Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 20 / Từ Không Lộ đến Khổng Lồ

Từ Không Lộ đến Khổng Lồ

- Nguyễn Trọng Nghĩa — published 01/02/2011 00:45, cập nhật lần cuối 20/02/2011 00:01


Từ Không Lộ đến Khổng Lồ

Nguyễn Trọng Nghĩa

 

Giới thiệu quyển sách về làng Hành Thiện của Đặng Hữu Thụ (D.Đ. số 18, tr. 26), Kiến Văn đã nồng nhiệt ca ngợi (chắc là khách quan thôi) “công phu” của tác giả: anh xem cuốn sách này như là một “ kho tư liệu quý về một thời đã qua”“ chỉ là một sơ thảo”. Anh chỉ chê có một điều: “chính tả và dấu thanh còn nhiều sai sót”. Và anh đưa thí dụ sau đây để chứng minh cho nhận định đó: “ tên ông thành hoàng làng Hành Thiện, nhà sư Dương Không Lộ (đời Trần), đã trở thành ... Khổng Lồ”. Dù chưa được đọc công trình nghiên cứu của Đặng Hữu Thụ, tôi tin chắc lời chê của Kiến Văn là đúng: tôi vốn tâm phục anh như là một chuyên gia có thẩm quyền về chính tả, “bộ môn” xưa nay tôi vẫn dở, có lẽ do bẩm tính trời sinh ra thế! Nhưng điều đó không cấm cản tôi nghĩ thí dụ của Kiến Văn đưa ra là... chưa đúng lắm! Tôi viết mấy dòng này trước hết để minh oan cho ông Đặng Hữu Thụ và sau nữa để nêu lên cùng bạn đọc “bốn phương” một vấn đề tuy nhỏ thật nhưng không phải là không có cái thú vị của nó, vì đây đúng là một vấn đề chứ không phải là một sai sót về chính tả và dấu thanh: đó là những nghi vấn về Không Lộ và về mối tương quan giữa vị thiền sư này và nhân vật Khổng Lồ trong truyện cổ tích.

Thiền uyển tập anh (được trùng san và khắc in năm Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715)) do Ngô Đức Thịnh, Nguyễn Thuý Nga dịch và chú thích (Hà Nội, nhà xuất bản Văn học, 1990) có chép tiểu sử của Không Lộ, xin tóm lược như sau: thiền sư họ Dương, người hương Hải Thanh (thuộc lộ Thiên Trường, đời Lê thuộc trấn Sơn Nam Hạ, nay thuộc tỉnh Thái Bình), nhà mấy đời làm nghề đánh cá, sau bỏ nghề theo tu hành đạo Phật. Sư chuyên chú tu trì pháp môn Đà La Ni. Khoảng niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh (1059-1065, đời Lý Thánh Tông), sư cùng đạo hữu là Giác Hải đi vân du cõi ngoài, giấu kín tông tích, đến chùa Hà Trạch, ăn rau mặc lá, quên cả thân mình, dứt hết mọi điều ham muốn, một lòng chuyên chú thiền định. Rồi sư thấy tâm thần, tai mắt ngày càng sáng láng thông tỏ, bay trên không, đi dưới nước, hàng long phục hổ, muôn nghìn phép lạ không lường hết được. Sau sư về bản quận trụ trì (chùa Nghiêm Quang). Sư từng đọc bài kệ:

Tuyên đắc long xà địa khả cư,
Dã tình chung nhật lạc vô dư.
Hữu thì
trực t hướng cô phong đính,
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.

Dịch thơ:

Kiểu đất long xà chọn được nơi ,
Tình quê lai
láng chẳng hề vơi.
Có khi xông thẳng lên đầu núi,
Một tiếng kêu vang, lạnh cả trời.

(Kiều Thu Hoạch)

Có lẽ đây là bài thơ thiền hùng tráng nhất của văn học Việt Nam!

Theo Đinh Gia Thuyết trong bài Một vị thánh tăng của Ninh Bình (Đuốc Tuệ số 75), thiền sư còn là tác giả của bài Ngư nhàn (cái nhàn của ông chài), nhưng không chắc lắm:

Vạn lý thanh giang vạn lý thiên,
Nhất thôn tang giá nhất thôn yên.
Ngư ông thuỵ trước vô nhân hoán
,
Quá ngọ tinh lai tuyết mãn thuyền .

Dịch thơ:

Trời xanh nước biết muôn trùng,
Một thôn sương khói, một vùng dâu đay.
Ông chài ngủ tít ai lay ,
Quá trưa tỉnh dậy, tuyết bay đầy thuyền.

(Kiều Thu Hoạch)

Như ta biết, Thiền uyển tập anh (TUTA) là tư liệu xưa nhất do người mình viết về lịch sử Phật giáo Việt Nam. Trong bài Chữ nôm và văn nôm đời Lê (Tập san Khoa học hội, số 7, 10-1980, tr. l06), bác Hoàng Xuân Hãn đã nêu câu hỏi là có nên xem thiền sư Ẩn Không (thường được gọi là Đa Ngạn đại sư), đệ tử của Thần Nghi sống vào nửa đầu thế kỷ XIII là tác giả của Thiền uyển tập anh. Tiếp thu ý kiến đó, Ngô Đức Thịnh trong bài giới thiệu TUTA cho rằng Ẩn Không là người cuối cùng đã hoàn thành quyển sách này, đã được các thiền sư Thông Biện (?-1134), Biện Tài (nửa sau thế kỷ II), Thường Chiếu (?-1203), Thần Nghi (?-1216) nối tiếp nhau biên soạn. Theo Ngô Đức Thịnh (sđd, tr. 15), TUTA được khắc in – chứ không phải được hoàn thành như Nguyễn Huệ Chi đã nghĩ trong bài khảo luận văn bản viết rất công phu (Thơ văn Lý-Trần, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tập I, tr. 117) – vào năm Khai Hựu Đinh Sửu (1337).

Theo TUTA, Không Lộ đồng hương với thiền sư Giác Hải (ta không nên quên rằng vào đời Lý, nhiều khi hương rộng bằng một huyện ngày nay). TUTA kể về Giác Hải như sau:

“Thiền sư họ Nguyễn, (...) từ nhỏ làm nghề đánh cá, thường lấy thuyền làm nhà, lênh đênh trên sông biển. Năm 25 tuổi bỏ nghề cũ, cắt tóc đi tu. Lúc đầu, sư cùng với Không Lộ theo học đạo với Hà Trạch. Sau sư nối pháp tự của Không lộ. Thời Lý Nhân Tông (1172-1228), sư và Thông Huyền chân nhân có lần được vời vào hoàng cung ngồi hầu vua trên bệ đá mát ở hiên điện chính, chợt có đôi tắc kè đậu gần đó kê u váng lên rất ch ối tai. Vua bảo Thông Huyền xua đi. Thông Huyền lặng lẽ niệm thần chú, một con liền rơi xuống. Thông Huyền cười bảo sư:

– Còn một con nữa xin nhường hoà thượng!

Giác Hải bèn chú mục nhìn, chỉ nháy mắt con tắc kè kia cũng rơi nốt. Vua lấy làm lạ, làm thơ khen ngợi như sau:

Giác Hải tâm như hải
Thông Huyền đạo hựu huyền
Thần thông kiêm biến hoá
Nhất Phật, nhất
thần tiên.

Dịch :

Giác Hải lòng như biển
Thông Huyền đạo rất huyền
Thần thông
kiêm biến hoá
Một Phật, một thần tiên.

(Phạm Trọng Điềm)

Do chuyện đó, tên tuổi Giác Hải đồn vang khắp thiên hạ, cả tăng, tục đều kính mộ. Vua Lý Nhân Tông lấy lễ tiếp đãi như thầy. Mỗi khi xa giá về hành cung ở Hải Thanh, vua thường đến chùa Diên Phúc trước. Vua hỏi Giác Hải :

– Sư có thể cho nghe về phép thần túc không?

Sư bèn làm tám phép thần biến, rồi tung người nhảy lên không cao mấy trượng, trong chốc lát lại nhảy xuống chỗ cũ. Vua và các quan đều vỗ tay khen ngợi. (...). Khi sư lâm bệnh, gọi đệ tử đến đọc kệ rằng:

Xuân lai hoa điệp thiện tri tri
Hoa điệp ưng tu cộng ứng kỳ.

Hoa điệp bản lai giai thị huyễn,
Mạc tu hoa điệp hướng tâm
trì.

Dịch :

Xuân sang hoa bươm khéo quen thì,
Bướm lượn hoa cười vẫn đúng kỳ.
Nên biết bướm hoa đều huyền ảo ,
Thây hoa mặc bướm, để lòng chi!

(Ngô Tất Tố)”

(sđd, tr. 138-140)

Như vậy theo TUTA, Dương Không Lộ và Nguyễn Giác Hải là người cùng hương, cùng làm nghề chài, cùng nổi tiếng có nhiều phép thần thông. Nhưng ngay trong TUTA cũng đã có một điểm mâu thuẫn khi nói rằng Giác Hải “ nối pháp tự của sư Không Lộ” là chùa Diên Phúc, nhưng trước đó lại nói Không Lộ dựng chùa ở bản quận có tên là Nghiêm Quang. Theo Di tích lịch sử văn hoá Việt Nam (DTLSVHVN, Nhà xuất bản Khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội, 1991), hiện nay ở miền Bắc có cả hai chùa nói trên: chùa Nghiêm Quang được đổi thành Thần Quang (tục gọi là chùa Keo Dưới) vào năm Chính Long Bảo Ứng thứ 5 (1167) ở xã Vũ Nghĩa (nhưng ở trang 279 thì lại nói là xã Duy Nhất, tôi chưa có điều kiện kiểm chứng), huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình và chùa Diên Phúc (tức là chùa Keo Trên) được đổi tên thành Viên Quang cũng vào năm Chính Long Bảo Ứng thứ 5 (1167) nay ở xã Hành Thiện, huyện Xuân Trường, Hà Nam Ninh (vốn xưa là ấp Giao Thủy, vào năm 1167 được đổi thành xã Hộ Xá, rồi Nghĩa Xá, Hành Cung và, cuối cùng vào đời Minh Mạng (1820-1840), thành Hành Thiện, được dời đến địa điểm hiện nay vào cuối thế kỷ XVI). Không biết dựa vào đâu, các tác giả của DTLSVHVN xác định rõ là chùa Nghiêm Quang được Không Lộ xây vào năm Chương Thánh Gia Khánh thứ 3 (1065) và chùa Diên Phúc được Nguyễn Giác Hải khởi xây vào năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ 2 (1121), nghĩa là sau chùa Nghiêm Quang đến 56 năm, khi Giác Hải ít ra đã đến 86 tuổi, vì trước đó đã viết là Giác Hải đi tu lúc 25 tuổi, và vào năm Chương Thánh Gia Khánh thứ 2 (1060), ông cùng Dương Không Lộ và Từ Đạo Hạnh tìm đường sang Thiên Trúc học đạo. Khác với TUTA, DTLSVHVN cho rằng (cũng không biết dựa vào đâu) Không Lộ viên tịch năm Giáp Tuất (1154) thay vì Kỷ Hợi (1119): nếu ta giả định là ông cùng tuổi với Giác Hải thì Không Lộ phải thọ đến gần 120 tuổi! Thật ra thì dường như thiền sư còn thọ hơn thế nữa vì ở trang 297, có lẽ dựa theo Hải Dương tỉnh thần tích, DTLSVHVN lại ghi rất chính xác là Không Lộ viên tịch vào ngày 26 tháng 3 năm Giáp Tuất (1094), thọ 79 tuổi. Giả dụ là nhờ nhiều phép mầu, thiền sư sống lại, để rồi viên tịch lần thứ hai vào đúng 60 năm sau (1154) thì hoá ra ngài thọ đến gần 140 tuổi! Một điều lạ là TUTA không nói gì đến Nguyễn Minh Không, một vị thiền sư rất nổi tiếng và cùng thời với Giác Hải như sẽ trình bày sau đây.

Theo Lĩnh Nam chích quái (LNCQ) mà Lê Hữu Mục chứng minh là có thể do Trần Thế Pháp viết vào cuối đời nhà Trần, khoảng từ 1370 đến 1400 (Khai Trí, Sài Gòn, 1961, tr. 8-15), thì Dương Không Lộ và Nguyễn Giác Hải cũng là hai nhân vật khác nhau. Thật ra thì trong truyện Dương Không Lộ và Nguyễn Giác Hải, (các) tác giả LNCQ chỉ làm công việc nhập tiểu sử của hai vị thiền sư trong TUTA làm một, được lấy lại gần như nguyên văn. Trong truyện Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không, phần đầu cũng được sao lại từ TUTA, chỉ thêm vào chuyện Nguyễn Minh Không (người làng Điềm Xá, nay thuộc huyện Hoa Lư, Ninh Bình (cũ)) chữa bệnh cho Lý Thần Tông là Từ Đạo Hạnh đầu thai. Có hai chi tiết nên đặc biệt lưu ý trong truyện này là Minh Không đã theo học đạo với Từ Đạo Hạnh bốn mươi năm và có quan hệ với một chùa có tên là Không Lộ ở làng Giao Thủy.

Trong Nam Ông mộng lục do Hồ Nguyên Trừng viết ở Trung Quốc vào năm 1438 hay trước đó một thời gian (vì được in ở Trung Quốc, tác phẩm này có lẽ giữ được nguyên diện mạo ban đầu của nó: đó là một ưu điểm so với hầu hết các tư liệu viết khác của Việt Nam kể cả TUTA và nhất là LNCQ), có hai truyện liên quan đến Giác Hải và Nguyễn Minh Không. Truyện Tăng đạo thần thông (phép thần thông của tăng, đạo) ( Thơ văn Trần, sđd, tập 3, tr. 703-704) gần giống như truyện Giác Hải trong TUTA; chỉ khác hai điểm là chuyện xảy ra vào đời Lý Thái Tông (1028-1054) chứ không phải Lý Nhân Tông (1066-1128) như trong TUTA và Thông Huyền và Giác Hải trừ yêu quái thay vì diệt tắc kè. Còn truyện Minh Không thần dị (Phép thần dị của Minh Không) (sđd, tr. 709) thì lại có nội dung in hệt đoạn sau của truyện Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không trong LNCQ đã được trình bày trên đây, chỉ khác (và sai so với chính sử) có một điểm là Minh Không chữa bệnh cho thế tử (Dương Hoán) chứ không phải cho Lý Thần Tông (1128-1138) tức là Dương Hoán khi đã lên làm vua. Truyện này có thêm một chi tiết đáng để ý là chính vua (Lý Nhân Tông) đã đặt tên chùa là Không Lộ sau khi Minh Không đã chữa lành cho thế tử, “rồi đi trên không mà về”.

Về chuyện Minh Không chữa bệnh cho Lý Thần Tông, Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1967, tập I, tr. 271) có chép như sau: vào tháng 3, Thiên Chương Bảo Tự năm thứ 4 (1136) “ vua bệnh nặng, chữa thuốc không khỏi, nhà sư Minh Không chữa khỏi, phong làm quốc sư (...) (tục truyền rằng khi nhà sư Từ Đạo Hạnh trút xác, trong khi ốm đem thuốc và thần chú giao cho học trò Nguyễn Chí Thành tức là Minh Không và dặn rằng 20 năm sau, nếu thấy quốc vương bị bệnh nặng thì đến chữa ngay)”. Đoạn sử này khá ăn khớp với một đoạn khác trong ĐVSKTT kể chuyện Từ Đạo Hạnh đầu thai làm con Sùng Hiền Hầu (sau này là Lý Thần Tông) xảy ra vào tháng 6 năm 1116, tức là khoảng 20 năm trước khi Lý Thần Tông bị bệnh (sđd, tr. 246-247). ĐVSKTT còn ghi vài chi tiết khác về thiền sư Minh Không: tháng 5 năm Thiên Thuận thứ 4 (1131), vua sai “ dựng nhà cho đại sư Minh Không” (tr. 267); tháng 8 năm Đại Định thứ 2 đời Lý Anh Tông (1141) “ quốc sư Minh Không chết (sư người xã Đàm Xá, huyện Gia Viễn, phủ Trương Yên, rất linh ứng, phàm khi có thuỷ nạn tai hại gì, cầu đảo đều nghiệm cả. Nay hai chùa Giao Thuỷ và Phả Lại đều tô tượng để thờ)” (tr. 277). Chùa Giao Thuỷ tức là chùa Thần Quang (hay, xưa hơn nữa, Nghiêm Quang) đã nói trên đây; còn chùa Phả Lại có lẽ là chùa Chúc Thánh ở trên núi xã Phả Lại, huyện Quế Dương, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc huyện Quế Võ, tỉnh Hà Bắc (xem DTLSVHVN, tr. 167) chứ không phải chùa Diên Phúc hay Keo Trên như Đào Duy Anh đã chú thích trong bản dịch ĐVSKTT ở trang 348. Theo Đại Nam nhất thống chí (NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971, tr. 110) tương truyền sư Không Lộ có tu ở đây; nhưng Bắc thành dư địa chí của Lê Chất (tiền bán thế kỷ XIX) thì lại chép là thiền sư Minh Không.

Dựa trên những tư liệu đã trích dẫn, đặc biệt là ĐVSKTT, ta có thể nghĩ rằng Minh Không và Không Lộ chỉ là một người: Nguyễn Chí Thành, người làng Điềm Xá, Ninh Bình (Hà Nam Ninh), pháp danh là Minh Không, học trò của Từ Đạo Hạnh, đã chữa bệnh cho Lý Thần Tông nên được phong làm quốc sư. Vì chùa Nghiêm Quang được Lý Thần Tông ban tên là Không Lộ (ít ra là theo truyền thuyết), nên người đời cũng gọi Nguyễn Chí Thành là Không Lộ: việc lấy tên chùa để gọi vị sư trụ trì là hiện tượng khá phổ biến trong truyền thống Phật giáo Việt Nam. Cũng xin mách thêm rằng DTLSVHVN có nói đến bản thần tích của chùa xã Hào Khê (nay thuộc huyện Ninh Thanh, Hải Hưng) khẳng định Không Lộ là Nguyễn Minh Không: theo tư liệu này, cha của ông là Nguyễn Chiêu (quê ở trang Hộ Xá, huyện Giao Thuỷ) và mẹ là Dương Thị Ứng (quê ở xã Hào Khê, thời Lý là thôn Hán Triền). Có lẽ vì mẹ là họ Dương nên mới có sự lầm lẫn cho rằng Không Lộ có họ Dương chăng?

Nếu Không Lộ và Minh Không là hai người thì làm sao có thể cắt nghĩa sự vắng bóng, trong TUTA, của Minh Không, một vị quốc sư nổi tiếng xuất hiện đến ba lần trong ĐVSKTT.

Một câu hỏi cần đặt ra là các truyền thuyết về Từ Đạo Hạnh, Minh Không, Giác Hải đã hình thành từ bao giờ. Trước hết, như ta biết dưới triều Lý, Phật giáo chịu ảnh hưởng của mật tôn khá sâu sắc: các vị thiền sư nổi tiếng vì thế được tín đồ tin tưởng lả có pháp thuật cao cường. Yếu tố huyền diệu, vốn đã có sẵn trong xã hội và tâm thức quần chúng, có lẽ đã phát triển cùng với thời gian trôi qua.

Về thiền sư Giác Hải chẳng hạn, theo TUTA thì ông thần thông là thế, nhưng trong Viên Quang tự bi minh tính tự (văn bia chùa Viên Quang tức là chùa Diên Phúc hay chùa Keo Trên ở Hành Thiện) của Dĩnh Đạt viết, có lẽ dưới triều Lý Cao Tông (1175-1210), sau khi Giác Hải viên tịch chừng 40, 50 năm, lại không chứa đựng một yếu tố huyền diệu nào về Giác Hải mà Dĩnh Đạt hết lời ca tụng. Điều này khiến ta nghĩ rằng những chuyện pháp thuật thần thông được thêm vào TUTA sau này. Dựa vào Nam Ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng bị quân Minh bắt đưa về Trung Quốc năm 1407, khi ông làm tư đồ tả tướng quốc cho em là Hồ Hán Thương, ta có thể giả định là những truyền thuyết huyền diệu về Đạo Hạnh, Minh Không, Giác Hải đã hình thành trễ lắm là vào giữa thế kỷ XIV, để rồi được ghi lại trong một số tác phẩm như TUTA (ít ra bởi những người “hiệu đính” vô cùng tuỳ tiện do quan niệm “văn chương công khí”) và LNCQ. Nhưng dưới dạng truyền khẩu, những truyền thuyết nói trên vẫn tiếp tục biến đổi, lắm lúc theo kiểu – xin nói một cách nôm na – nhổ râu ông nọ, cắm cằm bà kia! Kết quả là chúng ta có những truyện cổ tích như “Khổng Lồ đúc chuông hay sự tích trâu vàng” (xem Nguyễn Đổng Chi (NĐC), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976, tập II, tr. 265-270), “Từ Đạo Hạnh hay sự tích thánh Láng” (NĐC, tập III, 1973, tr. 283-302) hay “Người thợ đúc và anh học nghề” (NĐC, tập IV, 1975, tr. 7-14). Từ chỗ đúc “ tứ khí” (chóp tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền, tượng Phật chùa Quỳnh Lâm và đỉnh chùa Phổ Minh), thiền sư Khổng Lồ đã trở thành đức thánh Khổng Lồ, tổ sư của nghề đúc!

Nhưng con cà con như vậy cũng đã quá dài, có lẽ đã đến lúc xin được đưa ra một vài ý kiến chưa chín muồi lắm về một câu hỏi khá thú vị có thể đặt ra: tại sao Không Lộ 空 路 đã biến thành Khổng Lồ 孔 路?

Tôi nghĩ là có hai khả năng. Trước hết có thể là do tục kiêng tên thần thánh, đặc biệt là nếu các ngài nổi tiếng linh thiêng (tục này được gọi là hèm còn chỉ sự tôn trọng sở thích hay đặc tính của thánh thần): vì Không Lộ (Minh Không) khi sống đã lừng danh có pháp thuật cao cường và, sau khi viên tịch, trở thành một vị thần linh ứng được thờ ở nhiều chùa, đình, đền (xem DTLSVHVN), nên dân chúng đã đọc trạnh tên ông thành Khổng Lồ. Sự kiện này có thể chỉ xảy ra từ thế kỷ XVI khi “phong trào” dựng đình, thờ thành hoàng, lập hương ước càng ngày càng phát triển. Vì Khổng Lồ thần thông, linh ứng dị thường, trí tưởng tượng của dân gian đã biến ông thành một người to lớn và cực kỳ khỏe mạnh nhu Nữ Oa, Tứ Tượng, Lý Ông Trọng (xem NĐC, sđd, tập II, 1976, tr. 311-314)...

Chúng ta cũng có thể dùng những luận cứ ngữ âm học để trả lời cho câu hỏi nói trên. Dường như ngày xưa (xin phép được nói một cách mơ hồ như vậy vì tôi chưa có thì giờ và nhất là khả năng nghiên cứu để nói một cách chính xác hơn!) trong khá nhiều trường hợp người mình không phân biệt thanh nặng (.) và thanh huyền (`) như đồng bào Nghệ Tĩnh ngày nay (câu chuyện “bò đen húc lộn bò vàng”!). Xin đưa ra một vài bằng chứng. Trước hết là trường hợp những chữ Hán ngày nay thường đọc với âm lộ:

1. 路 (con đường) theo Huỳnh Tịnh Của (Đại Nam quấc âm tự vị, 1895, tr. 572) cũng đọc là lồ như Không Lồ;

2. 賂 (cho) như trong hối lộ, vào tiền bán thế kỷ XVI được đọc là lồ (trong Từ điển Việt-Bồ-La, A. de Rhodes có ghi hai từ hối lồ thụ lồ, tr. 118);

3. 露 với nghĩa bày ra ngoài cũng đọc là lồ như trong từ loã lồ (trần truồng) mà ta cứ tưởng là từ láy thực ra là một từ kép gồm hai từ Hán Việt (loã như trong loã thể và lồ);

4. 露 với nghĩa nước thơm như trong cam lộ 甘 露 mà nhiều người, ít ra ở Trung và Nam Bộ thường đọc là cam lồ

Bác Hoàng Xuân Hãn có mách tôi chữ ngạn (bờ sông) cũng đọc là ngàn như trong câu thơ Chinh phụ ngâm: Ngàn dâu xanh ngắt một mầu. Cho đến nay, vì dốt, tôi cứ tưởng ngàn cũng như muôn dùng để diễn tả ý là nhiều lắm!

lộ được đọc là lồ nên về sau, khi âm lộ càng ngày càng phổ biến, Không Lồ trở nên vô nghĩa và, vì thế, biến thành Khổng Lồ tức là họ Khổng tên Lồ. Trong quyển Lý Thường Kiệt (Sông Nhị, Hà Nội, 1950, tr. 398), vì tôn trọng truyền thống dân gian (hay vì bác là người Hà Tĩnh chăng?) Bác Hãn cũng viết là thiền sư Khổng Lồ và dường như bác xem Minh Không và Không Lộ là hai người khác nhau.

Vì văn học dân gian tạo cho Khổng Lồ hình tượng của một người cực kỳ to lớn nên dần dà, từ một tên riêng, khổng lồ biến thành một danh từ chung chỉ những người quá đỗi to lớn (géants), nhưng không biết vào lúc nào vì A. de Rhodes chưa ghi vào từ điển của ông.

Vào cuối thế kỷ XIX, Huỳnh Tịnh Của đã ghi từ người khổng lồ và định nghĩa là người lớn lắm; ông cũng có ghi tên rạch bà Khổng Lồ ở Biên Hoà (sđd, tr. 572). Từ danh từ chung, khổng lồ được dùng như là tính từ chỉ là một bước rất ngắn do đặc tính của ngữ pháp tiếng Việt: trong quyển Việt Nam tự điển (1931-1939) của Hội Khai Trí Tiến Đức đã thấy ghi tính từ khổng lồ với nghĩa là to đại và với thí dụ cái chuông khổng lồ (tr. 284).

Không biết đó có phải là cái chuông do quốc sư Minh Không đời Lý trụ trì ở chùa Không Lộ (Nghiêm Quang) nên cũng có tên là thiền sư Không Lộ, là một người Khổng Lồ gánh cả kho đồng của vua Trung Quốc về đúc như truyện cổ tích đã kể hay chăng?

N.T.N.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss