Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 21 / Trung Quốc cường quốc thứ ba ?

Trung Quốc cường quốc thứ ba ?

- Vũ Quang — published 10/02/2011 01:35, cập nhật lần cuối 06/03/2011 00:17

Phải chăng Trung Quốc
là cường quốc
đứng thứ ba thế giới

Vũ Quang

 

Cuối tháng 5 vừa qua, dư luận báo chí thế giới tỏ ra rất ngạc nhiên về việc Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) sử dụng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tính theo sức mua tương đương (Purchasing power parity hay gọi tắt là PPP) làm tỷ trọng tính tốc độ phát triển kinh tế thế giới. Với cách tính này, GDP bình quân đầu người/năm ở Trung Quốc là USD 1.450 chứ không phải USD 330 (năm 1991) nếu tính theo hối suất, mặc dù GDP trên đầu người tính bằng nhân dân tệ bằng nhau trong cả hai cách tính. Với cách tính theo sức mua tương đương, GDP của Trung Quốc trở nên lớn thứ ba thế giới sau Mỹ và Nhật. Con số trên tạo nên một ấn tượng là Trung Quốc hiện nay đã là một trong những cường quốc lớn nhất thế giới cần coi chừng, và có thể qua đó cần đặt lại quyền hưởng viện trợ quốc tế và điều kiện vay mượn ưu đãi được dành cho các nước chậm phát triển. Trung Quốc đã lên tiếng chính thức phản đối IMF. Vậy cách tính GDP theo sức mua tương đương là gì?

Để hiểu cách tính theo sức mua tương đương, ta cần hiểu qua những hạn chế của cách tính theo hối suất. Lấy thí dụ nước Pháp, nếu GDP bình quân đầu người năm là FF 100.000 và nếu hối suất là 5 FF/USD như hiện nay, thì GDP bình quân đầu người là USD 20.000. Nếu hối suất cứ giữ như trước đây là 10 F/USD thì GDP bình quân đầu người chỉ là USD 10.000. Như vậy nếu dùng hối suất và tính bằng USD thì GDP ở Pháp đã có một tốc độ phát triển phi thường trong thời gian qua. Hoặc nếu dùng hối suất thì chỉ cách có vài tháng, GDP bình quân đầu người ở Trung Quốc giảm từ USD 405 (năm 1992) xuống còn USD 270 vì đồng nhân dân tệ mất giá đáng kể trong vài tháng qua. Như vậy, sự mất ổn định của các đồng bạc có làm giảm giá trị đo lường của hối suất không? Để trả lời câu hỏi này, ta cần phải biết rõ mục đích của công cụ đo lường. Nếu mục đích là đo lường khả năng trả nợ hoặc nhập khẩu bằng đồng USD của các xí nghiệp chỉ có nhân dân tệ, hoặc đo lường sức mạnh kinh tế của một nước trên thế giới thì rõ ràng là khả năng này giảm xuống như cách tính bằng hối suất. Nếu mục đích là đo mức sống ở Trung Quốc, thì rõ rằng dùng hối suất không đáp ứng được yêu cầu. Việc thay đổi giá trị đồng bạc không làm mức sống ở Trung Quốc giảm xuống như những con số ở trên nói lên. Và nếu dựa vào so sánh GDP bình quân đầu người năm của Trung Quốc là USD 230 với Mỹ là USD 22.000 để bảo rằng đời sống ở Mỹ gấp gần 100 lần là điều sai lầm. Một hạn chế nữa khi dùng hối suất để chuyển đổi GDP bằng đồng nội địa sang USD là có nhiều nước không có một hối suất duy nhất phản ánh cung cầu thực trên thị trường vì thị trường ngoại tệ bị nhà nước kiểm soát. Đây là lý do gặp phải khi tính GDP bằng USD cho Việt Nam trước đây. Với thị trường một hối suất như hiện nay ở Việt Nam, GDP bình quân đầu người năm 1992 theo tôi tính chỉ có USD 139.

Phương pháp đo sức mua tương đương được đề ra với mục đích so sánh mức sống. Giả dụ một cách đơn giản nhất là nếu người ta chỉ ăn phở, dù là người Mỹ hay người Việt và nếu một bát phở ở Việt Nam là Đ 4.000, ở Mỹ là USD 4, thì hệ số chuyển đổi đồng VN ra USD là Đ 1.000 (Đ 4.000/4). Như vậy GDP bình quân đầu người ở Việt Nam hiện nay là Đ 1,4 triệu một năm phải tương đương với USD 1400. Trên thực tế, người ta tiêu dùng nhiều loại hàng hoá và dịch vụ khác nhau và với tỷ trọng khác nhau trong tổng giá trị tiêu dùng, vì vậy phương pháp đo sức mua tương đương phải thu thập giá cả và các rổ hàng tiêu chuẩn ở những nước cần so sánh để tìm ra hệ số chuyển đổi đồng bản xứ ra đồng USD. Thông thường ở các nước đang phát triển, không những giá hàng hoá rẻ hơn các nước phát triển mà giá dịch vụ còn rẻ hơn rất nhiều vì hầu hết dịch vụ ở các nước đang phát triển không xuất khẩu được. Như vậy với cách tính này, GDP các nước đang phát triển đều cao lên nhiều lần so với cách chuyển đổi bằng hối suất.

Về mặt chuyên môn, phương pháp luận sức mua tương đương phải giải quyết được những vấn đề khó khăn sau: (1) tỷ lệ so sánh giữa GDP các nước không thay đổi dù dùng bất cứ nước nào làm chuẩn, (2) các loại hàng hoá, dịch vụ so sánh phải có chất lượng tương đương (chẳng hạn bát phở ăn ở Paris hay ở Việt Nam phải hoàn toàn giống nhau về chất lượng thịt, bánh, nước dùng và cả dịch vụ phục vụ và chỗ ngồi), hoặc giá cả phải được điều chỉnh để phản ánh được chất lượng khác nhau, (3) giá phải phản ánh được giá trung bình trong một nước trong năm, (4) giải quyết được vấn đề khác biệt giữa các rổ hàng tiêu dùng ở các nước (thí dụ người Việt ăn cơm, còn người tây phương ăn bánh mỳ). Cho đến nay vẫn chưa phải đã được giải quyết ổn thoả các vấn đề nêu trên, đặc biệt là vấn đề điều chỉnh giá để phản ánh khác biệt chất lượng.

Phương pháp đo GDP bằng sức mua tương đương được thực hiện lần đầu tiên theo yêu cầu của OEEC vào năm 1950 bởi hai nhà kinh tế M. Gibert và Kravis. Sau đó, nó trở thành công trình liên tục của Liên Hiệp Quốc với sự tham gia phát triển phương pháp luận và tính toán trong nhiều năm của ba nhà kinh tế: Kravis, Summers và Heston (xuất bản lần lượt vào năm 1975, 1978, 1982, 1986, 1987), lần đầu chỉ có 10 nước tham dự, và lần cuối có 60 nước tham dự, trong đó không có Trung Quốc. Nếu như Trung Quốc không tham gia thì làm thế nào mà IMF tính được GDP cho Trung Quốc? Câu trả lời là họ dùng phương pháp hồi qui (regression method) dựa trên sự liên hệ giữa GDP đo bằng sức mua tương đương và GDP đo bằng hối suất cùng một chỉ số giá cả ở các nước đã được tính gần mười năm trước.

Như vậy phương pháp tính toán GDP trên chẳng có gì là mới vì nó đã được Liên hiệp Quốc xuất bản nhiều lần, với mục đích so sánh sức mua tương đương. Cái lạ lần này là nó xuất hiện với dư luận rất sôi nổi trên báo chí thế giới. Phải chăng dư luận được thổi phồng lên do một ý đồ tạo bất lợi cho Trung Quốc, đặc biệt là khi báo chí bàn về kết quả hơn là mục đích của cách tính?

GDP bình quân đầu người năm 91 tính theo sức mua
tương đương và hối suất IMF (tính bằng đôla Mỹ)

 

Theo sức mua
so sánh (1)

Theo hối
xuất (2)

tỷ lệ (1)/(2)

Mỹ

22.204

22.204

1

Nhật

19.107

27.132

0,7

Trung Quốc

1.450

370

4,4

Ấn Độ

1.150

330

3,5

Nam Dương

2.730

610

4,5

 

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss