoảng từ tháng giêng 1990 cho đến tháng 3.1991:

1. Đi tìm lời giải mới của chủ nghĩa xã hội (Mấy suy nghĩ về vận mệnh lịch sử của chủ nghĩa xã h ội). Thêm đoạn “Mấy điều nói thêm” dài hơn một trang ở cuối bài.

2. Vấn đề con người đang được đặt lại (Một chủ nghĩa nhân văn mới sắp ra đời).

3. Khủng hoảng và lối ra.

Các bài viết được sắp xếp theo thứ tự thời gian. Hai bài đầu bàn về những vấn đề khái quát đi từ các loại hình và quan điểm chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa nhân văn cổ điển, chủ nghĩa nhân văn mới... Bài cuối cùng khảo sát vấn đề và đề nghị giải pháp cho cơn khủng hoảng toàn diện hiện nay ở Việt Nam.

Qua “Mấy điều nói thêm”, tác giả trần tình với người đọc tại sao ông viết “bản đề cương” này. Trở thành một “ người cộng sản chính cống” từ năm 16 tuổi, đến bây giờ, ở tuổi đã lục tuần, ông viết: “Từ trong chiều sâu tâm hồn tôi vẫn tự coi là người cộng sản, hơn nữa một người cộng sản kiên định, dù trải qua những thử thách mà tôi không hề lường trước”.

Nói về cuộc đời mình cũng vì tác giả muốn làm rõ một điều: “ viết bản đề cương này không phải là kết quả của một giây phút suy nghĩ bất thần, một “cơn hứng” chốc lát, mà thật sự đây là kết quả của một đời người (gần như thế) thể nghiệm chủ nghĩa cộng sản bằng trí tuệ và hàng động của chính bản thân mình. Nghĩa là kết quả của một cuộc “tự lột xác” không phải không đau đớn” .

Dù đau đớn là thế, tác giả đã “không thể không viết ra. Trước hết vì một “thôi thúc nội tâm”, như người ta thường nói. Không viết không chịu được, đơn giản có thế thôi. Viết để tự giải đáp, viết để ghi lại một nhận thức đã đạt tới ở thời điểm này”.

Khi phần nào hiểu được nỗi đau của tác giả, người đọc sẽ phải trân trọng quyển sách trong tay hơn nữa do thái độ viết bình tĩnh, sự sáng suốt và chừng mực trong tư duy và lý luận, về cung cách ôn hoà của ông, ngay cả những lúc nhiệt tình, sôi nổi nhất. Và, đáng quý hơn hết vẫn là sự rốt ráo, công minh, trong hoàn cảnh cho phép, qua việc phân tích, phê phán cả một nền nếp tư duy (và hành xử) không phải chỉ lỗi thời mà còn đi chệch đường tiến hoá chung của nhân loại, mà ông cũng đã từng ôm ấp, theo đuổi trong một phần đời.

Song có lẽ điều mang lại nhiều thú vị cho người đọc là những lý giải các vấn đề hiện tại, cùng với những dự phóng về một “ hình thái xã hội mới” cho tương lai. Cũng bằng những lập luận nghiêm chỉnh, chừng mực, vừa không sợ phiền lòng ai, mà cũng chẳng nhắm làm vừa lòng ai, tác giả cho rằng ta “có thể dự đoán một chủ nghĩa nhân văn mới đang thành hình”.

Dù bàn tới điều đang tàn lụi hay những nhận thức lý luận mới, vốn tri thức của tác giả, hay nói đúng hơn, nỗ lực tìm hiểu và thu nhập các tri thức của thời đại, luôn luôn hiển hiện trong suốt tác phẩm.

Đây là một quyển sách, do sức hấp dẫn của đề tài và phong cách viết cô đọng mà sáng sủa của tác giả, ta có thể đọc xong một mạch trong vài tiếng đồng hồ.

Đây cũng là quyển sách ta sẽ thấy cần trở lại, thật nhiều lần, để kiểm điềm và suy ngẫm thêm về những gì tác giả viết ra. Để lật đi lật lại những gì mình đồng ý hoặc chưa đồng ý với tác giả. Vì như tác giả đã nói, quyển sách nhỏ này (nhỏ một phần do sự chắt lọc, cô đọng cố ý của tác giả) thật sự chứa đựng những thu hoạch, suy nghĩ, ray rứt và tìm kiếm của gần trọn một đời người.

Ở hải ngoại, chúng ta chưa có nhiều dịp để đọc Nguyễn Kiến Giang, mặc dù ông còn viết với bút danh khác như Lương Dân hoặc Lê Diên. Do đó, nhiều người đọc sẽ náo nức chờ đọc thêm những gì ông sẽ viết thêm, vì ông còn tâm sự: “Còn bao nhiều điều phải nói, muốn nói mà chưa thể nói lên. Đành hẹn một cơ hội khác mà chính người viết không biết có hay không”.

Sau hết, xin có vài lời trân trọng dành cho nỗ lực của nhà xuất bản Trăm Hoa. Trong chợ chữ nghĩa hôm nay, tìm và in được một bản thảo quý hiếm từ một tác giả như Nguyễn Kiến Giang là điều khó và táo bạo. Đáng tiếc là những lầm lỗi kỹ thuật dù không thật sự nghiêm trọng nhưng khá nhiều, còn sót lại trong suốt quyển sách. Mong rằng lần tái bản, chúng ta sẽ có một ấn bản hoàn mỹ hơn của một tập sách quý.

Nguyễn Lộc


TUYỂN TẬP TRUYỆN NGẮN THẾ UYÊN

Diễn Đàn vừa nhận được Tuyển tập truyện ngắn của nhà văn Thế Uyên (Nhà xuất bản Xuân Thu ấn hành lần thứ nhất, tháng 12.1992, bìa của Nguyên Khai, 252 trang, 10 USD). Gồm 11 truyện ngắn, trong đó nổi bật là “ Căn nhà người mẹ” được tác giả viết thêm, 20 năm sau, tại Hoa Kỳ. Xin cảm ơn Thế Uyên và trân trọng giới thiệu với bạn đọc.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us