Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 21 / Tưởng nhớ nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát

Tưởng nhớ nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát

- Trần Văn Khê — published 10/02/2011 01:00, cập nhật lần cuối 05/03/2011 23:35

Tưởng nhớ nhạc sĩ
Nguyễn Xuân Khoát

Trần Văn Khê

 

Trong một bức thư anh Nguyễn Hữu Ba viết cho tôi cách đây 30 năm có câu: “Bao giờ ba anh em mình được gặp nhau, ngồi cạnh nhau để trao đổi kinh nghiệm trong công việc sưu tầm, nghiên cứu âm nhạc truyền thống Việt Nam? Ngoài Bắc có anh Nguyễn Xuân Khoát hiểu thấu hát chèo và ca trù, miền Trung có tôi nắm vững nhạc cung đình và ca nhạc Huế, miền Nam có anh rành nhạc tài tử, cải lương”. Tôi cũng cùng chung một ước mơ ấy. Nhưng ước mơ của chúng tôi chưa được thực hiện, và kể từ nay sẽ không thể nào thực hiện được nữa. Anh Nguyễn Xuân Khoát vừa vĩnh viễn ra đi.

Tôi không nhắc lại tiểu sử của người nhạc sĩ lão thành mà tôi chỉ nghe tên từ lâu, đã ngạc nhiên và thầm mến phục tài nghệ qua bài Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ mà anh đã phổ nhạc một cách rất độc đáo và đậm màu dân tộc. Trong nước sẽ có người nghĩ đến việc ấy và biết rõ anh Khoát hơn tôi, sẽ viết đầy đủ hơn về anh. Tôi chỉ ghi lại kỷ niệm mấy lần tôi được gặp Anh.

Năm 1976, chiến tranh vừa dứt, nước nhà thống nhứt Bắc Nam. Trung tâm nghiên cứu khoa học Pháp và Viện nghiên cứu đối chiếu Tây Bá Linh định gửi tôi về nước ghi âm nhạc truyền thống miền Bắc để thực hiện dĩa hát dưới nhãn hiệu Unesco. Cùng một lúc, anh Đỗ Nhuận, tổng thư ký hội nhạc sĩ Việt Nam có thư mời tôi về nước gặp gỡ các bạn nhạc sĩ trong hội. Năm đó, lần đầu tiên, tôi được diện kiến với anh Khoát, chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam.

Tuổi anh dạo ấy khoảng 60, nhưng tóc anh đã bạc, người cao mà gầy, má hơi cóp, vài nếp nhăn trên mặt, nhưng đôi mắt rất sáng, nụ cười rất tươi, và cái siết tay rất nồng hậu. Gặp tôi, anh nói chuyện rất cởi mở, như đã biết nhau từ lâu. Anh cho tôi biết hát chèo thì được phát triển mạnh, nhưng ca trù từ lâu rồi không có dịp được nghe nữa. Mấy hôm tôi nói chuyện về âm nhạc dân tộc Việt Nam tại trụ sở Hội nhạc sĩ, trên đài phát thanh, anh đều có đi nghe và rất tâm đắc với tôi ở điểm phải học hỏi nghiêm túc vốn cổ, để trên cơ sở vững chắc đó mình sáng tạo cái mới, không mất gốc mà phù hợp với cuộc sống hiện tại. Anh rất vui khi nghe tôi định ghi âm để thực hiện dĩa hát về chèo, ca trù và quan họ. Anh và tôi cũng đồng ý là truyền thống Việt Nam có những bộ gõ rất tinh vi. Mới gặp nhau sao mà thấy quá gần nhau trong thái độ đối với nhạc truyền thống như vậy?

Đến hôm tôi được phép ghi âm ca trù để thực hiện dĩa hát, thì hai anh em chọn lựa những bài phải ghi: Bắc phản, Mưỡu, Hát nói, Tỳ bà hành, v.v..., anh hết sức vui mừng. Vui hơn nữa khi anh được phép nói chuyện trên đài phát thanh về nghệ thuật ca trù vào tháng tư năm 1976, sau vài chục năm nghệ thuật ca trù bị im hơi vắng tiếng. Rồi đến mấy hôm họp mặt tại trụ sở Hội nhạc sĩ để chuẩn bị buổi ghi âm, bà Quách Thị Hồ, bà Nguyễn Thị Phúc hát, anh Đinh Khắc Ban đàn đáy, cụ Trúc Hiền nhịp trống. Tôi ghi âm, hai anh Đỗ Nhuận và Nguyễn Xuân Khoát nghe và góp ý kiến. Hôm đó (16.3.76), cụ Trúc Hiền có mấy câu thơ ghi lại

Ngày xuân gặp bạn Trần Khê
Ban đàn, Hồ hát hả hê tính tình
Trúc Hiền điểm trống xinh xinh
Ru hời bạn Phúc ra hình nhớ lâu
Nào nhả ngọc, nào phun châu
Lâm, Khê, Ban, Khoát nghiêng bầu tỉnh say
Trúc Hiền tặng mấy vần này.

Rồi đến ngày 21 tháng 4, tôi ghi âm ca trù tại phòng cách âm của Đài tiếng nói Việt Nam để làm dĩa hát cho Unesco. Anh ngồi nghe, góp ý kiến và vô cùng thích thú. Ngày 26 tháng 4, trong buổi tiệc chia tay với tôi, anh Khoát viết mấy dòng trong tập lưu niệm du ký của tôi như sau:

Để kỷ niệm buổi gặp cuối cùng thời gian vừa qua ,
anh Trần Văn Khê về nước.
Cám ơn anh!
Sự kiện anh về nước động viên tôi rất nhiều!
Nguyễn Xuân Khoát.

Hai anh em chúng tôi trong mấy hôm chuyện trò tâm tình, thấy có rất nhiều điểm tâm đắc:

1. Tuy được đào tạo theo phương pháp của Pháp, của Tây Âu mà không vọng ngoại, lại dùng kiến thức thu thập từ bên ngoài, cộng với khả năng của mình để tìm tòi, học hỏi, sưu tầm vốn cổ cha ông để lại. Anh được học chính qui tại Nhạc viện Pháp tại Viễn Đông (Conservatoire français d’Extrême Orient) do người Pháp tổ chức tại Hà Nội. Anh chuyên đàn contrebasse, loại vĩ cầm to nhất trong giàn nhạc giao hưởng và thường đánh nhạc khiêu vũ tại nhà hàng Taverne Royal ở Hà Nội. Trong những sáng tác đầu tay của anh, bài Bình Minh (1938) hay bài Con cò đi ăn đêm (1939), ta đã nhận thấy chỗ anh dùng thang âm ngũ cung, loại thang âm ta thường gặp trong dân ca Việt Nam. Anh đã phổ nhạc những bài ca dao quen thuộc như Con voi (1939), Thằng Bờm (1940) thằng Bờm có cái quạt mo... Lúc ấy anh đã bắt đầu tìm hiểu dân ca đồng bằng bắc bộ, học hát chèo, tìm hiểu ca trù, học đánh phách, nên anh đã phổ nhạc ca dao chứ chưa nghĩ đến việc sáng tác nhạc mới. Có lẽ vì thế mà trong thời gian tôi học Y tại Hà Nội, đang say sưa với Lưu Hữu Phước trong việc phổ biến những bản Bạch Đằng Giang, Chi Lăng, mà không có dịp gặp gỡ hay tiếp xúc với anh. Nhưng sau này, tuy học phương pháp nghiên cứu âm nhạc tại đại học Sorbonne, tôi dùng kỹ thuật sưu tầm nghiên cứu âm nhạc để ghi chú, tìm hiểu các điệu hò lý, dân ca cổ nhạc miền nam. Anh thường bảo tôi rằng tôi may mắn hơn anh ở chỗ tôi xuất thân trong một gia đình 4 đời nhạc sĩ, còn anh lớn lên mới tìm đến dân ca đồng bằng bắc bộ, hát chèo hay ca trù. Có điểm khác nhau là tôi đi vào nghiên cứu, còn anh đi vào lĩnh vực sáng tác. Anh đi sát với kháng chiến, tôi lưu lạc nơi xứ người. Trong mấy ngày đầu của cuộc kháng chiến thứ nhứt, anh đã sáng tác: Tiếng chuông nhà thờ (1946), Mừng bộ đội chiến thắng (1948), và những bài phỏng theo dân ca miền bắc như Hò kiến thiết (1958).

2. Anh và tôi đều say mê nhạc dân tộc, tìm hiểu, hấp thụ, tiêu hoá nhạc dân tộc, học nhạc cổ, không phải vì nệ cổ, mà tạo cho mình một cơ sở vững vàng để dựa trên truyền thống mà sáng tạo cái gì mới hơn. Lúc anh viết nhạc nền cho ca kịch Những bức thư tình vào thời kỳ tiền chiến, anh chưa mạnh dạn dùng những nhạc cụ hay yếu tố ngôn ngữ nhạc dân tộc như trong khi anh viết nhạc cho phim hoạt hoạ ông Gióng, Sơn Tinh Thuỷ Tinh. Trong phim ông Gióng, anh cho đàn bầu và đàn xen-lô (violoncelle) thay phiên nhau mà phụ hoạ những lời hát ru của Mẹ Gióng. Có đoạn anh dùng toàn bộ gõ. Trong phim Sơn Tinh Thuỷ Tinh, cạnh bên nhạc khí tây phương như vĩ cầm (violon), trung vĩ cầm (violoncelle), kèn fagotto, anh dùng đàn bầu và toàn bộ gõ Việt Nam như trống đế của chèo, trống con, trống cái, sênh tiền, thanh la. Anh còn soạn một bản nhạc hoà tấu cho dàn nhạc dân tộc tựa là Dưới bầu trời Thủ đô, để theo ý anh, xem nhạc khí truyền thống có khả năng diễn tả hay thể hiện một đề tài hiện đại hay không.

3. Anh và tôi đều cho rằng bộ gõ và quan điểm Việt Nam về tiết tấu là một ưu điểm trong âm nhạc Việt Nam. Đồng thời với nguyên tắc biểu diễn “chân, phương, hoa, lá”, chúng ta có một phương châm biến khúc và phát triển tiết tấu rất độc đáo. Và anh chẳng những đã sử dụng bộ gõ một cách thần tình và đầy sáng tạo khi viết nhạc cho phim hoạt hoạ, mà anh còn sáng tác những bài đặc biệt riêng cho bộ gõ như Suýt lỡ hẹn, tiểu phẩm cho ô nhạc cụ gõ truyền thống, Tiếng pháo giao thừa, soạn đặc biệt cho ban nhạc gõ Phù Đổng.

Từ năm 1976 đến nay, mỗi lần tôi về nước làm việc, có dịp đến Hà Nói là tôi đều có đến thăm anh tại tư gia của anh. Năm 1982, khi tôi mang máy video của Trung tâm nghiên cứu khoa học Pháp về nước quay tài liệu nhạc học, anh Lưu Hữu Phước cùng đi với tôi đến nhà anh Khoát và ghi lại hình anh vui cười nói chuyện với chúng tôi, giới thiệu cháu ngoại của anh.

Hỏi thăm về những sáng tác cũ của anh như Tiếng chuông nhà thờ hay bài anh phổ nhạc bài thơ Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ, anh từ tốn nói lại những suy tư của anh khi sáng tác những nhạc phẩm ấy. Khi nói tới vốn cổ dân tộc, lúc nào anh cũng say mê và khen ông cha ta đã có nhiều sáng tạo thần tình trong thời đại của các cụ. Bàn đến tương lai thì nhiều lúc anh nói say sưa, đôi mắt mở to, tiếng anh vang lên sang sảng, nhiệt huyết như bừng sôi. Lúc ấy, anh trẻ lạ thường. Và tôi cũng vậy. Hai anh em khi bàn đến những điều muốn mà chưa thực hiện được thì cả hai đều sôi nổi, hào hứng như sẽ hoặc đã thực hiện rồi. Thấy tương lai còn như nhìn hiện tại hay quá khứ. Anh khuyên tôi nên cố gắng tiếp tục nghiên cứu và nghĩ đến việc sáng tác. Tôi có nói với anh là tôi chỉ là người gom góp vật liệu đã có từ xưa để cho các nhạc sĩ sáng tác như anh Khoát và nhiều bạn khác dùng vật liệu xưa mà sáng tác cho thế hệ mai sau, mỗi người trong một lĩnh vực, nhưng hai anh em chúng tôi, cùng đi trên một đoạn đường, cũng nhìn về một hướng, dầu xa nhau trong cuộc sống nhưng rất gần nhau trong hoài bão, nguyện vọng liên quan đến sự phát triển của âm nhạc truyền thống dân tộc Việt Nam.

Anh đã vĩnh viễn ra đi theo quy luật thiên nhiên của tạo hoá, có sinh thì có tử, có thành thì có hoại. Thương tiếc cho mấy cũng không làm cho anh tìm lại được sự sống. Nhưng với tôi, sự nghiệp nghiên cứu và sáng tác của anh sẽ tồn tại, bất tử và anh đã trọn vẹn bổn phận làm dân lúc nước nhà gặp cơn biến, của người nghệ sĩ, nhận của xã hội đã hết lòng cho lại xã hội, tằm nhả tơ dệt lụa dệt gấm cho đời để trả nợ dâu, cuộc đời của anh, kinh nghiệm nghiên cứu và sáng tác của anh sẽ là tấm gương sáng cho thế hệ mai sau.

Có cần chăng chúc anh tiêu diêu nơi cõi thọ? Chắc chắn rằng anh sẽ tiêu diêu nơi cõi thọ. Chỉ có mấy dòng thành thật và thiết tha chia buồn cùng tang quyến và nhắn nhủ các bạn trẻ Việt Nam học nhạc, cố làm sao đi tiếp tục con đường anh Khoát đã đi, để mai sau, không những có một Nguyễn Xuân Khoát mà có nhiều Nguyễn Xuân Khoát, để giá trị nghệ thuật, giá trị khoa học của truyền thống Việt Nam được sáng tỏ, để cho sự tiến triển của truyền thống Việt Nam có một nền tảng dân tộc vững chắc, một bản sắc dân tộc rõ rệt, không bị rơi vào con đường nhỏ hẹp, vào mảnh đất hoang của âm nhạc mất gốc, ngoại lai. Như vậy, dưới suối vàng hay ở chốn Niết bàn hoặc Thiên đàng, hương hồn anh Khoát sẽ được hài lòng.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us