Bàn (phiếm) về từ “áp đặt”
Bàn (phiếm) về từ “áp đặt”
Cách đây hơn hai mươi năm, vào lúc chiến tranh Việt Nam ở vào giai đoạn khốc liệt nhất, lần đầu tiên tôi được đọc từ “áp đặt” trong một văn kiện chính thức của phái đoàn đại diện Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam Việt Nam tại “Hội nghị bốn bên” ở Paris: nó được dùng để dịch động từ “imposer” của tiếng Pháp. Và từ đó, từ này cứ lảng vảng trong trí tôi hoài, vì tôi thấy nó có cái chi “đầu gà đít vịt” làm sao ấy.
Đây là một từ có lẽ được tạo ra vào khoảng đầu những năm 70. Sở dĩ tôi đoán như thế vì nó vắng bóng trong Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên, xuất bản vào năm 1967, nhưng lại có mặt trong cùng quyển từ điển in lần thứ hai (vào năm 1977), có chỉnh lý và bổ sung, với định nghĩa: “thiết lập bằng sức ép” và với một thí dụ nặng màu thời sự chính trị: “thực dân mới muốn áp đặt một chế độ bù nhìn tay sai trái với ý dân”. Ở trong Nam, từ áp đặt cũng không xuất hiện trong Việt Nam tân tự điển của Thanh Nghị do nhà sách Khai Trí xuất bản tại Sài Gòn vào năm 1967. Trong Từ điển Pháp - Việt do Lê Khả Kế chủ biên, xuất bản ở Paris vào năm 1981, từ “ imposer” được dịch là “áp đặt”.
Theo tôi, cái không ổn của từ “áp đặt” là ở chỗ nó được cấu thành bởi một từ Hán Việt (áp: đè nén, bắt buộc phải theo, khác với áp: đóng dấu, giữ gìn trong áp tải, áp giải... và áp: con vịt) và một từ thuần Việt (đặt).
Chính vì thấy cái không ổn nói trên nên trong bài báo đăng ở Diễn Đàn số 18 (tr. 9, cột 2, dòng 5), tôi đã dùng “ép đặt” thay cho “áp đặt”. Nếu tôi không lầm, thì “ép” phái sinh (dérivé) từ “áp” và hoàn toàn đồng nghĩa với “áp”. Trong Từ điển Việt-Bồ-La (1651), A. de Rhodes đã có ghi “ ép” và “ép uổng”. Với từ “ép” được tạo ra một số thành ngữ như “ép lòng”, “ép dạ”, “ép bụng”, “ép mình”, “ép tình”, “ép duyên” (với câu “ ép dầu ép mỡ, ai nỡ ép duyên” rất tiến bộ) “ép nài”... và nhất là “ép liễu nài hoa” (mấy ai không biết câu phản đối, thành thực chứ không phải “em chả” đâu của nàng Kiều: “ vội chi ép liễu nài hoa”!)
Nhưng nghĩ kỹ thêm một chút, tôi thấy từ “ép đặt” cũng không ổn nốt! vì nó được cấu tạo tương tự như các thành ngữ “ép mua”, “ép bán”..., trong đó “ép” và “mua” hay “bán” không phải là vị ngữ (prédicat) của cùng một chủ từ, khác với “ép” và “đặt”. Trong câu “chính phủ ép mua bo bo” chẳng hạn, chính thực ta muốn nói: “ chính phủ ép (dân) mua bo bo”.
Để tôn trọng ngữ pháp tiếng Việt, phải chăng ta phải dịch “imposer” bằng “đặt ép”, cũng giống như cấu trúc của các thành ngữ “mua ép”, “bán ép”, “gả ép”, v.v...
Không biết có phải vì mới quá hay không, nhưng thú thật tôi thấy từ “đặt ép” có chút chi nghe chưa xuôi tai.
Suy đi nghĩ lại nhiều đêm (không liên tục đâu nhé!), một hôm tôi mới đốn ngộ ra từ “cưỡng đặt” mà tôi dám cho là đạt nhất để dịch động từ “imposer”. Tuy cũng là từ Hán Việt, “cưỡng” đã được Việt hoá hơn “áp”rất nhiều nên có thể dùng riêng lẻ như các từ Hán Việt “chiếm” (đất, nhà...) hay “tranh” (quyền, của...); đó là chưa nói đến sự kiện “cưỡng” có những nghĩa thuần tuý Việt Nam như khi ta nói: “cưỡng lời”, “cưỡng lại cơn buồn ngủ”, “cưỡng lại trào lưu lịch sử”... Theo Lê Ngọc Trụ trong Việt ngữ chánh tả tự vị (Sài Gòn,1967) các từ “cượng” (co cượng), “gượng” và ngay cả gắng (cố gắng) đều phái sinh từ “cưỡng”.
Sau cùng và không phải là không quan trọng: nhờ có cấu trúc giống như “ cưỡng ép” mà ta đã quen dùng, “cưỡng đặt” nghe êm tai hơn “ đặt ép”, dù cả hai đều có nghĩa “imposer”, là điều chẳng mấy ai thích trở thành nạn nhân. Và dù “cưỡng”, “áp” hay “ ép” cũng chẳng hay ho đẹp đẽ gì khi ta nghĩ đến “áp chế”, “áp bức”, “ đàn áp”, “cưỡng hiếp”, “cưỡng dâm”, “ cưỡng hôn” (xin cưỡng dịch là... hôn bừa, hay hôn đại), “ép duyên”, “ép liễu nài duyên”...
Nguyễn Trọng Nghĩa
Các thao tác trên Tài liệu