Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 20 / Điểm sách Phật học

Điểm sách Phật học

- Nguyên Thắng — published 24/05/2009 01:43, cập nhật lần cuối 24/05/2009 01:43

Điểm sách:

 

Chuyện Tiền Thân Đức Phật.

   

Tỷ kheo Thích Minh Châu dịch

Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1991.

 
Gồm 4 tập. Tập 1 và 2, 120 chuyện, 340 trang. Tập 3 và 4, từ chuyện số 121 đến số 250, 328 trang, vị chi là 668 trang. Như thế là trên tổng số khoảng 550 jakata (chuyện tiền thân đức Phật) trong bộ Jatakassa Atthavannana tiếng pali, hoà thượng Thích Minh Châu đã dịch được non một nửa.

Nền văn học Phật giáo Jataka đã ảnh hưởng lớn đến sự truyền bá của đạo Phật ở ấn Độ cũng như ngoài ấn Độ, và đã lan ra lãnh vực văn học, nghệ thuật, kiến trúc, trở thành gia tài chung của nền văn hoá dân gian những nơi chịu ảnh hưởng Phật giáo, dưới mọi chân trời.

Chuyện tiền thân đức Phật đã thành phổ biến không những trong giới Phật tử mà còn tràn lan khắp mọi địa phương, mọi dân tộc. Các chuyện về súc vật đôi khi vượt biên giới tôn giáo ấn Độ để trở thành chuyện cổ tích dân gian, nửa thần thoại nửa thực tế, không lệ thuộc tôn giáo nào hay xứ sở nào nữa.

Có thể một số chuyện cổ tích Việt Nam, như chuyện Tấm Cám chẳng hạn, cũng bắt nguồn từ những chuyện tiền thân đức Phật này.

Lần đầu tiên, chúng ta có một bản dịch jakata quan trọng, vì số lượng chuyện cũng như vì dịch nghiêm túc.

 
Nguyên Thắng
 


Thiền uyển tập anh

 
Ngô Đức Thọ - Nguyễn Thuý Nga dịch và chú thích

Phân viện nghiên cứu Phật học,
Nhà xuất bản văn học, Hà Nội 1990, 254 trang.

   
Một tư liệu căn bản về lịch sử Phật giáo Việt Nam. Ông Trần Văn Giáp đem dùng làm tài liệu gốc cho công trình nghiên cứu nghiêm túc đầu tiên (1932) về vấn đề này, Le Bouddhisme en Annam des origines au XIIIè siècle (Đạo Phật ở An Nam từ nguồn gốc cho đến thế kỷ thứ 13), mở đường cho các công trình nghiên cứu khác nối tiếp theo từ đó tới nay. Vừa qua, các nhà nghiên cứu trẻ gốc Việt ở Úc, ở Harvard (Hoa Kỳ) đọc lại Thiền Uyển Tập Anh qua lăng kính so sánh với các tập ghi chép những dòng thiền Trung Quốc như Truyền đăng lục, Cao tăng truyện và nêu lên được những vấn đề lý thú về nguồn gốc thiền Việt Nam...

Một tư liệu quan trọng chẳng những về Phật giáo Việt Nam mà còn về văn học, triết học, văn hoá dân gian v.v. ...Một trong số hiếm tác phẩm của ta khởi thảo từ cuối đời Lý, hoàn chỉnh và ổn định đời Trần, cách đây trên bảy trăm năm mà văn bản còn lưu lại đến nay còn khá trọn vẹn...

Thế nhưng, cho tới nay tác phẩm không được phổ biến. Vì nguyên bản là chữ Hán. Tuy có một bản dịch đã xong từ khá lâu nhưg còn đợi được in trong bộ Thơ Văn Lý Trần. Tập I, rồi tập III bộ này đã xuất bản từ những năm 1977 và 1978. Thiền Uyển Tập Anh không có trong hai tập này.

Bẵng đi trên 10 năm. Đến 1989 nhà xuất bản Khoa học xã hội cho in quyển thượng tập II. Thiền Uyển Tập Anh được xếp vào quyển hạ, vẫn còn nằm chờ trong ngăn kéo.

Dài dòng để nói rằng bản dịch theo bản khắc in năm Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715) này đến tay người đọc sau biết bao năm mong chờ ! Thêm lời giới thiệu của Ngô Đức Thọ, phân tích sâu sắc và uyên bác quá trình hình thành văn bản tác phẩm : " Khởi thảo bởi thiền sư Thông Biện (đời Lý), chuyển tiếp qua các thiền sư Biện Tài, Thường Chiếu, Thần Nghi đến Ân Không, tức Na Ngạn đại sư (đời Trần) là người cuối cùng hoàn thành việc biên soạn " . Tuy đã định bản nhưng các đệ tử của Ẩn Không còn cất giữ khoảng 50 - 60 năm nữa, cho đến năm Khai Hựu Đinh Sửu 1337 Thiền Uyển Tập Anh mới được khắc ván lưu hành . . . .

Giặc Mình xâm chiếm đất nước. Sách của người Việt làm ra bị tịch thu, đốt đi. Tư liệu thất tán. Đánh đuổi được quân Minh xong, các danh nho như Nguyễn Trãi, Phan Phu Tiên, Lý Tử Tấn nhặt nhạnh giấy tàn, sách nát, gắng sưu tập thơ văn người xưa còn sót lại. Nhưng dường như Thiền Uyển Tập Anh bị lãng quên.

Phải tới Lê Quý Đôn mới phát hiện ra rằng tác phẩm này là kho chứa văn học đời Lý : " Nước ta từ khi gây dựng, văn minh không kém gì Trung Quốc. Bài Từ vua Tiền Lê tiễn Lý Giác nhà Tống lời lẽ nõn nà có thể vốc được... Hai vua Thành Tông, Nhân Tông nhà Lý đều giỏi sách hay thơ, nhưng không biết tra tìm vào đâu, chỉ thấy sách Thiền Uyển Tập Anh còn chép được của Thái Tông hai bài, của Nhân Tông hai bài " .

Kết quả là Lê Quý Đôn dùng bản Vĩnh Thịnh sưu tập được 14 bài của 11 tác giả hầu hết là thiền sư đời Lý. Và nếu ngày nay chúng ta được thưởng thức những câu thơ như :

" Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai "

(mạc vị xuân tàn hoa tận lạc / đình tiền tạc dạ nhất chi mai) của thiền sư Mãn Giác thì chính là nhờ Thiền Uyển Tập Anh.

Hôm nay bộ tập sách quý này đến tay chúng ta trọn vẹn. Và bằng tiếng Việt.

 
Nguyên Thắng

 

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Bùi Mộng Hùng
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss