Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 18 / Thời sự Việt Nam

Thời sự Việt Nam

- Diễn Đàn — published 02/01/2011 01:00, cập nhật lần cuối 06/02/2011 23:47

Thời sự Việt Nam


Việt kiều: nhập cảnh, đi lại trong nước

Một thông tư liên bộ ngày 18.1.1993 vừa sửa đổi một số qui định về nhập xuất, tạm trú, đi lại trong nước của người Việt Nam định cư ở nước ngoài như sau:

– Các đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài từ nay có quyền cấp thị thực nhập xuất cảnh mà không phải xin phép bộ nội vụ cho tất cả những Việt kiều đã vào Việt Nam lần trước đó không quá ba năm. Thị thực có thời hạn không quá 3 tháng và có thể được gia hạn nhiều lần, mỗi lần không quá 3 tháng. Riêng Việt kiều về nước làm ăn, đầu tư, hợp tác khoa học, văn hoá có thể được cấp thị thực có thời hạn đến 12 tháng, có giá trị vào ra nhiều lần và có thể được gia hạn mỗi lần không quá 12 tháng.

Thị thực xuất nhập cảnh sẽ không được cấp trong hai trường hợp: 1/ Người xin cấp thị thực đã “vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam” trong lần nhập cảnh trước và chưa đủ 36 tháng kể từ ngày xuất cảnh sau vi phạm; 2/ “Vì lý do bảo vệ an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự an toàn xã hội của Việt Nam”. Bản thông tư còn qui định rằng Việt kiều “có thể bị tạm hoãn xuất cảnh nếu có hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam và đang được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xem xét giải quyết”.

– Khi nhập cảnh, Việt kiều được cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu nhập cảnh. Việt kiều được đi đến các địa phương ở trong nước mà không còn phải xin giấy phép (trừ các khu vực cấm người nước ngoài). Song, trong thời gian ở Việt Nam, Việt kiều vẫn phải khai báo tạm trú với chính quyền cấp xã, phường khi lưu lại qua đêm.

– Người nước ngoài là thân nhân (cha, mẹ, vợ, chồng, con) của Việt kiều, khi xin đi cùng, được hưởng những thủ tục thuận lợi như Việt kiều.

Những qui định mới này có hiệu lực từ ngày 1.4.1993.


Clinton - Việt Nam: nhúc nhích

Theo Don Oberdorfer, báo Bưu điện Hoa Thịnh Đốn ngày 19.3, chính phủ Clinton sắp có quyết định về việc có tiếp tục hay không những áp lực đối với Việt Nam. Một phiên họp các phụ tá viên của Hội đồng An ninh Quốc gia đã được sắp đặt để thảo luận về những lựa chọn trên vấn đề này. Phiên họp tuy phải bãi bỏ giờ chót vì tình hình quốc tế, nhưng có thể sớm được triệu tập lại. Các vấn đề chính sẽ được thảo luận, và có vẻ như còn ý kiến khác biệt giữa các quan chức chính quyền, là sự cấm vận đối với Việt Nam, chính sách ngăn chặn Việt Nam không được vay tiền của các tổ chức quốc tế và việc nối lại quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Hoa Kỳ e ngại rằng trong tháng tư tới, Pháp và nhiều nước khác sẽ không còn tôn trọng việc Mỹ ngăn cản Việt Nam vay mượn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các tổ chức tài chính quốc tế khác. Hai nhân vật quan trọng của uỷ ban đối ngoại Thượng nghị viện Mỹ, Claiborne Pell, chủ tịch uỷ ban, và Richard G. Lugar, đã viết thư cho tổng thống Clinton kêu gọi ông “ có ngay những bước tiến trong việc chấm dứt sự cô lập Việt Nam về kinh tế và chính trị”. Các nhà kinh doanh Mỹ cũng làm áp lực với chính quyền trong chiều hướng này. Tuy nhiên, một số gia đình những người “mất tích trong chiến tranh”, hoạt động trong Liên đoàn quốc gia những gia đình quân nhân Mỹ bị cầm tù hay mất tích ở Đông Nam Á, vẫn tiếp tục làm áp lực ngược lại.

Hôm thứ tư 17.3, Trợ tá ngoại trưởng Mỹ William Clark và nhiều viên chức khác đã tiếp tại Washington ông Trịnh Xuân Lãng, đại sứ sắp hết nhiệm kỳ của Việt Nam tại Liên hiệp quốc. Nguồn tin Việt Nam cho biết, ông Winston Lord, người được tổng thống Clinton bổ nhiệm làm Trợ tá ngoại trưởng phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. và đang chờ Quốc hội thông qua, cũng có mặt trong buổi gặp ông Lãng. Tuy nhiên, bộ ngoại giao Mỹ không xác nhận tin này.

(Los Angeles Times 18.3 và Washington Post 19.3)

Ngân hàng Hoa Kỳ trở lại Việt Nam

Ngân hàng Hoa Kỳ (Bank of America), ngân hàng lớn thứ hai của Mỹ, trụ sở chính ở San Francisco, thông báo ngày 11.3 là đã được phép mở một phòng đại diện tại Việt Nam. ông Larry Greenberg, phó chủ tịch Ngân hàng, cho biết phòng này sẽ được đặt tại Hà Nội, từ 2 đến 6 tuần tới. Trong khi chờ đợi ngày Hoa Thịnh Đốn chính thức bãi bỏ cấm vận đối với Việt Nam, hoạt động của phòng đại diện này là quan hệ với phía Việt Nam, nghiên cứu thị trường và giúp đỡ các công ty Mỹ, Á hay Âu châu muốn làm ăn ở Việt Nam.


Việt Nam – Israel

Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước vùng Cận Đông, trước giờ chỉ giới hạn ở các nước A-rập, nay có lẽ đã bước vào một giai đoạn hoàn toàn mới, với sự kiện lần đầu tiên một phái đoàn ngoại giao Israel chính thức tới thăm Việt Nam từ thứ hai 15 đến thứ sáu 19.3 vừa qua. Phái đoàn gồm 4 người, do ông Yossef Hadass, nhân vật đứng thứ ba trong bộ ngoại giao Israel, dẫn dầu. Về phía Việt Nam, ông Tạ Nguyên, quyền vụ trưởng vụ Tây Á và Châu Phi là người tiếp đón và làm việc với đoàn. Theo ông Nguyên, hai bên đã thoả thuận bắt đầu bằng các quan hệ hợp tác kinh tế, song việc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai nước cũng được đưa ra trong các cuộc hội đàm. Ngoài bộ ngoại giao, đoàn Israel cũng đã hội đàm với các quan chức Việt Nam thuộc các bộ nông nghiệp, thương mãi và y tế. Sau ba ngày làm việc ở Hà Nội, đoàn đã đi thăm thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 18.3, người phát ngôn của bộ ngoại giao Việt Nam, bà Hồ Thể Lan đã khẳng định lại “Việt Nam ủng hộ cuộc đấu tranh đòi quyền tự quyết của nhân dân Palestine và việc thiết lập một Nhà nước Palestine độc lập”.

(AFP 15 - 18.3.93)

Kuwait giúp làm thuỷ lợi

Một viên chức chính phủ Kuwait, ông Murtada Ahmed Ibrahim thông báo ngày 15.3 là chính phủ Kuwait đã quyết định cho Việt Nam vay một số tiền 16,5 triệu đôla với những điều kiện thuận lợi để thực hiện một chương trình thuỷ lợi quy mô lớn ở tỉnh Gia Lai, Tây nguyên. Theo ông Ibrahim, khoản cho vay này đã được quyết định trước năm 1990, nhưng bị hoãn lại vì cuộc chiến tranh với Iraq. Việt Nam đã chỉ trích Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh này, nhưng theo ông Ibrahim, “điều quan trọng là Việt Nam đã lên án Iraq xâm lược Kuwait”. Hợp đồng cho vay sẽ được ký kết chính thức trong một ngày gần dây, với lãi suất 3% trả trong 20 năm, trong đó 5 năm đầu chưa phải trả.

(AFP 1.3)

Phòng kinh tế trẻ

Một phái đoàn của Phòng kinh tế trẻ Pháp do ông Alain Lejeau, chủ tịch Phòng, dẫn đầu, đã tới thăm Việt Nam đầu tháng 3 vừa qua, trong nỗ lực gây dựng lại Phòng kinh tế trẻ miền Nam (thành lập vào những năm 1950) đã bị giải thể hồi 1975, đồng thời tìm hiểu các khả năng đầu tư vào Việt Nam cho các nhà kinh doanh Pháp. Phòng kinh tế trẻ (Jeune Chambre Economique) là một tổ chức không vụ lợi quy tụ các nhà kinh doanh trẻ trên thế giới, thành lập từ năm 1944 tại Mexico, số hội viên hiện nay là 450.000 với nhiều chi quốc gia tại 105 nước.

(AFP 8.3)

Việt - Nhật

Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đi thăm chính thức Nhật Bản trong năm ngày kể từ 24.3. Đây là chuyến công du đầu tiên của ông sang một nước “phương Tây”, với tư cách là thủ tướng chính phủ Việt Nam, và cũng là lần đầu tiên kể từ 1975, một vị đứng đầu chính phủ Việt Nam đi thăm Nhật Bản. Chính phủ Nhật đang chuẩn bị một số khoản viện trợ cho Việt Nam, sẽ được thủ tướng Nhật Kiichi Miyazawa công bố khi tiếp đón ông Kiệt. Nhật đã tái lập viện trợ kinh tế cho Việt Nam từ tháng 11.1992 với 45 tỷ yen (375 triệu đôla). Ngày thứ năm 25.3, chính phủ Nhật đã công bố sẽ giúp thêm Việt Nam 680 triệu yen (5,9 triệu đôla) cho một số dự án cụ thể: trang bị cho một nhà thương ở Hà Nội (350 triệu yen), trang bị vật tư lâm nghiệp (330 triệu yen). Ngoài ra một ngân khoản 49 triệu yen đã được chuyển cho Việt Nam để mua dụng cụ thể dục.

(AFP 9, 13 và 26.3)

Xuất khẩu lao động

Trả lời phỏng vấn của báo Nhân Dân ngày 24.2, bộ trưởng bộ lao động Trần Đình Hoan đã chính thức nhắc lại chính sách xuất khẩu lao động của chính phủ Hà Nội, bị nhiều khó khăn trong mấy năm gần đây (vì sự sụp đổ của khối Liên Xô cũ và chiến tranh vùng Vịnh) nhưng vẫn được Nhà nước Việt Nam coi là một chính sách quan trọng để góp phần giải quyết nạn thất nghiệp (và mang lại nhiều ngoại tệ cho chính quyền!). Theo ông Hoan, các thị trường lao động đáng chú ý là “Đài Loan, Singapore và Nhật Bản”. Vẫn theo sự tính toán của ông Hoan, một công nhân Việt Nam trung bình gửi sang các thị trường mới nói trên có thể được lĩnh từ 100 đến 400 đôla mỗi tháng, sau khi trừ đi các khoản chi phí xã hội và thuế khoá. Mới đây, một công ty xây dựng Nam Triều Tiên đã tuyển gần 500 công nhân Việt Nam sang làm việc tại Trung Đông  (xem tin Diễn Đàn số 17).


Việt Nam ASEAN

Viện An ninh và Nghiên cứu quốc tế của Thái đã tổ chức một cuộc hội thảo cấp cao về quan hệ giữa Việt Nam và các nước trong vùng tại Bangkok ngày 22.2 vừa qua, với sự tham dự của thủ tướng Thái Lan Chuan Leekpai, phó thủ tướng Việt Nam Nguyễn Khánh, bộ trưởng tài chính Malaixia Anwar Ibrahim, v.v... Cho tới nay, theo ông Nguyễn Khánh, Việt Nam đã ký kết gần 30 hợp đồng với các nước ASEAN, trong sự hợp tác dài hạn về mọi mặt, kinh tế, thương mãi, khoa học kỹ thuật và văn hoá. Ông kể ra hiệp định về phát triển sông Mekong, mới được ký kết ở Hà Nội, như một ví dụ mẫu mực về sự hợp tác này và tỏ ý mong muốn rằng phương pháp thương thảo dẫn đến hiệp định đó cũng sẽ được áp dụng ở vùng biển Đông Nam Á (nói bóng gió về cuộc tranh chấp các quần đảo Trường Sa - Hoàng Sa). Tại cuộc hội thảo, bộ trưởng tài chính Malaixia Ibrahim đã kêu gọi Hoa Kỳ nối lại các quan hệ với Việt Nam. Phó thủ tướng Nguyễn Khánh thì cho rằng sự tiếp tục cấm vận của Hoa Kỳ không còn hiệu lực ngăn cản được Việt Nam phát triển kinh tế, như những năm trước đây.

(AFP 22.2)

Bảo vệ thú rừng

Tại một hội nghị quốc tế về cá sấu họp tại Darwin (Úc), bà Hồ Thu Cúc, một nhà nghiên cứu về côn trùng đã kêu gọi thế giới giúp đỡ Việt Nam bảo vệ giống cá sấu đang bị đe doạ diệt chủng vì sự săn bắn bừa bãi của những người thợ săn bất hợp pháp, bị cám rũ bởi nguồn lợi lớn từ thị trường buôn lậu da cá sấu ở Trung Quốc, Thái Lan và nhiều nước khác. Theo bà, cả cá sấu nước lợ và cá sấu nước ngọt đều bị săn bắn bằng súng, thuốc nổ và các phương tiện khác, bán ra với giá từ 70 đến 1400 đôla một con. Mặc dầu chính phủ Việt Nam đã có nghị định cấm buôn bán thú rừng (tê giác, cọp, beo, voi, cá sấu, v.v...) nhưng do thiếu phương tiện và nhân sự có kinh nghiệm nghề nghiệp, các nghị định ấy không đủ hiệu lực ngăn chặn nguy cơ nhiều loài thú quý sẽ bị tiêu diệt.

(AFP 16.3)

Dầu mỏ

Công ty dầu quốc doanh Đài Loan Chinese Petroleum Com. (CPC) cho biết một dự án xây dựng một nhà máy lọc dầu trị giá 160 triệu đôla tại Việt Nam đã được thoả thuận về nguyên tắc với bộ kinh tế Việt Nam, và sẽ được tiến hành khi có một hiệp định bảo đảm đầu tư giữa hai nước. Trong dự án này, CPC liên doanh với công ty Pháp Total và công ty dầu quốc doanh của Việt Nam. Đây là một nhà máy cỡ trung bình, với năng suất 130.000 thùng (baril) dầu mỗi ngày.

Theo nhật báo tiếng Anh Vietnam News ngày 23.2, phó thủ tướng Phan Văn Khải đã ra chỉ thị cho vụ Vận tải đường biển nghiên cứu liên doanh với các công ty nước ngoài để hình thành lực lượng tàu chuyên chở dầu xuất khẩu Việt Nam. Mục tiêu ông Khải đề ra là ngay trong năm 1993, Việt Nam phải tự túc chuyên chở được khoảng 20% lượng dầu xuất khẩu và tới năm 1995 tăng khối lượng này lên 40%. Sản lượng dầu thô của Việt Nam trong năm 1992 là 5,5 triệu tấn, dự trù được tăng lên 6 triệu tấn trong năm nay, và do chưa có nhà máy lọc dầu, tuyệt đại đa số sản lượng nói trên được xuất khẩu với thị trường chính là Nhật Bản.

(AFP 23 và 25.2)

Thiếc, đồng, phối phát...

Ngoài dầu hoả, than đá, là những tài nguyên đã và đang được khai thác, Việt Nam còn nhiều tài nguyên mỏ khác đang được các công ty khai thác mỏ quốc tế chú ý. Dù những điều kiện khai thác còn gặp nhiều khó khăn (cơ cấu hạ tầng, năng lượng và cả trong việc bảo vệ sản xuất), mới đây hai công ty Úc và một công ty Thái Lan đã đi bước đầu trong hoạt động này. Đầu tháng 3, Westralian Sands Ltd. đã ký một hợp đồng liên doanh khai thác các mỏ titanium trong tỉnh Hà Tĩnh. Pulsar Graphite Ltd., cũng của Úc, đang đợi được thông qua dự án đầu tư khai thác than chì ở Việt Nam. Cùng trong khoảng thời gian này, người ta được biết chính phủ Úc và Chương trình phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP) đã ký một thoả thuận bỏ ra 588.000 đôla để giúp Việt Nam sửa đổi Luật khai thác tài nguyên. Một chuyên viên Liên hiệp quốc làm việc với chính phủ Hà Nội cho biết Việt Nam vẫn rất mong đợi những dự án đầu tư khai thác mỏ thiếc ở Hà Tĩnh và mỏ bauxite (làm nhôm) ở Lâm Đồng. Cũng trong đầu tháng 3, Padaeng Industry, công ty mỏ của Thái, cho biết đã gặp gỡ các nhà chức trách Việt Nam để tìm hiểu về khả năng đầu tư vào các dự án khai thác kẽm và đồng ở Việt Nam. Theo ông Arsa Sarasin, chủ tịch công ty, Padaeng sẵn sàng bỏ vốn ban đầu 40 triệu đôla vào dự án này, nếu báo cáo của các nhà địa chất (sẽ hoàn thành trong hai tháng tới) cho biết là việc khai thác có thể thành tựu về mặt thương mãi.

(AFP 2 và 10.3, FEER 11.3).

Nhân quyền

Hội Hồng thập tự quốc tế sẽ đóng cửa văn phòng tại Hà Nội ngày 31.3.1993, vì lý do ngân sách. Đại diện Hội ở Hà Nội, ông Peter Lutoff, người Thuỵ Sĩ, đã xác nhận những người cuối cùng của chế độ cũ bị đưa đi “cải tạo” đã được trả tự do trong năm 1992. Tuy nhiên, ông nói, nhiều người khác đã bị bắt giam từ sau năm 1975, trong đó có những tù nhân chính trị mà Hồng Thập tự quốc tế vẫn không được đi thăm.

Một phái đoàn của tổ chức Mỹ hoạt động nhân quyền, Asia Watch, đã tới Việt Nam trong một chuyến đi điều tra thực địa kéo dài 10 ngày, chấm dứt vào ngày 18.3. Phái đoàn do ông Sidney Jones, giám đốc chấp hành, dẫn đầu. Asia Watch đã nhiều lần phản đối Việt Nam đàn áp những người đối lập, gần đây nhất là vụ xử ông Nguyễn Đan Quế 20 năm tù vì “ hoạt động lật đổ”. Thông tấn xã Việt Nam đưa tin về chuyến đi của đoàn không cho biết đoàn đã được gặp các tù nhân chính trị mà Asia Watch vẫn lên tiếng bảo vệ hay không.


Đình công dây chuyền

Các xí nghiệp có nước ngoài đầu tư đang trở thành những “điểm nóng” trong những quan hệ xã hội ở thành phố HCM. Riêng trong tháng hai vừa qua, ba cuộc đình công đã bùng nổ tự phát, đặt ban giám đốc xí nghiệp, liên đoàn lao động thành phố và chính quyền vào thế lúng túng. Ngày 2.2, hơn 100 công nhân ở công ty Triumph International sản xuất đồ lót phụ nữ (vốn 100% của Đức) đình công. Bốn ngày sau, tới lượt 650 công nhân của công ty Ree Young (liên doanh với Nam Triều Tiên), sản xuất túi xách da (xem tin Diễn Đàn số 17). Ngày 18.2, là 200 công nhân công ty Thái Bình, chuyên gia công túi xách xuất khẩu (cho Nam Triều Tiên).

Một cán bộ của liên đoàn lao động thành phố đã nhận xét: cuộc đình công của công nhân Ree Young là cuộc đình công lớn nhất từ sau 1975. Sau ba ngày đấu tranh, hội đồng quản trị xí nghiệp đã đáp ứng tất cả các yêu sách: thực hiện mức lương tối thiểu là 35 đôla một tháng, ngày lao động 8 giờ, ký hợp đồng lao động với từng người, ký thoả ước lao động tập thể và yêu cầu chuyên gia Nam Triều Tiên kiểm điểm và xin lỗi công nhân về những đối xử thô bạo của họ.

Theo báo Lao động ngày 21.1.93, những vụ đình công dây chuyền trong các xí nghiệp liên doanh với nước ngoài đang làm cho một số không ít người trong chính quyền “lo ngại”, nếu tình trạng trở nên phổ biến, tư bản nước ngoài sẽ “ngại ngùng” – Đến nay họ vẫn nghĩ rằng sức lao động Việt Nam là “lực lượng có tổ chức”. Bài báo nhắc lại rằng, trong hàng chục năm qua, với cơ chế kinh tế quốc doanh, “ khái niệm đình công là điều gì rất xa lạ (sic)”. Việc ghi quyền đình công vào dự thảo luật lao động vẫn là điều đang tranh cãi. Tại đại hội đảng cộng sản tháng 7.1991, trả lời câu hỏi của báo chí nước ngoài về quyền đình công của công nhân Việt Nam, ông Trần Đình Hoan, bộ trưởng bộ lao động và xã hội, đã khẳng định rằng các vấn đề tranh chấp lao động ở Việt Nam có những phương cách giải quyết khác hơn là đình công!


Toan tính khủng bố?

Theo người phát ngôn bộ ngoại giao Việt Nam, 18 người đã bị công an bắt giữ sau khi một người Mỹ gốc Việt mang theo chất nổ bị bắt ngày 5.3 ở sân bay Tân Sơn Nhứt. Nguồn tin từ bộ nội vụ cho biết, trong số những người đã bị bắt có 4 Việt kiều mang quốc tịch Mỹ. Nhiều nguồn tin ngoại giao cho rằng một số người dính dáng với phe đảng của Nguyễn Văn Thiệu đã toan tính gây ra một số vụ nổ ở thành phố để gây hoang mang cho những người muốn đầu tư vào Việt Nam. Một tin đồn được Tạp chí kinh tế Viễn đông đưa ra (số đề ngày 25.3) là trong số những người bị bắt có cả nhà văn quân đội Nguyễn Khải, nhưng Diễn Đàn đã kiểm nghiệm tin này không đúng sự thực.

(AFP 20.3)

Tin ngắn

* Lý Tống, người đã dùng dao uy hiếp phi hành đoàn của một chiếc máy bay Airbus của công ty Bungari JES Air do Hàng không Việt Nam thuê bay đường Bangkok - thành phố Hồ Chí Minh ngày 4.9.1992, ép máy bay phải bay 30 phút trên bầu trời Sài Gòn để thả truyền đơn kêu gọi lật đổ chế độ, đã bị một toà án thành phố xử 20 năm tù, và bồi thường thiệt hại cho Hàng không Việt Nam 500.000 đô la.

* Đài Loan sẽ cho Việt Nam vay 45 triệu đôla với những điều kiện dễ dãi, để thực hiện một dự án xây cất đường sá (30 triệu) và một số dự án công nghiệp cỡ nhỏ (15 triệu).

* Việt Nam đã tặng Cuba 10.000 tấn gạo và đã ký hợp đồng bán cho Cuba 100.000 tấn khác trong hai năm tới.

* Singapore, bạn hàng quốc tế số một của Việt Nam, đã mở một lãnh sự quán tại thành phố Hồ Chí Minh kể từ thứ hai 8.3.1993.

* Chuyến đi thăm chính thức Việt Nam của bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc, dự trù ban đầu vào ngày 18.2, đã được hoãn một lần sang ngày 25.2, nay được hoãn không hạn định. Phía Trung Quốc viện lý do sức khoẻ của bộ trưởng quốc phòng, tướng Qui Jiwei. Song, một nguồn tin Việt Nam ngày 24.2 cho biết, Việt Nam đã phản đối một tàu nghiên cứu địa chấn Trung Quốc lại vi phạm lãnh hải Việt Nam mới đây.

* Công ty Nhật Ryo International Co. đã được phép mở một xí nghiệp với vốn 350.000 đôla, sản xuất quần áo tại Việt Nam với nguyên vật liệu nhập từ Inđônêxia, Pakistan, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Triều Tiên và Đài Loan. Đây là xí nghiệp đầu tiên do một công ty Nhật làm chủ 100% mở ra ở Việt Nam.

* Carnaudmetalbox, công ty Anh - Pháp, đã ký hợp đồng liên doanh với Bia Sài Gòn để mở một xí nghiệp chuyên sản xuất hộp dựng nước uống (bia, nước ngọt). Vốn đầu tư ban đầu của liên doanh là 250 triệu Francs (44,6 triệu đôla), trong đó Carnaudmetalbox bỏ ra 70% và Bia Sài Gòn 30%.

* Theo báo Nhân Dân ngày 19.3, Nhật Bản là nước đầu tiên đã nhập cảng xe hơi lắp ráp tại Việt Nam. Đó là 10 chiếc xe Mekong Star của công ty Mekong Corporation, một liên doanh sản xuất xe hơi giữa Việt Nam với các hãng Nhật Saeilo Machinery Japan và Nam Triều Tiên Sea Young Mekong Com. được thành lập năm 1991, nhập đầu máy và linh kiện để lắp ráp xe hơi tại một xưởng lắp ráp đặt tại thành phố Hồ Chí Minh. Một xưởng khác đã được dự trù tại Hà Nội. Từ khi thành lập tới nay, công ty đã lắp ráp 400 chiếc xe đủ loại, từ xe du lịch tới xe buýt, xe tải và xe cứu thương. Một nửa số xe này đã được bán trong thị trường nội địa. Theo dự tính, năm nay công ty sẽ cho xuất xưởng 1500 chiếc xe và sẽ xuất khẩu 105 chiếc.

* Bộ trưởng thương mãi Lê Văn Triết đã quyết định hạn chế các công ty được phép xuất khẩu gạo để tránh tình trạng những hợp đồng được ký kết bừa bãi, sau đó không được thực hiện nghiêm chỉnh. Gạo Việt Nam xuất khẩu chất lượng thường kém gạo Thái Lan cùng loại, và giá bán thấp hơn gạo Thái từ 20 đến 60 đôla mỗi tấn.

* Từ ngày 2.3, các giấy bạc 50.000 và 20.000 đồng đã chính thức được lưu hành tại Việt Nam. Tỷ giá trao đổi hiện nay là khoảng 10.500 đồng một đôla. Sự khác biệt giữa thị trường chợ đen và chính thức không đáng kể. Theo bà Lê Thị Ngót, phó thống đốc Ngân hàng Việt Nam, sự phát hành các giấy bạc mới này không dẫn đến lạm phát vì lượng tiền tệ lưu hành sẽ không thay đổi, Nhà nước sẽ thu về các giấy bạc cũ, loại quá nhỏ giá.

* Nguyễn Lê Cường, một nhân viên hãng bảo hiểm quốc doanh đã bị xử 20 năm tù về tội lừa đảo, “chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa”. Theo lời buộc tội của toà án, Cường đã ký những hợp đồng ma với nhiều công ty quốc doanh, gạt của họ 10 tỉ đồng.

* Việt Nam đã từ chối không cấp chiếu khán nhập cảnh cho ông Michael Sinclair, nghệ sĩ của một đoàn kịch nghiệp dư ở Hồng Kông, vì ông này bị nhiễm vi khuẩn bệnh Sida HIV. Đoàn kịch vẫn sẽ đến Việt Nam vào đầu tháng tư tới và sẽ trình diễn vở Giấc mộng đêm hè của Shakespeare. Theo báo Sài Gòn giải phóng ngày 27.2, chỉ trong tháng hai thành phố đã khám phá thêm 17 người bị HIV, nâng tổng số người bị HIV lên 29 trong cả nước. Tuy nhiên, con số này chắc chắn còn xa sự thật vì Việt Nam vẫn không có phương tiện để kiểm tra bệnh một cách có hệ thống.

* Việt Nam thông tấn xã trong bản tin ngày 11.3 đã báo động nạn mãi dâm trẻ em tăng vọt từ hai năm nay. Số trẻ mãi dâm dưới 16 tuổi được thống kê là 3.800 em, trên tổng số 60.000 gái mãi dâm ở cả nước.

* Một cơn dịch bệnh viêm màng óc đang lan ra ở tỉnh Hà Giang, tới nay đã làm thiệt mạng 70 người. Khoảng 300 người ở huyện Mèo Vạc, phần lớn là trẻ em dưới 15 tuổi đã mắc bệnh.

* Một người Việt Nam tị nạn tại Nhật đã bị bắt ở phi trường Tokyo khi ông ta về thăm nhà trở qua, mang theo trong hành lý 4,2 kg chất á phiện marijuana. Theo Tạp chí Kinh tế Viễn Đông (FEER) ngày 18.3, các chuyên viên quốc tế chống thuốc phiện chờ đợi là các đường dây buôn lậu thuốc phiện từ hoặc thông qua Việt Nam sẽ có nhiều hơn.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss