Có trả vay gì? Để kiếp sau!
Có trả vay gì? Để kiếp sau!
Phan Thị Trọng Tuyến
gửi Đ.T.
Nhà anh ở cạnh nhà tôi, má anh hay ghé qua rủ má tôi cùng đi chợ, đôi khi cùng xem hát cải lương. Ba anh và ba tôi cũng có những buổi bàn cãi kịch liệt về thời cuộc bên mâm trà. Anh chơi thân với chú tôi. Em gái anh học cùng trường với tôi. Em út tôi thường chơi búp bê, đánh đũa với em út của anh.
Học đệ thất, tôi còn lẩn quẩn bên chú tôi. Chú và các anh diện kẻng đèo nhau lên xe đạp, xe gắn máy đi tắm hồ, đi xem chiếu bóng, bỏ lại lũ nhóc eo sèo. “Chúng mày còn con nít”, làm như chú tôi và các bạn chưa hề là con nít! Không, tôi không nhớ ngày xưa thật xưa, tôi nhỏ tí tẹo, anh và chú tôi như nhiều đứa con trai khác, đi học về là cởi phăng áo sơ mi trắng, mặc độc một cái quần xà lỏn, kéo nhau ra giữa đường hẻm chơi tạt lon hay vít hình. Anh chơi món gì cũng tài, và rộng rãi với tôi, anh cho tôi cả đống giấy hình, dây thun. Giấy hình, tôi theo dõi chuyện Tạc Dăng đu dây cao bồi cỡi ngựa. Dây thun vàng đỏ xanh tôi ngồi tết thành sợi dài để chơi trò nhảy dây. Đi đại nhạc hội về, hai ba nhóc vây quanh, anh kể chuyện. Thần đồng Quốc Thắng mặt mũi ra làm sao? Quái kiệt Trần Văn Trạch tóc dài như thế nào, bắt chước tiếng nổ của máy bay, tiếng kêu của thú vật ra sao? Anh cho chúng tôi hoa lá, hình tài tử để trang hoàng quyển tập chép bài ca. Nhiều khi Quý phân bì anh thiên vị tôi.
Năm tôi học đệ lục, bọn con trai kể nhau nghe chuyện con X con Y nào đó ở xóm trên xóm dưới nhận lời đi xem xi nê hay ăn kem ăn kiếc với một anh trong bọn. Anh Phú có vẻ ngượng, hai con mắt vẫn nói riêng với tôi:
– Anh vô tội!
Từ lớp đệ ngũ, tôi không còn theo đuôi chú tôi. Và đề tài của đám trai trẻ này bây giờ đầy vẻ trái cấm; ảnh nữ tài tử xi nê ngoại quốc ăn mặc hở hang, những quyển sách cấm nhầu nhèo họ lén lút chuyền tay kèm những lời bình tục tằn, kín hở. Con nít tiểu học cũng hiểu, nữa là tôi!
Khi tôi học đệ tứ, rồi đệ tam, đám con trai dạo trước dần dần rã đám. Hàng hiên nhà bác Sáu và hai dẫy băng gỗ nhà tôi không còn râm ran tiếng nói cười ồm ồm và tiếng ho sặc với những đóm lửa lập loè của những điếu thuốc đầu dời. Cũng ít đi những đám đánh lộn, Sơn Tinh Thuỷ Tinh đi lính, đi học bổ túc toán lý hoá, những Mỵ Nương bèn đi học Anh văn, học tốc ký cho quên sầu. Bác Sáu phá vách, lấn ra hẻm từ chỗ hàng hiên cũ, làm thành nhà mới cho hai bà bán ba mướn. Má tôi dẹp băng ghế, đóng chuồng nuôi gà Mỹ. Lâu lâu xóm nhỏ lại rộn lên vì chuyện khác: cảnh sát khám sòng rượt bắt dân cờ bạc, xét giấy căn cước bắt thanh niên trốn quân dịch.
Chú tôi học xong trường kỹ thuật, làm việc trong nhà máy điện, thành sĩ quan biệt phái, ngày ngày đi về nhà, sở. Cuối tuần chở đào đi chơi. Đôi khi hai đào đến thăm chú cùng một lúc, đụng độ nhau ở nhà trên. Chú tôi kêu tôi lên tiếp (cứu) khách, chú chuồn ra ban công chuyền sang cây dừa, hạ thổ và dông thẳng vô xóm. Ba tôi rầy: có ngày sẽ sinh ra án mạng! Má tôi khen: cái thằng có số đào hoa.
Anh Linh lùn, tự Chế Linh, không được quân đội chiếu cố, anh bỏ xóm, bỏ bạn về miền Trung làm ăn. Thầu xây cất cho quân đội Đại Hàn? Anh Đức kít về quê làm ruộng, kỳ thực là vô bưng chống Mỹ cứu nước. Anh Chuông đồng quy y trong thánh thất Cao Đài ở Bến Tre. Anh Bảo ròm, anh Công cận, anh Cảnh hù... người đi lính trơn, hạ sĩ quan, kẻ vào Thủ Đức, lên Đà Lạt 1.
Đôi khi về phép, các anh ghé qua nhà thăm ba má hay chú tôi, câu chuyện nào cũng vội vã, náo nhiệt, mọi người vui vẻ nói cười mà tôi như cảm thấy có điều chi không ổn. Mọi người dường như đau đớn. Những niềm đau - riêng? chung? – không lẫn lộn, không chia sẻ, không hoà đồng. Tôi cũng thầm lặng đớn đau, như tất cả, nhưng tưởng tượng rằng, lắm khi chắc chắn rằng, cái đau mông lung, ray rứt này rất riêng tư, khác biệt và không hợp lý. Cho nên, cũng như mọi người, tôi không hoà đồng, không chia sẻ.
Anh nhập ngũ sau hết, so với đám con trai cùng xóm. Có phải hai năm ở đại học khoa học khiến anh khác họ? Dĩ nhiên anh không còn là tên thiếu niên vạm vỡ, nổi tiếng du côn vì ưa đấm đá hơn cãi cọ dài dòng, anh bây giờ cao ráo chững chạc, da vẫn đen nắng, tóc vẫn húi cua và có vẻ nhút nhát, suy tư hơn. Có những buổi tối, xóm nhỏ còn ồn ào tiếng đài truyền hình, và đất rung nhẹ tiếng bom xa, tôi thoáng nghe tiếng đàn tây ban cầm và tiếng hát rất khẽ của anh “còn thấy gì sáng mai đây khi ta còn bạn bè... giọt rượu nào mãi chua cay trong tình vẫn u mê...” 2 hay “tóc nào hãy còn xanh... cho ta chút hồn nhiên..” 2. Tôi ngạc nhiên, cảm động nhưng tôi đóng mạnh cửa sổ hay vờ vịt vươn cổ lên hát thật to: Ò e con ma đánh đu, Tạc Dăng nhảy dù, John Wayne bắn súng...
Anh Phú đi lính nhảy dù. Năm đầu, mỗi lần về phép, anh qua nhà tôi, nói chuyện với cả nhà. Tôi trốn biệt trên lầu. Anh lọ mọ lên, tôi ầm ừ vài tiếng ngắn ngủi rồi lẻn xuống nhà hay chui vào phòng tắm, nhẩn nha giặt hết núi quần áo. Đôi khi không trốn vào đâu được, tôi hỏi anh sao không đèo người yêu ra bến tàu hóng gió? Anh sầm mặt lại, không trả lời. Tôi biết anh thích ở nhà tán chuyện với chú tôi hay với bạn cũ còn lại trong xóm và thích ăn cơm nhà, nhà tôi hay nhà anh. Ba má tôi cũng như ba má anh, dường như không phân biệt hai đám con và những bạn bè của chúng...
Tôi chết dí trong nhà nại cớ học thi, hết thi lục cá nguyệt thì tới thi tú tài, hết phần một tới phần hai. Anh vẫn ngu ngốc lầm lì không nói. Tôi tàn nhẫn lẳng lặng.
Giao thừa năm Mậu Thân, anh mặc đồ thường phục, leo lên sân thượng, ngồi cạnh tôi nói nhỏ:
– Đi Lăng Ông hái lộc với anh!
– Ở nhà ngắm thiên hạ khoẻ hơn!
– Mình ngắm thiên hạ xong rồi đi, ngày xưa em với Quý hay vào lăng xin xăm.
– Bây giờ hết thích rồi, anh rủ Phượng đi, Phượng mê xăm, ưa đốt nhang cầu ông phù hộ.
Phượng là bạn của tôi lẫn Quý, em gái anh. Tôi biết Phượng đang cảm anh.
Anh nói như không nghe:
– Đi đón giao thừa với anh!
– Không!
Tôi hất tấm khăn nỉ anh vừa đặt nhẹ lên bờ vai tôi. Từ dưới nhà đã có tiếng pháo đì đùng, những đợt khói pháo đầu tiên thơm ngây ngất. Anh nhìn tấm khăn, mặt đanh lại. Tôi ngồi yên, hối hận. Nhớ tới ngày xưa, tiếc nuối, phải chi mọi sự đều ngưng đọng từ lúc ấy, khi tất cả đều là yên ả, êm đềm. Rồi muốn mở lời giải thích, nhưng anh đã bỏ đi. Tôi ngồi lặng. Trong xóm, pháo chỉ còn nổ lẻ tẻ và mọi người vẫn rộn rịp qua lại nói cười. Phải giải thích làm sao? Tôi muốn diện áo đẹp, sánh vai anh, chậm rãi đi giữa dòng người hớn hở, nhưng... Nghĩ một lúc, tôi lại đâm giận mình, tôi đã xôn xao chờ đợi, tim cháy bỏng muốn nghe tiếng đàn, muốn thấy con mắt si tình, vậy mà...
Tổng tấn công đợt một rồi đợt hai, đồng bào tị nạn được ở tạm trong những ngôi trường lớn. Anh mất biệt không thấy về phép. Em tôi được nghỉ học, suốt ngày qua nhà bạn chơi. Chú tôi sợ phen này chắc bị phái thẳng ra trận, lo chuẩn bị giã từ những người yêu. Ba tôi nói thua tới nơi rồi. Má tôi hy vọng: nhiều lắm là cắt ngang vĩ tuyến 20. Tôi hứa thầm: anh về chuyến này, tôi sẽ “hết khó chịu, hết khó thương”.
Khi anh về thật, đen thui, rắn rỏi, đẹp trai và ồn ào với vài người bạn, tôi thấy anh vô tâm quá bèn quên lời tự hứa. Cả bọn anh, sau khi kéo nhau ra Sài Gòn “làm giặc” như má tôi nói, đi Gò Vấp, lăng Cha Cả “để nhậu” theo lời chú tôi, lại lôi nhau về nhà, bày bàn ghế ra sân, ồn ào ăn uống, đàn hát. Khói thuốc lá mù mịt, hơi rượu nồng nặc. Những khuôn mặt lẫn với màu đêm, đêm khuấy động bởi những trách móc và những tiếng chửi thề, văng tục.
– Đ.m. một lũ hèn!
– Đ.m. toàn dân trốn lính!
– Để Việt Cộng vô thì biết, đ.m. tụi mày ăn chơi trên xương máu bọn ông. Một lũ chó đẻ, vô ơn. Thương binh, quả phụ tử sĩ phải xuống đường làm loạn mới được bố thí...
Anh chìm mất trong đêm nặng nề, tôi tê liệt nép mình sau cánh cửa sổ.
Khi anh Công tử trận, hàng xóm xôn xao vài khoảnh khắc. Như khi anh Cảnh mất tích, anh Bảo cụt tay, gia đình bên nội anh Đức – thiếu anh Đức – ở nhà quê dọn lên ở với ba má anh Đức vì bom đã phá tan nhà cửa. Phải rồi tai ương chờ đợi đang tới. Buổi tối xóm nhỏ chỉ có bọn trẻ con vô tình cười giỡn vang rân hay đánh, cãi nhau inh ỏi. Tôi bồn chồn trông tin anh, tay chân bủn rủn, lạnh buốt đường lưng mỗi khi trong xóm vang lên tiếng khóc kể. Có những nỗi đau được ép xuống, giấu nhẹm. Nhưng cũng có những nỗi đau bùng vỡ, bất chấp. Giấu nhẹm hay bùng vỡ, nỗi đau nào cũng khiến xóm nhỏ đổi khác, làm điên người, héo tàn ước vọng. Những buổi về phép của đám lính trẻ đã thưa thớt, những lời uất ức, giận dữ hoà tan trong nỗi bất lực và chịu đựng chung. Vì những điểm tựa, những dấu mốc không còn. Một thế giới nhỏ bị bỏ quên. Như bị bỏ quên? Ồ không, bên ngoài, thiên hạ vẫn theo dõi cuộc chiến, bằng đài truyền hình, đài phát thanh, bằng điện thoại viễn liên, trắng đỏ, công khai hay bí mật, từ thường dân đến toà Bạch ốc, Ngũ giác đài hay điện Cẩm linh, theo dõi những cuộc hoà đàm không ngừng bị... bế tắc, những trò đi đêm, có chuyến đi ban ngày, có chuyến đi ban đêm. Kissinger với Lê Đức Thọ. Kissinger với Chu Ân Lai. Chuẩn bị cho Nixon và Mao gặp gỡ cùng ăn vịt Bắc Kinh và trăm thứ trân hào hải vị. Cho Brejnev sang Mỹ tay bắt mặt mừng Nixon. Cùng nhau ký những thoả hiệp về thương mại, kinh tế, kỹ thuật. Để bọn con buôn khí giới xoa tay sung sướng. Và Nixon còn toan tính ra ứng cử thêm lần nữa. Dân Mỹ, dân Tàu, dân Nga sống yên ổn, bình an và (lãnh đạo hứa hẹn thêm) sung túc nữa. Lính Mỹ khăn gói về quê, về luôn. Trừ những người đã chết. Năm 1972, anh cũng từ Lào về, tạm về thôi. Anh là một khối thép lầm lì, đau đớn. Vì chiến dịch Lam Sơn, vì mùa hè đỏ lửa?
Chú tôi nói:
– Bạn bè đồng đội của nó chết gần hết...
Tôi nhẹ nhõm trái tim nhưng sao mắt vẫn muốn nhìn nơi khác, hai chân quẹo ngõ sau. Và khi lỡ kẹt phải trực diện, phải trả lời anh, tôi dấm dẳng thách thức, vô lễ ngạo mạn. Sau đó lại ngồi khóc như một con điên.
Buổi tối, anh chận tôi sau hẻm, bàn tay nóng như sắp bóp vụn và đốt cháy vai tôi:
– Tại sao?
– Tại sao... sao?
– Tại sao... em né tránh anh?
– ...
– Tại sao?
Hơi thở anh sát mặt tôi, hai con mắt sáng rực trong đêm tối, vai tôi đau điếng và tôi nghe như chân mình sắp khuỵu xuống, tôi nhắm mắt, nói thật nhanh:
– Tại anh uống rượu nhiều...
Bàn tay anh nới lỏng rồi nắm lại, anh cười gằn:
– Chỉ vậy thôi?
– Tại anh hút thuốc...
Anh phì cười, đổi thế đứng, nhốt tôi vào giữa hai cánh tay anh đang chống thẳng lên vách ván nhà bà Tám. Hẻm vắng không một bóng người. Nửa mặt anh chợt nghiêng vào vùng ánh đèn vàng từ trên cửa sổ hắt xuống. Tôi thấy rõ sống mũi cao hơi gẫy, bờ môi chế nhạo của anh, tôi cố gắng thản nhiên:
– Anh thay đổi rất nhiều, anh nhậu nhẹt... ăn nói tục tằn, hay chửi thề...
Anh cười lớn khiến tôi giật mình nhìn quanh. Anh dùng thân đè áp tôi vào vách, bàn tay giữ nghiến khuôn mặt tôi, những ngón tay nóng bỏng thô nhám sờ soạng trên mặt mũi tôi. Và lần xuống vai, ngực. Tôi run rẩy vừa sợ vừa tức tối... Tôi muốn vùng vẫy nhưng tay chân đã bị kềm cứng. Anh hôn suồng sã lên mặt tôi vừa nói trong tiếng thở dồn dập:
– Anh sẽ không uống rượu, không hút thuốc, không nói bậy... Anh hứa với em... Đã từ lâu lắm... Anh... đã từ lâu... Anh không hiểu... tại sao em... thay đổi. Xin hứa với em... Chỉ có vậy thôi sao... Anh yêu em. Nhớ em. Có yêu anh không? Có nhớ anh không?
Trời đất ơi. Trời đất ơi. Trong một thoáng tôi nhắm nghiền mắt, ngất ngây và sợ hãi, sung sướng và thất vọng. Anh có thay đổi gì đâu. Ô, đây chỉ là xóm nhỏ của chúng ta. Đã đành xóm nhỏ như trăm nghìn xóm nhỏ khác. Nên không có cây cỏ diễm lệ, không có tiếng nhạc dịu êm, không có thiên thần bay lượn ban phép lành. Nơi trẻ con đùa giỡn, người lớn chửi nhau. Không phải là nơi tỏ tình. Bàn tay anh đang vò nát những bồn chồn, mơ mộng. Nụ hôn anh đang xoá hết những thương nhớ tuyệt vọng mà đẹp đẽ. Tôi ràn rụa nước mắt. Anh có khác gì thiên hạ. Là đời sống đó sao, những buổi tối hẹn hò nơi quãng vắng (có hẹn hẳn là may!), những thân hình dính sát vào nhau. Là tình yêu đó sao, những buổi sáng bơ phờ mặt mũi, vì nhớ nhung, vì con tim đã bị chiếm, nên có những tiếng mắng mỏ của những người mẹ thô vụng. Tiếng hát hò mai mỉa của những con bạn khác, xấu xí hay chưa kịp có bồ
Con gái chơi
với con trai
Về sau hai vú như hai quả
dừa.
Coi kìa, phút này là giờ phút tôi đã ước mơ, tiếng yêu em là tiếng tôi đã trông chờ, tôi muốn đáp lại nhưng.... Có điều gì vướng mắc, không yên, bao nhiêu lần tôi trách mình quái đản vô duyên, mâu thuẫn và tàn ác!
Tôi nhớ lại buổi tối năm xưa. Và chợt bừng hiểu. Vừa buồn giận vừa thất vọng. Đúng rồi. Nỗi hoang mang, hụt hẫng của tôi trước những đổi thay của xóm nhỏ chỉ là một cái cớ. Phượng chỉ là một cái cớ. Chối bỏ công dụng của thuốc lá, rượu chè, lời chửi tục cũng chỉ là một cái cớ. Anh không nhớ gì sao, cũng một buổi tối, buổi tối năm xưa. Tôi vừa lên đệ tứ, anh sắp thi tú tài. Buổi tối đó... Nhưng làm sao giải thích? Kẻ phải biện bạch là anh chứ không phải tôi!
Cho nên tôi đớn đau bình tĩnh lại. Chậm chạp, tôi tháo gỡ vòng vây, du nhẹ anh ra rồi quay lưng chạy về nhà.
Trong gương mờ nước mắt, tôi thấy mình xấu xí, là con bé lọ lem chưa thoát xác mà muốn được nâng niu như công chúa ngủ trong rừng! Sao chúng ta không thể khác đi một chút? Sao anh không kể rõ nỗi đau, tấm lòng tuyệt vọng? Tôi sẵn sàng cháy tiêu trước cái nhìn say mê của anh. Ừ, chúng ta là những hạt bụi, những chiếc lá, những con chim nhỏ, nhưng bụi cũng biết tung bay trong vạt nắng, lá biết reo hò rung động trong gió nhẹ, chim chóc cũng biết ríu rít gửi nhau lời âu yếm. Khi nãy anh có nói tiếng yêu. Chỉ một lần suốt mấy năm dài, trong đêm tối và trong lúc không... tỉnh táo. Tôi lại nghi ngờ, nghĩ rằng anh đang say đấy mà thôi, tình yêu phải khác! Tình yêu là kết quả đôi tim đồng nhịp, là chỉ nghe thấy nhau, xung quanh là bóng mờ, những người con gái khác vô duyên, những người con trai khác tầm thường.
Tôi không tin nhưng rõ ràng tôi thấy mình thấp thỏm chờ anh hôm sau, mong một lời dịu ngọt, tôi sẽ xin lỗi anh, nhưng anh đã về đơn vị. Tôi chờ đợi một lá thư, một lời tuyên bố êm ái. Khi nhớ đến bàn tay anh, chợt rung động, điên đảo, kinh hoàng. Mặt trận nào cũng không yên tĩnh? Cho nên tôi chẳng nhận được thư. Và trong lần về phép sau, anh không ghé nhà tôi một phút. Chú tôi đi vắng. Quý vào trường khoe bạn bức tranh tí hon bằng gỗ khắc một con nai giữa rừng thu cao nguyên và làm mặt lạ với tôi. Đúng là men say đã nói yêu tôi đêm nọ mà! Khi tỉnh lại anh quên hết, quên hết.
Cho nên khi anh về lần nữa tôi trả thù, tôi lại lạnh lùng, xa cách. Người không yêu sao tôi phải ân cần và nhất là thú nhận rằng tôi yêu? Anh đã già hơn, chín chắn hơn buổi tối năm xưa, tại sao anh chưa trưởng thành? Chưa thay đổi? Tôi mười tám khác với tôi mười bốn.
Có những giải thích không thể nói thành lời, có những bí ẩn không thể đưa ra ánh sáng. Ánh sáng chói chang, thiêu da bỏng thịt, đốt cháy võng mạc. An nguy là chỗ đó.
Chú tôi nói:
– Phú tài lắm, bỏ hút thuốc rồi, chừa rượu cái rụp!
Hình như không ai còn nghe một tiếng chửi nào nữa, tôi mỉm cười khi anh nói “lựu đạn” hay “Ó đâm” hoặc “chị nó” để chấm câu mỗi khi tán chuyện với bạn cũ. Buổi tối anh ngồi trên bao lơn nhà anh, nhìn sang phía nhà tôi, chờ đợi, mong ngóng. Tôi không dám đi về qua hẻm vào buổi tối, chỉ đứng ở cửa sổ nhìn xuống. Trước bữa anh đi, bên bàn nhậu bạn bè, anh uống rượu say, anh lè nhè hát, lè nhè phân trần, đôi co với bạn bè (tao nói với tụi mày tao chừa thuốc trước rồi chừa rượu sau) rồi bỗng nhiên, hướng lên mặt trời, phía bao lơn nhà tôi, hỏi lớn:
– Tại sao? Tại sao?
Có vài lời hồi đáp, lè nhè chẳng kém:
– Tại... tao!
– Tại nó!
– Không, không, chỉ tại trời!
– Tại bọn Việt cộng ác ôn!
– Đả đảo Việt cộng! Hoan hô bọn Ó đâm! Nhảy dù số một!
– Biệt kích số hai! Không quân đồng hạng?
– Con gái... hạng bét!
– Không, nhân dân tự vệ hạng... chót!
Cả đám ồn ào tiếp tục vùi đầu vào những chai rượu. Câu hỏi dành riêng cho tôi cũng không được trả lời. Bộ tôi phải chạy xuống sẽ sàng kể lể rồi chàng nàng ôm nhau khóc mùi mẫn, trước những tiếng vỗ tay tán thưởng của bá quan văn võ? Anh còn có rượu để quên và thêm can đảm.
Rồi lâu lắm, anh không về phép. Tôi ngóng trông, hối hận, loay hoay sửa soạn lời giải thích. Quý giận tôi luôn, không hẹn cùng đi đến trường Văn khoa, không giữ chỗ trong giảng đường cho tôi nữa. Phượng câm nín nhưng ánh mắt hằn học, nguyền rủa.
Vào tháng hai năm 73, sau khi hiệp định Paris được ký kết, những hàng binh, tù binh, thương binh ba bên bốn phía được trao đổi, có những tiếng súng bớt đi khiến hy vọng bùng lên. Hãy cho những người tình được trở về vĩnh viễn, người tình trẻ, người tình già, người tình xưa cũng như người tình nay, người tình tương lai. Người tình đã, người tình sẽ, người tình chưa tuyên bố anh yêu em. Em út tôi, ngây thơ, hò hét cả ngày... Khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi thăm... tôi sẽ đi thăm... 3Khi tôi về con chim câu nằm trong tổ ấm, dây thép gai đã hết rào quanh đồn phòng ngự 4
Chú tôi hỏi:
– Nghĩ dùm chú xem, nên cưới cô Loan hay cô Đào. Cô Loan học luật, cô Đào học ngân hàng sắp ra trường.
– Cô nào cũng đẹp cả và có tương lai, cháu thấy chú nên lấy quách cả hai.
Tôi biết chắc rằng rồi chú sẽ chẳng lấy ai.
Ba tôi giận dữ:
– Còn lâu mới có hoà bình, hãy nhớ những lần “hưu chiến để đồng bào ăn tết”...
Má tôi lo lắng:
– Rồi lại sẽ có tổng tấn công?
Quả thật chẳng có ai ăn mừng trừ nhũng người mơ mộng và có tâm hồn ngây thơ như trẻ con và thi sĩ. Thiên hạ lấn đất, chiếm dân, cắm cờ, xin quốc tế làm biên bản những xâm phạm điều khoản hiệp định. Họ càng xông xáo hăng hái, những người tình càng mất cơ hội trở về. Tôi không là công chúa... ngủ trong rừng, tôi chỉ chờ đợi người về để cùng nói tiếng yêu. Nhất định sẽ nói. Bất kể ngày hay đêm, hẻm tối vô duyên hay vườn hoa hữu tình. Bất kể môi hôn nồng nàn hay bàn tay sàm sỡ. Tội lỗi gì đâu đám rượu bia, thuốc lá hay những tiếng chửi tục tằn, những lời nguyền rủa. Tội lỗi gì đâu khi con tim đang yêu lại cận kề nỗi chết...
Cho tới cuối tháng ba năm 75, tình hình sôi động, mọi người hoang mang, nhốn nháo. Ba tôi chạy đi dọ hỏi đủ thứ chuyện, có những cuộc thảm sát giống ở Huế hồi Mậu Thân? chạy liều ra bến Bạch Đằng sẽ có ghe thuyền đưa ra khơi gặp Đệ thất Hạm đội? Nhưng rồi ông cũng chỉ đi ra đi vào, thở dài nghe đài phát thanh, chặc lưỡi lắc đầu. Má tôi may cho mỗi đứa con một chiếc túi vải, chia tiền bạc, giấy tờ, dặn dò kỹ lưỡng. Tôi hốt hoảng, vội bắt chước Lara, nguệch ngoạc viết mấy chữ cho anh, ghi địa chỉ bên nội, bên ngoại, viết một chữ thương nhớ nhỏ xíu bên trên chữ ký và lẻn lên nhà anh, nhét tờ giấy xếp nhỏ, dưới chậu cây chanh, mong một ngày mưa bão, anh râu tóc xồm xoàm, sẽ trở về xóm nhỏ.
Khi anh gọi điện thoại về, má tôi mừng quýnh:
– Má cháu mất ăn mất ngủ mấy tuần nay...
Rồi bà hét ra ngoài bảo đứa nào chạy sang kêu bác Hai có anh Phú điện thoại từ miền Trung về.
– Cháu đang ở phi trường X., điện đài máy móc còn nguyên nhưng ông lớn chạy đâu mất, Việt cộng chưa vô, lính tráng có người còn gác, cháu...
– Trời thần ơi! Còn gác ghiếc gì nữa, quân Cộng sản tràn từ ngoài Bắc vào, có xe tăng, tàu bay... Cháu hãy tìm cách về Sài Gòn, xem có trực thăng, tàu thuỷ xin quá giang mà về cháu ơi... Đường bộ nghe đâu không dùng được...
Từ đó, tôi không còn gặp lại anh nữa. Quý và người yêu chạy thoát sang Mỹ ngay từ đầu tháng tư. Vợ chồng bác Hai bị lùa đi vùng kinh tế mới với những đứa con nhỏ ít lâu sau đó.
Bốn năm sau đến lượt gia đình tôi vượt thoát bằng đường biển.
Trước đó một dạo, lần đi hụt thứ nhì, trước đêm giã từ xóm nhỏ, tôi kiếm cớ xin lên khu vườn tí hon xưa cũ. Ngậm ngùi trước những cây lá xác xơ, riêng lá thư ngày nào đã bị gián chuột gặm nhấm lỗ chỗ, nét mực nhạt nhoà, chữ còn chữ mất, Zhivago có về cũng chẳng biết ai là Lara.
Khi đời sống tôi nơi quê người đã tạm yên, anh chợt về trong những giấc mơ, hai con mắt đỏ giận dữ “tại sao?”. Tôi tìm kiếm, hỏi thăm. Lục vấn Quý, tra khảo chú tôi. Quý lạnh lùng vắn tắt kết tội: Gia đình tôi không tin tức anh từ dạo ấy. Bạn hãy quên các quá khứ đi để sống cho trọn vẹn.
Phượng gửi mấy câu thơ:
Ừ thôi
trí
nhớ rồi như gió
đêm thổi từng cơn qua biển đông
Em vui áo lụa mềm lưng phố
bỗng động lòng thương kẻ cuối đường
5
và viết tiếp mỉa mai, đau đớn: “Tao tưởng mày phải hỏi tin người ta từ mươi năm về trước? Bây giờ cời tro khuấy bụi quá khứ để làm chi? Trễ rồi!
Có trả vay gì? Để kiếp sau! 5”
Chú tôi nhăn nhó:
– Về Việt Nam chỉ có hai tuần, vừa đi thăm bà con vừa đi coi mắt người ta, thì giờ đâu chú ra ngoài Trung? Thì chú cố gắng... Nghe chú đây. Chú của cháu, lúc nào cũng hướng về tương lai, chú thực tế lắm. Hãy bắt chước chú. Thằng Phú... không còn nữa đâu.
Chú quên hết dĩ vãng? Sao tới giờ chú vẫn độc thân? Sao lâu lâu cứ thấy chú điện thoại cho bạn, đường viễn liên mà say sưa nói, say sưa nghe, cả giờ đồng hồ, toàn những chuyện bắt đầu bằng : tao nhớ lần đó... mày nhớ không... hồi đó...
Khi chú trở lại Mỹ, hỏi gì chú cũng lắc đầu, thở ra. Chú không bằng lòng cô nào ngày xưa nên bây giờ chẳng có cô nào bằng lòng chú. Ba tôi phàn nàn chú mày vừa già vừa gàn, bịnh quá ai chịu cho nổi. Má tôi bảo tại con gái thấy Việt kiều ùn ùn về quê cưới vợ cho nên làm cao, ngoài chuyện phi xuất cảnh bất thành phu phụ, các ông phải trẻ, đẹp trai, có địa vị xã hội vững chắc. Sự thật chú cũng đâu có vừa, chú muốn cưới vợ “người mình” và thím tôi phải không xấu quá, cỡ... “hoa hậu hay á hậu thành phố”, nếu hiểu biết rộng, nữ công gia chánh vẹn toàn “càng tốt”, chỉ thiếu chút nữa thì chú đòi “phải biết cùng nhìn về một phía” với chú. Chú nghe cháu đây, chú sẽ mãi mãi đi tìm vì chú đã không thể quyết định. Chú chỉ là một nạn nhân của cuộc chiến ngày xưa.
Tôi thấy anh trong những người lính ngồi quây tròn quanh trái tựu đạn vừa mở chốt. Anh có nhớ gì không lúc đó? Mẹ cha, em út? Người yêu? Câu hỏi ngày xưa, hãy hỏi em. Anh hãy hỏi đi, em trả lời. Dạ có, dạ ừ, dạ vâng.
Tôi thấy anh cởi bỏ quân phục, vứt giầy bỏ nón, chỉ giữ lại chiếc dao găm hay viên đạn đồng nhỏ như một điểm tựa, một chút tính danh. Câu hỏi ngày nào, anh có vứt bỏ đi không. Sao anh không chờ lời biện bạch?
Tôi thấy anh gầy gò xanh mướt, phải đập đá, vác củi, khênh nứa nơi rừng núi lạ. Tôi thấy anh chết vùi vập ở xó rừng nào đó vì một món nợ máu. Còn món nợ tôi còn thiếu anh? Sao không cho tôi trả bây giờ?
Buổi tối năm xưa, buổi tối ấy, bọn trẻ con chơi trò trốn kiếm. Con Quý che mắt, quay đầu vào vách bắt đầu đếm:
– Năm, mười, mười lăm, hai mươi, hai mươi lăm...
Cả bọn chạy toé ra mọi ngả. Tôi nhào lên gác nhà anh; anh đang ngồi học:
– Anh Phú! Anh Phú! Chỉ chỗ em trốn cho kín đi.
Anh gấp sách, đứng dậy vừa gõ nhẹ vào đầu tôi:
– Lớn rồi sao cứ chơi trò con nít?
Anh dẫn tôi ra ngoài ban công, thu xếp, kéo những chậu cây cảnh dọn cho tôi một chỗ nấp.
Bác Hai, ba anh, đã biến cái ban công nhỏ thành một khu vườn treo. Hoa lan, hoa mười giờ, vạn thọ, cây kiểng, xương rồng rồi cả rau, ớt... Tất cả được chăm chút, bón tưới cẩn thận. Thông thường đến các con nhỏ của bác cũng không được phép bén mảng ra đây. Bọn con nít chúng tôi vẫn hay đứng bên dưới nhìn lên khi bác ra săn sóc khu vườn con. Thỉnh thoảng bác nghiêng đầu nhìn xuống, tay rảy rảy nước, vui vẻ nhìn chúng tôi đang vừa chạy tránh ra bốn phía vừa cười rú lên, có khi bấc ném xuống một vài bông hoa, lũ con gái nhào tới, té dồn cục, giành giựt. Đứa nào được thì hí hửng chạy đi, những đứa khác, day mặt lên nằn nì xin bác ném cho một đoá hoa khác “xâu xấu”, hay “heo héo” cũng được. Tôi chỉ lén xin anh, muốn hoa nào cũng có, để ép vào quyển vở chép bài ca.
Tôi sung sướng, ngồi khuất trong bóng tối chở che và cây lá thơm tho của vùng cấm địa. Tôi không quên dặn dò anh:
– Anh không được nói với Quý à nhen...
Chỗ trốn tốt thật; tôi ngồi tê chân chẳng con ma nào đến tìm. Dưới hẻm không còn bóng người qua lại, chỉ có tiếng đài phát thanh, tiếng nói chuyện trong vài căn nhà văng vẳng bay lên, âm còn, âm mất. Ngọn đèn vàng ở quán nhậu bà Ba không đủ soi sáng lòng hẻm. Ban công tối om, lá cây chanh thơm ngát, tôi vò lá trong tay, lẩm nhẩm ôn bài học. Tóc thề đã chấm ngang vai. Nào lời non nước, nào lời sắt son. Sắn bìm chút phận con con. Khuôn viên biết có... Khuôn viên biết có... biết có... vuông tròn hay không.. Khuôn viên biết có vuông tròn cho chăng... Khuôn viên biết có vuông tròn cho chăng... cho chăng... 6. Rồi sao nữa? Chịu! Ngày mai cô kêu lên bảng trả bài, chắc chết. Tôi đứng dậy loay hoay tìm cách chui ra thì anh đã đến tự lúc nào. Anh hỏi, giọng dịu dàng:
– Tưởng anh quên phải không? Em lạnh không? Sợ ma không?
Vừa nói anh vừa kéo những chậu cây, khai mở một lối ra cho tôi. Bất ngờ, một nhánh chanh quật ngược về phía tôi, gai chanh sướt cánh tay tôi đau buốt. Tôi kêu lên một tiếng. Anh giật mình, tôi giơ tay lên nhìn: một đường máu rướm đen trên cánh tay trắng nhờ trong bóng tối. Anh nâng tay tôi và chợt cúi xuống, đôi môi nóng phớt trên cánh tay lạnh. Tôi rùng mình, ngơ ngác. Anh kéo tay giúp tôi bước ra rồi bất thần quàng tay ôm tôi thật chặt, tôi nghe tim anh đập thình thịch và tiếng anh lắp bắp gọi tên tôi. Tôi hốt hoảng vừng vẫy và tuôn chạy, đạp nhàu lên những khóm hành lá, rau răm. Sợ như chưa bao giờ sợ.
Từ buổi tối đó, tôi không còn chép bài ca và không vào nhà anh nữa dù mỗi lần đi ngang, đôi chân bỗng cuống quít, đôi má nóng bừng và trái tim giận dỗi. Tôi không còn tham dự những trò chơi con nít. Tôi cố gắng đi đứng chững chạc, nói năng điềm đạm; tóc tai thu vén, bỏ guốc mộc để mang giầy cao gót. Tôi hết là con nít. Và mang trong lòng một vết thương không tên.
Anh có nghe không, những lời biện bạch?
Em chạy tìm
anh
ngoài cõi gió
Lửa oan khốc giỡn cười gh
ê hồn
Tiếng kêu đá lở long thiên cổ
Cát loạn muôn trùng xoa dấu chân
7
Quý ơi! Hãy thông cảm tôi. Phượng ạ, đừng vào tu viện khi còn lòng oán giận. Chú rầy oan cháu. Đừng quá bất công với tôi. Với bất kỳ ai về chuyện quá khứ. Quá khứ của chúng ta có khác gì nhau đâu, bởi chúng ta chỉ có một quá khứ. Một quá khứ dài dặc và còn tiếp tục trôi chảy. Chối bỏ hay thăng hoa cũng chẳng thay đổi được gì. Quá khứ tôi là khoảng sông thuyền tôi đã đi qua, đừng phiền tôi ơ hờ tay lái vì con tim còn bận bịu ở bến xưa, vì tôi mãi huyên thuyên về những gặp gỡ hai bên bờ, vì tôi đau đớn mất mát ở một khúc quành nào đó, đừng giận hờn vì thuyền tôi quay ngang, vô tình làm trễ tàu của người, hãy tiến lên, hãy vượt qua. Rồi người cũng có lúc sẽ ơ hờ tay lái, bận bịu con tim và huyên thuyên kể lể. Tôi sẽ sung sướng lắng nghe. Rồi chúng ta sẽ gặp nhau ngoài biển cả, để cùng nhau bùi ngùi nói về những món nợ không bao giờ trả nổi.
Phan Thị Trọng Tuyến
10.01.93
1 Thủ Đức và Đà Lạt là hai trường đào tạo sĩ quan của quân đội Sài Gòn.
2 Trịnh Công Sơn, Tình xa và Ru ta ngậm ngùi.
3 Trịnh Công Sơn, Đồng dao hoà bình.
4 Thơ Kim Tuấn, nhạc Phạm Duy.
5 Thơ Du Tử Lê, trong ở chỗ nhân gian không thể hiểu. Nguyên văn câu cuối: Có động lòng thương kẻ cuối đường.
6 Nguyễn Du, Kiều.
7 Tô Thuỳ Yên, trong thơ miền Nam của Võ phiến (Văn Nghệ, USA, 1991)
Các thao tác trên Tài liệu