Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 21 / Đình Nam bộ

Đình Nam bộ

- Nguyên Thắng — published 24/05/2009 01:43, cập nhật lần cuối 24/05/2009 01:43

 

Điểm sách mới

 

Văn hoá dân gian cổ truyền - Đình Nam Bộ - Tín ngưỡng và nghi lễ

  

Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường, Hồ Tường


Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh, 1993,
309 trang, giá bán 52 FF tại Việt Nam difusion.

 
Huỳng Ngọc Trảng là con người đam mê thực địa. Thường bê ra trình làng từng mảng văn hoá dân gian tươi roi rói.

Đình Nam Bộ có tính chất tổng hợp hơn. Chắc vì thế mà là tác phẩm chung của ba soạn giả.

Các tác giả " chỉ giới hạn mục đích vào việc giới thiệu một số những tư liệu cơ bản về đình Nam bộ, đặc biệt chú trọng đến phần tín ngưỡng và nghi lễ như chúng đã từng tồn tại trong quá khứ. " (tr.6). Mục đích soạn sách thật khiêm tốn. Có lẽ chính nhờ đó mà tác phẩm thật phong phú. Nhan nhản những sự kiện, những chi tiết về sắc phong, thần tích, về nghi thức cúng tế, về tục lệ địa phương đượm nguyên chất thực địa. Đưa vào điều tra sâu rộng và nghiêm túc, suy luận, diễn giải của các tác giả có tính chất thuyết phục cao. Minh hoạ, soi sáng, giải thích những đặc điểm của đình Nam bộ, trong kiến trúc, bài trí, trong thờ phụng thần linh, trong tổ chức ban quí tế, trong dâng cúng lễ vật, trong nghi thức...

Xin dành cho bạn đọc trọn vẹn niềm vui phát hiện những điểm lý thú, và chỉ nêu tản mạn một vài ví dụ.

Đình trong Nam thường là ngôi nhà hình vuông gọi là tứ trụ hay tứ tượng. Giữa sân đình thường thấy một cái bệ gạch. Bạn có biết đó là cái chi không ? Đàn xã tắc đó. Xã là thần đất, tắc là thần lúa nếp. Phải lấy " đất thơm ", một loại đất xốp màu mỡ gà, đắp đàn xã tắc thì thôn xóm mới ấm no. Xã tắc đi đôi với sơn hà, đàn tượng trưng cho đất nước vì thế người dân không cho trẻ con, cho gia súc lai vãng gần đàn xã tắc, không bao giờ hướng về đàn xã tắc mà phóng uế.

Sau đàn xã tắc thường có tấm bình phong, hai bên có câu đối :

Hổ cứ sơn lâm phù xã tắc
Long du nguyệt điện tráng sơn hà

(Hổ chiếm sơn lâm phò xã tắc, Rồng chơi nguyệt điện giúp sơn hà)

Trên mặt vẽ rồng vờn cọp, tượng trưng cho mưa thuận gió hoà. Có nơi làm đơn giản đi, chỉ vẽ chúa sơn lâm. Gần đây, khi đình lọt vào nội thành, đất chật, đàn xã tắc bị phá đi. Chỉ còn lại như ở đình Minh Phụng quận 11 thành phố Hồ Chí Minh, tấm bình phong có hình ảnh ông ba mươi từ trên núi bước xuống. Có người cho đó là bùa trấn yểm tà ma. Có người cho đó là thần hổ. Đúng là nhiều nơi thờ cả Cọp thật, nhưng chỉ là phối hưởng, không đặt ngay trước mặt đình. Tấm bình phong là tượng trưng cho ước mong mưa thuận gió hoà, sơn hà xã tắc vững bền (tr. 26-27).

Trong Nam có đình và có , dân gian còn gọi là dỏ. Trong quần thể kiến trúc đình có võ ca, có võ cua hay võ qui, chức năng là gì, những từ này từ đâu mà ra, liên quan đến hát bội cúng thần như sao ? Tại sao có câu " ăn quán ngủ đình " có liên quan gì đến tính đa chức năng của đình Nam bộ ? Xin để các bạn trực tiếp tìm đọc.

Các thần được thờ làm thành hoàng ở Nam bộ chẳng những phản ảnh cuộc chung sống của các sắc tộc Việt, Hoa, Khơme, Chăm, mà còn hé cho thấy dường như giá trị của người di dân không hoàn toàn ăn khớp với giá trị chốn đế đô.

Đông chinh vương, Dực thánh vương, Võ đức vương là các ông hoàng con Lý Thái Tổ. Năm 1026 vua cha băng hà, ba ông làm loạn tranh ngôi với thái tử Phật Mã (Lý Thái Tông). Lê Phụng Hiểu bảo vệ tân vương, chém Võ đức vương chết tại trận tiền, dẹp tan nội loạn. Đông chinh và Dực thánh được tha chết, nhưng phải đày vào vùng hoang dã miền Nam đất nước thời bấy giờ. Dân gian xem hai vương là thủy tổ khai hoang. Di dân xiêu lạc vào Nam đem theo hai ông thần này, thờ làm thành hoàng ở nhiều nơi (đình Hoà Lộc ở Cái Bè, đình Phú Long ở Cai Lậy, đình Thông Tây Hội, Gò Vấp thành phố Hồ Chí Minh...). Vì " bất trung bất hiếu " hai vị thần không được gia phong mỹ tự, đời Nguyễn không cấp sắc phong. Thờ hai ông làm thành hoàng chánh thì có tục giữ hèm, cúng tế không được hát bội vì tuồng đề cao trung hiếu.

Một vị thần khác, đứng đầu bách thần ở Nam bộ đời Gia Long, là Phi vận tướng quân Nguyễn Phục, người xã Tùng Giang, huyện Gia Phước, tỉnh Thanh Hoá, đậu tiến sĩ khoa Quí Dậu (1453) đời Lê Nhân Tông. Ông là thầy của hoàng tử Tư Thành, sau là vua Lê Thánh Tông. Khi Lê Thánh Tông đánh Chiêm Thành, Nguyễn Phục lãnh chức phi vận tướng quân lo việc chuyên chở lương thực. Đoàn thuyền lương đến cửa Tư Dung Thanh Hoá thì gặp bão. Ông ra lệnh neo thuyền lại đợi thà riêng mình chịu hình phạt chớ không nỡ để quân lính và lương thực bị chôn vùi đáy biển. Trễ hạn, ông bị tội chết chém. Dân Ngũ Quảng thương cảm ông, thờ làm thần phù hộ người đi biển. Vượt biển vào Nam, di dân cư ngụ dọc theo sông Tiền thờ Phi vận tướng quân làm thành hoàng, đặc biệt ở đình Trà Tân (Cai Lậy), đình Tân Hương (châu thành Tiền Giang), và cả ở đình Hưng Phú, bến Ba Đình quận 8 thành phố Hồ Chí Minh... Vì ông chết bằng gươm đao nên có tục " tỉnh sanh ", khuya đem con heo còn sống nhốt trong cũi đến trước bàn thờ thần chớ không đem giết.

Văn hoá dân tộc ta chủ yếu là văn hoá làng xã. Mà đình lại là một trung tâm của nền văn hoá truyền thống đó. Sau mấy thập kỷ chiến tranh, vật đổi sao dời, ghi lại và tổng kết những phong tục còn sót là một việc đáng quí. Chỉ lo không ai chịu làm việc đó trong thời buổi khó khăn này. May thay vẫn còn người say sưa kiên trì tìm tòi ghi chép, chân thật và phong phú, các dữ kiện phong kín trong khám thờ, vùi sâu trong ký ức dân gian và đang chuyển biến với xã hội.

Giá trị tư liệu quyển Đình Nam Bộ, vốn dồi dào, còn được tăng thêm với phần phụ lục ghi danh sách, địa chỉ các đình và lịch lễ đình thành phố Hồ Chí Minh, đăng trọn vẹn tài liệu về đào thài (hát chúc mừng), về lễ xây chầu, lễ đại bội do nghệ sĩ nhân dân hát bội Thành Tôn trao lại, với ảnh mầu, tuy chưa được hoàn mỹ, nhưng là một cố gắng đáng khích lệ.

Sách chỉ in có 1000 cuốn, những ai yêu thích văn hoá truyền thống hãy nhanh chân... !

 
Nguyên Thắng

   

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Bùi Mộng Hùng
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss