Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 19 - 05.1993 / Bạn đọc và Diễn Đàn

Bạn đọc và Diễn Đàn

- Diễn Đàn — published 01/01/2011 00:00, cập nhật lần cuối 13/02/2011 12:09


Bạn đọc và Diễn Đàn


Hợp tác khoa học kỹ thuật

Đọc bài của anh Bùi Mộng Hùng (Tản mạn về Người Việt ở nước ngoài đóng góp xây dựng đất nước, Diễn Đàn số 18), tôi thấy có nhiều điều tâm đắc. Qua nghiệm sinh bản thân, tôi thấy việc hợp tác với các đại học Việt Nam vẫn khó như leo dây làm xiếc. Vẫn ngổn ngang những chướng ngại, đố kỵ của một lớp “ mafia da vàng” lúc ẩn lúc hiện (nói như Đơn Hành, trong bài Chân dung một chế độ, số đã dẫn, là rất chính xác: tranh đấu cho dân chủ là phải vạch rõ giới tuyến với đám mafia này).

Xin đơn cử vài thí dụ.

Thí dụ 1: Tôi mới được nghe các giới chức sắc cao cấp quốc tế (da trắng) kể lại rằng trong một cuộc bàn thảo với đại diện chính thức của Việt Nam, phía Việt Nam tỏ ra không muốn cho Việt kiều (da vàng) tham gia thực hiện những phương án quốc tế tài trợ cho Việt Nam. Họ kỳ thị chủng tộc với chính người cùng da với mình! Đừng hỏi tại sao chương trình TOKTEN không mấy có kết quả ở Việt Nam...

Thí dụ 2: Chương trình truyền hình francophonie cho Việt Nam. Tại Nam Vang, chỉ cần có ăngten parabôn là tự do bắt nghe. Tại Việt Nam, chỉ có mafia mới được xem, người dân phải bằng lòng với bản tin ngắn ngủi của các đài quốc nội. Lâu lâu cho xem vài trận đá banh, trận đấu vợt cho dui!

Thí dụ 3: Hè 92 vừa qua, trên một căn gác Sài Gòn nóng bức, một bữa nằm nghe đài FM của thành phố Hồ Chí Minh, chương trình kịch nói. Bắt vào nửa chừng, tôi không rõ tên vở kịch, nhưng chủ đề đại ý thì rất dễ hiểu: hợp tác khoa học và âm mưu gián điệp của các thế lực thù địch. Rùng rợn.

Trần Đăng (Bruxel1es, Bỉ)

 

* Theo những thông tin mà chúng tôi tổng kết được, thì không thể nói có một chính sách nhất quán có tính chất kỳ thị đối với Việt kiều trong lãnh vực hợp tác khoa học kỹ thuật, mà trong những trường hợp cụ thể, có những sự loại trừ với những nguyên nhân khác nhau.

Về phía bộ máy chính quyền trung ương, quan ngại lớn nhất là “âm mưu diễn biến hoà bình” của “đế quốc phản động” mà Việt kiều có thể đóng vai “kẻ thừa hành nguy hiểm”. Quan ngại này mâu thuẫn với sự mở cửa và hợp tác quốc tế mà dù muốn dù không, chính quyền đã chủ trương và thực hiện (nói cho đúng: một phần lớn trong bộ máy mong muốn, một số nhỏ không muốn nhưng đành chịu, và lâu lâu lên cơn cảnh giác, phá bĩnh). Do sự mâu thuẫn đó, và do bộ máy bị khủng hoảng, không còn nguyên khối (monolithique) như trước nữa, nên thường xảy ra tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược, bộ phận này thuận, bộ phận kia chẳng, và sớm nắng chiều mưa, nay cho, mai cấm, kia lại phải cho, và thường khi phải cho rộng hơn nữa.

Ở cục bộ từng cơ quan, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự e ngại (hay thiếu mặn mà), theo ý chúng tôi, là do những toan tính về lợi ích. Nặng là đối kháng quyền lợi giữa các phe trong một cơ quan, nhẹ là đố kỵ (không ăn được thì phá cho bỏ ghét) và tất cả diễn ra trong bối cảnh chung trống đánh xuôi kèn thổi ngược nói ở trên. Thí dụ chương trình Tokten: nếu một chuyên gia Việt kiều muốn về làm việc trong khuôn khổ này mà không đề nghị được một phương án, với sự tài trợ của bên ngoài, thì cơ quan tiếp nhận không thấy hấp dẫn, và bỏ qua. Nếu có sự tài trợ, trong đó một phần có thể tác động vào việc tăng thu nhập cho nhân viên cơ quan, thì sẽ có ngườí tích cực vận động, để vượt qua những phiền hà của cơ quan an ninh, và giải giới sự chống đối của các phe có quyền lợi đối kháng. Thật rất khó tổng kết về chương trình Tokten về Việt Nam, nhưng dễ rút ra một kết luận, là: muốn thực hiện thành công một phương án Tokten, hoặc là cầu may, hoặc phải nắm rõ tình hình cụ thể cơ quan mà mình muốn hợp tác.

Thí dụ 1 mà anh nêu ra, theo điều tra của chúng tôi, thì còn nhiều sự phức tạp khác, nghĩa là “vậy mà không phải vậy”.


Tùy bút Nguyễn Hương

Bài tuỳ bút của Nguyễn Hương trong Diễn Đàn vừa qua (số 18, tháng 4.1993) hay thật. Đáng là văn chương, có gì đó để đóng góp cho văn chương “quốc nội”.

Huy An (Haut-de-Seine, Pháp)

Về nhà thơ Quách Tấn

Tôi đọc bài “Vài câu chuyện về nhà thơ Quách Tấn” của Nguyên Lạc (Diễn Đàn số 18) một cách thích thú. Như là một chứng từ sinh động và có duyên về nhà thơ mà tôi luôn luôn yêu thích và mến trọng. Toàn bài toát ra một cảm giác u uất, cô đơn như rằng nhà thơ đã bị mọi người quên lãng. Và nếu có người đến nhà là chỉ để quấy rầy.

Tâm trạng của nhà thơ tuổi đã bát tuần mà lại mù loà có thể đúng là như vậy. Tuy nhiên lấy công tâm mà nói thì ở trong nước cũng như ở Nha Trang, trong khắp mọi giới, đâu đâu cũng có những người trân trọng và hằng nhớ tới thi sĩ Quách Tấn. Chẳng kể làm chi những bài viết về cụ thường thấy trên các báo những năm sau này, riêng ở Nha Trang, vào dịp cụ Quách Tấn bước sang tuổi 85, Nhà văn hoá tỉnh Khánh Hoà có tổ chức một đêm thơ để mừng thọ thi sĩ và nhà xuất bản tổng hợp Khánh Hoà mới cho tái bản trong năm 1992, quyển Xứ trầm hương của cụ.

Nguyễn Nha Trang (Antony, Pháp)

Trả lời của Nguyên Lạc

Tôi rất mừng nhận được thư anh. Như đã nói rõ trong bài, tâm trạng mà bài của tôi phản ánh là tâm trạng của nhà thơ quá cố ở thời điểm 1991, và như anh biết, năm 1983, người ta đã tới “trưng thu” tủ sách của cụ . Tuy nhiên, cũng phải nói thêm: ngay những lúc khó khăn nhất, Quách Tấn vẫn trông cậy được ở những người bạn trung thành.

Cũng xin cảm ơn anh đã cung cấp thêm những tin tức mới về cách đối xử đối với nhà thơ mấy năm gần đây. Chậm vẫn hơn là không, phải không anh?


Cần thêm những bài bình luận

Tôi đã nhận được ba số 17, 18 và 19 liên tiếp, xin thành thực cảm ơn quý báo. Qua đó, chúng tôi đã có thêm nhiều thông tin về Việt Nam, và quan trọng hơn nữa, làm quen với một cách tiếp cận không một chiều, không để quyền lợi riêng tư lấn át sự thật. Theo tôi, báo nên tăng cường mục bình luận thời sự Việt Nam, để bạn đọc dễ theo dõi diễn biến tình hình.

Đức Quỳ (Tiệp)

Mỹ viện tình yêu... xoá nếp nhăn

Tôi nói thực chứ không dối đâu: tờ báo hay quá, ông nào viết cũng hay, bài nào cũng hay, cho nên tối nào tôi cũng mang báo ra coi, coi tằn tiện chứ không dám coi hết, sợ đầu tháng mới lại có báo đến, thì lấy gì mà coi. Bởi thế tôi mới bạo dạn viết dăm ba câu thơ để báo Diễn Đàn đăng cho vui, để cùng cười cho vui vẻ cả làng:

Xa nhau mình sẽ nhớ nhau
Nhưng sông rộng đã có cầu bắc sang
Chẳng còn ngại nỗi đò giang
Chỉ e người sớm quên đường lối xưa
Tình ta như một bài thơ
Đã yêu thì
hẹn, đã chờ thì sao
Lên trời không sợ trời cao
Đã đi há sợ lối nào lạ quen
Tâm hồn dù chửa mở xem
Lòng em tin với lòng anh một lòng
Thì dù nắng hạ mưa đông
Dù ta chín nhớ mười mong vẫn gần
Mọi tình yêu xoá nếp nhăn
Tình yêu đích thực trường xuân vĩnh hằng...

Mỹ Nga (Paris, Pháp)

Nhắn tin: anh Lý Thanh (Ba Lan)

Cảm ơn anh đã gởi bài thông tin và phân tích tình hình nội bộ Ba Lan. Vì những nhân tố tạo ra tình hình này quá đặc thù Ba Lan, có thể nói không tìm thấy ở các nước Đông Âu khác, nên rất khó rút ra những kết luận chung cho các nước xã hội chủ nghĩa cũ. Do đó, chúng tôi rất tiếc không thể đăng được bài này và mong tiếp tục được sự cộng tác của anh. Thân chào.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us