Tranh chấp lao động và ổn định xã hội
Diễn Ðàn số 19 (5.92)
Tranh chấp lao
động
và ổn định xã
hội
bùi mộng hùng
Tháng hai 1993, tại thành phố Hồ Chí Minh, đình công bùng nổ tại ba doanh nghiệp có vốn nước ngoài đầu tư : mồng 2 hơn 100 công nhân xí nghiệp Triumph International VN-LTD sản xuất đồ lót phụ nữ (100% vốn từ Cộng hoà liên bang Ðức) đồng loạt ngừng việc ; mồng 6, đến lượt 650 công nhân công ty Ree Young liên doanh với Nam Triều Tiên sản xuất túi da ; rồi ngày 18 là 200 công nhân công ty Thái Bình gia công xuất khẩu túi xách cho Nam Triều Tiên (Diễn Ðàn số 18, 4.93)...
Công nhân công ty Triumph tâm sự : " Họ ' xay ' tụi em ghê lắm ! Mới xin vào làm, nói là học việc nhưng làm không đúng yêu cầu là chỉ 3 ngày sau họ đuổi ngay. Những người còn lại, bước sang ngày thứ tư là họ giao khoán."
Những người còn lại đều là đã có tay nghề. Tiêu chuẩn tuyển rất gắt : trẻ, từ 18 đến 25 tuổi, có bằng may công nghiệp, tốt nghiệp cấp III, nhiều người là thợ may lành nghề đã có thời gian làm cho các xưởng may của Hanzoo, Minh Phụng... Làm được việc thì số sản phẩm giao khoán cứ tăng thêm. Mà lương thì cứ dặm chân tại chỗ nơi mức lương học việc, mỗi tháng 22,65 đôla, nghĩa là 70% lương tối thiểu 35 đôla/tháng. Lại còn phải trừ khoản đóng quỹ bảo hiểm xã hội. Một bữa cơm trưa cũng không được, công nhân phải ra ăn ngoài tốn thêm 3000 đồng một đĩa cơm. Ðã vậy còn bị đốc công người Phi Luật Tân la mắng suốt ! (Người lao động, 8.2-15.2.93)
Công nhân Ree Young cũng đồng một tình trạng. Mỗi ngày làm việc 9 giờ đồng hồ, từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Phần lớn trong số 680 công nhân chỉ được lãnh 18 đôla một tháng. Có một số ít hưởng lương cao hơn, nhưng cũng chỉ đến 30 đôla là " chạm nóc ". Nghe lãnh lương đôla có vẻ oai, quy ra tiền Việt Nam chỉ có 180 000 đến 300 000 đồng. Trong khi tại thành phố Hồ Chí Minh có những nơi như Viettronics ở Thủ Ðức lương công nhân là 650 000 đồng một tháng (Người Lao Ðộng, 15.2-22.2.93).
Con giun xéo lắm cũng phải quằn. Sau ba ngày đấu tranh, hội đồng quản trị xí nghiệp Ree Young chấp nhận yêu sách của công nhân : thực hiện mức lương tối thiểu 35 đôla một tháng, làm việc 8 giờ một ngày, ký hợp đồng lao động với từng người, ký thoả ước lao động tập thể, chuyên gia Nam Triều Tiên tự kiểm điểm và xin lỗi công nhân về những đối xử thô bạo của họ. Ban giám đốc Triumph International cũng giải quyết bước đầu những đòi hỏi của công nhân và bằng lòng chi cho mỗi người 2000 đồng / ngày tiền cơm trưa.
Ba vụ dồn dập trong một tháng. Mà đình công ở xí nghiệp Ree Young là vụ lớn nhất từ sau 1975 tới nay. Chuyện trở thành vấn đề thời sự. Dư luận xôn xao.
Tranh đấu của công nhân thắng lợi. Nhưng xuyên qua các vụ tranh chấp này, ánh đèn thời sự rọi vào khoảng trống luật pháp bảo vệ công nhân lao động. Vào sự vắng mặt của bộ máy công đoàn, mà nhiệm vụ theo hiến pháp 1992 là " ...bảo vệ quyền lợi của cán bộ, công nhân, viên chức và những người lao động khác..." (điều 10). Công nhân bị chủ nhân ngược đãi bất chấp mọi qui định về chế độ lao động, tiền lương của nhà nước, công đoàn không hề biết tới. Tức nước vỡ bờ, công nhân buộc lòng phải đấu tranh, công đoàn vắng mặt. Ðấu tranh, đình công đều là tự phát.
Ðây không phải là những trường hợp đầu tiên. Trong năm 1992, ở các xí nghiệp Giày Hiệp Hưng, Lạc Tỷ, Dệt vớ xuất khẩu Tân Bình, Việt Thắng... tất cả là chín nơi đã xảy ra đình công, lãng công, đã xảy ra chuyện chuyên gia nước ngoài đánh đập công nhân và bị đánh trả. Và mới chỉ kể những vụ mà chủ tịch Liên đoàn lao động thành phố Hồ Chí Minh bà Hoàng Thị Khánh biết được (Tuổi Trẻ 16.2.93). Hầu hết ở bất cứ nơi nào công đoàn cũng vắng bóng, và nếu có mặt thì đôi khi lại là chính vị chủ tịch công đoàn kềm hãm những đòi hỏi chính đáng của đám công nhân mà công đoàn có nhiệm vụ bảo vệ, như sẽ trình bày trong một đoạn sau.
Vấn đề không chỉ riêng ở thành phố Hồ Chí Minh. Tại Quảng Nam Ðà Nẵng, công nhân xí nghiệp giày Quốc Bảo (100% vốn của công ty Gold Medal Footwear, Ðài Loan) cũng khiếu nại những việc tương tự : bị đối xử thô bạo, đi làm trễ bị bắt phơi nắng, bắt buộc làm 11 giờ một ngày, chế độ trả lương không rõ ràng, sản phẩm làm đúng tiêu chuẩn xuất khẩu, nhưng lương chỉ trả như cho người học việc... (Tuổi Trẻ 11.2.93)
Rõ ràng là cơ chế để giải quyết cho thoả đáng những tranh chấp giữa chủ và người làm công đã trở thành một vấn đề cấp bách trong xã hội nước ta ngày nay. Những vụ đình công quan trọng liên tiếp vừa mới xảy ra đặt lại vấn đề tư cách đại diện của công đoàn cùng tính cách độc lập của nó. Vì thế đặt lại vấn đề căn bản : quan niệm về quyền đấu tranh, đình công của công nhân lao động, về vai trò của công đoàn trong một xã hội với nền " kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường..." như điều 15 của hiến pháp 1992 đã khẳng định.
Tổng liên đoàn lao động Việt Nam là một bộ máy to lớn cồng kềnh trải rộng từ trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện, đến các công đoàn cơ sở. Quanh năm hết cấp trên mời cấp dưới lên họp, lại đến lượt cấp dưới mời cấp trên xuống họp. Rồi quanh đi quẩn lại đã hết nhiệm kỳ, lại phải lo tổ chức đại hội cấp này cấp kia. Mỗi kỳ đại hội là bao nhiêu công việc dồn dập, tốn cả năm trời vất vả.
Bận tíu tít, cán bộ chủ chốt công đoàn cấp trên chẳng còn thì giờ xuống đến cơ sở. Nếu có thì cũng chỉ dừng lại ở văn phòng, tiếp xúc với chánh, phó chủ tịch công đoàn, phát biểu những lời sáo mòn đã được mò đã được soạn thảo từ trước. Chẳng có gặp gỡ trực tiếp công nhân, lắng nghe tiếng nói đích thực của người lao động (Lao động 18.2.93). Liên đoàn đang chuẩn bị đại hội VII, trong số 1000 công đoàn cơ sở đã bầu lại ban chấp hành chỉ có 6 nơi là người chủ tịch được công nhân đích thực " chọn mặt gởi lá phiếu " (Lao động chủ nhật, xuân 1993). Chả trách người lao động xa cách với các " quan công đoàn " cấp trên.
Báo Lao động chủ nhật xuân 93 kể một chuyện có thật. Gần đây, một anh công nhân hơn 30 tuổi nghề đã nhiều lần được bằng lao động - sáng tạo, được đại hội công đoàn của anh bầu làm phó chủ tịch. Khi phải cùng với đoàn viên đấu tranh với ban giám đốc công ty, anh đã đến tìm phóng viên báo chí theo cách của những người hoạt động bí mật trong lòng địch những năm xưa : đi xích lô vào chợ Bà Chiểu, đảo một vòng xem có bị bám đuôi hay không, rồi nhảy lên một chiếc xích lô khác, phóng thẳng đến nhà phóng viên.
Anh phó chủ tịch công đoàn cũng không báo cáo với cấp trên về công cuộc đấu tranh của cơ sở mình. Vì không tin các " quan công đoàn " cũng có. Nhưng còn thêm một lý do khác : số phận anh phó chủ tịch công đoàn nằm ở trong tay ông giám đốc công ty của anh, mà liên hệ thì dắt dây tròng chéo giữa các cấp quản lý xí nghiệp và công đoàn. Ðộc lập về tổ chức của công đoàn chỉ có tiếng mà chưa có miếng.
Mặc dù tổng bí thư Ðỗ Mười có nói : "... Ðảng không can thiệp thô bạo và vụn vặt, không làm thay công đoàn ", nhưng nhan nhản những ví dụ cụ thể người đứng ra đấu tranh chống việc làm sai trái sau đó " tránh đâu " cho khỏi búa rìu của cấp ủy đảng trong ban lãnh đạo công ty.
Tờ Lao động chủ nhật xuân 1993 kể một chuyện xảy ra tại Công ty dịch vụ thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1988 nhiều đoàn viên, cán bộ, công nhân đứng lên tố cáo tiêu cực trong công ty. Bí thư đảng uỷ Trần Tấn Tạo mạt sát họ là " bọn phá hoại ". Chủ tịch công đoàn Xứng hùa theo khẳng định là không có tiêu cực mà chỉ có bè phái chống đối...
Sau nhiều tháng điều tra, đoàn thanh tra nhà nước kết luận là " mọi tiêu cực quần chúng tố giác đều có thật ". Thế nhưng ông Trần Tấn Tạo được lên lương và chuyển công tác về phụ trách kinh doanh ở T.78. Ông Xứng được chuyển công tác làm giám đốc một xí nghiệp lớn của công ty.
Trong khi đó những người đứng ra tố giác đều tan tác. Chị Tuyết Vân ở Cửa hàng quốc tế, đảng viên dự bị, bị ép không cho chuyển đảng chính thức và cho về hưu non ; anh Trinh một chuyên viên giỏi bị buộc phải nghỉ việc ; phó giám đốc Lê Văn Ngay bị ép về hưu với lý do " tố giác với cấp trên dẫn đến thanh tra, làm công ty mất ổn định ". (Có lẽ cũng nên nói thêm cho câu chuyện được có hậu, một năm sau khi được chuyển lên, tại T 78 ông Trần Tấn Tạo làm thất thoát của công quỹ hơn một tỷ đồng, còn ông Xứng vì nhận hối lộ 5 triệu đồng mà bị cho về hưu, nhưng dù sao cũng " hạ cánh an toàn ".)
Tại các công ty liên doanh với tư bản nước ngoài, cung cách nhiều người trách nhiệm công đoàn được chính thức điều tới vẫn rập theo khuôn cũ ở các xí nghiệp quốc doanh. Ðối xử của ban giám đốc với công nhân có sai với qui định của nhà nước tới đâu đi nữa, nhiều vị chủ tịch công đoàn cũng nhắm mắt, sống chết mặc bay. Cấp uỷ đảng bảo làm sao thì y theo làm vậy, không bao giờ dám có một ý kiến độc lập. Ví dụ cụ thể tại công ty liên doanh Nhà máy giày An Lạc và công ty Lạc Tỷ của Ðài Loan, công nhân bị buộc phải làm việc 12 giờ một ngày, căng thẳng quá, nhiều chị em bị ngất xỉu. Chị chủ tịch công đoàn không làm gì khác hơn là lặp lại ý kiến của ông phó giám đốc công ty, một cán bộ đảng viên Ðảng cộng sản Việt Nam, được chính thức điều tới nắm chức vụ này : " Chúng ta phải mềm dẻo bàn bạc, khuyên công nhân cố gắng nhẫn nhục, đừng làm căng, họ rụt lại không đầu tư nữa thì mình thiệt, mất cơ hội có công ăn việc làm ".
Nói cho ngay, ông phó giám đốc, chị chủ tịch công đoàn cũng như các cán bộ do cấp trên điều tới công ty liên doanh đều được hưởng lương cao hẳn so với công nhân. Chả trách người công nhân lao động nhận xét : " Quyền lợi của những người này không gắn với đoàn viên mà gắn chặt với những người có chức có quyền, ban phát lợi lộc cho họ ".
Công đoàn không độc lập. Người công nhân lao động không thấy công đoàn là người đại diện cho họ, bảo vệ những quyền lợi thiết yếu nhất của họ. Ta chẳng lấy làm lạ khi thấy các cuộc đấu tranh của công nhân lao động tự phát nổ ra. Không có công đoàn tham gia, hướng dẫn. Ngay tại những nơi chính thức có mặt công đoàn như xí nghiệp Lạc Tỷ, xí nghiệp Dệt vớ xuất khẩu Tân Bình, Công ty may Hajoo...
Trong nước, có ý kiến đánh giá rằng hiện tượng ấy là tốt, chứng tỏ rằng cán bộ công đoàn cơ sở rất vững vàng, có ý thức trách nhiệm giữ vững sự ổn định, có nhận thức " đình công là đánh vào chính mình " (Lao động chủ nhật xuân 1993). Xin không bàn làm gì đến tình thế siêu thực các nước xã hội chủ nghĩa hiện thực trước đây cùng thuyết người lao động làm chủ, vì thế không có lý do gì mà đình công. Ðể trở về tình hình thực tại " kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường " của xã hội ta ngày nay. Mới đó mà tranh chấp lao động đã liên tiếp bùng nổ, phá tan cái hình ảnh ổn định giả tạo. Ðồng thời vạch trần sự bất lực của công đoàn : Công nhân bắt buộc phải dùng biện pháp đình công chính là vì công đoàn hữu danh vô thực, trốn tránh trách nhiệm đứng ra bàn bạc với chủ nhân tìm giải pháp ổn thoả trước khi cuộc tranh chấp trở nên gay gắt.
Cũng có ý kiến " lo ngại nếu tình trạng đình công trở nên phổ biến sẽ làm cho người nước ngoài ngại ngùng khi vào làm ăn ở nước ta, bởi họ cho rằng người lao động của ta là lực lượng có tổ chức " (Lao động 21.2.93). Và thấp thoáng đâu đó ý đồ tước quyền đình công của người lao động.
Có ai từng thấy nơi nào thu hút được đầu tư nước ngoài vì luật pháp không công nhận quyền đình công ? Lý do đơn giản là vì cấm đoán thô bạo, cho đến ngay cả đàn áp đẫm máu của thực dân, của tư bản có bao giờ ngăn nổi đình công đấu tranh dữ dội ! Nếu còn nghi ngờ về điểm này thì xin hỏi lại những người cộng sản chân chính đã sống qua thời Pháp thuộc thì rõ.
Các nhà tư bản thì họ đã thấm thía việc này. Ðiều làm cho họ e ngại không phải là lao động có tổ chức. Mà là thiếu luật pháp minh bạch giải quyết mọi tranh chấp có thể xảy ra. Là vắng mặt công đoàn có uy tín, thực chất, thực lực.
Chính sách thịnh hành ngày nay là giới chủ nhân ký kết với đại diện công nhân lao động các thoả ước khung và từng ngành, nhờ đó tránh bớt tranh chấp bạo lực làm xáo trộn ổn định xã hội. Mà cơ sở để cho chính sách thương thảo này được thực thi, chính là sự hiện diện của các công đoàn độc lập, có ý thức trách nhiệm và được công nhân lao động tín nhiệm.
Một khi đã chấp nhận cơ chế thị tận cơ chế thị trường với nhiều thành phần xã hội mà quyền lợi có khi trái nghịch nhau, thì ta rơi vào tình thế tương tự với một nước tư bản. Hướng đi ít xáo trộn xã hội nhất là mau chóng ban hành bộ luật lao động. Và xây dựng công đoàn độc lập, có thực chất thực lực, đầy đủ uy tín để đàm thoại với giới chủ nhân. Nhà nước đứng làm trọng tài. Có vậy mới bảo đảm được lợi ích chính đáng của mỗi giới trong ổn định xã hội và cho phát triển được hài hoà.
B.M.H. (4.93)
Các thao tác trên Tài liệu