Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 18 / Thư nước ngoài

Thư nước ngoài

- Nguyễn Hương — published 01/01/2011 23:30, cập nhật lần cuối 07/02/2011 00:21

Tuỳ bút


Thư nước ngoài


Nguyễn Hương

 

Diễn Đàn : Bài tuỳ bút dưới đây, chúng tôi nhận được từ bạn văn Lê Bi, với những lời giới thiệu về tác giả như sau: “Nguyễn Hương, tác giả quyển Khmer - Viêt Relations and the third Indochina conflict, năm nay 30 tuổi, nghĩa là ở một thế hệ không dính líu gì đến Trận chiến Đông Dương hoặc tối thiểu, không bị ám ảnh nặng nề bởi vấn đề Quốc Cộng.”

 

Thưa bạn,

Nếu phải bắt đầu bằng đôi ba điều viết về thời tiết thì trời lạnh lắm, mưa lất phất. Sân trước nhà tôi nở hai đoá thuỷ tiên. Yên tĩnh như cả mặt đất này còn đang ngủ muộn.

Trong dịp lễ nghỉ cuối năm, có một số anh em từ xa về chơi nên chúng tôi gặp nhau nhiều lần. Có người sang từ Pháp. Có mấy người từ Canada. Có người về từ miền Đông Hoa Kỳ. Chúng tôi văn nghệ có, chính trị có, vô tâm có. Bắc có, Trung có, Nam có. Chúng tôi tả có, hữu có. Chúng tôi quá khứ miền Nam có, không miền Nam cũng có. Chúng tôi Phật giáo có, Công giáo có, không tôn giáo nào cũng có. Chúng tôi rời quê hương trên ba thập niên có, chân ướt chân ráo ở xứ người trên dưới một năm cũng có. Chúng tôi ở từng khoảnh khắc là tập hợp của những trạng thái tinh thần biến động. Chúng tôi gặp nhau ăn, uống rượu, đùa cợt, ca hát, nói một mình và nói với nhau.

Bên ngoài những căn nhà nơi chúng tôi tụ họp là một thế giới lửng lơ giữa hai thế kỷ. Những đứa trẻ thơ Somalia nằm ở biên giới sống chết vẫn nhìn nhân loại với một thứ ánh sáng soi mói. Nhiều người vẫn không nhà ở Mỹ. Bosnia vẫn vùng vẫy giữa những trại tập trung biểu tượng của thế kỷ hai mươi. Chỉ ở thế kỷ này, chúng ta mới đủ phương tiện, nhu cầu, và kiêu ngạo để đưa nhau cả khối người vào trại tập trung, cải tạo nhau, tàn sát nhau nhân danh những điều thiện mỹ. Nếu trại tập trung là một sản phẩm của ý thức hệ ở phần đầu thế kỷ, thì ở cuối thế kỷ tại Bosnia, chúng đã hiện hình là phương tiện của một thứ bản năng nòi giống không cần che đậy. Có ý nghĩa gì không ở lịch sử nối dài những thế kỷ và lục địa đẫm máu? Nhân loại đang trực diện nguyên thuỷ của bản thân giữa những ngày phán xét. Bên ngoài căn phòng của chúng tôi là một thế giới đang phải nhìn lại mình bằng tầm nhìn của thiên niên kỷ.

Còn chúng tôi. Chúng tôi cũng đang nhìn lại mình như những hồn ma đơn lẻ vất vưởng tứ xứ, như những cá thể đang cố tìm ý nghĩa cuộc đời, như những thành viên của cộng đồng người Việt không giới hạn địa lý. Cái khái niệm quốc gia với quyền hạn tập trung và biên giới cố định của trật tự chính trị hiện đại, chúng tôi muốn quên đi. Chúng tôi muốn quên đi cả những biên giới cấm kỵ lẫn nhau. Chúng tôi muốn cười, muốn nói như những người bạn thân trong cùng một cộng đồng chính trị có cùng một lịch sử và văn hoá.

Vì vậy mà chúng tôi ăn cùng nhau, chúng tôi hát cùng nhau. Chúng tôi hát những bài đồng ca của nhau, khinh thường mọi cố chấp của những chính kiến hạn hẹp. Tôi nghĩ, những ly rượu, những khuôn mặt thân sơ, những lời đùa cợt, những tiếng cười, những đêm cuối năm có thể lấp đầy tất cả các hố sâu trên mặt đất. Chúng tôi hát những câu hát chiến tranh của hai đội quân thù nghịch, của hai phần đất nước phân định bằng một giòng sông và quá nhiều nấm mộ. Mỗi người chúng tôi cười trong lòng như được bứt dây giải thoát. Mỗi người chúng tôi khóc trong lòng như muốn đưa ma quá khứ.

Vậy mà có người không thể hát vì không thuộc bài bản bên kia. Và có người vì đã thuộc nó nằm lòng trong trại cải tạo mà không hát nổi. “Tổ quốc” có thể “vươn mình trên đầu súng quê hương” là điều đáng ngờ. “Ta cùng với Bác hành quân” thì không thể xây dựng một cộng đồng đất nước. Chúng tôi đẩy nhau vượt qua giới hạn của quá khứ mỗi người. Chúng tôi nghĩ, sâu hơn những khẩu hiệu chính trị nằm lòng phải là biển, là sông của thứ huyền thoại đồng bào trăm trứng.

Vậy mà, hình như, sâu hơn những con sông Bến Hải, những hùng ca thời chiến lại là những nỗi đau sâu hoắm. Thay vì đưa ma quá khứ thì mỗi nấm mồ trỗi dậy thành mỗi vết thương. Chúng tôi đã bước qua vòng phấn của quá vãng. Vậy mà mỗi chúng tôi khóc cười trong một thế giới riêng biệt. Giữa chúng tôi không còn những sông Gianh đầu thai lại, không còn rào gai, không còn vòng phấn, mà chỉ là những nỗi đau riêng không thể san sẻ. May mà còn có rượu chuyền tay.

Thôi thì chúng tôi cùng đau những nỗi đau riêng. Gom lại làm mối đau dân tộc. Chúng tôi lại cười. Chúng tôi lại hát. Có người bỏ ra về. Người ở, người về đều say khướt. Chắc cả thế giới này cũng đang say khướt.

Tôi nhìn mỗi người bạn. Chúng tôi một lũ khóc cười như cả thế giới này điên. Chắc vậy. Tôi yên tâm như vậy. Chỉ có thế mới giải thích nổi thứ ánh sáng soi mói ở đôi mắt đứa trẻ thơ Somalia đang chết đói. Chỉ có thế mới giải thích nổi người không nhà giữa mùa đông xứ Mỹ. Chỉ có thế mới giải thích nổi những trại giam đàn bà Hồi giáo để lính Serb cưỡng hiếp. Chỉ có thế mới giải thích nổi những vụ chính thân nhân những người đàn bà giết họ và bào thai oan nghiệt để giữ sĩ diện gia đình và vẹn toàn chủng tộc. Chắc ai cũng phải chết trong lòng một ít để làm người tỉnh giữa một thế giới điên. Có ai không phải giết chết một ít nhân tính để ích kỷ sống trước nỗi khổ con người. Tôi cũng muốn làm người tỉnh giữa bữa tiệc say. Nhưng đó chỉ là sự cô độc đáng sợ, và rốt cuộc lại là điều vô nghĩa.

Mà chỉ có thế mới giải thích được chuyện Việt Nam. Không phải chuyện Việt Nam gói gọn trong “vòng phấn quá vãng” của Dương Thu Hương mà là chuyện Việt Nam mãi đến hôm nay và mai sau nữa. Nửa đêm mưa tạnh. Gió buốt hú trên khoảng sân trống, quật xuống cửa sổ. Cái con người Việt Nam trào lên như từ mạch giếng. Lâu rồi, lúc nhỏ tôi nhìn thấy vụ lấy cốt ông Ngoại. Giữa động cát, nước ứ trào từ áo quan như mạch giếng. Việt Nam giống như bãi chiến trường giữa khốn khó và phong phú, giữa bản lề và sức bộc phá huỷ hoại, giữa ham muốn và kềm hãm, giữa thiện và ác, giữa quá khứ và tương lai. Giống như thời hỗn mang vũ trụ.

Chuyện Việt Nam như chuyện cuộc đời. Giữa bi thảm hiện hữu là những chấm sáng hy vọng. Giữa đổ nát xã hội vẫn có những con người nấn níu vào vun xới bóng cây xanh. Hình như nhân tính cũng không dễ dàng gì bóp chết. Không phải chỉ có bản năng sinh tồn mới là sản phẩm của hai tỷ năm tiến hoá trên mặt đất. Hình như ngay cả khát vọng hướng thiện cũng là một thứ sinh khí kết tụ. Dù cái đỉnh cao nhân tính cũng chính là thân phận nghiệt ngã con người. Hạnh phúc thì chỉ có thể tương đối và mong manh.

Chúng tôi lần lượt chia tay. Ai về xứ nấy, những vùng đất cách xa nhau bằng tôi cách xa Việt Nam. Sau bữa tiệc say, sau những trận khóc cười. Chúng tôi tỉnh lắm. Chuyện Việt Nam của hôm nay và mai sau không phải là chuyện những nấm mồ. Những nỗi đau đã tỏ. Những bóng ma đã nhận diện. Chắc chắn những vết thương sẽ không lành khi chưa có điều kiện. Nhưng tạm thời bây giờ, mỗi người chúng tôi trồi lên từ hố cá nhân, bắt tay nhau và trở lại những đồ án và hướng đi chung: Chúng tôi cùng mong bạn hạnh phúc trên chính quê hương mình, dù đó chỉ là thứ hạnh phúc tương đối và mong manh.

Tôi đã được sống những ngày cuối năm kỳ lạ. Chuyện tỉnh say, chuyện ngăn cách, chuyện hội tụ, chuyện thế kỷ, chuyện thiện ác, chuyện nhân tính và tấn bi kịch chinh phục hạnh phúc vĩ đại và vĩnh hằng, chuyện đổ nát, chuyện đi tìm lại hạnh phúc nhỏ bé và mong manh, cũng bằng nhân tính. Chúng ta không ai chạy thoát định mệnh chung. “Đến bao giờ, hỏi đến bao giờ trên mặt đất này xuất hiện tiến bộ?” Biết đâu, mặt đất này chẳng dửng dưng trước khái niệm thế nào là thiện, là mỹ, là tiến bộ?

Nhưng thưa bạn, không gian trên kia là bóng tối không cùng của những điều không thể biết.

Và chúng tôi chỉ biết bước đi như thể trước mặt là ánh sáng cuối củng trên mặt đất.

ngày 7 tháng giêng năm 1993

Nguyễn Hương

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss