Tin Tức
Tin tức
Một số chủ trương mới đối với Việt kiều
Tiếp theo hội nghị Việt kiều tổ chức đầu tháng 2 vừa qua (xem Diễn Đàn số 16 và 17), ngày 3.3 bộ trưởng Lê Xuân Trình, chủ nhiệm văn phòng chính phủ đã thông báo một số chủ trương mới đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Theo ông Trình, chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc thành lập: 1/ một “ngân hàng Việt kiều ở Việt Nam”; 2/ một “trung tâm đào tạo và chuyển giao công nghệ Việt kiều”; và 3/ một “cơ chế tư vấn của trí thức Việt kiều giúp chính phủ trong một số lĩnh vực, thông qua đầu mối của ban Việt kiều trung ương”; mặt khác quyết định giao cho các bộ hữu quan nghiên cứu một số chủ trương mới đối với Việt kiều, như: 1/ cho phép Việt kiều đã có quốc tịch nước ngoài vẫn được giữ quốc tịch Việt Nam; 2/ sửa đổi chính sách xuất khẩu văn hoá phẩm phục vụ Việt kiều; 3/ khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư về nước; 4/ “cho phép những Việt kiều có lý do chính đáng, có gia đình bảo lãnh và có khả năng bảo đảm cuộc sống được hồi hương”; 5/ có chính sách khen thưởng những Việt kiều “có công trong hai cuộc kháng chiến” hoặc “có cống hiến trong công cuộc xây dựng đất nước”.
Ngoài ra, ông cũng nhắc lại thông tư liên bộ ngày 15.1.93 về việc tạo điều kiện dễ dãi cho Việt kiều nhập - xuất cảnh và đi lại trong nước (xem Diễn Đàn số 18), có giá trị từ ngày 1.4.93.
(Lao Động 7.3.93)
Một “kinh nghiệm đầu tư”
Ngày 13.4, toà án tỉnh Khánh Hoà đã phải trả tự do cho ông Vimar Nguyễn, nhà đầu tư Việt kiều quốc tịch Canada đã bị chính quyền tỉnh bắt giam từ ngày 16.1 vì tội “trốn thuế” (xem Diễn Đàn số 17). Ông Nguyễn đã tố cáo trở lại cán bộ thuế và thanh tra của tỉnh đòi ăn hối lộ.
Rút cục, ông “hưởng” ba tháng tù giam chỉ vì tranh chấp với các quan chức của tỉnh! Trả lời phỏng vấn của báo Thanh Niên trước khi toà tuyên án, ông Vimar Nguyễn kể lại việc ông bị bắt và giam như sau: “Khi công an Khánh Hoà áp tải tôi từ thành phố Hồ Chí Minh về Nha Trang, họ đã còng tay tôi vào thành xe. Thời gian đi từ thành phố Hồ Chí Minh về Nha Trang là thời gian khủng khiếp nhất trong cuộc đời tôi. Tôi không thể nào nghĩ được rằng với tội trốn thuế – số tiền trốn thuế, nếu có, chưa bằng phần nhỏ tài sản tôi đã đổ vào Khánh Hoà (trên 400.000 đôla) – mà chính quyền tỉnh lại đối xử với tôi thô bạo như vậy. Khi đưa tôi về Nha Trang, công an đã đưa tôi bản tính thuế và bảo tôi phải ký vào thì họ xoá bỏ các biện pháp ngăn chặn, nghĩa là thả tôi ra. Nhưng tôi đã không ký vì biết rằng đó là bản tính thuế áp đặt. Một tháng rưỡi đầu tôi bị giam trong phòng tối đen, chỉ thông ra bên ngoài bằng một lỗ tò vò, ăn uống toàn đồ nguội lạnh và gia đình không được vào thăm nuôi.”
Được hỏi về dự tính của ông nếu được tự do, ông Vimar Nguyễn cho biết: “Tôi vẫn tiếp tục đầu tư vào Khánh Hoà bởi vì đó là quê hương tôi, bởi vì tôi tin rằng đồng bào Khánh Hoà rất tốt và họ rất mong muốn đưa tỉnh nhà đi lên”.
(Thanh Niên 18.4)
Nợ
Báo cáo về tình hình nợ nước ngoài của các xí nghiệp quốc doanh của thành phố HCM, ông Trần Thiện Tứ, giám đốc sở kinh tế đối ngoại, cho biết tổng số nợ lên đến 165 triệu đôla, trong đó trên 100 triệu là số nợ quá hạn (có xí nghiệp quá hạn đã nhiều năm), như nợ của Công ty lương thực (40 triệu đôla), Imexco (26 triệu), Liksin (13 triệu), Legamex (13 triệu), Đông lạnh Hùng Vương (13 triệu).
Theo ông Trần Thiện Tứ, “không thể nắm chắc con số nợ của thành phố”, vì một số xí nghiệp ở quận và ngành không báo cáo cho sở kinh tế đối ngoại về số nợ. Ông cũng thừa nhận “có quá nhiều” xí nghiệp sử dụng không hiệu quả vốn vay mượn và “khả năng hoàn nợ hiện ở ngoài tầm tay”.
(Tuổi Trẻ 23.2 và Phụ nữ thành phố 24.2)
Mới hay cũ?
Khảo sát 730 thiết bị ở 42 xí nghiệp trên cả nước, bộ công nghiệp nhẹ vừa qua cho biết 76% thiết bị mới nhận là những máy cũ sản xuất từ những năm 1950-1960, 38% thiết bị đã hết khấu hao và 52% là thiết bị tân trang. Do đã nhập thiết bị cũ kỹ, nhà máy thuốc lá Đồng Tháp đã phải đóng cửa, hai nhà máy thuốc lá Nghệ An và Đồng Hới hoạt động cầm chừng và nhà máy lông vũ Đồng Tháp chỉ hoạt động nửa công suất!
Phần lớn số thiết bị cũ nói trên là của Nam Triều Tiên, Đài Loan và được đưa vào Việt Nam trong khuôn khổ liên doanh với nước ngoài. Khảo sát 300 dự án liên doanh, bộ khoa học - công nghệ và môi trường cho biết không những nước ngoài đưa vào công nghệ cũ mà còn kê giá thiết bị lên từ 15 đến 20% so với giá trị thật, và thiệt hại cho Việt Nam ước tính lên hơn 50 triệu đôla.
Qua những vụ việc phát hiện gần đây, như trường hợp xí nghiệp liên đoàn FOOCOSA thuộc Công ty lương thực thành phố HCM, báo Tuổi trẻ đã chứng minh chính nạn tham nhũng đã mở đường cho các đối tác (partenaires) nước ngoài trục lợi trong việc đưa vào thiết bị và công nghệ cũ.
(Tuổi Trẻ 13.3)
Tổng thu ngân sách 93
25.380 tỷ đồng (khoảng 2 tỷ đôla). Đó là mức tổng thu ngân sách nhà nước đã được quốc hội Việt Nam thông qua cho năm 1993. Mức dự chi cho các bộ và cơ quan nhà nước không được công bố. Mức thu ngân sách do bộ tài chính dự kiến lên đến 26.210 tỷ đồng, gồm có: thuế công thương nghiệp (14.290 tỷ), thuế xuất nhập khẩu (3.250 tỷ), thuế đất và nông nghiệp (1.530 tỷ), thu khấu hao cơ bản (2.300 tỷ), các khoản thu khác (4.730 tỷ). Riêng thành phố Hồ Chí Minh dự kiến thu ngân sách năm 93 là 6.000 tỷ đồng.
Năm 1993 cũng là năm bộ tài chính cho áp đụng thí điểm hình thức thu thuế theo trị giá gia tăng (TVA). Nguyên tắc thuế TVA nhằm tránh tình trạng thuế chồng lên thuế theo cách tính thuế doanh thu hiện tại. Áp dụng vào ngành sản xuất đường, thuế một ký đường giảm một phần ba so với mức thuế doanh thu trước đây. Song thu thuế theo trị giá gia tăng đòi hỏi các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ chế độ sổ sách kế toán, có hoá đơn đúng giá thực tế mới có thể tính thuế trên chênh lệch giá bán và giá mua. Những điều kiện kinh tế của Việt Nam không cho phép phổ biến cách tính thuế mới đó.
(Thanh Niên 21.3)
Một ký mía = một cục kẹo
Theo báo Sài Gòn giải phóng ngày 18.3, giá buôn mía trên thị trường tự do đã giảm từ 100.000 đồng / tấn xuống còn 45.000 đồng / tấn. Như vậy, giá một ký mía là 45 đồng, chỉ bằng giá một cục kẹo. Trong điều kiện đó, sang năm diện tích trồng mía sẽ bị thu hẹp và giá đường sẽ lên theo một vòng luẩn quẩn tái diễn từ mấy năm nay. Cho đến khi nào nhà nước có biện pháp ổn định giá đường, và nói chung có chính sách trợ giá nông sản để nông dân không bị phá sản trong nền kinh tế thị trường và buộc phải rời ruộng đồng đi kiếm sống lây lất ở thành phố.
Ai bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động?
Sau những cuộc đình công của công nhân nhiều xí nghiệp liên doanh (xem Diễn Đàn các số trước), bộ lao động và thương binh - xã hội đã tiến hành thanh tra việc thực hiện quy chế lao động tại 10 xí nghiệp liên doanh ở thành phố HCM. Kết quả cho thấy:
– 70% các xí nghiệp vi phạm quy chế về hợp đồng lao động và thoả ước lao động tập thể; – 100% vi phạm quy chế về thời gian làm việc và nghỉ ngơi của công nhân; – 100% vi phạm quy chế bảo hiểm lao động và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội; – 70% trả lương và tính công thấp hơn qui định.
Vấn đề đặt ra là, cuối cùng ai chịu trách nhiệm về việc thực hiện các quy chế lao động nói trên? Ai là người bảo vệ những quyền lợi hợp pháp của công nhân? Theo báo Lao Động ngày 18.4, câu trả lời hiện nay là “Không rõ lắm”!
– Sở kinh tế đối ngoại cho rằng nhiệm vụ họ chấm dứt khi các xí nghiệp liên doanh được cấp giấy phép hoạt động;
– Sở lao động và thương binh xã hội chỉ can thiệp khi tranh chấp xảy ra trong xí nghiệp.
– Công đoàn thì đến nay chưa thâm nhập được vào hàng ngũ công nhân các xí nghiệp liên doanh, và hầu hết các doanh nghiệp này chưa có tổ chức công đoàn.
– Còn việc bầu đại diện công nhân thì cũng chỉ là hình thức, người đại diện phần lớn chịu sự chi phối của giới chủ.
Trong điều kiện đó, người công nhân, như cơ quan của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam phải thừa nhận, “chỉ còn trông cậy vào sự đoàn kết của họ, và không phải lúc nào họ cũng giành được phần thắng lợi trong việc tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình”.
* Báo Lao động chỉ đặt câu hỏi đối với các xí nghiệp liên doanh. Và quên nêu lên một dữ kiện căn bản : trong chế độ “xã hội chủ nghĩa” các công đoàn từ lâu đã bị triệt tiêu vai trò đại diện công nhân của mình; thay vì bảo vệ công nhân, họ đã trở thành người đại diện của đảng cầm quyền, chỉ chuyên làm tất cả để “giải thích”, nếu cần bằng các biện pháp hành chính và bạo lực, những quyết định của các đảng uỷ - giám đốc. Điều đó đã dẫn đến tình trạng người công nhân chấp nhận im lặng chịu đựng – trên thực tế, phản ứng của họ là một cách lãn công thường trực, lương lấy lệ thì làm cũng lấy lệ, chỉ cần so sánh năng suất ở các xí nghiệp quốc doanh và các xí nghiệp tư cũng đủ rõ. Còn đối với các xí nghiệp liên doanh, nhà cầm quyền cũng thừa biết rằng nhiều nhà tư bản nước ngoài “trông cậy” trên bộ máy đàn áp của đảng để giải quyết các tranh chấp lao động bằng “những phương cách khác hơn là đình công”, như chính lời ông bộ trưởng lao động Trần Đình Hoan từng tuyên bố trước quốc hội (xem Diễn Đàn số 18). Như vậy, tại sao có cuộc thanh tra và công bố kết quả như trên? một sự ra dấu với các nhà tư bản nước ngoài để họ không đi quá xa trong việc áp dụng thẳng tay những quy luật của “tư bản rừng rú”, vì có thể có những lây lan “nguy hiểm”?
Chùa Tây Phương mất nhiều cổ vật
Theo thông báo của bộ văn hoá thông tin, trong đêm 4.3, kẻ gian đã lẻn vào chùa Tây Phương lấy cắp nhiều cổ vật quý như: một pho tượng Phật Bà trăm mắt trăm tay, một pho tượng Phật Bà 12 tay, hai pho tượng Thích Ca, hai bát nhang cổ đường kính 40 cm và hai câu đối khảm trai.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, lăng Lê Văn Duyệt cũng đã bị mất cắp trong đêm 2.3 hai bức tượng cổ bằng sứ. Hai bức tượng này có tên “ông mặt trời, bà mặt trăng”, cao khoảng 50 cm, đứng trong dãy phù điêu được gắn bằng xi măng lên hai gờ mái nhà chính điện.
(Tuổi Trẻ 11.3, Sài Gòn giải phóng 7.3.93)
Tin ngắn
* Theo tin Reuter ngày 21.4, Việt Nam và Liên hiệp quốc đã ký một hiệp định, theo đó tổ chức quốc tế này sẽ giúp trồng lại 125.000 hecta rừng ven biển và rừng đồi miền Trung trong hai năm tới. Trong khi đó, mỗi năm nạn phá rừng làm tiêu tan khoảng 200.000 hecta!
* Năm 1992, tổng giá trị viện trợ mà Việt Nam nhận được từ các tổ chức phi chính phủ trên nhiều nước (ONG) đã lên đến hơn 24,8 triệu đôla, tăng 22% so với năm trước. Thành phố HCM được hưởng phần lớn nhất của số viện trợ này, với trên 5 triệu đô la. 145 ONG có quan hệ với Việt Nam, trong đó 67 tổ chức có dự án viện trợ.
* 16.952 người di tản trong năm 1992 và 2.762 người khác đã hồi hương trong ba tháng đầu năm 1993, theo những thống kê của HCR. Chương trình khuyến khích hồi hương được mở ra từ tháng 9.1991, với sự trợ giúp của Cộng đồng Châu Âu (ngân sách 130 triệu đôla). Hiện còn 88.000 người di tản ở các trại ở Hồng Kông và các nước Đông Nam Á khác không kiếm được nước nhận cho định cư. Hồng Kông vừa trục xuất 57 thuyền nhân trở lại Việt Nam ngày 7.4.
* Tờ báo tiếng Anh Vietnam Investment Review ngày 30.3 cho biết chính phủ Việt Nam đã kêu gọi nước ngoài đầu tư để xây dựng thêm hai lò phản ứng hạt nhân, một để sản xuất điện và một dành cho nghiên cứu. Việt Nam đã khám phá ra một mỏ uranium ở Quảng Nam - Đà Nẵng cuối năm 1991.
* Chi nhánh châu Á của hãng xe hơi Đức BMW đã ký một hợp đồng với Vietnam Motors Corp. để thành lập một mạng lưới bán và sửa xe BMW, tiến tới thành lập xưởng lắp ráp xe của hãng này vào năm 94. BMW hy vọng bán được 200 chiếc xe trong năm 93, 400 chiếc trong năm 94 và 600 chiếc mỗi năm cho tới 1996.
* Việt Nam, Hồng Kông và Thái Lan đã ký một giác thư để tiến tới lập một mạng lưới dây cáp dưới biển nối liền ba nước. Mạng lưới này sẽ dùng kỹ thuật sợi quang học, với sự hợp tác kỹ thuật của công ty Úc OTC International, và dự trù sẽ hoàn thành trước cuối năm 1995.
* Năm 1992, còn 2.632 người chết vì bệnh sốt rét ở Việt Nam, thay vì 4.446 người trong năm 91. Theo ông Lê Đình Long, giám đốc Viện sốt rét, 40% dân số Việt Nam sống trong những vùng có sốt rét và hàng năm có hơn một triệu người bị nhiễm bệnh.
* Công ty Pháp Thomson-CSF đã ký kết với Hàng không dân dụng Việt Nam một hợp đồng xây dựng một trung tâm điều khiển hàng không ở Đà Nẵng trong năm 1994. Cuối năm 92, Thomson-CSF cũng đã ký hợp đồng lắp đặt hai ra-đa ở sân bay Tân Sơn Nhất.
* Tổng thư ký Liên hiệp quốc Boutros Boutros-Ghali đã ghé thăm Việt Nam đầu tháng 4, sau khi đi Cam-bốt trong khuôn khổ giải pháp hoà bình ở Cam-bốt.
* Đại tướng về hưu Võ Nguyên Giáp đã được tổng bí thư đảng cộng sản Trung Hoa Giang Trạch Dân tiếp kiến ngày 10.4 , trong chuyến đi thăm Trung Quốc một tuần của ông.
* Một người Việt Nam tại Mỹ, ông Phạm Gia Bình đã tự thiêu ngày 7.4 tại tỉnh Ellington (bang Connecticut), để “phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của nhà cầm quyền Việt Nam”.
* Đến ngày 14.4, cả nước đã phát hiện 184 người nhiễm HIV (vi khuẩn bệnh Sida). Tuy nhiên, theo ủy ban quốc gia phòng chống Sida, con số thực có thể gấp “từ 10 đến 100 lần hơn”. Mới đây, ở thành phố Hồ Chí Minh có hai thanh niên ghiền ma tuý và nhiễm HIV đã qua đời nhưng người ta không xác định được chắc chắn là họ bị chết vì Sida.
* Tân đại sứ Pháp tại Việt Nam, ông François Nougade, thay thế ông Claude Blanchemaison, đã tới Hà Nội nhậm chức trong tháng 3.93. ông Nougade, 59 tuổi, từng là đại sứ Pháp ở Pêru.
* Cơ quan hợp tác văn hoá và kỹ thuật ACCT – tổ chức của 47 quốc gia sử dụng tiếng Pháp – đã khánh thành Trung tâm tiếng Pháp châu Á - Thái Bình Dương (CRF - Asie Pacifique) đặt tại trường đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh. Trung tâm sẽ đào tạo giáo viên, cán bộ biên dịch và phiên dịch tiếng Pháp, với tổng kinh phí 3 ,4 triệu francs trong năm 1993.
* Tự điển song ngữ Pháp-Việt về Hành chính - pháp quyền, gồm 1.200 từ, thực hiện với sự bảo trợ của toà đại sứ Pháp tại Hà Nội, đã xuất bản.
* Hãng hàng không Hà Lan KLM đã mở đường bay mới Amsterdam - Thành phố Hồ Chí Minh, với một chuyến bay hàng tuần vào ngày thứ tư.
* Bia Đan Mạch Carlsberg sẽ được sản xuất tại Hà Nội trong một nhà máy liên doanh giữa Carlsberg International và Bia Việt Hà.
* Sau BMW và một liên doanh Nhật-Nam Triều Tiên, Fiat cũng sẽ khánh thành trong năm tới một nhà máy lắp ráp xe tải tại Hà Nội, với công suất dự trù 700 chiếc / năm.
* Cuối năm 1992, dân số thành phố HCM lên đến gần 5 triệu người, tăng 3,2% so với năm 1991, gồm tăng trưởng tự nhiên (tỷ lệ sinh đẻ của người dân thành phố dưới 2%) và người các tỉnh khác dồn về tìm việc làm.
* Theo báo Hà Nội mới, hiện còn 21.000 người lao động Việt Nam ở Nga, 3.400 người ở hai nước Séc và Xlôvakia (Tiệp Khắc cũ). Theo Bộ lao động - thương binh và xã hội cho biết, từ 80 đến 90% người đi lao động ở nước ngoài trở về chưa tìm được việc làm. Đức (với 10 triệu DM) cũng như Séc và Xlôvakia (400 triệu Cu-ron) đã hứa giúp Việt Nam giải quyết việc làm cho số người lao động về nước.
* Từ ngày 1.3.1993, đài phát thanh thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu phát đi những bài giảng về quản trị kinh doanh. Đây là thí điểm đầu tiên ở Việt Nam về việc sử dụng những phương tiện đào tạo từ xa.
Một đổi mới khác về giáo dục: từ hội nghị trung ương đảng cộng sản Việt Nam cuối năm ngoái, việc mở các đại học tư đã được chính thức cho phép. Tuy nhiên, người ta còn chờ đợi nghị quyết này “đi vào thực tế”.
Các thao tác trên Tài liệu