Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 19 - 05.1993 / Điểm sách mới

Điểm sách mới

- Kiến Văn, Nguyên Thắng — published 01/02/2011 00:05, cập nhật lần cuối 13/02/2011 15:39

Điểm sách mới


Tô Hoài
Cát bụi chân ai.

Hồi ký, Nhà xuất bản Hội nhà văn, thành phố
Hồ Chí Minh, 1992, 336 trang, giá 15.000 đồng.

 

Người giới thiệu ở vào cái thế lưỡng nan, biết chắc bạn đọc sẽ oán: giới thiệu một cuốn sách nên đọc, nhưng đào đâu ra sách mà đọc? Tại Paris, cả Nhà Việtnam lẫn tiệm sách Vietnam Diffusion đều hết, chủ quán sách hứa sẽ đặt mua thêm. Hi vọng là như vậy. Và trong khi chờ đợi, bạn ghi vào sổ, lâu lâu nhắc, hay nhờ người quen trong nước mua giùm. Hay như người viết bài này: mượn mà chụp, một công việc bình thường là vô văn hoá, vì nó vi phạm tác quyền, nhưng biết làm sao!

Hồi ký Tô Hoài dày hơn ba trăm trang. Có ít nhất cả trăm lý do để xếp nó vào loại hồi ký đáng đọc. Tôi sẽ kể lung tung một vài lý do:

Trước hết, nó thật sự là một hồi ký văn học: nó nói về những nhà văn lớn, nhà thơ lớn của cả một thời “âm thanh và cuồng nộ”, và nó nói một cách văn học. Nổi bật và chiếm lĩnh toàn bộ không gian của hồi ký là Nguyễn Tuân. Nguyễn Tuân xuất hiện từ trang đầu, và cái chết của Nguyễn cũng kết thúc tập Cát bụi chân ai: Tô Hoài nghe tin buồn khi ông ra đảo Cát Bà. “ Vết chân người lẫn chân con kỳ đà in vân vân trên cát”, đó là câu cuối tập hồi ký, giải thích cái tựa là lạ của tập sách. Bên cạnh dấu chân xuyên suốt của Nguyễn Tuân, hiện ra mồn một vết tích của Nguyên Hồng. Trong hồi tưởng của Tô Hoài, tác giả Bỉ Vỏ sinh động hơn mọi nhân vật tiểu thuyết, nhất là trong chương nói về thời kỳ “hậu Nhân Văn” (1957-58), khi Nguyên Hồng làm tổng thư ký tuần báo Văn (chính báo này đã đăng Lời mẹ dặn cua Phùng Quán, ông Năm Chuột của Phan Khôi, Cơm mới của Hoàng Tích Linh, Đống máy của Minh Hoàng...), Tô Hoài lo nhà xuất bản Hội nhà văn (in lại Vi Huyền Đắc, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Bính, xuất bản Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Văn Cao). Tính cách Nguyên Hồng biểu lộ thật rõ sau khi ông đọc xong bài “tự kiểm điểm” của Tô Hoài đăng trên báo Nhân Dân ngày 12.3.1958:

Nguyên Hồng buông tờ báo xuống. Rồi Nguyên Hồng xua xua tay, nói như hét vào mặt tôi :

– Tiên sư m ày, thằng Câu Tiễn! Ông thì không, Ng uyên Hồng thì không.

Nguyên Hồng quì trước tôi, rồi cứ phủ phục thế, khóc sướt mướt (...).

– Tao về Nhã Nam.

– Về Nhã Nam?

– Ừ, Nhã Nam. Đủ, đủ lắm rồi. Ông đ. chơi với chúng mày nữa. Ông về Nhã Nam (tr. 131-132). (chú thích của KV: Nguyên Hồng sẽ ở ẩn đến khi ông từ trần, năm 1982)

Chương này cũng cho ta hiểu thêm về Tô Hoài, về tình trạng văn học nghệ thuật miền bắc “đằng đẵng ba mươi năm” sau “vụ án Nhân Văn”: “Sợ sệt, âm thầm, phấp phỏng không phải chỉ ở tâm trạng mấy ông “Nhân Văn cả nước”, mà tràn lan đến những “ Nhân Văn phố, Nhân Văn xóm” chẳng bị kỷ luật gì, nhiều người không phải vì bài văn câu thơ mà bởi lời nói bông lông, bốc trời chẳng hạn, bị qui chụp liền” (tr. 79). Chừng nào, nó cho hiểu đúng hơn con người Tô Hoài, sau khi đọc bức ký hoạ của Irina Zisman.

Nói rộng hơn, Cát bụi chân ai là tập hồi ký đầu tiên cho ta hiểu cái “ phương pháp Hoa Nam” ở các lớp chỉnh huấn 1951, đánh dấu sự xâm nhập của chủ nghĩa Mao vào núi rừng kháng chiến Việt Bắc.

Tô Hoài kể tự nhiên, theo lối nhớ đâu kể đấy, nói chuyện này lại nhớ chuyện kia. Người đọc cứ theo những dòng chữ miên man, tới một lúc, mới nhận ra rằng: chưa bao giờ có nhà văn “miền bắc” nào kể những chuyện đó, và kể như vậy. Mà người đó lại là Tô Hoài. Quả là đời sống văn học ở Việt Nam, dù ông Đào Duy Tùng xiết đi xiết lại đến đâu, đã đi quá cái điểm “bất phục hồi” rồi.

Điều đó không chỉ hạn chế trong lãnh vực chính trị. Nó là cả một chuyển biến văn hoá: lần đầu tiên trong văn học Việt Nam, một nhà văn ghi lại những đêm “tình trai” của mình với Xuân Diệu – “tình trai” là chữ của chính Xuân Diệu để nói tới những mối tình đồng tính (homosexuel) của ông, tình trạng mà cho đến gần đây, báo chí Việt Nam còn gọi là bệnh đồng tính gian dâm (sic).

Kiến Văn


Nguyễn Đình Đầu
Chế độ công điền, công thổ trong lịch sử
khẩn hoang lập ấp ở Nam Kỳ lục tỉnh

Hội Sử học Việt Nam xuất bản,
Hà Nội, 1992, 232 trang, Phan Huy Lê đề tựa.

 

Một quyển sách được nhiều người trông chờ. Từ khi hay tin kho địa bạ triều Nguyễn, tưởng đâu là thất lạc, đã tìm lại được. Và anh Nguyễn Đình Đầu cùng cộng tác viên dành nhiều thời gian, công sức nghiên cứu kho tư liệu này với phương tiện vi tính hiện đại.

Cuốn sách không dày lắm. Nhưng những vấn đề được khơi lên, những giải đáp của tác giả dựa trên sự khai thác và sử dụng nghiêm túc các nguồn tư liệu đã làm sáng tỏ vài điểm quan trọng, bổ sung cho hiểu biết về lịch sử miền Nam. Và đặt ra một số vấn đề mới.

Tác giả không tránh né vấn đề quan hệ lịch sử Đại Việt với Chân Lạp. Không như một số sử gia xem công cuộc khai phá miền Nam như chỉ là quá trình khẩn hoang lập đất của di dân từ thế kỷ XVI. Mà trung thực trình bày sau giai đoạn khai hoang lập ấp một cách tự phát và hoà bình của hàng vạn lưu dân đến lập nghiệp từ Mô Xoài, Đồng Nai cho tới sông Cửu Long là cả một quá trình can thiệp rõ nét từ năm 1658 của các chúa Nguyễn với nhiều đợt chiến tranh và xâm lấn để thiết lập chính quyền và sắp đặt đơn vị hành chính.

Công trình nghiên cứu phân định tiến trình lịch sử chế độ công điền công thổ ở Nam Kỳ làm hai giai đoạn, năm 1836 là cái mốc ranh giới.

Trước 1836 các thôn ấp do lưu dân khẩn hoang lập nên chỉ có tư điền – không có công điền công thổ như ở miền Bắc và ở miền Trung – tuy có một số bổn thôn điền thổ, là ruộng đất của làng, nhưng đối với nhà nước thì thuộc ngạch tư điền thổ.

Luận điểm rất đáng chú ý của tác giả là từ cuối thế kỷ XVI cho đến 1836, chính chế độ tư hữu ruộng đất này đã là động cơ thúc đẩy cho kinh tế hàng hoá phát triển mạnh mẽ và làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt kinh tế của đất Đồng Nai - Gia Định.

1863, triều Nguyên đạc điền, lập địa bạ và thiết lập chế độ công điền công thổ tại Nam Kỳ. Tác giả phỏng tính rằng do các biện pháp gia tăng công điền công thổ của triều Nguyễn, tỷ lệ công điền công thổ, cho đến trước khi Pháp chiếm Nam Kỳ, có thể lên đến 25%. Phủ định nhận thức trước đây của một số sử gia cho rằng công điền công thổ vùng này rất nhỏ bé và bị thu hẹp dần trước sự phát triển của kinh tế hàng hoá.

Độ chính xác của con số 25% này có thể thảo luận, nhưng điều chắc chắn là công trình nghiên cứu của anh Nguyễn Đình Đầu cung cấp những cứ liệu đáng tin cậy về con đường hình thành, phát triển và những đặc điểm của chế độ sở hữu điền thổ vùng Đồng Nai - Gia Định rồi Nam Kỳ lục tỉnh từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX. Làm nền tảng cho một kết cấu kinh tế - xã hội, một bộ mặt kinh tế khác với các miền Trung, miền Bắc.

Đó là một điểm lý thú, khơi lên một loạt câu hỏi.

Tuy nhiên, dù thông cảm thâm ý của tác giả, ta vẫn không khỏi cảm nhận một chút gì như hơi hướng của “thuyết quyết định máy móc” trong điểm qui cho chế độ công điền công thổ là yếu tố quyết định nhất làm cho xã hội Việt Nam xưa “ khó phát triển lên phương thức sản xuất hàng hoá ngõ hầu làm cho dân giàu nước mạnh” (Tr. 194)

Nguyên Thắng


Lương Cần Liêm
Bouddhisme et psychiatrie
(Phật giáo và Tâm thần học)

L’harmattan, Paris, 1992, 136 trang.

 

“Ban đầu có Ngôi Lời, và Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời”1 : Truyền thống văn hoá Do Thái Cơ Đốc xem lời nói là vô cùng quan trọng cho con người trên đường đi tìm sự thật. Tiếp thừa truyền thống đó, tâm thần học, qua phân tích ngôn ngữ một cách khoa học, thấu đạt được đến những tầng lớp sâu kín của tâm hồn, cả trong những trường hợp bệnh lý.

Truyền thống văn hoá Á Đông, tự xa xưa, vốn ý thức sâu sắc rằng lời nói chỉ là một phương tiện, “ Nào có chi trong tên đặt? Hoa hồng, cho có gọi khác đi thì vẫn cứ thơm”. Và mãi mãi là một phương tiện thô sơ, không đạt tới sự thật, không sao diễn tả nổi chân lý:

Một ánh linh quang vằng vặc trong / Đôi khi thuyết pháp bàn không được /Biết mượn lời chi, cho thoả lòng 2

Tìm cách đối chiếu cái nhìn của tây phương về tâm lý con người với giáo lý nhà Phật chính là một mục tiêu của bác sĩ Lương Cần Liêm, chuyên gia tâm thần, tham vấn tại bệnh viện Sainte Anne, tại hội Hồng thập tự và tại Trung tâm Minkowska cho sức khoẻ tâm thần người di trú (Paris).

Cơ sở để anh xích hai nền văn hoá lại gần nhau là điều nhận xét: con người muôn thuở chống lại khổ đau; anh tin rằng đó là mẫu số chung của một di sản tâm thần của cả loài người, thể hiện dưới nhiều dạng khác biệt, tùy theo từng nền văn hoá, từng cá tính mỗi người nhưng hướng chung là đi tìm tự do, tìm đạo lý. Và anh tiếp cận các quan niệm cơ bản Phật giáo dưới góc độ một “tâm lý học của khổ đau” (tr. 12).

Kết quả tìm tòi của b.s. Lương Cần Liêm là một mô hình tâm lý con người theo giáo lý nhà Phật. Một hướng đi mới, lạ. Một công trình tiên phong đáng trân trọng. Chỉ mong ước sớm thấy kết quả khi mô hình được đem áp dụng vào thực tế. Vì giá trị của một mô hình loại này chính là giá trị thực dụng của nó.

Nguyên Thắng

 

1 Au commencement étail le Verbe, et le Verbe était auprès de Dieu, et le Verbe était Dieu. (Evangile de Jean 1:1)

2 Trường hiện linh quang minh lãng lãng Thường thời diễn thuyết bất tư nghị Vô đắc nhất ngôn dĩ vi đáng; Thiền sư đời Lý Nguyễn Nguyện Học, Đỗ Văn Hỉ dịch.


Thích Minh Châu, Minh Chi
Từ điển Phật học Việt Nam

Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội 1991, 818 trang.

 

Đạo Phật vào Giao châu rất sớm, có thể là trước cả khi du nhập vào Trung Quốc. Và một số đông người Việt theo đạo Phật.

Nhưng từ xưa tới nay vẫn thiếu một từ điển Phật học nghiêm túc với các từ ngũ liên quan đến quá trình phát triển của Phật giáo Việt Nam, với những mục về Phật giáo Ấn Độ, Phật giáo Trung Quốc, hai nền Phật giáo đã ảnh hưởng nhiều tới Phật giáo nước ta. Tóm lại thiếu một công cụ mà những ai tìm hiểu đạo Phật, đọc sách nhà Phật thường ước mong có trong tay để hiểu cho chính xác những từ ngữ, những khái niệm được nghe trong chùa, được đọc trong kinh, trong sách.

Tác phẩm mang dấu ấn kiến thức uyên bác và tinh thần vô chấp của hai soạn giả, hoà thượng Thích Minh Châu, tiến sĩ triết học và nhà Phật học Minh Chi. Phải thông suốt thuật ngữ và tinh thần các môn phái mới có thể vô tư vượt trên quan điểm riêng của từng bộ phái: từ của Phật giáo Nam tông thì được giải thích theo quan điểm của Nam tông và từ của Phật giáo Bắc tông theo quan điểm Bắc tông, không thiên bên Đại thừa hay bên Tiểu thừa. Tinh thần này được thể hiện ngay từ cách sử dụng từ ngữ Nam tông thay vì Tiểu thừa, Bắc tông thay vì Đại thừa, trừ một đôi khi bị yêu cầu của văn bản bắt buộc.

Suốt trên nghìn năm phát triển, từ Phật học của người Việt có những nét phức tạp riêng. Chỉ là một, nhưng nhiều khi ta lại dùng theo hai cách, theo phiên âm Hán Việt và theo dịch nghĩa, do xu hướng dùng chữ Nôm thay chữ Hán đời nhà Trần. Ngoài ra nhiều khi một sự việc mà ta có đến hai từ, một phiên âm trực tiếp từ chữ Phạn, một là từ Hán Việt. Ví dụ như ta đã có Bụt do phiên âm tiếng Phạn Buddha mà ra lại thêm từ Hán Việt Phật. Từ điển ghi cả hai cách cho tiện tra cứu.

Tuỳ hứng mà lật tìm vài mục, bạn có thể phát hiện những thích thú đã bất ngờ lại làm giàu thêm kiến thức. Đơn cử từ “chùa chiền” mà ai ai cũng biết. Nhưng nào mấy ai rõ được ở đâu mà ra? Giở mục chiền ta đọc thấy: “ Điện thờ Phật. Gốc từ chữ caitya (Sanskrit) hay cetyan (Pali). Người Việt đọc chệch đi thành chiền . Hay dùng trong hợp từ chùa chiền. Trong văn thơ Nôm cũ, từ chiền đôi khi tách khỏi từ chùa.

“Núi hoang rừng quạnh, ấy là nơi dật sĩ tiêu dao, Chiền vắng âm thanh, chỉnh thật cảnh đạo nhân du hí (Trần Nhân Tông - Cư trần lạc đạo phú)

“Cảnh ở tựa chiền, lòng tựa sàng (Nguyễn Trãi Quốc âm thi tập)”

Và tìm đến mục chùa, ta đọc: “Nơi thờ Phật, nơi tu học của tăng ni. Có thể gốc từ ở chữ stupa (Sanskrit), thupa (Pali), Hán dịch âm là Đỗ ba hay phù đồ nghĩa là bảo tháp. Người Việt phát âm chệch ra thành chùa.

Dù xây chín đợt phù đồ,

Không bằng làm phúc cứu cho một người (Kiều)”

Nguyên Thắng

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us