Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 20 / Điểm sách mới

Điểm sách mới

- Kiến Văn, Nguyễn Hữu Thành — published 01/02/2011 01:15, cập nhật lần cuối 20/02/2011 03:26


Điểm sách mới



Họ và Tên Người Việt Nam

Lê Trung Hoa

Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1992,
172 trang, giá 8000 đồng, 35 FF
tại các nhà sách Vietnam Diffusion (Paris 13)

Chắc cũng như tôi, các bạn đọc họ Nguyễn đã hơn một lần phải trả lời người ngoại quốc: “Không, ông Nguyễn đó không phải là cousin của tôi, gần 40% người Việt Nam chúng tôi mang họ Nguyễn”. Nhưng, nếu phải đi sâu hơn nữa để nói về hệ thống tên, họ, và nhất là tên đệm của người Việt Nam, so sánh với hệ thống Tây phương và Trung Hoa, thì chúng ta dễ bí. Không phải ở đâu cũng dễ tìm ra những bài nghiên cứu (như của các ông Nguyễn Bạt Tuỵ, Nguyễn Tài Cẩn) về vấn đề này. Mà cũng lạ: phải đợi đến Lê Trung Hoa, năm 1992, chúng ta mới có một cuốn sách chuyên đề về “Họ và Tên người Việt Nam”. Ưu điểm đầu tiên của chuyên luận này là nó tập hợp những thông tin rải rác, tản mạn trong các bài báo và cuốn sách về hệ thống tên, họ của người Việt Nam – không những của người Việt (tộc Kinh), mà của cả các tộc khác thuộc cộng đồng quốc gia Việt Nam.

Tất nhiên, có nhiều điều cần bàn lại. Thí dụ, tác giả cho rằng người Việt không có họ kép (ông không coi Đặng Trần – họ của Đặng Trần Côn chẳng hạn – là họ kép). Nếu đó là ý kiến, thì không còn gì phải bàn. Nhưng khi ông triệt thoái vấn đề bằng một chú thích dưới trang: “ Có người muốn xem Nguyễn Lê, ... Võ Trần... là họ ghép. Nhưng quan điểm này chưa được đa số chấp nhận” (tr. 22), thì người đọc không khỏi thắc mắc: có đời nào chân lý khoa học lại do đa số quyết định? Nói rộng hơn, ngoài cách tiếp cận lịch sử (lịch đại / diachronique), muốn tìm hiểu hệ thống họ, tên, và nhất là chữ đệm của người Việt Nam, nhất thiết phải phân tích cấu trúc (đồng đại / synchronique) của nó.

Dẫu sao, chuyên luận của Lê Trung Hoa là bước khởi đầu cho một nghiên cứu khoa học về vấn đề lý thú này.

Kiến Văn

Đọc sách
Trong cõi
của Trần Quốc Vượng

Quyển Trong cõi của Trần Quốc Vượng (NXB TRĂM HOA ở Mỹ – 1993) rất hay. Hay nhất là mấy bài cuối. Văn của ông sâu sắc, dí dỏm, đọc rất thích thú. Giai tác này đã có mấy bài giới thiệu hay rồi: Diễn Đàn ở Pháp số 1-3-1993 có bài của Nguyễn Trọng Nghĩa. Hợp Lưu (ở Mỹ) số 10 có bài của Thế Uyên. Tôi chỉ xin mách mấy chữ sai:

thubut 

(Thủ bút của giáo sư Trần Quốc Vượng - Trương 14)

1. Chữ Bồ, G.S. viết rất “lạ”! Người ta viết thế này: 菩

2. Nếu giáo sư muốn dịch từ đền thì nên viết chữ từ bộ kỳ: 祠 . Chữ từ bộ ngôn G.S. viết trên đây nghĩa là lời văn, một thể văn...

3. G.S. dịch Bồ Tất Man Từ (chữ Hán trên đây) là Đền Bồ Tát người Man (Tr. 15). Theo ngu ý thì đây là Bài từ điệu Bồ tát man. Không phải “sùng ngoại”, cho các học giả Trung Quốc giỏi chữ Hán hơn giáo sư của ta, nhưng tôi cũng xin dẫn vài chứng cớ để tiện tham khảo: a) Trong Từ Hải có giải nghĩa Bồ tát man nhưng dài lắm. b) Trong Toàn Đường Thi (Quyển 897, sách 25, tr. 10137) có năm bài từ điệu Bồ tát man của Tôn Quang Hiến. Bốn câu G.S. chép ở trương 14 là nửa đầu bài thứ năm.

Vì G.S. gọi bài từ này là thơ (tr. 14), nên tôi xin thưa vài câu về từ. Từ là một thể văn vần nhưng khác với thơ (thi). Từ có rất nhiều điệu Bồ tát man là một điệu. Đào Tấn1 có để lại 24 bài từ, trong hai bài điệu Bồ tát man có những câu:

“Lang tình thu hậu tiêu sơ diệp
Thiếp tâm mạch thượng du dương điệp”
(tr. 258)

Văn rất hàm súc: Tình chàng (đã như) lá thu tàn thưa thớt (nhưng) lòng thiếp (vẫn như) con bướm lượn quanh bờ ruộng. Xuân Diệu dịch theo nguyên điệu:

“Tình chàng lá rải sau thu úa
Lòng thiếp bướm lượn theo đường cỏ”

Ở Trung Quốc có nhiều thi nhân làm từ nhưng ở ta thì rất ít. Hoặc có khi các cụ xen từ vào thơ: ví dụ bài TÂM SỰ MỴ Ê của Tản Đà có xen vào một bài từ điệu Vân Thê rồi tiếp luôn một bài từ điệu Hoa phong lạc, đọc lên nghe âm điệu du dương, thánh thót lạ thường! Phạm Thái trong bài TÌNH XUÂN cũng có xen vào bài từ điệu Tây giang nguyệt, có những câu đối xan xát và trau chuốt tột mức:

“Thấp thoáng thoi oanh dệt liễu
Thung thăng
(có bản chép là phất phơ) phấn bướm giồi mai.”

4. Bài chữ Hán cuối trương 15 có vài chữ tôi thấy Toàn Đường Thi (Quyển 891, S.25, tr. 10067) chép khác:

Chữ từ 祠 họ chép

Chữ đối họ chép thôn

Hai chữ này tôi chỉ “mách lẻo” thôi. Vì sợ bài quá dài nên không bàn.

5. Phiên âm: Tr. 15: phiên âm ý.

Tr. 16: tôn phiên âm môn, trại phiên âm tại.

6. Có những câu hầu như ai cũng thuộc mà tôi thấy chép “khác”! Ví dụ đôi câu đối tuyệt vời của Cao Bá Quát (tr. 126):

Phá tặc đãn hiềm tam tuế vãn
Đằng không do hận
cửu thiên cơ

Câu dưới đã dịch: Lên mây, từng chín giận chưa cao (tr. 126) thì đúng là “Đằng vân do hận cửu thiên đê rồi. Sao lạ sửa vân ra không đê ra ? Đằng vân (Đằng vân giá vũ) hay hơn Đằng không. Còn chữ thì xin hỏi nghĩa là gì?

Nguyễn Hữu Thành

Paris tháng 4-1993

1 Thơ Và Từ Đào Tấn – Nxb VĂN HỌC 1987 – Theo thiển ý thì quyển sách này rất tốt. Bản dịch đã hay lại có cả chữ Hán (thủ bút của Đào Tấn?) viết đẹp và không sai. Sách của ta như thế là hiếm lắm. Chỉ đọc LỜI GIỚI THIỆU dài (dài nhưng không thừa và không dai) 47 trương của Xuân Diệu cũng đã “say” thơ rồi.


Cẩm nang du lịch:

VIETNAM , Michel Blanchard, Guides Arthaud

Hiện nay có tới bốn, năm cuốn hướng dẫn du lịch Việt Nam bằng tiếng Pháp. Vì thời gian và trang báo hạn chế, nên chỉ xin tạm giới thiệu một cuốn, đó là cuốn VIETNAM, của Michel Blanchard, do Arthaud vừa tái bản. Tôi chọn cuốn này vì nó mới nhất, lại được tác giả cập nhật hoá về các khách sạn, cơ sở du lịch, và ngắn gọn, tiện mang theo khi đi du lịch.

Thêm một ưu điểm so với các cuốn khác: các tên đất, tên người ít lỗi chính tả.

Tác giả nhiều năm làm phóng viên AFP tại Việt Nam và tiếp tục theo dõi tình hình Việt Nam. Giá bán: 150 FF.

K.V.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss