Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 18 / Việt Nam, huyền thoại lang bạt

Việt Nam, huyền thoại lang bạt

- Joël Luguern — published 01/01/2011 01:40, cập nhật lần cuối 06/02/2011 23:42
Người cộng tác: Phan Tam Khê

Việt Nam, huyền thoại lang bạt


Joël Luguern

 

Cho đến những năm 1940, dưới mắt người Pháp, Việt Nam là thiên đường cho những người muốn làm giàu, và những tay chơi ưa chuộng các cô Tonkiki, Tonkinoise. Chiến tranh Đông Dương đã làm thay đổi cách nhìn này. Song phải đợi đến khi Mỹ đặt chân lên miền đất mà họ đã chịu nhiều thất bại, thì người Pháp mới thấy một nước Việt Nam “mới” thật sự xuất hiện.

Hai mươi lăm năm về trước, trong con mắt của thế giới,Việt Nam hiện ra như một chú bé David hiền lành phải đơn thương độc mã đương đầu với tên khổng lồ Goliath mang hình thù đế quốc Mỹ. Bắc Nam đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, người Việt Nam chiến đấu kiên cường chống quân xâm lăng với một động lực duy nhất: đuổi kẻ thù ra khỏi mảnh đất tổ tiên.

Một vài hình ảnh được báo chí đăng tải rộng rãi càng củng cố cách nhìn này: một nữ du kích Bắc Việt, mảnh mai nhưng ngoan cường, với khẩu súng cũ kỹ đã khuất phục một phi công Mỹ khổng lồ; một sỹ quan công an Sài Gòn, bắn súng lục vào thái dương một Việt Cộng kháng chiến, một bé gái trần truồng, mặt đầm đìa nước mắt, trốn chạy khỏi xóm làng bị bom napan đốt trụi, v v...

Huyền thoại một nước Việt Nam anh hùng, can đảm trong đau khổ và thiếu thốn, chiến đấu để đạt đến một mục đích cao quý nhất, đã đạt tới tuyệt đỉnh. Cách nhìn ấy, nói chung, không thể gọi là sai lạc nhưng tất nhiên sự thật phức tạp hơn nhiều. Thời điểm đó không có chỗ cho những hoài nghi và tiểu dị (nuances). Khắp thế giới, người dân các nước thuộc địa cũ và các chiến sĩ cách mạng châu Mỹ La-tinh và Âu châu đều tuân theo những khẩu hiệu của Che Guevara, ước mơ tạo ra “ hai, ba hoặc nhiều Việt Nam ”. Phong trào đoàn kết với nhân dân Việt Nam và Mặt trận dân tộc giải phóng, “ người đại diện chân chính duy nhất”, lúc đó đã đạt cao điểm.

Một phần cũng nhờ hệ thống truyền thông đại chúng vừa nảy nở, Việt Nam chiếm được cảm tình nồng hậu của toàn thể thế giới. Mối nhiệt tình ấy, Việt Nam sẽ không bao giờ tìm lại được  nữa...

Cách đây 15 năm, qua hệ thống vô tuyến truyền hình, thế giới đã khám phá ra thảm kịch tàu Hải Hồng. Con tàu say mắc cạn trên bờ biển Mã Lai. Những thuyền nhân Việt Nam chen chúc, nhớn nhác, hấp hối. Họ, và tiếp theo họ là hàng trăm nghìn người khác, đã chạy trốn chế độ độc tài cộng sản và sản phẩm của chế độ này: chính sách nhồi sọ, cấm cản lưu thông, cưỡng ép cải tạo, tố giác lẫn nhau...

Một vài tháng sau, quân đội Việt Nam can thiệp vào Campuchia, kết quả thực tế là đã chấm dứt chế độ diệt chủng của Pol Pot, song Hà Nội lại càng bị chỉ trích nặng nề. Dư luận chính trị quốc tế cho rằng: không những họ đã nô dịch nhân dân trong nước, “gã khổng lồ của Đông Dương” còn bị bắt quả tang là đang thi hành chính sách bành trướng lãnh thổ. Việc thiếu vắng những bài phóng sự về Việt Nam và về “thuộc địa mới” càng tô đậm vai trò “gớm ghiếc” này.

Một ông “râu hùm” đã đặt hết kỳ vọng vào chủ nghĩa cộng sản, đến độ phải hy sinh cả cuộc đời mình. Nối nghiệp thần tượng Che Guevara là một ông “râu hùm” khác, tượng trưng cho sự tuyệt vọng về chủ nghĩa cộng sản. Những bài văn của Soljenitsyne về các trại goulag ở Nga, và nhất là những lời bàn của nhóm Tân triết gia đã trát bùn lên toàn bộ thế giới cộng sản và, tại Pháp, đã góp phần không ít vào việc tạo nên một huyền thoại khác: “Việt Nam, một chính quyền đểu cáng bậc nhất”. Phải hết sức ngây ngô hay cực kỳ mị dân mới có thể đòi hỏi một quốc gia kiệt quệ sau 30 năm chiến chinh phải giống như nước Pháp “sáng loà” sau 30 năm phát triển vượt bực về kinh tế.

Trong khi đó thì trên miền đất tiếp nhận, những người tị nạn được xem như là những người có tất cả mọi đức tính cao quý. Các nhà cầm quyền Hà Nội bị lăng mạ, và dân tộc anh hùng của 10 năm trước đây bị lãng quên như một người paria ở Ấn Độ. Lúc đó, những ai đã giúp đỡ cho người Việt Nam còn lại trong nước, đã bị chỉ trích và xem như là một bọn tay sai cho chính quyền Hà Nội. Năm 1981, một sáng lập viên rất ăn ảnh của tổ chức nhân đạo chuyên về y tế đã giải thích rằng: không nên giúp gì cho những người còn ở lại trong xứ, ngày nào Việt Nam còn ở trong chế độ cộng sản.

Nước sông Hồng đã chảy dưới cầu Long Biên khá lâu trước khi các lãnh tụ Việt Nam trở về già thừa nhận sự thất bại về đường lối chính trị duy ý chí của họ, và phần nào chịu đặt lại một số vấn đề.

Năm 1986, đại hội cua đảng cộng sản chủ trương “đổi mới”. Nhưng cũng phải đợi đến năm 1989, miền Bắc cũng như miền Nam mới cảm nhận được biến cố này (chủ yếu là về kinh tế). Đồng thời, số người tị nạn giảm hẳn đi, trừ những người chọn hướng Hồng Kông, và từ nay rất ít người trong bọn họ được xem như là những người tị nạn chính trị. Bởi vì tại các nước định cư, người ta thấy nhan nhản những người tị nạn chính trị giả hiệu nhưng phe phẩy thì chính hiệu. Cùng lúc đó ở Việt Nam, quyền tự do đi lại được thừa nhận, việc cưỡng ép ca ngợi chủ nghĩa Mác Lênin được thay thế một cách kín đáo bằng những cấm đoán chỉ trích chế độ bằng các bản văn hoặc một cách công khai. Đối với dân Việt Nam, sự thay đổi này không phải là nhỏ.

Cũng như ở Thái Lan, nơi mà mọi chỉ trích công khai hoàng gia bị buộc tội “khi quân” thì ở Việt Nam cũng có cái tội “khi đảng”, cái đó ai ai cũng rõ, nhưng sự kiện này, chẳng mảy may cấm kỵ các dân làm ăn lớn có thể thực hiện được những mối béo bở, miễn là họ phải biết giữ miệng giữ mồm. So sánh Việt Nam với Thái Lan không phải là một việc ngẫu nhiên. Tuy chế độ độc đảng ở Việt Nam lại giống chế độ chính trị “vai u thịt bắp” của một vài nước châu Phi hơn, thế nhưng người ta vẫn cứ hướng về Thái Lan để theo dõi. Điều này là nguồn vui lớn của chính phủ Việt Nam và... của các nhà kinh doanh du lịch. Từ hai ba năm nay, Việt Nam không phải là một quái vật bị tẩy chay nữa mà trái lại là một xứ mà người ta đua đòi viếng thăm.

Ba cuốn phim trên màn ảnh lớn của Pháp quay tại Việt Nam đã ra mắt vào năm 1992 là một hỗ trợ lớn cho khuynh hướng du lịch này. Nay, thì thật rất thường khi nghe một người quen kể chuyện viếng thăm (hay sắp đi thăm) Việt Nam. Thật thế, tầng lớp nào trong xã hội Pháp mà chưa đi thăm Việt Nam: từ các chủ nhà băng, những người ưa săn bắn, các ký giả, các tay giang hồ, các cựu chiến binh Đông Dương, kỹ nghệ gia, sinh viên, đại diện thương mãi, các bà mệnh phụ chuyên hoạt động từ thiện, danh ca, giáo sư, các ông cựu thực dân, điện ảnh gia, các nhà truyền giáo, Công giáo hoặc Tin lành, những người lái môtô lớn, các nhà hoạt động nhân đạo, văn sĩ, công chức cao cấp, các bác lái rượu, các cụ hưu trí, các nhà trí thức, các bác phó thường dân, những người sống bằng lợi nhuận hàng năm, người nào việc nấy đã nhảy vào Việt Nam. Đó là chưa kể đến những du khách bị ám ảnh về nhục dục, vì bệnh sida, càng lúc họ càng chạy trốn Thái Lan để đổ xô vào Việt Nam, nơi mà da thịt vẫn còn tươi mát và chưa bị lây lan... Ta cũng chưa kể đến các chính trị gia mọi đảng phái, từ tổng thống và quý khách của ngài, tất nhiên là có các ông bộ trưởng, quốc vụ khanh – một trong những quốc vụ khanh này, vào năm 1981 đã ngăn cản việc cứu giúp những người còn ở lại Việt Nam..., mới đây ông lại khuyến khích các nghiệp chủ Pháp hãy đổ sang Việt Nam bằng cách nói rằng: “ở Việt Nam người ta hít thở không khí Pháp”, ông quên thêm vào là ở đấy họ nói... tiếng Anh.

Ngày nay, Việt Nam là một món thời thượng, một cái mốt, một “ chân trời mới” của các hãng du lịch, đó cũng là lẽ thường vì Việt Nam là một lãnh thổ được mở cửa sau cùng. “Đặc điểm của cái mốt chính là nó nhanh chóng lạc điệu”, Jean Cocteau đã nói đại ý như vậy. Bãi biển, nắng, tính dục, vịnh Hạ Long, lợi nhuận nhanh chóng, tất cả cái đó cũng chỉ có một thời. Huyền thoại một Việt Nam dâng hiến cho những du khách và những người viếng thăm vô tư vô lự, không màn tới người dân Việt Nam (đối với họ, dân Việt chẳng là anh hùng mà cũng chẳng là con bệnh dịch hạch, dân tộc Việt Nam chẳng còn tồn tại nữa, nếu còn chăng thì chỉ là những kẻ phục vụ cho những nhóm ngoại quốc vãng lai) huyền thoại này rồi đến lượt cũng bị vỡ tan.

Ngày ấy, còn lại là những vấn đề thực chất. Những vấn đề đã đặt ra rồi, song các công ty du lịch muốn lờ đi, để khỏi phải làm nản lòng khách hàng của họ, đó là: từ ngày có cải cách kinh tế, sự cách biệt ngày càng trầm trọng giữa người giàu và người nghèo, nạn phá rừng khủng khiếp, các nhà trí thức bị canh chừng, hàng chục ngàn trẻ em bụi đường, các cô gái mại dâm đứng đường còn đông hơn thế, những người bị tù tội vì muốn phơi bày tư tưởng của mình được trả tự do nhỏ giọt, dân số tăng nhanh một cách đáng ngại, tế bào gia đình bị tan vỡ, quyền lập hội bị kiềm chế chặt chẽ...

Khi huyền thoại sụp đổ, lúc bấy giờ sẽ còn lại cho người Việt Nam bề bộn công việc phải làm. Và cũng có lẽ, đến lúc đó, người Việt Nam mới may mắn được người ta nhìn và phê phán khác đi, không thông qua lăng kính của những cách nhìn đam mê.

Phan Tam Khê
phỏng dịch

 

Tác giả bài này là nhà văn, từ nhiều năm nay hoạt động trong những tổ chức phi chính quyền giúp Việt Nam. Bài này ông viết và gửi Diễn Đàn trước khi tham gia đoàn của tổng thống Mitterrand đi thăm nước ta. Tựa đề nguyên tác tiếng Pháp của bài này là một sự chơi chữ, VIET NAM: LE MYTHE ERRANT, đọc lên nghe như gọi tên tổng thống Pháp, tất nhiên không thể dịch hết ý. Độc giả có thể tìm đọc nguyên tác trong Diễn Đàn Forum số 6, sẽ phát hành trung tuần tháng 4.1993.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss