Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 19 - 05.1993 / Nhà Trắng, Quỹ tiền tệ quốc tế và Việt Nam

Nhà Trắng, Quỹ tiền tệ quốc tế và Việt Nam

- Hoà Vân — published 02/02/2011 00:00, cập nhật lần cuối 13/02/2011 15:48

Ngoại giao

Nhà Trắng, Quỹ tiền tệ quốc tế
và Việt Nam

 

Bài báo New York Times ngày 12.4 với bản “tài liệu mật” về tù binh chiến tranh (xem bài của Thành Tín trong số này), đã phần nào làm lu mờ tin chính quyền Clinton đang tích cực xem xét lại chính sách đối với Việt Nam, trước cuộc họp của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) vào cuối tháng 4 này. Pháp, Nhật, Đức và nhiều nước khác đang gây sức ép để Hoa Thịnh Đốn chấp nhận không phủ quyết quyết định của IMF, bình thường hoá quan hệ với Việt Nam. Quyết định này nếu được thông qua sẽ cho phép những tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thực hiện các chương trình cho Việt Nam vay vốn để phát triển, theo những đề án xây dựng hạ tầng cơ sở mà các chuyên viên của IMF, WB đã nghiên cứu từ nhiều năm nay.

Theo hồ sơ đặc biệt của Tạp chí Kinh tế Viễn Đông (FEER 22.4.93) về vấn đề này, Ngân hàng thế giới có thể cho vay với những điều kiện dễ dãi từ 300 đến 350 triệu đôla mỗi năm cho các công trình về giao thông vận tải, năng lượng, viễn thông, thuỷ lợi... Ngân hàng Phát triển châu Á đã nghiên cứu các công trình củng cố hệ thống đê điều bảo vệ Hà Nội, đổi mới mạng lưới điện ở thủ đô, nâng cấp cảng Sài Gòn và hệ thống cung cấp nước thành phố Hồ Chí Minh, sửa chữa và xây dựng lại đường quốc lộ số 1. Ngân hàng cũng có một dự án giúp Việt Nam đào tạo giáo viên và cải thiện các trường lớp. ADB sẵn sàng bỏ ra hàng năm từ 200 đến 250 triệu đôla để góp phần thực hiện những dự án nói trên mà tầm quan trọng không chỉ ở những số tiền mà WB hay ADB có thể cho Việt Nam vay.

Những công trình hạ tầng cơ sở không mang lại lợi nhuận trực tiếp hay ngắn hạn, và do đó rất khó có thể kiếm được vốn đầu tư từ khu vực tư bản tư nhân. Nhưng, đó cũng là những công trình không thể không thực hiện trong bước đường phát triển đất nước... và việc Việt Nam có vốn để bắt đầu thực hiện chúng cũng sẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào kinh doanh ở những lãnh vực khác! Một ví dụ nhỏ cho thấy nhu cầu rất lớn về hiện đại hoá hạ tầng cơ sở ở Việt Nam: chỉ 10% trên tổng số 105.000 km đường bộ của cả nước là đường tráng nhựa; đường quốc lộ số 1, trục giao thông chính bắc-nam, chỉ có một đường xe chạy mỗi chiều... Ông John Brinsden, đại diện tại thành phố HCM của ngân hàng Anh Standard Chartered Bank cho rằng “3 tỷ đôla đầu tiên bỏ vào việc phát triển hạ tầng cơ sở sẽ khuyến khích nhiều nhà đầu tư nước ngoài”. Tích lũy từ nội bộ nền kinh tế dĩ nhiên không thể đáp ứng nhu cầu đó (khi tổng sản lượng quốc dân chỉ có 14 tỷ đô la/năm). Vì thế, mặc dù những khó khăn có thể thấy trước khi phải vay những số tiền rất lớn (khi khả năng làm chủ những dự án xây dựng qui mô vẫn chưa dược chứng thực, khi độc quyền đi đôi với bất tài và tham nhũng vẫn ngự trị ở các cấp), Việt Nam vẫn rất trông chờ ở hội nghị IMF cuối tháng này và đã loan báo sẽ cử một phái đoàn nhiều chuyên viên cấp cao đi dự hội nghị. Phái đoàn sẽ do ông Lê Văn Châu, phó Thống đốc Ngân hàng Quốc gia dẫn đầu.

Nhưng, trước những khó khăn đột ngột của tình hình nước Mỹ (Thượng nghị viện vừa bác bỏ kế hoạch phục hồi kinh tế của tổng thống; vụ tự tử tập thể của gần 90 người của một giáo phái ở Waco, Texas khi bị cảnh sát liên bang tấn công, v.v...) và trước sức ép của một bộ phận dư luận về vấn đề quân nhân mất tích, liệu chính quyền Clinton đã sẵn sàng tiến thêm một bước trên “lộ trình” bãi bỏ cấm vận Việt Nam – bằng cách không phủ quyết quyết định của IMF?

Cho tới đầu tháng 4, khi những vụ việc kể trên chưa xẩy ra, khi “báo cáo mật của tướng Trần Văn Quang” chưa được tờ New York Times tung ra, mọi việc hình như tiến triển trong chiều hướng của sự bãi bỏ ấy. Ngày 1.4, thượng nghị sĩ Frank Murkowski đã đệ trình thượng nghị viện Hoa Kỳ một dự luật bãi bỏ cấm vận. Dự luật được các nhân vật chính của tiểu ban đối ngoại Thượng nghị viện ủng hộ.

Từ đầu năm nay, không tuần nào không có 3, 4 đoàn doanh nhân, chính trị gia Mỹ tới Hà Nội. Ngày 3.4, cựu ngoại trưởng Dân chủ Edmund Muskie đã cùng một đoàn gồm 5 nhân vật khác, trong đó có thượng nghị sĩ Cộng Hoà John McCain, phó chủ tịch công ty American Express Richard Moose – một người trong nhóm Bạn của Clinton ở bang Arkansas trước khi ông này đắc cử tổng thống – đã đến thăm Việt Nam một tuần lễ, và đã gặp nhiều nhân vật chủ chốt ở Hà Nội như tổng bí thư Đỗ Mười, phó thủ tướng Phan Văn Khải... Đoàn do một tổ chức tư vấn của đảng Dân chủ, Center for National Policy, tài trợ. Và, dù chỉ là một chuyến đi không chính thức, ông Muskie tuyên bố sẽ “báo cáo chuyến đi cho những người có thẩm quyền”. Tin tướng John Vessey, phái viên của tổng thống Mỹ về các vấn đề POW/MIA, được cử sang Hà Nội, cũng đã được loan báo mấy ngày trước khi có bài báo New York Times.

Vụ “tài liệu mật” phần nào đã được giải toả, theo những tuyên bố của ông Vessey sau chuyến đi. Song, không khí chính trị Hoa Thịnh Đốn cũng đã thay đổi, và khó ai có thể đoán trước quyết định của phái đoàn Hoa Kỳ trong hội nghị IMF ngày 30.4 tới. Có nhà bình luận Mỹ nhắc lại luận điểm nên chờ bỏ cấm vận trước (vào tháng 9 tới) để doanh nhân Mỹ có thì giờ chuẩn bị nhảy vào Việt Nam, trước khi bỏ phủ quyết ở IMF (vì bỏ phủ quyết 6 tháng trước khi bỏ cấm vận là làm cho tư bản Mỹ thiệt thòi 6 tháng so với tư bản Nhật, Pháp...).

Khi tờ báo này tới tay bạn đọc, mọi chuyện chắc đã ngã ngũ. Dù thế nào, lộ trình có vòng veo, lên xuống, quan hệ giữa hai nước Việt - Mỹ cũng như quan hệ giữa Việt Nam và các tổ chức quốc tế, trong đó Mỹ có vai trò quyết định, cũng sẽ được bình thường hoá. Sớm hay muộn một chút, phải chăng vấn đề vẫn là Việt Nam phải tự vươn lên để nắm bắt được mọi khả năng phát triển đất nước?

21.4.1993

Hoà Vân

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us