Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 19 - 05.1993 / Hoa đào năm ngoái

Hoa đào năm ngoái

- Đặng Tiến — published 03/02/2011 00:00, cập nhật lần cuối 13/02/2011 12:11

Hoa đào năm ngoái


Đặng Tiến

 

Báo Diễn Đàn số 17 có trích đăng một mẩu ý kiến ngắn của anh Nguyễn Hữu Thành, bàn chuyện dịch thơ. Trích đoạn chỉ nửa trang báo mà hay, có tác dụng cao, vì làm nhẹ tờ báo, so với những bài khác, phần nhiều là dài và nặng, khó đọc.

Cùng trong tinh thần làm thoáng tờ báo, tôi xin tiếp lời anh Thành về câu thơ Nguyễn Du: hoa đào năm ngoái còn cười gió đông (*) mà nhiều người biết. Câu chuyện bắt đầu từ thời Đường: Thôi Hộ, học giỏi, đẹp trai, nhân đi chơi hội Đạp thanh, lạc bước đến một thôn trồng toàn hoa đào; chàng khát nước, gõ cổng một nhà, rồi có một thiếu nữ mang nước ra mời. Hai người cảm nhau trong phút gặp gỡ ấy. Thanh minh năm sau, Thôi Hộ tìm đến Thôn Hoa Đào thì thấy cổng khoá, bèn ghi lại bài thơ:

Khứ niên kim nhật thử môn trung [1 ]
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng [2]
Nhân diện bất tri hà xứ khứ? [3]
Đào hoa y cựu tiếu đông phong [4]

Tôi lược dịch:

Cổng này, năm ngoái, ngày này
Hoa đào cùng ánh hây hây má đào
Má đào nay biết về đâu
Nhởn nhơ còn cái hoa đào – gió đông.

Trong truyện Kiều, Kim Trọng về quê sáu tháng, lúc trở lại, đến hiên Lãm Thuý tìm người xưa:

Từ ngày muôn dặm phù tang
Nửa năm ở đất Liêu Dương lại nhà
Vội sang vườn Thuý dò la
Nhìn xem phong cảnh nay đà khác xưa
Đầu vườn cỏ mọc lau thưa
Song trăng quạnh quẽ, vách mưa rã rời
Trước sau nào thấy bóng người
[a]
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông. [b]

Anh Nguyễn Hữu Thành nhận xét: “hai câu này (a và b) phỏng theo thơ Đường của Thôi Hộ. Câu trên của thi sĩ họ Thôi chỉ nói: không biết người đẹp đi đâu? Nhưng đọc “trước sau nào thấy bóng người” thì ta có cảm tưởng như chàng Kim sục sạo khắp trước sân, sau vườn. Câu Kiều mặn nồng, tình tứ hơn câu chữ Hán”. Và anh Thành còn cẩn thận chua thêm “hai người viết hai cảnh khác nhau”. Thật hợp lý.

Nay tôi muốn đi vào cấu trúc tạo hình sâu xa của câu thơ. Câu sau [b] dựa theo thơ Đường, nhưng câu [a] trước thì chưa chắc: không cần phải là thiên tài Nguyễn Du, ai viết văn, kể chuyện, đến lúc nhân vật trở về, trước cảnh vườn hoang, nhà trống ấy, ắt cũng phải viết “trước sau nào thấy bóng người”. Gia đình Viên ngoại gồm năm người, thuộc loại khá giả, kể cả gia nhân có thể lên đến mươi người. Nay cớ sao không còn ai cả, mà cảnh vật thì lại tiêu điều thế kia? Thậm chí:

Xập xè én liệng lầu không
Cỏ lan mặt đất, rêu phong dấu giày
Cuối tường gai góc mọc đầy
Đi về này những lối này năm xưa.

Phong cảnh ấy phản ánh tâm sự chàng Kim, và hài hoà trong khí hậu của tiểu thuyết, nhưng không lấy gì làm hợp lý. Gia đình Viên ngoại, sau tai biến, dù có “sa sút khó khăn” cũng không đến nỗi phải “dời xa”. Dù sao, thì nhà cũ phải có chủ mới, tưởng tượng cảnh tài sản bị tịch biên, niêm phong là gượng. Nhưng không sao, và vấn đề chúng ta đặt ra không phải ở đó. Trong mạch văn, ta thử đọc lại, thì “ trước sau nào giấy bóng người” là câu văn tự nhiên, do bối cảnh đưa đến: không chắc gì Nguyễn Du đã dựa vào “nhân diện bất tri hà xứ khứ”. Nhưng câu sau có lẽ tự nhiên đến với Nguyễn Du theo lối liên tưởng, từ câu “đào hoa y cựu” trong Đường Thi. Một tác phẩm văn nghệ như tảng đá nổi, ta chỉ thấy phần trên: ở mặt nổi thì hai câu a và b trong Kiều na ná như hai câu 3 và 4 của Thôi Hộ; ở mặt chìm, thì cấu trúc giữa hai câu Hán và Việt có khác nhau, thậm chí giữa hai câu Việt a và b cũng có khác nhau. Chúng ta đã đi vào cấu trúc tạo hình, một thứ structure générative.

Khi so sánh, ta đối chiếu câu nọ với câu kia, nghĩa là cô lập từng câu, trong khi cấu trúc một bài thơ là nhất quán. Ví dụ bốn câu của Thôi Hộ liên đới khăng khít với nhau. Câu 1 gồm có ba túc từ, tự nó vô nghĩa; nó chỉ có nghĩa khi bổ túc cho câu 2, gồm có cụm chủ từ liên đới “nhân diện, đào hoa” sẽ bị xé lẻ ở câu 3 và 4 thành hai cụm từ đối lập “nhân diện” đối với “ đào hoa”. Chữ y cựu chỉ có giá trị cấu trúc, vì đối lập với “ hà xứ khứ”, chứ tự nó cũng vô nghĩa : hoa đào không “như cũ”, chẳng lẽ cũng theo người “di trú nơi nao”?

Đoạn thơ Nguyễn Du không theo cấu trúc tứ tuyệt đó, nên đã chuyển “ nhân diện” thành “bóng người”“y cựu” đổi thành “ năm ngoái”, lấy lại ý “ khứ niên” (hay “tích niên”). Ở câu 1, theo kỹ thuật “phục tuyến” của người xưa: giấu mũi kim để đường chỉ xuất hiện ở đoạn sau. Nguyễn Du tài tình, đành rồi, nhưng còn có cái thần của tiếng Việt, chữ “năm ngoái” hay hơn những chữ khứ niên, tích niên chữ Hán, hoặc l’année dernière, last year trong chữ Pháp, chữ Anh chỉ là một khái niệm khách quan. Ngoái, như ngoái lại, lưu luyến, ngậm ngùi, mang ý thức chủ quan. Nguyễn Khuyến có câu:

Mấy chùm trước dậu, hoa năm ngoái

thật hay. Hay nhất là tấm lòng ngoái lại.

Tôi nhớ một câu ca dao tả tâm sự cô gái lúc đi lấy chồng:

Ra đi ngó trước ngó sau
ngó nhà
mấy cột, ngó cau mấy buồng

Nguyễn Du giữ lại hình ảnh hoa đào. Vừa dễ dàng vừa đắc dụng, vì “năm ngoái” chàng Kim đã thấy nàng Kiều “dưới đào dường có bóng người thiết tha”. Bốn câu sau, chàng đã nhặt được cành kim thoa trên một nhánh đào, và đây là đầu mối của tình yêu: “chẳng duyên chưa dễ vào tay ai cầm”. Rồi Đá biết tuổỉ vàng từ một cành thoa dưới hoa đào.

Mấy chùm trước dậu, hoa năm ngoái

Bạn Thành khuyên đọc thơ phải “ nhấm từng chữ”. Ở đây, mỗi chữ một hay trên ba mặt: giá trị nghệ thuật tự tại. So với nguyên văn chữ Hán. Và trong cơ cấu toàn bộ truyện Kiều. Về âm điệu thôi, xin bạn đọc lưu ý đến những nguyên âm o và a khép mở, luyến láy, chìm nổi, dưới dạng này hay dạng khác. Chưa chắc nguyên tác chữ Hán đã mang đến âm hao u hoài đó.

Những câu thơ như thế, nói là dịch, hay phóng tác cũng được. Theo tôi là tự nó đến, tự ý trở về, vì tác giả nhập tâm. Thơ là cuộc hồi sinh của ngôn ngữ.

Xin lấy ví dụ bản thân. Câu tôi dịch “ nhởn nhơ còn cái hoa đào gió đông”, không phải của tôi, mà của Tản Đà, nguyên là:

Đời người như giấc chiêm bao
Trơ trơ là cái hoa đào, gió đông

Hình thức câu thơ dựa theo nguyên tác Thôi Hộ, mà nội dung thì khác hẳn: câu thơ tự đến với Tản Đà lúc ấy.

Khi viết về Lưu Trọng Lư, gặp câu “ như đêm thiếu phụ trên lầu không trăng”, tôi cho là có ảnh hưởng thơ chữ Hán của Trương Nhược Hư:

Thuỳ gia kim dạ thiên chu tử
Hà xứ tương tư minh nguyệt lâu

Đã có nhiều bản dịch hay, nhất là của Ngô Tất Tố. Nhưng tôi vẫn muốn dịch lại, và khó nhất là chữ “tương tư” không có chủ từ. Ai nhớ ai? Cuối cùng, tôi giải quyết được khó khăn:

Thuyền ai thấp thoáng canh thâu
Dưới trăng ai nhớ, trên lầu nhớ ai

Không tài giỏi gì cả, tôi chỉ cóp. Câu trên cóp của Ưng Bình Thúc Giạ Thị, từ một câu thơ đã biến thành hò Huế:

Thuyền ai thấp thoáng trên sông
Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non

Câu dưới cóp từ ca dao:

Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ
Nhớ ai ai nhớ, bây giờ nhớ ai.

Nói là cóp cho từ tốn. Chứ sự thật thì những câu trên tự đến với tôi, lúc ấy. Dịch thơ không phải chuyển ý từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ kia, mà sống hồn thơ, của người khác, và của mình, rồi phục hồi cuộc sống đó bằng ngôn ngữ khác.

Về tài dịch của Nhượng Tống: tương truyền rằng ông dịch rất nhanh, hai tay cầm hai cuốn sách, dịch hai bài một lúc, vợ một bên, con một bên, ngồi chép. Cứ tạm cho là thật đi: trong dăm phút, ông có thể dịch được một lúc hai bài thơ.

Nhưng ông đã bỏ bao nhiêu niên, bao nhiêu thập niên để sống cái phút – năm phút đó? Và một phút của Nhượng Tống là bao nhiêu giờ, bao nhiêu ngày... của chúng ta?


Đặng Tiến

Bờ sông Loiret, 22.4.93

 

Kỳ khác: Chữ Tây, Thơ Ta

(*) Đúng là năm ngoái. Bài kỳ trước của anh N. H. Thành cũng viết như vậy, nhưng đánh máy nhầm là năm trước. Người đánh máy xin lỗi độc giả và anh N. H. Thành.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss