Yêu Sàigòn
Yêu Sàigòn
Trần An Lĩnh
Lời người viết : Bài tường thuật này đã được viết bằng Anh ngữ cho một số bạn bè thân hữu cùng lứa tuổi của tôi, những người rời Việt Nam khi còn quá nhỏ tuổi. Viết ra để chia sẻ những cảm xúc của một người đi tới một nơi đáng lẽ là “của mình” mà lại là không phải “của mình”, đáng lẽ là “đi về” nhưng lại là “đi tới”. Tôi cám ơn báo Diễn Đàn đã dịch bài này ra Việt ngữ ; hy vọng các cô chú bác sẽ hài lòng với cái nhìn của một người trẻ.
Tôi nghĩ mỗi người đều có những hình ảnh nào đó của tuổi thơ vẫn còn ghi khắc sâu đậm trong lòng. Những hình ảnh mà ta đã thu lượm dọc đường đời khi ta khôn lớn. Những hình ảnh mà khi nhìn lại, khiến ta nhận thức rằng đó chính là “lần đầu” ta biết đến một khía cạnh nào đó của cuộc sống; như cái chết, tình yêu, hay sự nghèo khổ... Tôi cũng có một hình ảnh như thế.
Đó là một buổi tối trong một khu phố đông đúc ở Sài Gòn cách đây đã lâu lắm. Tôi không nhớ lúc ấy tôi mấy tuổi, có lẽ trong khoảng năm đến mười tuổi. Tôi ngồi ăn chè với ba má tôi. Chúng tôi vừa ăn vừa nói chuyện thật vui vẻ. Lúc chúng tôi vừa đúng dậy và ba tôi đi trả tiền thì có chừng hai ba đứa nhỏ, có lẽ cũng không lớn tuổi hơn tôi, nhào tới bàn húp hết phần chè dư. Tôi đi với ba má tôi vài bước rồi ngoái cổ nhìn lại mấy đứa trẻ đang ăn chè dư của mình. Không biết lúc đó tôi nghĩ gì, hoặc là có biết gì để mà nghĩ không. Chỉ biết rằng tôi rất bứt rứt. Đó là lần đầu tiên tôi thật sự cảm thấy được sự nghèo khổ. Lúc đó, qua đầu óc đơn giản của một đứa bé, tôi biết rằng có một cách biệt lớn giữa tôi và những đứa nhỏ kia; rằng chúng khác tôi. Khác biệt đó là sự nghèo khổ.
Chuyện đã hơn hai mươi năm rồi.
Năm: 1992. Tháng: tháng mười một. Ngày: một ngày trong tuần. Giờ: giữa trưa. Nơi: Sài Gòn. Tôi đang ngồi ăn trưa với một người bạn tại một quán cơm bình dân. Khi chúng tôi ăn gần xong thì có hai đứa trẻ áo quần rách rưới đến xin ăn phần còn lại. Tôi chẳng nói gì. Bạn tôi đưa cơm thừa cho đám trẻ. Khi chúng đi rồi, tôi quay sang nói với bạn, giọng run run: “ Đó là một trong những lý do khiến tao lại trở về đây”.
Tôi còn nhớ cái đêm đầu tiên tôi tới Kathmandu, xứ Nepal năm năm về trước. Tôi đi bộ trên đường và nhìn những đền chùa cổ và những ngôi nhà có lẽ được xây từ thế kỷ trước, tôi có cảm giác rõ rệt về sự đảo lộn của thời gian. Tôi như đang bước vào quá khứ. Sài Gòn thì khác hơn. Sài Gòn có những toà bin-đinh hiện đại, xe hơi, xe gắn máy... Nhưng những ngày đầu tiên trở lại Sài Gòn đối với tôi cũng là một sự đảo lộn của thời gian. Một cuộc hành trình vào quá khứ. Tôi đi đến chỗ chơi của mình thời tuổi nhỏ. Nơi đó vốn là Câu lạc bộ thể thao Sài Gòn. Bây giờ nó có tên mới là Nhà Thanh niên, hoặc một tên gọi từa tựa như vậy. Tôi đứng đó, nhìn những bức tường lở, nơi ngày xưa là vườn chơi trẻ, nhìn những hòn gạch bể, rác rưởi. Tôi đứng đó. Bóng ma của một thời khác và của một chiều kích không gian khác. Tôi thấy buồn nhưng không buồn lắm. Chỉ thấy chán nản và cô đơn. Thời gian qua thật mau! Tôi chợt thấy mình già.
Bóng ma đi dạo quanh, qua sân quần vợt, hồ bơi, phòng tập thể dục. Chẳng ai buồn để ý đến nó. “Đây không phải chỗ dành cho các người. Các người đừng xâm phạm vào thế giới của riêng tôi, mảnh đất thiêng liêng của riêng tôi”.
Bóng ma hét to mà chẳng ai nghe. Bóng ma bỏ đi, biết rằng nơi này không còn là của nó. Nơi đây giờ là của họ... Nó chỉ là một bóng ma.
Mộ t buổi sáng, vài ngày sau khi tôi về Sài Gòn, ba tôi nói ra một nhận xét về tôi: “Con có vẻ lạnh lùng”. Tôi không ngạc nhiên khi nghe vậy. Chính tôi cũng không hiểu nổi được về sự lãnh đạm của mình. Khỉ thấy lại ba tôi và họ hàng ở phi trường, tôi không khóc. Chẳng những tôi không khóc, mà cũng không hề cảm thấy lòng dâng lên những xúc cảm đáng lẽ phải có trong tôi. Nói chung, tôi bình tĩnh, điềm nhiên. Những ngày đầu tiên đó, khi tôi đi xe xích lô qua những con đường cách đây mười tám năm tôi đã từng đi qua, tôi cứ nhìn những bin-đinh, đường phố, người qua lại với một trạng thái tình cảm thật lạ; không buồn mà cũng chẳng vui. Tất cả là đây. Thành phố của tôi, đồng bào của tôi, bà con của tôi. Với tất cả, tôi đều không thấy gần gũi. Có một khoảng cách giữa tôi và cái thành phố đang tràn trề sức sống ấy.
Khoảng năm ngày sau cái hôm ba tôi có nhận xét về tôi, tôi phải đưa ông vào nhà thương cấp cứu, lúc bốn giờ sáng. Sau những lo lắng, chạy vạy, thủ tục giấy tờ, tôi ngồi bên ba tôi đang hôn mê trên giường bệnh; tôi phân vân không biết lúc đó tôi phải cảm thấy như thế nào nữa. Một lần nữa, tôi lại ngạc nhiên và bực bội về cái cảm giác xa cách của mình. Tôi nhớ tôi đã lặng lẽ khóc trong ngày đám cưới của anh tôi, ước chi ba tôi có mặt; nhớ tôi đã khóc trong buổi lễ ra trường của mình. Rồi những lần đi bộ từ trường trung học về nhà, tôi vẫn ước phải chi có ba tôi bên cạnh. Tôi chậm rãi nắm lấy cánh tay gầy guộc của ba tôi, đặt lên đùi tôi. Tôi xoa xoa lên da thịt của ba tôi, vuốt ve trìu mến hệt như ve vuốt người yêu. Từ từ nước mắt chảy dài trên má tôi. “Đây là ba của tôi”.
Trong ba tuần lễ ba tôi nằm bệnh viện, tôi từ từ khép kín lại được khoảng cách giữa tôi và Sài Gòn. Tôi học được cách mua thuốc và biết mua ở đâu (ở Sài Gòn, bệnh nhân phải tự mua thuốc lấy và đem đến cho bác sĩ). Biết được cách trả giá ở các hiệu thuốc. Cách nói dối với người gác cổng để họ cho tôi vào thăm ba tôi ngoài giờ thăm viếng. Cách hối lộ các nhân viên để họ thay khăn trải giường, và rửa ráy đồ vệ sinh cho ba tôi. Họ hàng và bạn bè của ba tôi đã giúp tôi rất nhiều để săn sóc ông; không có họ chắc tôi chẳng biết phải xoay xở ra sao. Họ nói chuyện về cha tôi cho tôi nghe, trong mười tám năm qua, ba tôi đã sống như thế nào; rồi họ lại kể về đời sống của họ, những chuyến vượt biên hụt ra sao, kể những chuyện tiếu lâm về chính quyền, chuyện ngồi lê đôi mách... Những lúc rảnh rỗi, tôi lại lấy xe gắn máy đi rảo phố, ngồi cà phê vỉa hè, nói chuyện với mọi người, học tiếng lóng, tán những người đẹp qua đường (chuyện này tôi không giỏi lắm). Tôi bắt đầu nhìn ra cái Sài Gòn của bây giờ, chứ không còn là cái Sài Gòn tôi biết cách đây mười tám năm.
Bóng ma đã hồi sinh.
Sài Gòn là một nơi rất nguy hiềm cho đàn ông. Đặc biệt là đàn ông chưa vợ. Nguy hiểm gấp đôi cho đàn ông có tiền. Gấp ba nếu anh ta đang dịp nghỉ hè và nghĩ rằng mình cần phải tận hưởng cuộc đời. Bạn hiểu tôi nói gì.
Bia ôm mọc lên khắp Sài Gòn. Đêm đêm, hai bên con đường trước hẻm nhà ba tôi, ánh đèn nê-ông mời gọi với những cái tên như Chiều Tím, Trúc Đào, Y Lan ... Và còn mời gọi hơn nữa là những cô gái hiện ra trong trí tưởng khi bạn đi qua các nơi ấy. Nhưng bạn cần gì phải tưởng tượng. Các cô đi nghễu nghện ngoài đường. Giày cao gót, mái tóc dài đen mượt như tơ, áo quần đẹp đẽ, trang điểm vừa phải. Và đôi mắt, những đôi mắt có khả năng xẻ banh con tim của bạn. Bạn thấy ngạt thở. Một buổi tối nọ, tôi quyết định đi đến quán bia ôm. Thử cho biết. Tôi có 90.000 đồng trong túi. Tôi hỏi Út vậy có đủ cho cả hai người không. Hắn nói đủ. Chúng tôi đi đến một biệt thự có cái tên Trúc Vân. Tôi dặn Út đừng nói lộ tôi là Việt kiều. Người hầu bàn đưa chúng tôi đến một căn phòng, có một cái bàn và dăm ba cái ghế. Út gọi hai chai bia và hai cô. Tôi bồi thêm: “ Không đẹp không tính tiền à nhe”. Vài phút sau, hai cô đi ra đem theo bia và vài thức ăn nhẹ: bánh quy (crackers), đậu phộng, pho-mát... Một cô ngồi xuống bên Út, cô kia ngồi cạnh tôi. Lúc đầu tôi chẳng biết phải xử sự ra sao. Tôi vốn là một thằng con trai “nhà lành” nên không quen những chuyện này. Khi cô nàng rót bia ra và đưa cho tôi uống, dịu dàng bỏ mấy trái nho vào miệng tôi, tôi mới nghĩ “cũng được lắm”. Tôi bắt đầu cho những ngón tay đi dạo. Dĩ nhiên là không đi quá xa. Cô ta có mái tóc dài mượt, mùi nước hoa dìu dịu dễ chịu. Tôi nghịch với tóc cô, nhẹ nhàng xoa má cô. Chúng tôi nói chuyện bâng quơ, có bao nhiêu cô làm việc ở đây, một ngày cô làm được bao nhiêu tiền... Tôi cảm thấy cô ta mới vào nghề. Cũng như tôi vậy thôi. Mỗi lần tôi sắp hôn lên má thì cô lại nhẹ nhàng tránh đi. Tôi hỏi cô đi làm được lâu chưa. Chỉ mới vài tháng thôi. Tôi nói kiếm tiền như vậy cực quá. Cô thở dài. Ở ghế bên kia, Út như một con bạch tuộc ôm xoắn lấy cô gái kia.
Khi tính tiền, giá gần chẵn 100.000 đồng. Út phải bỏ thêm 10.000. Tôi thật bối rối vì không còn xu nào để làm quà cho hai cô gái. Tôi nói tối mai tôi sẽ đem tiền đến. Hai cô bảo chả sao. Chúng tôi không còn cả tiền để trả tiền gởi xe; may mà người ta vẫn bỏ qua, và để cho đi. Hôm sau tôi nhờ Út đưa lại cho hai cô 60.000 đồng. Một sự bắt đầu chẳng tốt tí nào...
Cũng cần phải nói thêm, Út 25 tuổi. Anh chàng đạp xích lô và vẫn thường đưa đón ba tôi đi thăm bạn bè ông. Mỗi ngày Út kiếm được chừng 20.000 đồng (khoảng 2 đô). Năm ngoái, cô vợ cưới từ một tỉnh nhỏ bỏ Út để đi bán bia ôm. Bây giờ cô ta có Honda, đeo đồ trang sức, mặc quần áo đẹp. Cô ta vui hưởng đời mình. Út thì vẫn đạp xích lô.
Lại chuyện các cô. Các cô Việt Nam thật là bá chấy. Có nghĩa là các cô hết sẩy, nói theo tiếng lóng trước 75. Nghĩa là các cô Đ, E, P, nặng. Mà lại có rất nhiều cô.
Dạo chợ Bến Thành lần đầu, tôi chợt nghĩ đến câu tục ngữ “trai khôn tìm vợ chợ đông”. Cứ tưởng lâu nay mình hiểu nghĩa câu tục ngữ đó; nhưng phải đến bây giờ tôi mới thực sự là hiểu. Họ ở cùng khắp các khu chợ, nhất là khu bán quần áo. May mà ngày nào tôi cũng đi bơi và có bộ cơ tim tốt, nếu không có lẽ chỉ ngắm các cô mua bán bình thường cũng đủ cho tôi ngất xỉu. Thích nhất là mắt và lông mày của các cô. Tôi tự hỏi sao trời có thể tạo ra nhiều cặp mắt đẹp đến thế. Mắt phụ nữ Việt Nam đẹp vì nó nói rất nhiều. Đẹp không chỉ thuần ở vẻ đẹp thể chất. Bởi tôi không chỉ nói về các cô trẻ, đẹp không thôi, mà ngay đến các bà đã lớn tuổi hoặc kém xinh xắn cũng vậy. Có thể vì họ đã trải qua nhiều năm chiến tranh dữ dội và lắm đau khổ. Cũng có thể vì vị trí xã hội của phụ nữ không được tự do nói và làm những điều họ cảm như nam giới; thành ra tất cả những xúc cảm của họ đều kết tụ vào đôi mắt. Mỗi một đôi mắt đều có một câu chuyện để kể. Chuyện người yêu đi vượt biên hay chết bên Campuchia. Chuyện nhiều cô không dám có người yêu vì đang chờ đi Mỹ.
Mỗi ngày vào khoảng 4, 5 giờ chiều, giờ tan học, đường phố Sài Gòn tràn ngập những tà áo dài trắng tung bay. Khắp mọi nẻo phố phường, đàn bướm trắng ấy. Họ thong thả dong xe về nhà, sánh đôi. Đây là đặc điểm của họ. Họ rất thích đi đôi. Một tay cầm ghi đông, tay kia trong tay bạn.
Thong thả đạp xe, cười, nói, chẳng chút bận tâm đến cái ồn ào chung quanh, những chiếc Honda vọt qua, cái nóng bức của thành phố xô bồ này. Rồi đến một khúc quanh. Một người đi thẳng, người kia quẹo đường khác. Mai nhé!
Nét duyên dáng của Việt Nam chính là nhờ ở người phụ nữ.
Nhiều lần tôi đi xe Honda chầm chậm theo các cô, từ xa. Chỉ muốn nhìn họ và tưởng tượng không biết đời mình sẽ như thế nào nếu mình lớn lên ở đây. Có lẽ tôi sẽ giống như cậu con trai kia, đang đi xe gắn máy thật chậm cùng với người yêu đang đi xe đạp. Mỗi khi tôi nghĩ đến chiến tranh và sự nghèo khổ, tôi thường biết ơn những cô gái đầy vẻ ngây thơ này. Tôi nghĩ đến các mẹ, các bà. Người đàn bà vẫn là người phải chạy cơm, người đàn bà vẫn là người đi thăm nuôi. Người đàn bà vẫn là người bị bỏ lại đằng sau. Đàn ông lúc nào cũng bận rộn đánh giặc hay đào thoát. Đôi lúc, tôi thử tưởng tượng xem các cô làm gì khi về đến nhà. Có thể ra chợ bán hàng giúp mẹ... Có thể đi bán bia ôm.
Việt Nam may mắn đến chừng nào để có được những người phụ nữ của mình.
Một trong những điều thích thú ở Sài Gòn là chạy xe gắn máy. Bạn có thể mua một chiếc Honda 50cc vào khoảng 700 đôla. Rồi bán lại trước khi rời Việt Nam. Khéo lại có lời. Có nó, bạn muốn đi đâu thì đi, khỏi phiền hà đến ai.
Chạy xe ở Sài Gòn dễ sợ lắm, ai bị bệnh tim thì không nên thử. Đường phố Sài Gòn hầu như không có làn (lanes); mà nếu có thì thiên hạ cũng phớt lờ đi. Cũng giống như họ phớt lờ đèn đỏ hoặc các dấu hiệu đi đường... Thành ra, với người mới chạy xe, quẹo trái là cả một kinh nghiệm. Luật số một về chạy xe gắn máy ở đây: Ai làm sao mình làm vậy. Ai làm bậy mình làm theo. Điều này có nghĩa nếu không ai dừng lại khi đèn đỏ thì mình cũng không nên dừng lại.
Luật số hai: Coi chừng người đàng trước, không cần để ý người đàng sau. Cứ thế, người đàng sau bạn lại dùng luật số hai này để canh chừng bạn. Chúng ta quen lái ôtô có kính chiếu hậu. Xe gắn máy ở Sài Gòn không có kính chiếu hậu. Luật số ba: Ai đi nhanh hơn thì người ấy có quyền. Đừng có dại mà quẹo trái khi chiếc xe chiều kia đang lao tới 50 km/giờ (khoảng 30 dặm). Đây chỉ là kiến thức thông thường thôi, đâu cũng vậy. Nhưng tông xe hơi ở tốc độ 50 km/giờ thì chỉ có xe bị hư, còn tông xe gắn máy ở tốc độ 50 km/giờ thì có thể mất mạng. Tôi bị tông xe một lần, nhưng tôi rất may. Bạn có thể sẽ không được may mắn như tôi lần đó. Thật ra, tôi may mắn ghê lắm, ba tôi bị ném xuống đường xi măng như một bao gạch. Tôi thất kinh, ông vừa ở nhà thương ra mới được ba tuần. May mà ông không sao. Lần đó tôi chỉ chạy 25 km/giờ.
Đền bồi cho tất cả mọi thứ đó là cái thú đi rảo phố. Đi đến cả những nơi bạn chưa bao giờ nghĩ mình sẽ tới. Một trong những trò thú vị nhất của tôi là dong xe ở khu trung tâm Sài Gòn về đêm. Tôi đi những con đường “chính” xem gái ăn sương kiếm khách. Hoặc đi vòng nhà thờ Đức Bà coi những đôi uyên ương bám riết lấy nhau. Bạn tôi cho là tôi kỳ quái. Không. Tôi chỉ muốn nhìn thấy muôn mặt của thành phố này. Một trong những trò chơi bọn con trai ưa thích là tối thứ sáu hay thứ bảy, khi một cô gái xinh xắn / sexy, tóc dài, váy ngắn, lưng trần (các cô ở đây cũng tự do – liberal – ra gì lắm) phóng xe qua, bọn con trai bèn bật đèn pha lên để nhìn cho mãn nhãn cái cảnh ngoạn mục.
Tôi gặp ông ta trong bệnh viện. Ông đến để chăm sóc người cha nằm chung phòng với ba tôi. Hôm trước, người bà con đã cho tôi biết là có một cán bộ nằm chung phòng với ba tôi. Cách đây vài năm, ba tôi nằm điều trị ở một bệnh viện khác, và một cán bộ được xếp nằm cùng phòng với ông; vài bữa sau, ba tôi bỏ bệnh viện, gọi xích lô đi về nhà. Bà con trong họ lo rằng chuyến này ba tôi lại nằng nặc đòi về.
Ông ta khoảng độ 50. Người gầy nhỏ, cao độ 1m57, dáng diệu hiền hoà. Thoạt tiên tôi không để ý đến ông. Cho đến lúc ông bước đến bên giường ba tôi và hỏi: “ Cụ khoẻ chưa cụ?” Thế là hỏng. Ba tôi, khoảng độ 67 tuổi, không thích bị xem là già. “Xin đừng gọi tôi bằng cụ... tôi chưa già”. Ông ta cười: “ Cho tôi xin lỗi. Tôi quá quen với cách xưng hô của miền bắc”. Đoạn ông bước ra ngoài hành lang, nơi tôi đang đứng. Tôi nhận xét : “Nhưng chú đâu có nói giọng bắc”. Ông nói: “Tôi là người miền nam”. “Vậy chú tập kết ra bắc?” . “Không, trong trận Mậu Thân, tôi bị thương và được chuyển ra bắc để điều trị”. Tôi tức khắc hiểu ngay ông ta là một nhân vật quan trọng. Đâu phải một thương binh bình thường nào Việt cộng cũng chuyển ra tận ngoài bắc để chữa trị. Tôi nói: “Chuyến đi vậy là dài lắm”. “Vâng, chúng tôi phải đi xuyên qua Lào”. “Ông phải có chức vụ quan trọng lắm”. Ông ta cười và nói: “ Không. Chỉ thường thôi”, xong ông ta đi vào trong và đến ngồi cạnh giường cha mình.
Họ hàng tôi nói rằng ông này trước là một sĩ quan cao cấp. Ông về hưu từ những năm đầu 80. Bà bạn của ba tôi nói: “ Người tốt như ông ta hoặc xin thôi hoặc bị tống ra từ nhiều năm trước”. Bà nói với ông kia, nửa đùa nửa thật: “Tôi cũng vậy, tường nhà tôi trước đây đầy bằng khen của Đảng, tôi gỡ xuống hết rồi. Chừng đó năm tháng đánh Mỹ, giờ lại van cầu nó trở lại với đôla”. Ông lặng thinh.
Tôi nhìn ông ngồi đó, đeo kính lão, đọc báo. Một người trông thật bình thường. Đồng thời, tôi lại thắc mắc về những gì ông đã trải qua trong đời. Có lẽ ông đã dùng cả tuổi thanh xuân để chiến đấu cho lý tưởng của mình. Tôi tự hỏi ông nghĩ gì khi nghe những câu bình phẩm như thế; chắc ông nghe cũng đã nhiều. Tôi tự hỏi ông cảm thấy gì khi Việt Nam ra nông nỗi này; chắc ông phải buồn ghê lắm.
Hai, ba thế hệ những người tốt đẹp ấy đã chiến đấu và hi sinh, và giờ đây kết quả là một con số không to tướng. Người dân Việt Nam mang cái nghiệp dĩ gì đây ?
Khách sạn Rex ở vị trí rất thuận lợi ngay trung tâm Sài Gòn, góc đường Nguyễn Huệ và Lê Lợi.
Phòng ở đây giá từ 40 đến 100 đôla. Chỉ có khách ngoại quốc hoặc Việt kiều mới được phép đến đây. Có lần tôi phải trở về nhà lấy thông hành mới vào được. Điều đáng để ý là khách sạn này do Cục du lịch Việt Nam, một cơ quan chính phủ, làm chủ chứ không phải là tư nhân. Tôi cứ nghĩ, nếu ở Mỹ chắc khách sạn này sẽ bị mấy cái tổ chức activist kiện cho mà sập tiệm.
Trên lầu 5 có một vườn hoa lộ thiên gọi là vườn Thượng uyển, phía sau, lên một cầu thang xoáy trôn ốc, là hồ bơi. Có một nhóm người chuyên lo cây cảnh, chăm sóc những cây bon sai thật đẹp. Hầu như ngày nào tôi cũng đến đây bơi. Vé vào hồ bơi giá 2 đôla. Thực đơn ở đây in bằng tiếng Anh, giá tính bằng đôla – nghĩa là mắc. Tôi rất để tâm đến giá tiền mắc mỏ ở đây, thành ra hồi đầu, khi mấy người bà con hỏi tôi đi bơi như vậy tốn bao nhiêu, tôi chỉ nói “nhiều lắm”. Rất nhiều khách nước ngoài đến kinh doanh với Việt Nam tụ tập ở khách sạn này. Đài Loan, Anh, Pháp... – và tất nhiên là Việt kiều – cùng với các phụ nữ của họ.
Ở trên này thì sướng lắm. Gió mát dễ chịu, khung cảnh đẹp mắt. Sự tiếp đón thì chăm cút. “Chà, sống vậy mới là sống”. Bạn không còn nghe thấy sự ồn ào náo nhiệt dưới phố. Trên này nhìn xuống, những chiếc xe gắn mấy trông bé tí. Ở đây bạn hoàn toàn tách biệt với cuộc sống xô bồ phía dưới. Thì giờ là để đọc một cuốn sách, bơi lội, trải qua một buổi chiều ươn lười, kết bạn, tán gẫu với bồi bàn, hay suy gẫm sự đời. Nghĩ đến những cô gái quyến rũ trong chiếc áo dài mình nhìn thấy ngày hôm trước. Đến những biệt thự đang mọc lên khắp Sài Gòn rồi lại nhớ đến con hẻm chỉ rộng chừng hơn một thước tây, hôm nào vì mải chạy rong mình vô tình lạc đến. Sài Gòn là thế đó. Sài Gòn giàu có, Sài Gòn nghèo khổ. Sài Gòn khiêu khích, Sài Gòn e lệ. Nó cũ kỹ như những toà nhà kiểu thuộc địa vẫn còn nhan nhản, nó mới mẻ như đường điện thoại quảng cáo trên các bảng quảng cáo.
Và khi đến lúc ra về, tốn độ 5 đôla. Bạn trả tiền, biết rằng mình vừa tiêu pha độ hai ngày lương của một ai đó trong vài tiếng đồng hồ.
Ở Sài Gòn, tôi thấy rõ sức mạnh của đồng tiền.
Ăn uống nơi quán cóc vỉa hè Sài Gòn là điều thú vị, nếu ta không ngại chuyện sạch dơ. Hầu như ở mọi quán, những chiếc ghế chỉ cao độ 30 cm và bàn thì độ 60 cm đến non một thước. Lần đầu nhìn thấy chúng, tôi cứ tưởng là đồ chơi. Nhưng thức ăn thì ngon, thịt thì tươi; không có cái vụ gà đông lạnh ở đây. Họ có gà tươi ngay ở sau hè. Có đủ món ngon vật lạ cho những ai có máu phiêu lưu: thịt chó, thịt mèo, rắn...
Một chuyện bạn phải chịu đựng khi ăn uống ở những chỗ này là sự quấy rầy của những người ăn xin và bán vé số. Bạn nhất định phải học nói không; bằng không, có cơ bạn sẽ không còn cả tiền để trả cho bữa ăn. Một ông bạn của chú tôi, tuổi khoảng vừa 60, có lần đã phải nói với vẻ chán nản, bực bội: “ Cháu biết không, chú bị huyết áp cao. Chú mà cứ phải lắc đầu để nói không với họ hoài, chú dám bị vỡ vài mạch máu ở cổ chết như chơi”.
Nhiều khi họ quên là mình đã cho họ tiền và quay trở lại xin nữa.
Một tối, tuần đầu tiên tôi ở Sài Gòn, tôi đang ngồi ăn với một người bạn ở đường Đinh Công Tráng. Đây là một khu nổi tiếng và lúc nào cũng đông chật người. Chúng tôi vừa ăn vừa tán chuyện, thì có một “cặp hát dạo” đi quanh các bàn. Thường các cặp này gồm có một người lớn, tàn phế và một em bé. Người tàn tật thường là bị què cụt tay, chân hoặc mù. Người này đàn ghi ta và hát, còn em bé là người dẫn đường đi quanh các bàn. Em bé hoặc xin tiền, hoặc bán vé số. Giờ thì em bé đã dẫn người “hát dạo” đến bàn của tôi và mời tôi mua vé số. Tôi hỏi em bán mỗi vé số em kiếm được bao nhiêu, và tôi cho em từng đó tiền mà không mua vé số. Em lắc đầu và dẫn người đàn ông bỏ đi. Lạ thật, cậu bé này lại không lấy tiền của tôi cho. Bạn tôi nói có những người không nhận tiền bố thí. Tôi ngó qua bàn bên để ngắm chú bé kỹ hơn. Chú ta cũng không hẳn là xinh trai, nhưng đôi mắt và lưỡng quyền đầy vẻ tự lập. Tôi gọi chú lại, mua hai vé số. Từ hôm đó cho đến lúc tôi rời Sài Gòn, tôi còn gặp lại chú bé ấy và người đàn ông mù hai, ba lần nữa khi tôi đến ăn uống quanh khu đó. Lần nào tôi cũng mua vé số của chú vì tôi nghĩ chú là một hạt giống tốt. Lần cuối tôi hỏi chú: “ Tại sao tao lại gặp mầy hoài vậy há?” Chú cười và nhại lại một câu tục ngữ Việt Nam: “Hữu duyên thiên lí... thì gặp mà...”
Điều đáng buồn đối với một đất nước nghèo khổ không phải chỉ ở những điều mà người dân nước ấy phải nhận chịu mà còn ở những gì thế hệ tương lai của nó phải nhận lãnh. Trẻ em như chú bé ấy đáng lẽ phải được dạy dỗ chứ có đâu bị vứt bỏ thế kia. Còn rất nhiều những đứa bé như chú trên khắp hè phố Sài Gòn.
Tôi gặp Steven, Kate, và một phụ nữ Anh khác mà tôi quên tên tại hồ bơi khách sạn Rex. Kate và cô bạn làm việc ở Hồng Kông, đến Sài Gòn vào dịp nghỉ vacation. Đây là lần thứ hai họ đến Việt Nam. Lần đầu họ đi Hà Nội và Huế. Steven là hoạ sĩ, anh vẽ kiểu đồ trang sức, đây là lần đầu tiên anh qua Á châu. Họ mời tôi uống rượu; tối đó là đêm Giáng sinh. Chúng tôi nói chuyện thật vui. Những người này không phải là du khách, họ đúng là những người đi đây đi đó. Có sự khác biệt giữa hai loại người này. Chúng tôi nói về những nơi mình đã đi qua. Họ hỏi tôi về Việt Nam, và tôi hỏi họ về hoàng tử Charles và công nương Di(ana).
Tối hôm đó tôi chở Kate đi thăm phố. Cô ta thấy trẻ con chạy chơi và đùa giỡn vui vẻ ngoài đường. Cô bình phẩm: “ Tội nghiệp cho con nít Anh phải đi ngủ sớm quá”. Cô ta nhận xét rằng mặc dầu nghèo, người Việt rất vui vẻ và nồng nhiệt, không gò bó lạnh lùng như người Anh. Tôi cảnh giác cô là có thể vì cô không hiểu tiếng Việt nên cô dễ cho rằng họ sung sướng, biết đâu người ta đang cãi nhau đấy mà cô không biết. Mà họ hay cãi nhau thật, tôi đã được mục kích nhiều phen họ nặng nhẹ nhau chỉ vì những chuyện không đâu trong chợ.
Hai ngày sau, tôi mời họ ăn tối ở nhà chú tôi. Đối với chú, đây là dịp để ông dượt lại vốn liếng tiếng Anh với người ngoại quốc, mười tám năm qua ông đâu có dịp để nói. Đối với các bạn người Anh của tôi, đây là dịp để họ gần gũi người địa phương. Chúng tôi đãi họ canh chua, cá kho tộ, và gà xào sả ớt Thực đơn này chưa một lần phụ lòng tôi. Đãi các bạn Mỹ các món này, họ đều thích thú. Ăn tối xong, chúng tôi lên ban công ngồi nói chuyện bên đĩa đu đủ và vú sữa. Steven và Kate rất tò mò muốn tìm hiểu về đời sống ở Việt Nam. Làm sao người ta có thể sống được qua những năm tháng này. Họ nghĩ sao về người Nga... Steven hỏi tôi người Việt nghĩ gì khi họ gặp người Tây phương. Tôi trả lời: “Họ mừng vì điều này cho họ hi vọng. Họ thấy được là có những thay đổi”. Steven nghe vậy thì thích lắm, anh ta rất ngại hình ảnh “người Tây phương xấu xa” (Ugly Westerners). Cả Steven và Kate đều khá bận tâm về khu phố trên đường Phạm Ngũ Lão. Đó là khu có những khách sạn giá hạ hơn, phải chăng hơn; nên là nơi những người mang ba lô đi du lịch (backpackers) tụ tập. Người Việt Nam gọi những khách lữ hành này là dân “bụi”. Và dĩ nhiên, nơi nào có nhiều người nước ngoài, nơi ấy có mãi dâm, đó là một hiện tượng xã hội phổ biến. Những người bạn Anh của tôi rất lo lắng rồi đây những khu phố này sẽ giống như những khu phố tương tự của Bangkok – tràn ngập người nước ngoài, cần sa ma tuý và đĩ điếm. Tôi hiểu mối lo ấy. Tôi ghé qua khu Phạm Ngũ Lão khá thường. Một người bạn thân của ba tôi ở trong khu đó. Cách nhà hàng Kim, nơi dân “bụi” tụ tập, chỉ vài căn phố. Tôi ưa ngồi trước nhà ấy ngắm nhìn sinh hoạt trên phố. Một hôm tôi nhìn thấy một chiếc xích lô chạy vụt qua, tôi không nhìn thấy mặt người đạp xe, nhưng cũng thấy kịp người đàn bà ấy có mái tóc vàng. Chắc là một người nước ngoài muốn thử nếm mùi đạp xích lô. Tôi nhìn ngắm những người ngoại quốc bên phía nhà hàng Kim, và những người Việt Nam tụ tập quanh họ. Một người bạn bình phẩm: “Thời buổi này mấy đứa con gái dễ hư lắm”.
Một buổi sáng tôi mục kích một sự việc khá thú vị trên phố Phạm Ngũ Lão. Tôi không biết chuyện bắt đầu ra sao; chỉ thấy một anh chàng tóc vàng và một cô gái bán bánh. Trông chừng như cô gái bưng rổ bánh đi bán dọc phố. Cả hai đều ngồi bệt trên lề. Anh chàng kia thì muốn gợi chuyện với cô gái, mà cô thì lại rất e thẹn. Nón lá che mặt. Anh kia cố tìm cách bắt chuyện với cô, anh ta còn biếu cô tiền nữa. Tôi không nghĩ anh chàng này có ý xấu. Có lẽ chỉ do ở tính quá thân thiện, tò mò và có ý muốn giúp đỡ cô gái. Nhưng cô gái vẫn không nhận tiền, cô cười e thẹn và giấu mặt sau nón lá. Cô sẽ nhìn lên thật nhanh, rồi lại vội vội vàng vàng giấu mặt sau chiếc nón. Có một chút gì tươi mát qua cái vẻ ngây thơ ngọt ngào ấy. Nó cho tôi sự hy vọng.
Cho dù có vui mấy đi chăng nữa, Sài Gòn đối với tôi có nhiều ý nghĩa đến mấy đi nữa, thực tế tôi vẫn không phải là một phần của Sài Gòn. Tôi không phải là một phần của đời sống đó. Tôi vẫn yêu và sẽ còn yêu mãi mãi Sài Gòn, nhưng qua những biến cố lịch sử không thể lý giải và các khúc quanh của số mệnh, tôi đã đứng ngoài Sài Gòn. Trên nhiều phương diện, tôi chỉ là một kẻ lữ hành. Trên nhiều phương diện, Sài Gòn chỉ là một thành phố của châu Á mà tôi đến thăm. Tôi không đau đớn lúc Sài Gòn đau đớn. Tôi không khóc lúc Sài Gòn khóc. Và tôi đã không cười lúc Sài Gòn cười. Trong mười tuần lễ ấy, Sài Gòn cho phép tôi được làm hoà với chính tôi, với thời thơ ấu của tôi, với ba tôi, và với đồng bào tôi. Sài Gòn đã cho tôi hoà nhập vào nó, cho tôi thật sự cảm nhận được nhịp sống thật của Sài Gòn, chứ không như tôi đã tưởng về nó. Sài Gòn đã cho tôi cái khoái cảm buổi sáng thức dậy được nghe tiếng Việt nói cùng khắp quanh tôi; được đi trên phố và thấy toàn màu tóc đen. Sài Gòn cho tôi thấy đi ăn mày trên hè phố, bán thân trong các “ba”, cho tôi thấy những con người cố tìm cái tốt nhất trong những cảnh huống đầy bất hạnh là như thế nào. Sài Gòn đã phô ra cho tôi mọi thứ mà không thấy xấu hổ và tôi chấp nhận tất cả mà không phê phán. Tôi hết sức biết ơn. Sài Gòn như một người tình không bao giờ trở thành cô dâu.
Tôi còn nhớ điều Steve nói khi anh phân bua với tôi rằng việc anh trở về Anh trong điều kiện kinh tế hiện nay là khó khăn đến thế nào. “Khi tôi về lại Luôn Đôn, đó mới thực là cuộc hành trình”.
Đối với tôi, cuộc hành trình đích thực là ở đây.
Hoa Kỳ, 21.4.1993
TRẦN AN LĨNH
M.L. và N.L. chuyển ngữ
Thế hệ không mặc cảm
Trần An Lĩnh , tác giả bài này, năm nay khoảng 30 tuổi. Anh sang Mỹ năm 1975, khi còn nhỏ. Cuối năm 1992, trở về Việt Nam lần đầu tiên. Như tác giả nói trong lời mào đầu, bài này nguyên thuỷ viết cho bạn bè cùng lứa. Chúng tôi cám ơn tác giả đã đồng ý ch o đăng trên Diễn Đàn.
Chúng tôi muốn đăng bài bài này cũng như đã đăng bài của Nguyễn Hương (Diễn Đàn số 18) vì có ý giới thiệu với bạn đọc cái nhìn của thế hệ trẻ. Trần An Lĩnh, cũng như Tiana Thanh Nga (xem bài giới thiệu phim From Hollywood to Hanoi trong số tới), tuy không sinh đẻ tại Mỹ nhưng đã lớn lên ở đó, và trên thực tế, tiêu biểu cho thế hệ hai của cộng đồng di tản. Họ nhìn Việt Nam bằng con mắt không mặc cảm, hay ít nhất, không vướng mắc những mặc cảm và định kiến của thế hệ cha anh.
Cuộc đối thoại mà tờbáo này triển khai không thể thiếu vắng tiếng nói của thế hệ ấy.
Các thao tác trên Tài liệu