Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 18 / Nợ nần và phát triển

Nợ nần và phát triển

- Nguyễn Trọng Nghĩa — published 01/01/2011 01:05, cập nhật lần cuối 06/02/2011 23:35

Tìm hiểu kinh nghiệm Nam Triều Tiên


Nợ nần và phát triển


Nguyễn Trọng Nghĩa

 

Theo thủ tướng Võ Văn Kiệt, để thực hiện mục tiêu tăng gấp đôi, từ nay đến năm 2000, tổng sản lượng quốc dân tính theo đầu người (hiện nay chừng 200 đôla), thì Việt Nam cần phải đầu tư khoảng 40 tỉ đôla, tức là 5 tỉ mỗi năm: hơn 1/3 tổng sản lượng quốc dân (chừng 14 tỉ đôla)! Nếu ước tính này được thực hiện, chắc chắn phần lớn phải dựa vào việc vay mượn vốn của nước ngoài vì ba lý do chính sau đây:

– Trong tình hình thiếu hụt ngân sách trầm trọng hiện nay của hầu hết các nước tư bản phát triển, viện trợ kinh tế của họ cho Việt Nam chỉ có thể là sẽ rất giới hạn.

– Với mức thu nhập quá thấp hiện nay, khả năng tích luỹ vốn của nhân dân và nhà nước Việt Nam cũng khó có thể dồi dào như có người đã ước mơ: 20 tỉ đôla trong vòng 8 năm!

– Để xây dựng hạ tầng cơ sở (đường sá, cầu cống...) đã quá cũ kỹ và nhất là thiếu thốn (đây là một khu vực sẽ ngốn rất nhiều vốn và thường không đem lại lợi nhuận trực tiếp), nhà nước không thể chờ đợi sự đầu tư của tư bản ngoại quốc mà trái lại phải tự mình đứng ra cáng đáng.

Vay mượn vốn nước ngoài (20 tỉ đôla hay nhiều hơn nữa) để phát triển: phải chăng đó là một trong những chọn lựa chiến lược về kinh tế của Việt Nam trong những năm tới, nhất là sau khi Mỹ đã bỏ cấm vận? Cách đây hơn 30 năm, chính phủ Nam Triều Tiên cũng đã đề ra một chính sách tương tự và họ đã thành công trong việc thực hiện. Do đó, tìm hiểu và suy nghĩ về kinh nghiêm sử dụng vốn vay của nước ngoài và biến nó thành một công cụ có hiệu quả cho công nghiệp hoá và phát triển, tưởng cũng không phải là điều vô ích.

Sau chiến tranh giữa Nam và Bắc Triều Tiên (1950-1953), vốn ngoại quốc đi vào Nam Triều Tiên dưới ba hình thức: viện trợ kinh tế, vay mượn và đầu tư trực tiếp của người nước ngoài.

Từ 1954 đến 1961, các nước tư bản (chủ yếu là Mỹ) đã viện trợ cho Nam Triều Tiên 3,1 tỉ đô la (100% tổng số vốn ngoại nhập), nhưng sau đó viện trợ kinh tế giảm đi rất nhanh (1962-66: 0,8 tỉ, 1967-71: 0,5 tỉ) để rồi chấm dứt hẳn từ năm 1972.

Nam Triều Tiên bắt đầu vay vốn nước ngoài từ 1962 trở đi, cùng lúc với sự đầu tư trực tiếp của tư bản ngoại quốc. Trong vòng 25 năm (1962-86), họ đã vay cả thảy 73,4 tỉ đô la, tức là gần 95% tổng số vốn ngoại nhập (77,32 tỉ), gấp 30 lần vốn do người nước ngoài đầu tư (2,62 tỉ)! Năm 1980, vay nhiều nhất: 8.471 triệu đôla. Năm 1985, Nam Triều Tiên nợ nước ngoài đến 46,729 tỉ đôla, chiếm 52,1% tổng sản lượng quốc dân. Thế nhưng, chỉ trong hai năm 1987-89 họ đã giảm được tổng số nợ xuống 29,4 tỉ đô la (13,9% tổng sản lượng quốc dân). Theo Shim Young Seop (1), sự thành công của Nam Triều Tiên trong việc phát triển kinh tế bắt nguồn từ mấy đặc điểm sau đây:

– Quá trình công nghiệp hoá của Nam Triều Tiên đã không bị quy định bởi một lô gích ép đặt từ bên ngoài: các chiến lược và chính sách công nghiệp của Nam Triều Tiên, cởi mở và nhất là không có tính cách giáo điều, đã không bị tổ chức tuỳ thuộc vào sự thúc đẩy của vốn ngoại nhập. Trái lại vốn vay của nước ngoài được sáp nhập vào trong khung cảnh của các chính sách công nghiệp của nhà nước. Nhằm làm chủ được những món nợ, chính phủ Nam Triều Tiên đã lấy những biện pháp vừa khuyến khích và kiểm soát được vốn ngoại nhập vừa được gắn chặt với chiến lược phát triển đang thực hiện.

– Nhà nước đã tỏ ra có đủ khả năng điều tiết và chỉnh lý giữa nợ nần, công nghiệp hoá, xuất khẩu và tăng trưởng, không những trong một thời cơ thuận lợi như vào năm 1986 (khi lãi suất giá đôla và nguyên liệu đều giảm) mà ngay cả trong một hoàn cảnh bất lợi (như khi giá dầu khí tăng vọt): nhà nước đã can thiệp như là người đối tác (partenaire), nhằm mục đích tạo ra sự cố kết và liên đới giữa những tác nhân kinh tế.

– Trong những năm 1960 và 1970, Nam Triều Tiên là một trong những nước có sự phân phối lợi tức bình đẳng nhất thế giới; và đó là một điều kiện ban đầu thuận lợi cho việc sử dụng tối ưu vốn vay của nước ngoài: không thể nào bắt công nhân, viên chức phải hy sinh, nhận lương thấp hầu làm giảm giá thành của hàng hoá và đẩy mạnh xuất khẩu (điều kiện cần thiết để trả những món nợ đã vay của nước ngoài) nếu cùng lúc những người lãnh đạo lại lãnh lương quá cao.

Ngoài nhà nước ra, cũng còn phải nhấn mạnh đến vai trò của các xí nghiệp và hệ thống tài chính: khả năng làm chủ việc vay vốn cũng như quá trình nợ nần tuỳ thuộc ở cả ba tác nhân kinh tế nói trên. Thật vậy, cho dù chiến lược, chính sách phát triển của nhà nước có đúng đắn đến đâu, nếu hệ thống tài chính quá lạc hậu, bất lực nên không biết phân phổi vốn một cách hợp lý, tối ưu, nếu các xí nghiệp không biết làm ăn nên thua lỗ, thì chắc chắn nợ mẹ sẽ đẻ ra nợ con, để rồi đi đến chỗ phá sản.

Với sự cải thiện quan hệ với Mỹ, Việt Nam hy vọng một ngày rất gần đây Mỹ sẽ bỏ cấm vận, và nhờ đó Việt Nam sẽ nhận được nhiều tín dụng của Ngân hàng thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng phát triển Á châu, v.v... Ai không nghĩ đó là điều đáng mừng. Thế nhưng, rút kinh nghiệm về cách làm ăn không được nghiêm chỉnh lắm trong việc xây dựng đường dây điện cao thế Bắc-Nam, Tuần báo Kinh tế Viễn Đông (số ra ngày 18.2.1993, tr. 5) đã lên tiếng báo động là không khéo tín dụng của các tổ chức nói trên sẽ tàn phá Việt Nam ghê gớm hơn cả bom B52. Theo tuần báo này, cứ nhìn tấm gương của Phi Luật Tân hiện nợ của các tổ chức nói trên 29 tỉ đôla (gấp hai lần tổng sản lượng quốc dân của Việt Nam) mà không có gì để trả, thì đủ rõ.

Để phát triển, chắc chắn Việt Nam cần phải vay vốn của nước ngoài. Nhưng liệu nhà nước, các xí nghiệp (quốc doanh và tư nhân) cũng như hệ thống tài chính của Việt Nam đã có đủ khả năng để sử dụng có hiệu quả vốn vay của nước ngoài? Phải chăng, trong một chừng mực nào đó, đúng như Tuần báo Kinh tế Viễn Đông đã nhận định, sự cô lập của Việt Nam trong mười mấy năm rồi rốt cuộc lại là điều may? Nếu không, chắc Việt Nam cũng đã nợ ngoại quốc còn hơn chúa Chổm, chứ không phải chỉ 12 tỉ rúp (trước đây tương đương với 12 tỉ đôla) còn chưa trả cho Liên xô!

Nguyễn Trọng Nghĩa

 

1 Endettement et industrialisation. Le cas de la République de Corée, trong Asies recherches số 9, tháng 9-1992

 

Vốn đầu tư ngoại quốc vào Nam Triều Tiên

tính bằng tỉ đôla và phần trăm

Thời kỳ

1954 1961

1962 1966

1967 1971

1972 1976

1977 1981

1982 1986

Tổng cộng

Viện trợ

3.10

100%

.80

65,6%

.50

12,8%

 

 

 

4.40

5,5%

Vay

0

 

.40

32,8%

3.30

84,6%

9.20

94,8%

28.90

97,3%

31.60

96,3%

73.40

91,3%

Đầu tư trực tiếp

0

.02

1,6%

.10

2,6%

.50

5,2%

.80

2,7%

1.20

3,7%

2.62

3,3%

Tổng cộng

3.10

1.22

3.90

9.70

29.70

32.80

80.42

Xuất xứ: Ngân hàng Triều Tiên, Shim dẫn, tr. 141

 

Diễn biến số tiền vay hàng năm và tổng số nợ tính bằng triệu đôla

 

Vay

Nợ chung

Nợ/xuất

Nợ/TSL

1962

1964

1965

1966

1967

1968

1969

1970

1971

1972

1973

1974

1975

1976

1977

1978

1979

1980

1981

1982

1983

1984

1985

1986

1987-89

1989

31

35

19

277

297

577

667

850

983

829

1074

1986

2845

2610

2627

3189

7015

8471

7428

7217

5816

5924

6651

5288

*

 

58

138

177

352

646

1199

1800

2245

2922

3584

4260

5937

8456

10533

12648

14871

20500

27367

32490

37083

40378

43053

46729

44500

 

29400

35,50

65,70

61,00

77,40

100,50

136,20

156,50

162,80

180,40

161,20

103,40

122,30

143,70

111,40

96,70

86,70

103,90

120,30

118,90

130,80

133,10

127,90

141,20

106,00

 

39,70

2,50

4,80

5,90

9,60

15,10

22,90

27,10

27,70

30,90

30,80

31,70

31,70

40,70

36,90

34,50

29,00

33,40

44,50

48,60

52,00

50,80

49,50

52,10

43,30

 

13,90

Xuất xứ: Hội đồng kế hoạch kinh tế và những nguồn NTT khác (dẫn theo Shim, tr. 160)

* = trả nợ trước

 

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss