Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 21 / Thay đổi trong ổn định

Thay đổi trong ổn định

- Nguyễn Hương — published 10/02/2011 00:45, cập nhật lần cuối 05/03/2011 23:21


Thay đổi trong ổn định


Nguyễn Hương

 

Trong bài phỏng vấn do ông Stein Tønnesson (bản dịch đăng trên DĐ số 20), ông Diệu đặt hy vọng vào tinh thần “ trách nhiệm về tiền đồ dân tộc” của mọi người Việt Nam, kể cả đảng cộng sản Việt Nam. Ông Diệu vạch ra những nguyên tắc và thước đo cho một nền dân chủ như phải có đối lập (trong hình thức lưỡng đảng hay lưỡng cực), dân đầu phiếu để chọn lãnh đạo, người dân được ra tranh cử và có đầy đủ quyền công dân, kết quả phản ánh dư luận hình thành qua các hình thức tranh luận trên các phương tiện truyền thông, hội họp, vân vân. Ông mong Đảng Cộng sản Việt Nam có khả năng giữ bản chất yêu nước: tôn trọng các quyền tự do cơ bản và tổ chức bầu cử tự do, vì một hệ thống độc tài đảng trị không phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường.

Tại sao lại đặt hy vọng vào khả năng thay đổi của đảng? (1) Vì Việt Nam không có những lực lượng xã hội nào khác có khả năng đối lập cũng như mở hướng đi mới cho dân tộc. Và (2), vì Việt Nam phải “ thay đổi trong ổn định” (từ ngữ này có vẻ không ổn – có cái gì khúc mắc ở chỗ “ đổi” “định”, có lẽ “thay đổi trong trật tự” có vẻ hợp lý hơn?)

Đến đây, tôi đã phải đặt câu hỏi tại sao ông Diệu cho rằng không thể đặt hy vọng vào những lực lượng xã hội độc lập với đảng? Khi được hỏi về Quốc hội, ông Diệu cho rằng Quốc hội chưa có khả năng độc lập khi cuộc thảo luận vẫn không vượt qua lằn ranh đảng vạch. Khi được hỏi về vai trò trí thức, ông Diệu rất bi quan: trí thức thời Tây không còn ảnh hưởng, trí thức thời thịnh của chủ nghĩa xã hội chỉ là những chuyên viên không có thói quen suy nghĩ độc lập, trí thức miền Nam cũ thì phần đông đã bỏ đi, và như thế đã rời xa nhân dân, trí thức mầm non của thời đổi mới thì chưa đủ thời gian hình thành một lực lượng xã hội. Vì thế, đảng là lực lượng duy nhất có thể biến cái xã hội bằng cách từ bỏ độc quyền lãnh đạo.

Đảng không chối đảng có khả năng làm cách mạng từ trên xuống. Nhưng đảng luôn la to rằng có những ràng buộc không thể cởi: “ buông ra là loạn.” Mà Việt Nam thì không thể chịu đựng hỗn loạn: “ ổn định xã hội để phát triển kinh tế”. Không ổn định thì không có bát cơm người dân, không có tương lai đất nước. Có lẽ ai cũng có lúc phải đặt câu hỏi: tại sao buông ra là loạn?

Câu trả lời chính xác nhất có lẽ là thái độ bi quan của ông Diệu về các lực lượng xã hội. Chắc chắn, ông Diệu không bi quan vô cớ. Quả thật từ khi đảng - nhà nước thu nhỏ ảnh hưởng, không thấy có những tổ chức, hội đoàn ngoài đảng duy trì được khả năng khởi xướng thảo luận, quảng bá ý kiến, nói chi đến ảnh hưởng chính sách để chính sách phản ánh phần nào công luận. Tại sao không có những tổ chức như thế tồn tại? Tại Việt Nam lạc hậu thiếu thói quen dân chủ chăng? Chắc chắn, những tên gọi đã biến thành khá quen thuộc với chúng ta như Truyền Thống Kháng Chiến, Diễn Đàn Tự Do phủ nhận giải đáp trên. Lý do tại sao các nhóm này không tồn tại và Việt Nam không có công luận không phải là điều bí hiểm. Cô lập, giam lỏng (Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng, Dương Thu Hương...), bỏ tù (Nguyễn Đan Quế, Đoàn Viết Hoạt...) không phải là những phương thức đàn áp mới mẻ gì.

Vậy phải chăng đảng buông ra là loạn vì không có lực lượng xã hội thay thế vai trò lãnh đạo; và không có lực lượng xã hội vì đảng không tôn trọng những quyền tụ do cơ bản của người công dân được ghi rõ trong hiến pháp Việt Nam như tự do công luận, tự do hội họp? Sự hình thành một xã hội công dân không trực thuộc hệ thống đảng - nhà nước để từ đó hình thành lực lượng chính trị đối lập có khả năng cho người dân có sự chọn lựa, tất cả đều dựa trên một điều duy nhất: nhà cầm quyền phải tôn trọng các quyền tự do cơ bản. Không có những lực lượng xã hội có khả năng chuyên chở quyền lợi, nguyện vọng các phần tử xã hội, thì thay đổi mang đầy tính bất trắc. Thiên An Môn là một thí dụ. Có lẽ đa số chúng ta đều đồng ý là giai đoạn bàn cãi có nên thay đổi hay không đã qua, và vấn đề hiện nay chỉ là thay đổi như thế nào. Bất cứ sự thay đổi sâu xa nào cũng mang mầm mống bất ổn, bất kể đó là thay đổi từ trên xuống hay từ dưới lên. Trường hợp thiên về từ dưới lên thì tương đối dễ thấy. Trường hợp phía trên còn nắm được tiến trình thay đổi như Việt Nam và Trung Quốc cũng không phải là thay đổi trong ổn định. Chính quyền phải đương đầu với hết biến cố này đến biến cố khác bằng cách xoa dịu (thoả mãn đòi hỏi trong giới hạn hẹp và ngay từ đầu để tránh gia tăng cường độ chống đối), hay đàn áp. Những dấu hiệu chống đối âm ỉ, những rối loạn đạo đức xã hội không cho chúng ta an tâm rằng đấy là một xã hội đang thay đổi trong ổn định.

Lý do tại sao không có ổn định trong tiến trình thay đổi sâu xa rất phức tạp. Đại khái ta có thể đoán được hai lý do chính liên hệ mật thiết với nhau. Những giá trị cũ (dân chủ, tự do “thật sự” như chủ nghĩa xã hội đề cao), và những giá trị mới (làm giàu là vinh quang), cả hai thứ giá trị này đều không có những phương thức chính đáng đi kèm để những cá nhân có thể dựa vào như một hệ thống luân lý đạo đức để hành xử trong xã hội. Một là thiếu những phương thức được cho là chính đáng để đạt đến những giá trị dân chủ tự do, hai là thiếu những cơ hội để làm giàu một cách chính đáng. Cả hai đều làm tăng sự thất thường trong cách hành xử. Kết quả là một xã hội long lở bản lề về cả mặt cấu trúc chính trị và xã hội lẫn luân lý. Không có một sự đồng thuận tối thiểu về tính chính đáng của những giá trị và cách hành xử trong xã hội dẫn đến sự thiếu vắng đồng thuận về tính chính đáng của cơ cấu chính trị xã hội. Không có sự công nhận tính chính đáng của cơ cấu chính trị xã hội thì cái giá mà nhà cầm quyền phải trả để duy trì sự thuần phục của nhân dân sẽ ngày càng lên cao.

Dĩ nhiên nhà cầm quyền có thể duy trì tính chính đáng của quyền lực bằng cách khác – như biện hộ cho độc quyền cai trị bằng nhu cầu ổn định chính trị để phát triển kinh tế chẳng hạn. Nhưng ngoài vấn đề “ổn định”, đây có thật là ổn định hay không, thì nhu cầu phát triển kinh tế cũng không phải là căn bản vững chãi cho tính chính đáng của nhà cầm quyền. Nó sẽ lên khi kinh tế lên, xuống theo kinh tế xuống. Đó là chưa kể cái nhìn của người dân về sức khoẻ của nền kinh tế khi họ đã đinh ninh là có thể dễ dàng làm giàu khi thực tế không phải vậy cho một số đông đáng kể.

Làm sao để giải quyết vấn đề đồng thuận về hệ thống đạo đức luân lý hướng dẫn cung cách hành xử chính đáng? Những giá trị xã hội và những phương thức để đạt chúng phải được bàn soạn và đánh giá trên một diễn đàn rộng mở và tự do. Diễn đàn này phải được kèm bởi những tổ chức, hội đoàn có khả năng quảng bá cũng như cơ cấu hoá những giá trị (cứu cánh) và cung cách hành xử chính đáng (phương tiện chính đáng). Cơ cấu chính trị phải nhịp nhàng thay đổi để phản ánh và tạo điều kiện thoả mãn những giá trị đã được số đông chấp nhận.

Cả hai phần của “xã hội công dân” này (diễn dàn thảo luận và các tổ chức) đều đòi hỏi người dân phải được hưởng những quyền tự do cơ bản nêu trên. Như thế, tôi nghĩ “ thay đổi trong ổn định” đòi hỏi chính quyền phải tôn trọng các quyền tự do cơ bản. Trước khi có những lực lượng xã hội hình thành, đảng có nắm chặt lắm thì vẫn không thể gọi là ổn định, và đảng mà lập tức bỏ độc quyền cai trị, tổ chức bầu cử như ông Diệu đề nghị thì khả năng loạn như đảng cứ la làng quả thật là có. Trong khi đó, nếu nhà cầm quyền tôn trọng quyền tự do công dân, thì nền tảng cho thay đổi trong trật tự thật sự sẽ hình thành với sự xuất hiện của một “xã hội công dân.”

Do đó trong giai đoạn này, tôi thiết nghĩ đòi hỏi đảng - nhà nước phải triệt đối tôn trọng quyền công dân là điều hợp lý cho cả hai phe muốn xã hội đổi mới theo chiều hướng dân chủ và phe muốn giữ cái ghế quyền lực cho đảng. Tạm thời trong thời gian chờ đợi sự phát triển của “xã hội công dân” làm nền tảng cho công cuộc thay đổi trong chiều hướng dân chủ hoá, đảng có thể danh chính ngôn thuận cai trị trong giai đoạn chuyển tiếp. Như thế đảng và đảng viên có thể tạo cho mình hình ảnh tốt đẹp để một khi phải tranh quyền trong khuôn khổ đầu phiếu dân chủ thật sự (một điều không chóng thì chày), khả năng đắc cử được nâng cao.

Sự tôn trọng quyền tự do căn bản của người công dân, do đó nên là điểm cần được nhấn mạnh và tạm tách rời ra khỏi đòi hỏi đảng phải bỏ quyền cai trị và tổ chức bầu cử ngay. Một cuộc bầu cử như thế ngay bây giờ, nếu không gây loạn, cũng không cho người dân sự chọn lựa thật sự. Sự tôn trọng các quyền tự do này cho phép sự hình thành của những lực lượng xã hội chính trị như giới trí thức. Trong một môi trường mở rộng như thế, ông Diệu sẽ không phải than phiền rằng không có giới trí thức, rằng trí thức miền Nam không có vai trò vì bỏ chạy (họ sẽ không có lý do phải bỏ chạy). Giữa lúc phiên toà xử Đoàn Viết Hoạt và nhóm Diễn Đàn Tự Do được sự chú ý của mọi người, ông Diệu nên nghĩ lại về vai trò của trí thức không thuộc quá khứ miền Bắc trước khi vội vàng kết luận.

Nhưng dù thế nào đi nữa, ông Diệu là người (hiếm hoi) giữ nóng cuộc tranh luận về dân chủ tại Việt Nam, tạo cơ hội cho những người Việt Nam khác chính kiến có cơ hội đối thoại về tương lai chung.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss